TP. HCM cần quan tâm đến những mục tiêu chuyển đổi số mang tính đột phá

Diễn đàn - Ngày đăng : 21:11, 30/05/2024

Trao đổi với lãnh đạo UBND TP. HCM và đại diện một số doanh nghiệp công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Thành phố cần quan tâm đến những mục tiêu chuyển đổi số mang tính đột phá.
Diễn đàn

TP. HCM cần quan tâm đến những mục tiêu chuyển đổi số mang tính đột phá

Hoàng Linh 30/05/2024 21:11

Trao đổi với lãnh đạo UBND TP. HCM và đại diện một số doanh nghiệp công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Thành phố cần quan tâm đến những mục tiêu chuyển đổi số mang tính đột phá.

Theo đề nghị của UBND TP. HCM, chiều ngày 30/5/2024 tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP. HCM về chương trình chuyển đổi số (CĐS), phát triển kinh tế số (KTS) và trí tuệ nhân tạo (AI) của TP. HCM.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về CĐS và Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi đồng chủ trì buổi làm việc. Cùng dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long, bà Trần Thị Diệu Thuý, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM và lãnh đạo các đơn vị của Bộ TT&TT, UBND TP. HCM và một số doanh nghiệp (DN) công nghệ số.

toan-canh-30052024_2.jpg
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi chủ trì buổi làm việc.

TP. HCM muốn phát triển KTS mạnh mẽ, trở thành trung tâm AI của khu vực

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi bày tỏ cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ TT&TT đối với TP. HCM thời gian qua và hôm nay làm việc với lãnh đạo UBND TP. HCM về chương trình CĐS, phát triển KTS và AI.

ong-phan-van-mai.jpg
Chủ tịch UBND TP. HCM: TP. HCM xác định trở thành trung tâm phát triển và ứng dụng AI trong khu vực, top 5 ASEAN.

Theo ông Phan Văn Mãi, thời gian qua, TP. HCM rất quan tâm đến CĐS, nhưng chưa đạt được như mong muốn. Trong 3 trụ cột về CĐS, TP. HCM tập trung vào xây dựng chính quyền số, phát triển KTS. Tuy nhiên, việc xây dựng chính quyền số làm sao cho khoa học, hiệu quả, phục vụ người dân tốt nhất thì vẫn còn hạn chế.

Về phát triển KTS, tỷ trọng KTS trong GRDP qua đo lường của TP. HCM chưa cao. “Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2025 là 25%, năm 2030 là 40%. Đây là bài toán đặt ra”.

Về phát triển AI, “Chúng tôi xác định TP. HCM sẽ trở thành trung tâm phát triển và ứng dụng AI trong khu vực, top 5 ASEAN.

TP. HCM đặt mục tiêu lớn đối với CĐS, phát triển AI và mong muốn các đơn vị của Bộ TT&TT hỗ trợ. Nếu được, có thể thành lập tổ công tác chung giữa Bộ và UBND TP. HCM để trao đổi bàn bạc, xác định việc cụ thể để làm, hàng tháng có báo cáo.

TP. HCM triển khai nhất quán, đầy đủ các nhiệm vụ của Uỷ ban CĐS

Báo cáo về tình hình CĐS của TP. HCM, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TP. HCM cho biết thực hiện chương trình CĐS, TP. HCM đã có nhiều giải pháp về nhận thức số, để lan tỏa đến người dân, các tổ chức, DN… TP. HCM đã xây dựng cổng CĐS, đăng tải các văn bản, chính sách, đồng thời truyền thông trên báo đài, Internet, tổ chức các buổi tập huấn.

ong-lam-dinh-thang.jpg
Ông Lâm Đình Thắng: TP. HCM đã ban hành Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI tại TP. HCM giai đoạn 2020- 2030”.

Về thể chế, Thành uỷ TP. HCM đã ban hành chỉ thị riêng về CĐS, chiến lược dữ liệu, 3 chương trình lớn về nghiên cứu - phát triển AI, đề án hạ tầng số, hỗ trợ DN nhỏ và vừa (SME).

TP. HCM đã thành lập hơn 2.600 tổ công nghệ số cộng đồng, xây dựng 3 giải thưởng lớn về AI, CNTT-TT, sáng tạo để tạo động lực thúc đẩy cá nhân và tập thể sáng tạo lĩnh vực này, phát động giải thưởng báo chí viết về CĐS, thiết kế vi mạch.

TP. HCM cũng đã triển khai đánh giá xếp hạng CĐS các sở, ban, ngành và hàng tháng đánh giá mức độ CĐS của đơn vị.

TP. HCM cũng tăng chi ngân sách cho CĐS từ 1% lên 1,22%, có chính sách miễn giảm phí dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), ban hành chính sách khuyến khích người làm khoa học, thành lập trung tâm chính quyền điện tử. TP. HCM không có vùng lõm sóng và muốn 10.000 camera giao thông kết nối đồng bộ cho hiệu quả. TP. HCM đang vận hành kho dữ liệu dùng chung hiệu quả, dự kiến Quý 3 mở 145 tập dữ liệu trên 13 lĩnh vực.

TP. HCM cũng tập trung nhóm nhiệm vụ được giao là xây dựng các nền tảng số như nền tảng văn bản điều hành Thành phố, nền tảng bản đồ số, nền tảng tổng hợp thông tin KT-XH, nền tảng lắng nghe mạng xã hội (MXH). Từ đầu năm, TP. HCM đã đưa vào triển khai 2 nền tảng là lắng nghe MXH và quản lý khiếu nại tố cáo

Cổng DVCTT đã phê duyệt hơn 1.600 thủ tục hành chính, giảm 3.500 giờ làm việc.... Với quận, huyện, tỷ lệ người dân nộp DVCTT là 46%; sở, ngành là 59%.

Cũng theo ông Lâm Đình Thắng, TP. HCM đã ban hành Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI tại TP. HCM giai đoạn 2020 - 2030” (Chương trình AI) với tầm nhìn đưa AI trở thành một trong những công nghệ cốt lõi trong xây dựng đô thị sáng tạo, thành phố thông minh, thúc đẩy phát triển KTS nhanh, bền vững.

Theo đó, TP. HCM lập kế hoạch xây dựng 9 nhiệm vụ để phát triển nghiên cứu và ứng dụng AI. Các kết quả nội bật cụ thể có thể kể đến như đã thực hiện xong các nghiên cứu khoa học về: (1) Đề án phát triển hạ tầng viễn thông, (2) phương án xây dựng hạ tầng tính toán hiệu năng cao, (3) phương án xây dựng hạ tầng dữ liệu, (4) phương án xây dựng mạng lưới các viện, trung tâm nghiên cứu phát triển AI tại các cơ sở nghiên cứu đào tạo; (5) Tổ chức Hội thi thử thách AI, kết hợp tổ chức ngày Hội DN công nghệ thông tin và AI; (6) Tổ chức hội thảo về ứng dụng AI trong lĩnh vực hành chính công năm 2022. (7) Tổ chức tọa đàm “Ứng dụng ChatGPT trong quản lý nhà nước, các hoạt động phục vụ người dân và DN: cơ hội và thách thức” năm 2023, (8) Thành lập Trung tâm hỗ trợ nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng AI, (9) Trợ lý cho HĐND, (10) Trợ lý cho công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Thành phố, (11) Trợ lý công việc cho cán bộ công chức thành phố; (12) Triển khai ứng dụng AI cho các sở, ngành liên quan đến các lĩnh vực văn hoá, giao dục, y tế.

Xác định KTS là mũi nhọn của TP. HCM trong thời gian tới, TP. HCM đề xuất Bộ TT&TT chọn TP. HCM là nơi thí điểm mô hình phát triển KTS và hỗ trợ đánh giá KTS 6 tháng, 1 năm theo định kỳ”, ông Lâm Đình Thắng cho biết.

Đồng hành cùng TP. HCM phát triển KTS, AI

Về các đề xuất, kiến nghị của TP. HCM, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long đã trao đổi các nội dung cụ thể. Theo Thứ trưởng, TP. HCM rất quyết liệt CĐS và đã đạt được kết quả tuy còn một số vấn đề.

tt-pham-duc-long(1).jpg
Thứ trưởng Phạm Đức Long: Phát triển AI, TP. HCM cần quan tâm phát triển công nghiệp điện tử bởi công nghiệp điện tử giờ có cả AI.

Về các đề xuất chọn TP. HCM là địa phương thí điểm về phát triển KTS, Thứ trưởng cho biết Bộ TT&TT sẵn sàng phối hợp. Bộ TT&TT nhất trí về phát triển thiết kế chip loại lớn, phục vụ ngành công nghiệp điện tử, song song với phát triển trung tâm dữ liệu (DC). Phát triển AI, TP. HCM cần quan tâm phát triển công nghiệp điện tử bởi công nghiệp điện tử giờ có cả AI.

Bộ TT&TT sẽ đồng hành cùng TP. HCM về phát triển hạ tầng năng lực tính toán, TTDL. Liên quan đến triển khai ứng dụng AI và trở thành trung tâm AI khu vực thì phải có “sandbox”. "Khác biệt là ở đó. TP. HCM chủ động xây dựng nghị quyết để triển khai thí điểm trong một khu vực, một vùng. Chỉ thí điểm mới làm được”.

Về triển khai trợ lý ảo, Thứ trưởng cho biết Bộ TT&TT đang thúc đẩy triển khai trợ lý ảo cho từng đơn vị thuộc Bộ. TP. HCM có thể nghiên cứu để triển khai trợ lý ảo cho các ban, ngành của TP. HCM để hỗ trợ cán bộ, công chức giảm tải công việc.

bo-truong-nguyen-manh-hung.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: TP. HCM cần quan tâm đến những mục tiêu CĐS mang tính đột phá.

Trao đổi với lãnh đạo UBND TP. HCM, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị TP. HCM cần quan tâm đến những mục tiêu CĐS mang tính đột phá. “Các công việc có thể phối hợp với các DN công nghệ số, nhà mạng cùng làm như việc 100% người dân phải có smartphone, hay tháng 9/2024 tắt sóng 2G, việc triển khai 100% dân số của TP. HCM có 4G, 5G tốc độ 100Mb. TP. HCM hãy cùng DN làm”.

Bộ trưởng cho rằng phát triển KTS cần quan tâm đến phủ rộng PC bởi PC mới là công cụ làm việc. Theo đó, cần 100% hộ gia đình có đường cáp quang, trên đó kéo theo PC hoặc laptop. “Đây mới là cái sáng tạo ra KTS. Việc này TP. HCM làm là dễ”.

Cũng theo Bộ trưởng, “đã là KTS thì người dân phải có thanh toán số. 100% người dân phải có thanh toán điện tử, ví cũng được, mobile money cũng được. 100% người dân phải có chữ ký số. Hay 100% các hộ dân phải có địa chỉ số để trường hợp xảy ra hoả hoạn chỉ cần nói số nhà là phòng cháy chữa cháy có thể đến tận nhà, cũng như chuyển hàng hoá nhanh chóng. Hay đặt chỉ tiêu 100% người dân có tài khoản DVCTT…”.

Bộ trưởng cũng đề nghị TP. HCM có thể học hỏi kinh nghiệm quốc tế về triển khai đô thị thông minh.

TP. HCM cần quan tâm đến camera tiêu chuẩn “Make in Viet Nam”

ong-thang-viettel.jpg
Ông Tào Đức Thắng: TP. HCM cần quan tâm đến quản lý thông tin từ camera ở mọi ngõ ngách của Thành phố.

Trao đổi với TP. HCM về CĐS, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết TP. HCM có rất nhiều nhà dân dùng camera, theo đó, cần quan tâm đến quản lý thông tin của người dân nếu không mọi thông tin sẽ bị chuyển ra ngoài hết.

Các DN công nghệ Việt Nam đều có thể tham gia, góp phần bảo vệ an ninh của xã hội và người dân.

ong-thai-vnpt.jpg
Ông Tô Dũng Thái: Các DN công nghệ trong nước có đủ sản phẩm, kinh nghiệm để giải quyết các vấn đề của cả nước và TP. HCM.

Đồng tình với lãnh đạo Viettel, ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch VNPT nhấn mạnh các DN công nghệ trong nước có đủ sản phẩm, kinh nghiệm để giải quyết các vấn đề của cả nước và TP. HCM. VNPT đã sản xuất được những camera rất thông minh như con trẻ khóc là camera có thể tự động gọi bố mẹ... VNPT cũng có các giải pháp số, lưu trữ.

Về dữ liệu, người Việt Nam nên dùng hàng Việt Nam sẽ yên tâm hơn”, ông Tô Dũng Thái cũng khẳng định: Các DN Việt Nam hoàn toàn có thể giải quyết được nhu cầu của đất nước ở thời điểm này.

ong-khai.jpg
Ông Vương Quang Khải: Các DN Việt Nam hoàn toàn có thể giải quyết được nhu cầu của đất nước ở thời điểm này.

Ông Vương Quang Khải, lãnh đạo Zalo cho biết trong thời gian qua, Zalo làm việc với Sở Giao thông Vận tải TP. HCM về dịch vụ đặt xe buýt trên Zalo. Trong 1 tháng đã có 250.000 người sử dụng, con số này cao hơn cả 4 năm trước khi chưa đưa lên Zalo. Zalo cũng có nhiều kinh nghiệm hợp tác thời COVID-19, nếu TP. HCM muốn tăng người sử dụng nền tảng số hiện đã trở nên dễ dàng.

Nêu điểm thuận lợi của TP. HCM, ông Khải cho biết TP. HCM đã có chính sách ưu đãi thu nhập cá nhân cho chuyên gia để thu hút được thêm nhiều chuyên gia về AI, rất tốt cho DN trong việc tuyển dụng chuyên gia.

Về làm AI, qua thực tiễn, ông Khải cũng nêu khó khăn về việc mua được máy móc huấn luyện. Zalo đã mua 8 máy huấn luyện AI mạnh nhất nhưng việc nhập khẩu cũng có những vướng mắc và mong muốn Bộ TT&TT hỗ trợ tháo gỡ cho DN để phát triển AI tốt hơn.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị TP. HCM cân nhắc việc đầu tư hạ tầng tính toán. “Muốn thúc đẩy phát triển AI, khó nhất là hạ tầng tính toán AI. TP. HCM có thể hỗ trợ và nghiên cứu đầu tư hạ tầng tính toán”.

Đồng tình với Bộ trưởng, ông Trần Thế Trung, FPT Smart Cloud cho biết TP. HCM đầu tư hạ tầng tính toán, có thể cho các SME, startup thuê lại. FPT cũng có thể đồng hành với TP. HCM về công tác đào tạo khi đang tập trung cao đào tạo CĐS và AI.

Về ứng dụng AI, ứng dụng CĐS cho SME, FPT có nhiều công cụ, sản phẩm để tham gia cùng TP. HCM. Về sản phẩm camera, FPT cũng sản xuất camera, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, phần cứng.

Ông Phó Đức Kiên, đại diện Tập đoàn CMC cho biết DN này có thể giới thiệu để TP. HCM thử nghiệm ngay trợ lý ảo (chatbot) hỗ trợ pháp lý. Về xây dựng hạ tầng tính toán, CMC có đầu tư TTDL ở Tân Thuận hiệu năng cao, sẵn sàng khi TP. HCM có yêu cầu. CMC cũng có khung CĐS và tài liệu giúp SME, sẵn sàng đóng góp cho TP. HCM để hướng dẫn DN CĐS

CMC làm nhiều về sản phẩm “sandbox” nhưng khi đưa vào sử dụng thực tế phải qua quá trình đấu thầu, có thể vướng khung pháp lý liên quan, TP. HCM quan tâm để các ban, ngành có thể mua được sản phẩm tốt như chatbot hỗ trợ pháp lý./.

Hoàng Linh