Sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí nhằm bao quát những vấn đề mới phát sinh

Truyền thông - Ngày đăng : 09:40, 27/05/2024

Sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho báo chí hoạt động, phát triển; đồng thời bổ sung quy định để điều chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, đặc biệt là việc bao quát được sự phát triển của truyền thông và báo chí hiện đại.
Truyền thông

Sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí nhằm bao quát những vấn đề mới phát sinh

Trường Thanh {Ngày xuất bản}

Sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho báo chí hoạt động, phát triển; đồng thời bổ sung quy định để điều chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, đặc biệt là việc bao quát được sự phát triển của truyền thông và báo chí hiện đại.

Theo Bộ TT&TT, Luật Báo chí năm 2016 đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí phát triển; quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và luật định. Tuy nhiên, sau hơn 7 năm thực hiện, quá trình triển khai thi hành, một số quy định của Luật Báo chí đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn của báo chí dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.

Trước yêu cầu đó, Bộ TT&TT đã có báo cáo số 57/BC-BTTTT ngày 30/3/2022 báo cáo Chính phủ về kết quả nghiên cứu, rà soát Luật Báo chí năm 2016 và kiến nghị sửa đổi, bổ sung những nội dung, nhóm nội dung có quy định bất cập, không phù hợp với thực tiễn của pháp luật báo chí.

Mới đây, vào đầu tháng 4/2024, Bộ TT&TT cũng đã có báo cáo số 47/BC-BTTTT tổng kết thi hành Luật báo chí; báo cáo số 48/BC-BTTTT đánh giá tác động của chính sách đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) báo cáo Chính phủ.

dsc_3651.jpg
Hình ảnh phóng viên (PV) tác nghiệp tại một sự kiện. Ảnh: Anh Đức.

Một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Báo chí 2016

Theo Bộ TT&TT, một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Báo chí 2016 có thể kể đến như sau:

Về chính sách của Nhà nước phát triển báo chí: Hiện nay, chi ngân sách cho báo chí còn thấp (chi thường xuyên dưới 0,5%, chi đầu tư dưới 0,3%). Một số cơ quan báo chí lớn chưa có đặt hàng từ ngân sách mong muốn Nhà nước đặt hàng 30%, còn lại 70% là từ thị trường. Trong khi đó, nguồn thu từ quảng cáo báo chí sụt giảm, đặc biệt là báo in. Nguồn thu từ quảng cáo trực tuyến từ cơ quan báo chí chỉ còn khoảng 30%, 70% quảng cáo trực tuyến đã rơi vào tay các nền tảng xuyên biên giới...

Khoản 3, Điều 5 Luật Báo chí quy định: Nhà nước đặt hàng báo phục vụ chính trị, an ninh quốc phòng, thông tin đối ngoại.... trong khi đó theo quy định bảo vệ cơ chế tài chính thì còn cả phương thức giao nhiệm vụ, đấu thầu, do đó cần hoàn thiện đầy đủ.

Về nội dung quy định cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam, cơ quan chủ quản báo chí: Điều 18, Điều 31 Luật Báo chí quy định về việc cấp các loại giấy phép trong hoạt động báo chí. Tuy nhiên, chưa có quy định về việc thu hồi giấy phép khi cơ quan báo chí không còn bảo đảm các điều kiện hoạt động.

Về quy định văn phòng đại diện (VPĐD), PV thường trú: Điều 22 Luật Báo chí quy định về điều kiện và hoạt động của VPĐD, PV thường trú, song thực tế triển khai thời gian qua cũng còn nhiều tồn tại, bất cập.

Luật Báo chí chưa quy định giới hạn số lượng VPĐD, PV thường trú hoặc quy mô cơ quan báo chí như thế nào thì được thành lập VPĐD; chưa quy định cụ thể một người không được làm trưởng văn phòng của nhiều VPĐD khác nhau. Vì vậy, mô hình VPĐD không thống nhất, có nơi đại diện tại một địa phương, có nơi đại diện khu vực gồm nhiều tỉnh, thành. Nhiều VPĐD chỉ có Trưởng văn phòng có thẻ nhà báo, còn lại PV thuộc văn phòng là nhân viên quảng cáo hoặc cơ quan báo chí ký với các cá nhân không có chuyên môn, nghiệp vụ về báo chí làm cộng tác viên, không đáp ứng được yêu cầu về năng lực và trình độ của người làm báo...

Về quy định hoạt động tác nghiệp báo chí: Điều 27 Luật Báo chí quy định về điều kiện, tiêu chuẩn được xét cấp thẻ nhà báo. Điều kiện, tiêu chuẩn để được cấp thẻ nhà báo tại Luật Báo chí hiện hành đã đơn giản hơn, từ yêu cầu 3 năm công tác và phải có hợp đồng dài hạn tại cơ quan báo chí xuống còn 2 năm công tác liên tục tại cơ quan báo chí. Song, chưa có quy định yêu cầu về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí trước khi cấp thẻ nhà báo lần đầu.

Về quy định tạp chí khoa học: Khoản 16, Điều 3 và Khoản 2, Điều 14 quy định về khái niệm và đối tượng thành lập tạp chí khoa học.

Các tạp chí khoa học hiện chiếm đến 37% tổng số cơ quan báo chí, mang tính đặc thù hơn so với các sản phẩm báo chí thông thường khác với chức năng chính là công bố kết quả nghiên cứu khoa học, thông tin về hoạt động khoa học chuyên ngành. Tuy nhiên, các quy định của Luật Báo chí về tạp chí khoa học còn chưa đầy đủ để tạo cơ sở cho sự phát triển của sản phẩm này; chưa quy định về tiêu chí và điều kiện bảo đảm chất lượng khoa học, chưa quy định trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc bảo đảm chất lượng khoa học...

Về một số quy định khác trong Luật Báo chí: Điểm c, khoản 2 Điều 23 Luật Báo chí quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí là có thẻ nhà báo (trừ tạp chí thuộc tổ chức tôn giáo, tạp chí khoa học). Quy định này chưa phù hợp với thực tế đối với một số cơ quan báo chí đặc thù, nhất là cơ quan báo chí trực thuộc tỉnh uỷ, thành uỷ, UBND cấp tỉnh, nhân sự từ cơ quan, đơn vị khác không có thẻ nhà báo được luân chuyển, điều động làm người đứng đầu cơ quan báo chí.

cover1.jpg
Nguồn: baotintuc.vn.

Cần có quy định bảo đảm sự phát triển chung và công bằng giữa báo chí với các loại hình truyền thông khác

Đối với quy định về đối tượng, điều kiện thành lập; mô hình hoạt động, cơ cấu tổ chức, cơ chế kinh tế - tài chính của cơ quan báo chí, Luật Báo chí chưa bao quát hết các mô hình, vấn đề của truyền thông hiện đại.

Đơn cử như việc tổ chức và hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, truyền thông đa phương tiện; báo chí công nghệ, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và cung cấp nội dung xuyên biên giới; hội tụ về nhân lực, hạ tầng, công nghệ, nguồn dữ liệu, sản xuất nội dung để phát huy được sức mạnh tổng hợp của nhiều loại hình báo chí, các nền tảng công nghệ, các phương thức truyền thông mới… là xu thế phát triển của báo chí hiện đại thì Luật Báo chí hiện hành chưa bao quát hết.

Hiện nay, ngoài 4 loại hình báo chí quy định trong Luật Báo chí, còn có nhiều loại hình hoạt động thông tin có tính chất như báo chí như: Mạng xã hội (MXH), trang thông tin điện tử (web), ứng dụng (app) trong nước và xuyên biên giới cung cấp thông tin, video, chương trình phát thanh, truyền hình...

Nhiều cơ quan báo chí chủ động xây dựng app tự phân phối nội dung trên Internet, hoặc mở thêm kênh phân phối nội dung báo chí trên các nền tảng MXH (mở kênh trên Youtube, TikTok, mở fanpage trên Facebook, Lotus, Zalo…). Đây là một xu thế tất yếu của quá trình chuyển đổi số (CĐS) báo chí để lan toả nội dung báo chí đến người đọc theo những phương thức mới, khai thác nguồn thu quảng cáo bổ sung từ phương thức này.

Tuy nhiên, xu thế này đặt ra nhiều vấn đề cho công tác quản lý, đặc biệt là khi xảy ra sai sót hoặc tranh chấp trên những nền tảng xuyên biên giới chưa tuân thủ pháp luật Việt Nam. Do đó, Luật Báo chí cần có những quy định quản lý phù hợp bảo đảm mặt bằng phát triển chung và công bằng giữa báo chí với các loại hình truyền thông khác, cũng như điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh để phù hợp với sự phát triển của báo chí hiện nay.

Một vấn đề nữa là, hiện chưa có quy định về thúc đẩy CĐS báo chí. Trong khi đó, nhiều cơ quan báo chí hiện nay, đã bắt đầu thực hiện CĐS trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ bằng việc ứng dụng các công nghệ số nhằm thay đổi phương thức vận hành, quản lý, cũng như quy trình sản xuất và phân phối nội dung, thực hiện các mô hình kinh doanh báo chí... Những công nghệ số này đã và đang tạo ra môi trường cho báo chí phát triển theo các xu hướng báo chí: Cá nhân hóa nội dung; đa nền tảng; báo chí di động; báo chí dữ liệu; báo chí sáng tạo; siêu tác phẩm báo chí...

Sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho báo chí hoạt động, phát triển

Tại hội thảo “Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi Luật Báo chí 2016” diễn ra tháng 6/2023 do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và Tạp chí TT&TT, Bộ TT&TT sáng kiến tổ chức, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học công nghệ, truyền thông hiện đại, một số quy định của Luật Báo chí đã bộc lộ bất cập, chưa đáp ứng được thực tiễn hoạt động báo chí. Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí để phù hợp với thực tiễn hoạt động báo chí và đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Thực tế, ngày 30/3/2022, Bộ TT&TT đã có báo cáo số 57/BC-BTTTT báo cáo Chính phủ về kết quả nghiên cứu, rà soát Luật Báo chí năm 2016 và kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Báo cáo nêu đã ra 27 nội dung, nhóm nội dung có quy định bất cập, không phù hợp với thực tiễn của pháp luật báo chí.

“Những tồn tại, bất cập này đòi hỏi việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cho phù hợp với thực tiễn là cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho báo chí hoạt động, phát triển; bổ sung quy định để điều chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, đặc biệt là việc bao quát được sự phát triển của truyền thông và báo chí hiện đại”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.

Các chuyên gia tại hội thảo cũng đánh giá cao việc sửa đổi, bổ sung Luật báo chí là cần thiết. Các chuyên gia đã phân tích, đưa ra những luận cứ khoa học và thực tiễn về xu hướng phát triển của báo chí hiện đại và cơ sở khoa học cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí.

Các chuyên gia cho rằng, Luật Báo chí cần sửa đổi bổ sung theo hướng tạo ra hành lang pháp lý để xây dựng các cơ chế chính sách khuyến khích báo chí phát triển trên nền tảng số. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí để báo chí hiện đại vẫn đảm bảo được tính khách quan, trung thực.

Cùng với đó là bổ sung quy định quản lý liên quan tới các hoạt động cung cấp nội dung thông tin trên trang thông tin điện tử, MXH, quy định rõ điều kiện thành lập, hoạt động, vai trò, nhiệm vụ của trang tin điện tử; sửa đổi chính sách nhằm hỗ trợ, ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ quan báo chí đối với cả 4 loại hình báo chí để tái đầu tư nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm thông tin, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị….

Trong bài viết “Bổ sung, sửa đổi Luật Báo chí 2016 - Để báo chí "gỡ khó" và phát triển” đăng trên diendanbaochi.vn, PGS. TS. Bùi Chí Trung, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn nhấn mạnh: “Cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế, công nghệ bùng nổ, và nhất là tác động từ Cách mạng công nghiệp 4.0, báo chí Việt Nam được đặt vào một bối cảnh mới với nhiều cơ hội và thách thức. Những quy định cùng hành lang pháp lý trong lĩnh vực báo chí từng tạo môi trường thuận lợi cho báo chí có điều kiện phát triển, phục vụ đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước khi đứng trước những điều kiện lịch sử mới, thời cơ vận hội mới cũng cần có những điều chỉnh, cập nhật cho phù hợp”./.

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo Tổng kết thi hành Luật Báo chí số 47/BC-BTTTT

2. Báo cáo Đánh giá tác động của chính sách đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) số 48/BC-BTTTT

3. Báo cáo Tiếp thu, giải trình ý kiến của Bộ Tư pháp đối với đề nghị xây dựng Luật Báo chí sửa đổi

4. Báo cáo số 57/BC-BTTTT (ngày 30/3/2022) của Bộ TT&TT

5. https://tienphong.vn/chuyen-gia-mo-xe-nhung-bat-cap-sau-6-nam-thi-hanh-luat-bao-chi-post1541811.tpo

6. https://baotintuc.vn/thoi-su/hoan-thien-luat-de-bao-chi-hoat-dong-hieu-qua-sang-tao-20230613093939140.htm

7. https://diendanbaochi.vn/bo-sung-sua-doi-luat-bao-chi-2016-de-bao-chi-go-kho-va-phat-trien-52.html/.

Trường Thanh