Những thách thức cần khắc phục để DN tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu qua TMĐT
Kinh tế số - Ngày đăng : 06:15, 24/05/2024
Những thách thức cần khắc phục để DN tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu qua TMĐT
Nhờ vào sự năng động, khả năng sản xuất tốt, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt đã gặt hái thành công lớn trong xuất khẩu qua thương mại điện tử (TMĐT). Tuy nhiên, vẫn còn đó những thách thức mà DN phải đối mặt như hạn chế trong kỹ năng bán hàng trực tuyến hay xu thế chuyển đổi xanh của thế giới.
DN Việt Nam không ngừng đổi mới, mở rộng và đa dạng hóa danh mục sản phẩm
Theo ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, DN Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trên thị trường TMĐT quốc tế, nhờ vào một loạt các điểm mạnh đặc trưng. Trước hết, DN Việt Nam nổi bật với sự năng động và nhanh nhạy trong việc tiếp cận các thị trường mới. Họ không ngại thử nghiệm và tìm kiếm cơ hội trong các thị trường TMĐT xuyên biên giới, điều này giúp họ dễ dàng nắm bắt và khai thác các xu hướng mới nhất.
Ngoài ra, DN Việt Nam còn có năng lực sản xuất và cung ứng tốt, đặc biệt trong các ngành hàng mũi nhọn như gỗ và dệt may. Khả năng này cho phép họ đáp ứng nhanh chóng và hiệu quả các đơn hàng lớn từ thị trường quốc tế, đồng thời duy trì chất lượng sản phẩm ở mức cao, không thua kém so với các nước phát triển khác. Chất lượng sản phẩm luôn được coi trọng, đảm bảo đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của người tiêu dùng toàn cầu.
Một điểm mạnh khác của DN Việt Nam là sự tập trung vào khách hàng. Họ luôn đặt khách hàng làm trọng tâm, chú trọng đến việc đáp ứng nhu cầu và mong muốn của khách hàng, từ đó tạo dựng lợi thế cạnh tranh bền vững. Khả năng thích ứng linh hoạt của DN Việt Nam với những thay đổi của thị trường và môi trường kinh doanh cũng là một yếu tố quan trọng, giúp họ duy trì và mở rộng thị phần trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
“Nhờ những điểm mạnh này, DN Việt Nam không ngừng đổi mới, mở rộng và đa dạng hóa danh mục sản phẩm, từ đó tạo ra những cơ hội mới và bền vững trên Amazon. Đồng thời, họ cũng trang bị cho mình các kỹ năng cần thiết để tham gia và thành công trong TMĐT xuyên biên giới. Chính sự nỗ lực không ngừng và tinh thần đổi mới sáng tạo đã giúp DN Việt Nam tiến bước vững chắc trên con đường hội nhập quốc tế, mang lại nhiều giá trị và thành công vượt trội”, ông Gijae Seong nói.
Thách thức đáp ứng xu hướng lựa chọn sản phẩm xanh và bền vững của khách hàng quốc tế
Tuy vậy, DN Việt Nam hiện vẫn đang đối mặt với nhiều hạn chế khi bán hàng TMĐT xuyên biên giới. Trước hết, đó là hạn chế về kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ DN tới khách hàng (B2C). DN chủ yếu tập trung vào xuất khẩu B2B và do đó, không quen với việc sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thay đổi nhanh chóng của khách hàng B2C. Thêm vào đó, kỹ năng bán hàng trực tuyến cũng còn nhiều thiếu sót.
“DN thường tham gia thị trường quốc tế với tâm lý thử bán. Vì thế, họ thiếu kế hoạch kinh doanh dài hạn, dẫn đến hiệu quả kinh doanh không cao”, ông Gijae Seong cho biết.
Một hạn chế khác là quy mô của các DN. Đa số các DN Việt Nam là DN nhỏ và vừa, với năng lực tiếp thị và xúc tiến thương mại còn yếu kém. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của họ trên các nền tảng TMĐT lớn như Amazon.
Là một ngành hàng có mức tăng trưởng xuất khẩu cao trên Amazon, tuy nhiên, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, cho biết số lượng DN tham gia thương mại xuyên biên giới còn hạn chế. Đa số DN ngành gỗ là các DN nhỏ và vừa, chủ yếu gia công từ các đơn hàng đặt từ bên ngoài. Trong khi đó, công nghiệp gỗ vẫn dựa vào một số lợi thế đang cạn dần, như nguyên liệu từ vùng trồng của người nông dân nên giá tương đối rẻ, trong khi năng lực tiếp thị và xúc tiến thương mại của DN còn yếu kém.
Bên cạnh đó, các ngành hàng mũi nhọn như gỗ và dệt may cũng gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu do phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng và môi trường. Về vấn đề này, Amazon Global Selling Việt Nam cho biết nền tảng có những biện pháp hỗ trợ trong khâu logistics và đóng gói, để giúp DN tiến tới đạt tăng trưởng bền vững, xanh.
Cụ thể, Amazon cung cấp các công cụ và chương trình hỗ trợ DN đạt được tăng trưởng bền vững và xanh. Một trong những sáng kiến của Amazon là "Ship in Product Packaging" (SIPP). Theo đó, khi các DN sử dụng phương thức Fulfillment by Amazon (FBA), sản phẩm của họ sẽ được gửi đến các trung tâm hoàn thiện đơn hàng của Amazon. Tại đây, Amazon sẽ đóng gói và vận chuyển sản phẩm đến khách hàng.
Thông thường, ngoài sản phẩm của khách hàng, Amazon sẽ còn phải đóng gói thêm một chiếc hộp tiêu chuẩn của Amazon bên ngoài nữa, để bảo vệ hàng hóa. Vì thế, các nhà bán hàng được khuyến khích sử dụng hộp đóng gói đúng tiêu chuẩn của Amazon. Điều này giúp Amazon không phải sử dụng thêm một lớp đóng gói, tiết kiệm vật liệu và giảm thiểu lượng rác thải.
“Với quá trình này, các DN sẽ đạt lợi ích thứ nhất là sản phẩm khi đến tay khách hàng, thương hiệu của DN sẽ tiếp cận ngay lập tức với khách hàng mà không cần qua lớp hộp của Amazon. Thứ hai là giúp giảm thiểu việc sử dụng hộp carton đóng gói thêm”, ông Gijae Seong giải thích.
Ngoài ra, Amazon cũng cung cấp chứng nhận dành cho DN có sản phẩm đạt tiêu chuẩn phát triển bền vững và hữu cơ. Các sản phẩm này, sau khi đã được chứng nhận hưu cơ, sẽ được gắn nhãn trên Amazon. Điều này giúp tăng lưu lượng truy cập lên đến 10% cho các DN, vì khách hàng quốc tế có xu hướng tìm kiếm và lựa chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường. Ví dụ, tại Việt Nam, đã có DN như LAFOOCO đạt chứng nhận này cho sản phẩm hạt điều hữu cơ, giúp họ tiếp cận gần hơn với khách hàng quốc tế.
Những nỗ lực này không chỉ giúp DN nâng cao nhận diện thương hiệu mà còn thúc đẩy phát triển bền vững, đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện đại.
Tầm nhìn và lộ trình để DN xuất khẩu qua TMĐT
Để khắc phục những hạn chế trong xuất khẩu qua TMĐT xuyên biên giới, các chuyên gia tại phiên thảo luận cho rằng DN Việt Nam cần thay đổi tư duy, xây dựng thương hiệu Việt Nam và có kế hoạch kinh doanh dài hạn, chiến lược marketing phù hợp để có thể cạnh tranh hiệu quả trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, nâng cao năng lực tiếp thị và xúc tiến thương mại cũng là một giải pháp quan trọng. Cuối cùng, DN nên hợp tác với các đối tác có kinh nghiệm để bán hàng trên Amazon, tận dụng kiến thức và kỹ năng của họ để cải thiện hiệu quả kinh doanh.
Những biện pháp này sẽ giúp DN Việt Nam khắc phục được những hạn chế hiện tại và tận dụng tốt hơn các cơ hội mà thị trường TMĐT quốc tế mang lại. Chỉ khi đó, họ mới có thể thực sự khẳng định vị thế của mình trên các nền tảng lớn như Amazon.
Được biết, đối với tầm nhìn và lộ trình của Amazon giúp DN Việt Nam phát triển xuất khẩu TMĐT, Amazon sẽ tập trung vào 4 trụ cột chính. Thứ nhất là ươm mầm nguồn nhân lực TMĐT xuyên biên giới, với các hoạt động như đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong lĩnh vực TMĐT xuyên biên giới; hỗ trợ các DN Việt Nam tiếp cận với các chương trình đào tạo và nguồn lực phát triển.
Thứ hai là thúc đẩy mạng lưới nhà cung cấp dịch vụ TMĐT xuyên biên giới, phát triển các chương trình hỗ trợ cho các DN cung cấp dịch vụ TMĐT. Thứ ba là chương trình kết nối và tăng cường nội lực cho sản xuất địa phương, phát triển các chương trình hỗ trợ cho các DN sản xuất địa phương nâng cao năng lực cạnh tranh. Và thứ tư là quảng bá thương hiệu Việt Nam ra thế giới./.