Singapore và Indonesia xây dựng tuyến cáp biển mới, đáp ứng bùng nổ TTDL
Chuyển động ICT - Ngày đăng : 08:14, 01/06/2024
Singapore và Indonesia xây dựng tuyến cáp biển mới, đáp ứng bùng nổ TTDL
Hai nhà khai thác viễn thông là Singtel của Singapore và Telin của Indonesia đã đồng ý xây dựng Hệ thống cáp Indonesia - Singapore (INSICA) dài 100 km, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ quý 4/2026.
Singtel và Telin đã thành lập một tập đoàn xây dựng hệ thống cáp ngầm mới kết nối Singapore và đảo Batam của Indonesia trong một tuyên bố đưa ra ngày 31/5/2024.
Theo các nhà khai thác viễn thông, INSICA sẽ có một cặp cáp ngầm dưới biển 24 sợi và hai đường cáp đất, cung cấp công suất tối đa lên tới 20 terabit/giây trên mỗi cặp sợi. Hai nhà khai thác cho biết thêm rằng kết nối do INSICA cung cấp sẽ tăng cường khả năng bảo vệ và độ tin cậy của mạng, đảm bảo hoạt động 24/7 không bị gián đoạn cho các trung tâm dữ liệu (TTDL).
Ooi Seng Keat, Phó Chủ tịch cơ sở hạ tầng số và dịch vụ tại Singtel, lưu ý Batam đang nổi lên như một địa điểm đắc địa cho các TTDL do nằm gần Singapore và nhấn mạnh sự cần thiết của một hệ thống cáp quang biển mới có thể truyền tải lưu lượng truy cập Internet giữa hai nước.
"Với hệ thống cáp này, chúng tôi cũng sẽ có thể tăng cường kết nối giữa các quốc gia để hỗ trợ khối lượng công việc AI chuyên sâu, mật độ năng lượng cao hơn của các doanh nghiệp và công ty đám mây. Việc phát triển hệ thống cáp INSICA là một bước nữa mà chúng tôi đang thực hiện trong việc kiến trúc một hệ sinh thái số siêu kết nối để phục vụ nhu cầu lâu dài cho tương lai số của khu vực và thúc đẩy nền kinh tế khu vực”, Phó Chủ tịch Ooi cho biết trong một tuyên bố.
Batam nằm cách bờ biển Singapore chỉ 20km. Hiện nay có 11 hệ thống cáp ngầm nối hòn đảo với thế giới bên ngoài.
Dựa trên dữ liệu từ TeleGeography, ba hệ thống cáp mới đang được xây dựng (ngoài INSICA mới được công bố) sẽ có trạm cập bờ trên đảo. Đó là Apricot, dự kiến được đưa vào sử dụng vào năm 2026, trong khi đó cả hai tuyến cáp Asia Connect Cable-1 và Hawaiki Nui 1 dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2027.
Các hệ thống cáp ngầm này rất cần thiết trong việc hỗ trợ số lượng TTDL đang hoạt động ngày càng tăng ở Batam.
"Thị trường cáp ngầm toàn cầu đã sẵn sàng cho sự tăng trưởng chưa từng có trong thập kỷ tới, định vị Batam và Singapore là những địa điểm đắc địa để đầu tư vào TTDL. Cáp ngầm INSICA sẽ giải quyết nhu cầu quan trọng về khả năng kết nối TTDL giữa các địa điểm chiến lược quan trọng này”, Giám đốc điều hành Telin Budi Satria Dharma Purba, cho biết trong một tuyên bố.
Ông nói thêm rằng kết nối trực tiếp giữa các TTDL cũng sẽ hỗ trợ triển khai các công nghệ mới nổi, như IoT, robot, AI và phân tích dữ liệu, tất cả đều yêu cầu băng thông cao và độ trễ thấp cho các ứng dụng thời gian thực và quy mô thương mại.
Batam - cũng như Johor ở Malaysia - đã trở thành địa điểm mới cho các nhà khai thác TTDL muốn mở rộng sang Đông Nam Á.
Từ 5 năm trước, khi chính phủ Singapore ngừng xây dựng các TTDL mới để giải quyết những lo ngại về môi trường. Mặc dù lệnh cấm đã được dỡ bỏ một năm trước, các nhà khai thác TTDL phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt đối với các cơ sở mới.
Trong một blog xuất bản vào tháng 9/2023, công ty bất động sản Jones Lang LaSalle đã chỉ ra hòn đảo của Indonesia là địa điểm lý tưởng cho hoạt động của TTDL.
"Batam đang nhanh chóng trở thành điểm nóng của các TTDL. Hòn đảo có hơn 1 triệu dân và là trung tâm kinh tế lớn trong khu vực. Vào tháng 6/2021, chính phủ Indonesia đã chỉ định một khu vực ở Batam, tên là Nongsa, làm Đặc khu kinh tế cho nền kinh tế số và du lịch”, theo tác giả blog Desita Nanlohy.
Tác giả Nanlohy nói thêm: "Nongsa và Batam sẵn sàng trở thành “cầu nối số” giữa Singapore và Indonesia, vì họ có tiềm năng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nhân tài công nghệ, điện bền vững, đất cho TTDL và năng lực”./.