Đề xuất dán tem tín nhiệm số cho nhà cung cấp trên các sàn TMĐT
Kinh tế số - Ngày đăng : 12:00, 30/05/2024
Đề xuất dán tem tín nhiệm số cho nhà cung cấp trên các sàn TMĐT
Niềm tin số là nền tảng cho các hoạt động kinh tế - xã hội (KT-XH) trong kỷ nguyên số. Tạo lập niềm tin số là yếu tố then chốt để chuyển đổi số (CĐS) thành công. Vì vậy, tạo niềm tin số là một thách thức rất lớn cho không chỉ của Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới.
Xây dựng niềm tin số trên môi trường mạng
Chia sẻ tại Hội thảo “Digital trust và Phát triển thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới” trong khuôn khổ Diễn đàn chuyển đổi số (CĐS) (DX Summit) Việt Nam - châu Á 2024, ông Nguyễn Hoài Linh, Giám đốc đào tạo FPT Jetking nhấn mạnh: Niềm tin số là sự tin cậy của cá nhân đối với tổ chức về khả năng bảo mật và xử lý dữ liệu số. Đối với cá nhân, nhiều người coi niềm tin là tất cả, nếu tổ chức lạm dụng, làm mất hoặc làm lộ thông tin riêng tư của khách hàng, họ sẽ đánh mất niềm tin của khách hàng và đối tác, thậm chí ảnh hưởng đến cả thị phần và danh tiếng của tổ chức.
Đối với ngành công nghiệp và những đơn vị cung cấp hoạt động trong ngành, niềm tin số gồm hai yếu tố: nhu cầu xây dựng niềm tin số trong tổ chức, và tạo dựng niềm tin số cho khách hàng.
Khi CĐS diễn ra mạnh mẽ, niềm tin số trở thành một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm, được thể hiện qua chiến lược an toàn không gian mạng hoặc hành động cụ thể. Niềm tin số là nền tảng cho các hoạt động KT-XH trong kỷ nguyên số.
Theo ông Linh, tạo lập niềm tin số là xây dựng môi trường mạng trung thực, văn minh, lành mạnh và phòng, chống vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Trong thời gian vừa qua, các Bộ, ngành cũng đã đẩy mạnh nỗ lực trong việc tạo lập niềm tin số. Điển hình như trong đại dịch COVID-19, Cục An toàn thông tin (ATTT) - Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hành “Cẩm nang bảo đảm ATTT trong đại dịch COVID-19” cung cấp những thông tin cần thiết như 10 điều cần biết khi làm việc từ xa, 7 điều cần biết khi học - họp trực tuyến, những điều cần biết khi sử dụng mạng xã hội, 6 điều cần biết khi thanh toán online.
Hay là sự ra đời của nền tảng Tín nhiệm mạng cũng đã góp phần kiến tạo niềm tin số, thúc đẩy không gian mạng phát triển an toàn, lành mạnh.
Hệ sinh thái tín nhiệm mạng là tập hợp các dịch vụ cấp chứng nhận tin cậy về ATTT cho các đối tượng trên không gian mạng. Tín nhiệm mạng hướng tới xây dựng một hệ sinh thái uy tín, an toàn nhằm tạo niềm tin khi sử dụng dịch vụ trên môi trường mạng.
Nền tảng Tín nhiệm mạng tại địa chỉ: https://tinnhiemmang.vn do Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) - Cục ATTT quản lý và cấp nhãn tín nhiệm. Mục tiêu lớn nhất mà nền tảng Tín nhiệm mạng hướng đến là bảo vệ người dân trên môi trường mạng, thúc đẩy không gian mạng Việt Nam phát triển.
Nền tảng Tín nhiệm mạng góp phần vào việc tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp (DN), cơ quan Nhà nước thực hiện các giao dịch trên môi trường mạng. Cụ thể, nền tảng tín nhiệm mạng giúp người sử dụng dịch vụ nhận diện cổng/trang thông tin điện tử (TTĐT), cung cấp dịch vụ tin cậy, hạn chế rủi ro bị lừa đảo. Đồng thời giúp tăng mức độ xác thực và tin cậy, giám sát, phát hiện sớm, từ đó có giải pháp khắc phục kịp thời một số vấn đề về mất ATTT mạng cho cổng/trang TTĐT, cung cấp dịch vụ của tổ chức.
Ngoài ra, website khonggianmang.vn của NCSC cũng là một địa chỉ tin cậy cung cấp một loạt giải pháp kỹ thuật, đồng thời hướng dẫn việc đảm bảo ATTT khi làm việc từ xa cho các cơ quan, tổ chức và người dùng cá nhân; Thông tin về ATTT mạng, chính sách, các quy định, các vấn đề liên quan đến ATTT mạng tại Việt Nam. Thu thập thông tin, tổng hợp, phân tích, theo dõi và dự báo, cảnh báo sớm xu hướng về các hoạt động, diễn biến trên không gian mạng Việt Nam.
Ông Linh nhấn mạnh, những nỗ lực của các Bộ, ban ngành trong việc tạo lập niềm tin số đều mong muốn là niềm tin trên môi trường số được cải thiện, giúp mọi người hoạt động an toàn trên không gian số.
Tạo niềm tin trên môi trường số và phát triển TMĐT xuyên biên giới
Trong những năm gần đây, thị trường TMĐT tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ nhờ vào sự lan rộng của Internet và CNTT. Các DN đã tận dụng cơ hội và lợi thế này để phát triển từ thương mại quốc nội đến TMĐT xuyên biên giới, tiếp cận khách hàng quốc tế và chinh phục thị trường toàn cầu.
Và digital trust hay còn gọi là niềm tin số là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của TMĐT xuyên biên giới. Đặc biệt, trong một môi trường mạng ngày càng phức tạp, việc xây dựng niềm tin số là tiền đề quan trọng để thu hút và giữ chân khách hàng.
Quý I/2024, nguy cơ mất ATTT tại Việt Nam gia tăng nhanh chóng. Mã độc mã hóa tống tiền tăng đột biến. Theo đó, Viettel Threat Intelligence đã ghi nhận nhiều chiến dịch tấn công ransomware mã hóa dữ liệu và hạ tầng ảo hóa của tổ chức, DN, tăng 70% so với cùng kỳ.
Các hình thức lừa đảo trên nền tảng TMĐT cũng được ghi nhận có xu hướng gia tăng. Điển hình như các đối tượng thông qua các ứng dụng mạng xã hội hoặc gọi điện mời chào tham gia làm cộng tác viên online bán hàng trên các trang TMĐT giả mạo nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng gia tăng.
Hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi với nhiều thủ đoạn như đơn hàng bị chậm do vận chuyển, phải nộp thuế hải quan,… các đối tượng liên tục thúc giục nạn nhân nạp thêm tiền để nạn nhân không có thời gian suy nghĩ. Khi website này bị đóng chúng lại tiếp tục lập ra các website giả mạo tương tự khác để lừa đảo.
Trong khi đó, TMĐT có rất nhiều kênh khác nhau, có những kênh đã được định danh và tương đối an toàn để thực hiện giao dịch, tuy nhiên cũng có những kênh chưa định danh thì mức độ an toàn là thấp, dẫn đến những rủi ro lớn cho người dùng. Do đó, việc định danh, xác thực các kênh, các nhà cung cấp và thương nhân trên môi trường số là rất quan trọng, từ đó giúp nâng cao niềm tin số cho người dùng.
Cũng chia sẻ tại hội thảo, ông Lâm Quang Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cho biết: Niềm tin số là niềm tin của người dùng (khách hàng cuối) đối với khả năng của con người, công nghệ và quy trình trên không gian số.
Do đó, để xây dựng niềm tin trên môi trường số và phát triển TMĐT xuyên biên giới, Phó Chủ tịch VINASA đề xuất cần phải dán tem tín nhiệm số cho nhà cung cấp. Niềm tin số là niềm tin đối với cả thương nhân số và nền tảng giao dịch số. Thương nhân số đáng tin là thương nhân đáng tin giao dịch trên nền tảng số đáng tin. Tem tín nhiệm cấp cho thương nhân là chứng nhận cho cam kết tín nhiệm số của thương nhân, bao hàm cả tầng công nghệ và tầng thương nhân.
Tem tín nhiệm số này sẽ góp phần tạo nên và củng cố niềm tin của khách hàng để quyết định đi đến giao dịch, là cầu nối chức năng quản lý Nhà nước của các bộ chuyên ngành; đồng thời thúc đẩy TMĐT và thúc đẩy CĐS.
Để triển khai giải pháp này, ông Nam cho biết cần phải có sự tham gia tích cực của nhiều bên như nhà cung cấp, kiểm định viên, người dán tem (VINASA và VECOM), người bảo trợ (Cục TMĐT & Kinh tế số, Bộ Công Thương), cơ quan thực hiện có thể kiêm nhiệm vai trò của kiểm định viên và đối tác (Hội Bảo vệ Người tiêu dùng, các sàn giao dịch điện tử, mạng xã hội, dịch vụ lắng nghe mạng xã hội social listening…).
Theo ông Nam, với giải pháp này, quy trình kiểm định sẽ được đánh giá theo 4 trụ dựa vào cam kết của nhà cung cấp, nền tảng công nghệ đang sử dụng, và phản hồi của khách hàng trên các sàn giao dịch điện tử và mạng xã hội: An toàn và riêng tư; An ninh; An tâm; Đạo đức. Từ đó, cho điểm hành vi và thái độ của nhà cung cấp và tính điểm tín nhiệm số.
“Một hệ thống như vậy sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên từ thương nhân, người mua, cơ quan quản lý Nhà nước, cho đến các hiệp hội…”, Phó Chủ tịch VINASA nhận định./.