Quản trị AI: Từ nguyên tắc đến thực thi

Diễn đàn - Ngày đăng : 17:01, 31/05/2024

Các cơ quan của Liên Hợp Quốc (LHQ) đang phối hợp chặt chẽ để cùng nhau giải quyết những thách thức và cơ hội do trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại, thúc đẩy hợp tác quốc tế và quan hệ đối tác nhiều bên để phát triển các khuôn khổ quản trị AI nhằm hiện thực hoá các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của LHQ.
Diễn đàn

Quản trị AI: Từ nguyên tắc đến thực thi

Ngọc Diệp {Ngày xuất bản}

Các cơ quan của Liên Hợp Quốc (LHQ) đang phối hợp chặt chẽ để cùng nhau giải quyết những thách thức và cơ hội do trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại, thúc đẩy hợp tác quốc tế và quan hệ đối tác nhiều bên để phát triển các khuôn khổ quản trị AI nhằm hiện thực hoá các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của LHQ.

2023-07-06t124355z_1835331598_rc2cx1aktia2_rtrmadp_3_china-tech-ai.jpeg

Trong hai ngày 30 và 31/5, Hội nghị cấp cao toàn cầu về AI (AI for Good Global Summit) diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ), với mục tiêu thúc đẩy AI để cải thiện sức khỏe, khí hậu, bình đẳng giới, thịnh vượng bao trùm, cơ sở hạ tầng bền vững và các ưu tiên phát triển toàn cầu khác, trong đó tập trung mạnh mẽ hơn vào quản trị AI.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh tiềm năng biến đổi của AI trong việc thúc đẩy phát triển bền vững trên toàn thế giới cũng như sự cần thiết phải quản trị AI một cách có trách nhiệm và toàn diện.

"AI đang thay đổi thế giới và cuộc sống của chúng ta. Và nó có thể thúc đẩy phát triển bền vững", ông Antonio Guterres nêu rõ.

Cũng tại sự kiện "AI Governance Day" diễn ra trước đó vào ngày 29/5, các nhà lãnh đạo chính phủ và cộng đồng AI toàn cầu đã xem xét cách áp dụng các khuôn khổ của LHQ, bao gồm cả nhân quyền, cho các công nghệ AI đang phát triển nhanh chóng.

Tổng thư ký Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), bà Doreen Bogdan-Martin cho biết: “Không phải những lợi ích mà chính những rủi ro của AI khiến chúng ta mất ngủ vào ban đêm".

Trong 7 năm qua, ITU đã thúc đẩy các giải pháp AI vì lợi ích của nhân loại. Tổ chức này cũng đang nỗ lực để đảm bảo rằng không quốc gia nào bị bỏ lại phía sau và sự tiến bộ của AI được khai thác một cách mạnh mẽ và có trách nhiệm.

Các yếu tố chính của quản trị AI

Từ các kết quả thảo luận tại sự kiện, theo Tổng thư ký ITU Bogdan-Martin, có 3 yếu tố chính của quản trị AI: 1) Phát triển các tiêu chuẩn kỹ thuật; 2) Đặt nhân quyền, sự hòa nhập và các giá trị cốt lõi khác của LHQ làm trọng tâm trong quản trị AI; và 3) Phát triển toàn diện thông qua xây dựng năng lực.

Bộ trưởng Bộ Công nghệ Thông tin và Truyền thông Namibia, Emma Inamutila Theofelus, cho biết thêm: "Không bắt đầu lại từ đầu mà xây dựng dựa trên các khuôn khổ quản trị hiện có giống như trong ngành ô tô và dược phẩm, đồng thời tích hợp quản trị AI với quản trị khác, chẳng hạn như trong lĩnh vực khí hậu và thuế".

Đồng thời đưa các nhà sản xuất và người sử dụng AI đến với nhau trong cùng một cuộc đối thoại về AI. Cuối cùng là khả năng ứng dụng toàn cầu của AI, xoá bỏ những thành kiến, để không tiếp tục duy trì sự phân biệt đối xử đã tồn tại.

Đẩy mạnh ứng dụng AI để giải quyết các thách thức toàn cầu

Theo báo cáo Triển vọng dân số thế giới năm 2022 của LHQ, dân số toàn cầu dự kiến sẽ 9,7 tỷ người vào năm 2050. Do đó, thế giới sẽ cần nhiều thực phẩm hơn, chất lượng tốt hơn và đa dạng hơn.

“Để đảm bảo an ninh lương thực, chúng ta cần cải thiện năng suất bằng công nghệ trên toàn bộ chuỗi giá trị. Để làm cho thực phẩm có giá cả phải chăng hơn, chúng ta cần giảm chi phí lương thực và thất thoát lương thực ở bắc bán cầu”, Tổng giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của LHQ (FAO), Dongyu Qu, cho biết. Theo ông Dongyu Qu, chúng ta cần kết nối CNTT với sinh học và hợp tác chặt chẽ hơn.

Số liệu từ Tổ chức Sở hữu trí tuệ (SHTT) thế giới (WIPO) cho thấy số đơn nộp xin cấp bằng sáng chế trên thế giới đã tăng trong 3 năm liên tiếp, lên mức kỷ lục gần 3,5 triệu vào năm 2022. Số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế trong lĩnh vực CNTT đã tăng 13,7%.

“Hệ thống SHTT là hệ thống lấy con người làm trung tâm; nó đặt người sáng tạo làm trung tâm”, Daren Tang, Tổng Giám đốc WIPO cho biết. “Điều quan trọng là phải xây dựng được một hệ sinh thái nơi công nghệ có thể được hấp thụ một cách có ý nghĩa".

Theo ông Daren Tang, điều quan trọng là WIPO phải hợp tác với ITU, FAO và các cơ quan khác của LHQ.

Gilbert Houngbo, Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) lưu ý AI sẽ thay đổi công việc của con người như thế nào: “Hàng triệu việc làm sẽ bị mất đi và hàng triệu việc làm khác sẽ được tạo ra”. Tuy nhiên, những công việc mới do AI tạo ra và nhiều công việc sẽ được AI chuyển đổi hoặc tăng cường. Do đó, ILO khuyến nghị cần tăng cường việc đào tạo, đào tạo lại và đào tạo nâng cao kỹ năng cũng như tái chuyển đổi.

“Tất cả chúng ta đều phải đẩy mạnh việc học tập suốt đời; điều này sẽ trở thành chìa khóa để giảm thiểu tác động của công nghệ đến việc làm”, Houngbo nói.

Bên cạnh đó, việc tiếp tục đối thoại và phát triển chính sách sẽ rất quan trọng trong việc định hướng bối cảnh phát triển của công nghệ AI và những tác động của nó đối với xã hội.

Tshilidzi Marwala, Hiệu trưởng trường Đại học LHQ (UNU) và Phó Tổng Thư ký LHQ cho biết: “Chúng ta cần tạo ra một nền tảng nơi mọi người ở phía bắc và nam bán cầu có thể cùng nhau sáng tạo để làm cho AI trở nên hiệu quả và phù hợp với mọi người”.

Từ nguyên tắc đến thực thi

Kể từ Hội nghị cấp cao toàn cầu về AI lần đầu tiên vào năm 2017, các cơ quan của LHQ đã và đang phát triển các công cụ, hướng dẫn và nghiên cứu để giúp các quốc gia tận dụng tối đa AI, bao gồm: Sách Trắng về quản trị AI của LHQ, các hành động của LHQ về AI, Nghị quyết về AI.

“AI đang thay đổi cuộc sống của chúng ta”, Gabriela Ramos, Trợ lý Tổng Giám đốc về Khoa học Xã hội và Con người của UNESCO cho biết. “Chúng tôi làm việc với các quốc gia thành viên để tìm cách quản lý AI”, bà nói thêm.

Các cơ quan của LHQ đang phối hợp chặt chẽ để cùng nhau giải quyết những thách thức và cơ hội do AI mang lại, thúc đẩy hợp tác quốc tế và quan hệ đối tác nhiều bên để phát triển các khuôn khổ quản trị AI nhằm hiện thực hoá các SDG của LHQ.

Tomas Lamanauskas, Phó Tổng thư ký ITU nhấn mạnh: “Điều quan trọng là phải phát triển AI một cách thực tế, không chờ đợi các hiệp ước, nhằm theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ”./.

Ngọc Diệp