Quảng cáo TPCN sai sự thật: Xử lý con người đã khó, xử lý thuật toán còn khó hơn
Truyền thông - Ngày đăng : 15:54, 29/05/2024
Quảng cáo TPCN sai sự thật: Xử lý con người đã khó, xử lý thuật toán còn khó hơn
Có tới 80% các quảng cáo trong lĩnh vực phòng và hỗ trợ điều trị bệnh gây bức xúc trên môi trường mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử… là quảng cáo thực phẩm chức năng “trá hình”.
Ngày 29/5/2024, tại Hà Nội, Hiệp hội Thực phẩm chức năng (TPCN) Việt Nam phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tổ chức Tọa đàm: “Đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng”.
Dự Tọa đàm có: Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Thanh Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi; PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam cùng đại diện các cơ quan, đơn vị và đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí.
Tọa đàm gồm hai nội dung chính: Công bố bản Quy chế đạo đức trong quảng cáo TPCN ban hành theo Quyết định 17/QĐ-VAFF ngày 10/5/2024 của Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam; Thảo luận về giải pháp áp dụng đạo đức trong quảng cáo TPCN.
Thực trạng nhức nhối trong ngành TPCN hiện nay là những quảng cáo sai sự thật
Tại Tọa đàm, PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam cho biết, có tới 80% các quảng cáo gây bức xúc trong lĩnh vực phòng và hỗ trợ điều trị bệnh hiện nay trên môi trường Internet, mạng xã hội, nền tảng TMĐT… là quảng cáo TPCN “trá hình”.
Thực trạng nhức nhối trong ngành TPCN hiện nay là những quảng cáo sai sự thật, lừa gạt, giả mạo; Quảng cáo phóng đại, thổi phồng sản phẩm; Quảng cáo mơ hồ gây hiểu nhầm; Quảng cáo nhắm vào các đối tượng nhạy cảm như bệnh nhân ung thư…
“Hiện tượng sai phạm trong quảng cáo TPCN không chỉ gây ra hậu quả "tiền mất, tật mang" cho người tiêu dùng mà còn làm giảm giảm uy tín của ngành TPCN, lẫn lộn giữa các doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính với DN làm ăn gian dối, đánh đồng sản phẩm thật và sản phẩm giả”.
Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng TPCN, Hiệp hội TPCN Việt Nam đã ban hành Quy chế đạo đức trong quảng cáo TPCN.
Quy chế gồm 5 chương, 16 điều chỉ ra cụ thể những hành vi được coi là vi phạm trong quảng cáo TPCN, đồng thời nêu rõ những chuẩn mực đạo đức trong quảng cáo và biện pháp hạn chế vi phạm đạo đức quảng cáo…
PGS.TS Trần Đáng nhấn mạnh: “Quy chế đạo đức trong quảng cáo TPCN không chỉ là “kim chỉ nam”, định hướng cho các hội viên của Hiệp hội TPCN Việt Nam thực hiện quảng cáo có đạo đức vì lợi ích của người tiêu dùng, vì mục tiêu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trước hết và trên hết mà còn là gợi mở để xã hội, cơ quan quản lý, DN TPCN, nhà phát hành quảng cáo và người tiêu dùng nhận biết những quảng cáo TPCN chưa đáp ứng chuẩn mực đạo đức để từ đó đấu tranh với những hành vi vi phạm và có biện pháp hạn chế kịp thời”.
Hiệp hội TPCN Việt Nam ban hành Quy chế đạo đức trong quảng cáo TPCN nhằm sát cánh cùng các cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) lập lại trật tự kỷ cương trong thị trường TPCN, đưa ngành TPCN phát triển bền vững, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
“Đây là bước triển khai tiếp theo phương châm “3 đúng” mà Hiệp hội TPCN Việt Nam đã đề ra và kiên trì thực hiện phổ biến, giáo dục, truyền thông ngay từ khi thành lập với mục đích để người dân và DN hiểu đúng - làm đúng - dùng đúng TPCN”, PGS.TS Trần Đáng nhấn mạnh.
Cần tuyên truyền mạnh mẽ TPCN không thể chữa bệnh
PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đánh giá cao việc Hiệp hội TPCN Việt Nam ban hành Quy chế đạo đức trong quảng cáo TPCN.
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, nguy hại về quảng cáo gian dối trong lĩnh vực y tế không chỉ về tài chính mà đó còn là sức khỏe người tiêu dùng.
Vì trên thực tế, người mắc bệnh nan y, nếu phát hiện điều trị sớm có thể khỏi, chí ít kéo dài sự sống. Nhưng những quảng cáo sai sự thật “cam kết chữa khỏi” là vi phạm với quy định về TPCN (không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh). Mua những sản phẩm này về dùng không khỏi, gây mất thời gian vàng điều trị, ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị, phẫu thuật của người bệnh.
“Về pháp luật đã có chế tài, quy định xử lý vi phạm quảng cáo nhưng đề nghị các cơ quan truyền thông tuyên truyền mạnh mẽ TPCN không thể chữa bệnh”, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong lưu ý.
Nhà báo Vi Quang Đạo, Tổng biên tập Tạp chí Sức khỏe+ nêu rõ: Tại diễn đàn Quốc hội, vấn đề vi phạm trong quảng cáo TPCN là vấn đề bức xúc trong xã hội, được kiến nghị lên Quốc hội xem xét. Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV diễn ra cuối năm 2023, Quốc hội đã chất vấn vi phạm trong lĩnh vực TPCN.
“Có những vấn đề chưa xử lý ngay bằng pháp luật thì có thể xử lý bằng đạo đức. Đây cũng là căn bệnh lâu năm đang làm đau đầu các cơ quan quản lý”, nhà báo Vi Quang Đạo chia sẻ.
Bộ TT&TT có thể công bố mạng lưới công nghệ gồm nhiều nền tảng đẩy quảng cáo vi phạm để các DN tránh
Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh, Bộ TT&TT rất hoan nghênh Hiệp hội TPCN có sáng kiến tổ chức tọa đàm về vấn đề đạo đức trong quảng cáo TPCN và công bố bản Quy chế đạo đức trong quảng cáo TPCN.
Bản quy chế này cho thấy, trong nhiều năm, tư duy về quản lý xã hội nói chung đã có những bước tiến mới, đã có sự phối hợp giữa QLNN với quy định pháp luật và quy định đạo đức của hội nghề nghiệp. Đây được xem là cẩm nang cho người tiêu dùng.
Trong bản quy tắc đạo đức có những khái niệm rất mới: Người phát hành quảng cáo (PHQC), người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo. Đây là 3 đối tượng có thể tạo ra sự chuyển đổi tích cực.
Người PHQC có thể là cơ quan báo chí điện tử. Ngoài ra còn là những trang thông tin không phép, trang chạy quảng cáo (landing page), có thể bằng công nghệ - trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm tạo ra những trang quảng cáo TPCN.
Người PHQC còn là Facebook, Tiktok…, những nền tảng xuyên biên giới. Nguyên nhân của việc bùng nổ các hình thức quảng cáo là do thói quen thích xem nội dung miễn phí của người dân. Nội dung miễn phí chiếm nhiều thời gian và gây nghiện.
“Nhà PHQC không chỉ là pháp nhân, cá nhân, mà còn là các thuật toán. Trong khi, đạo đức thường gắn với con người và tổ chức. Nhưng lực lượng thứ ba này không phải là con người nên việc xử lý rất khó khăn. Đây là câu chuyện ngày càng khó kiểm soát, luật pháp và các định chế khác chưa theo kịp”.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, khi đối diện với các DN quảng cáo không hợp pháp, cần xử lý bằng cách: Nếu là nền tảng xuyên biên giới thì chặn, trong nước thì xử phạt, hoặc xếp hạng theo chuẩn mực trong lĩnh vực quảng cáo. Song song với thống kê, phát hiện xử phạt vi phạm, cần đưa các DN vi phạm vào Danh sách đen (blacklist) để cảnh báo.
Bộ TT&TT có thể công bố "mạng lưới công nghệ" gồm nhiều nền tảng đẩy quảng cáo sai phạm để các DN biết. Và các quảng cáo vi phạm này thường xuất hiện trên phiên bản di động (mobile), do phiên bản này dễ bấm nhầm vào quảng cáo hơn.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, hiện nay, luật Quảng cáo đang "vắt" qua nhiều cơ quan và chưa rõ trách nhiệm. Do lực lượng quản lý có hạn nên “không tiền kiểm mà để hậu kiểm, gây ra hệ lụy xã hội lớn”.
“Các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp để có thể làm tốt hơn nữa quy trình phát hiện, quản lý, xử lý. Bộ TT&TT không được kết luận quảng cáo vi phạm dù đã nhận ra dấu hiệu. Hơn thế nữa, việc quản lý văn nghệ sĩ quảng cáo TPCN (người chuyển tải sản phẩm quảng cáo) cần có quy định hợp lý hơn nữa”./.