Xu hướng địa phương hóa hoạt động phát thanh trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam

Truyền thông - Ngày đăng : 06:15, 15/09/2024

Xu hướng địa phương hóa hoạt động phát thanh thông qua chú trọng đầu tư, xây dựng hệ thống phát thanh địa phương cả về hình thức lẫn nội dung, kết hợp toàn cầu hóa những cái chung và địa phương hóa những đặc trưng riêng nhằm đưa thông tin địa phương đến thế giới và đưa thông tin thế giới đến địa phương theo một cách gần gũi, dễ hiểu đã chứng minh mang lại hiệu quả thiết thực.
Truyền thông

Xu hướng địa phương hóa hoạt động phát thanh trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam

Nguyễn Lan Phương - Cục Thông tin cơ sở, Bộ TT&TT 15/09/2024 06:15

Xu hướng địa phương hóa hoạt động phát thanh thông qua chú trọng đầu tư, xây dựng hệ thống phát thanh địa phương cả về hình thức lẫn nội dung, kết hợp toàn cầu hóa những cái chung và địa phương hóa những đặc trưng riêng nhằm đưa thông tin địa phương đến thế giới và đưa thông tin thế giới đến địa phương theo một cách gần gũi, dễ hiểu đã chứng minh mang lại hiệu quả thiết thực.

Tóm tắt:
- Xu hướng địa phương hóa phát thanh đã được nhiều nước triển khai và đã chứng minh hiệu quả thiết thực.
- Ưu điểm của phát thanh địa phương:
+ Phục vụ nhu cầu thông tin về địa phương cho người dân;
+ Góp phần xây dựng, nâng cao tính cộng đồng, kết nối các địa phương, phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội tại khu
vực;
+ Giúp bảo tồn và giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống;
+ Phổ biến thông tin thiết yếu đến người dân một cách nhanh chóng, tiết kiệm.
- Thực tiễn tại Việt Nam:
+ Truyền thanh cơ sở là một giải pháp tối ưu để cung cấp thông tin thiết yếu đến người dân;
+ Còn nhiều hạn chế, khó khăn về đầu tư và công nghệ.
- Kiến nghị cho Việt Nam:
+ Tiếp tục đẩy mạnh, huy động các nguồn lực thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hoạt động
truyền thanh cơ sở;
+ Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, đổi mới phương thức truyền thông đa phương tiện.

Thuật ngữ địa phương hóa - toàn cầu xuất hiện từ những năm 1980 bắt nguồn từ sự kết hợp giữa hai thuật ngữ “toàn cầu hóa” (globalization) và “địa phương hóa” (localization) chỉ các cá nhân, nhóm người, tổ chức, sản phẩm hay dịch vụ phản ánh được cả tiêu chuẩn toàn cầu lẫn tiêu chuẩn của một địa phương cụ thể.

Như vậy có thể hiểu, địa phương hóa là một biệt ngữ thể hiện sự thích nghi của sản phẩm/dịch vụ với từng địa phương cụ thể nơi mà sản phẩm/dịch vụ đó được đưa ra. Theo chiều hướng này, yếu tố địa phương trong quá trình toàn cầu hóa sẽ vẫn được nhận ra một cách chính xác thông qua các biểu hiện đặc biệt (thường được gọi là bản sắc).

Trong hoạt động phát thanh xu hướng này được biểu hiện thông qua việc chú trọng đầu tư, xây dựng hệ thống phát thanh địa phương cả về hình thức lẫn nội dung. Ở nhiều nước, hai xu hướng này đang kết hợp vơi nhau nhằm đưa thông tin địa phương đến thế giới và đưa thông tin thế giới đến địa phương theo một cách gần gũi, dễ hiểu nhất với người dân địa phương. Thông qua việc toàn cầu hóa những cái chung và địa phương hóa những đặc trưng riêng các sản phẩm truyền thông nói chung và các chương trình phát thanh nói riêng có thể giữ một vai trò năng động trong quá trình kết nối các yếu tố bản sắc.

dia-phuong-hoa-phat-thanh.png

Xu hướng địa phương hóa phát thanh tại một số quốc gia trên thế giới

Tại Cộng hòa Liên bang Đức

Mạng lưới phát thanh quốc gia của Đức có hơn 500 đài phát thanh công cộng và tư nhân. Hệ thống đài phát thanh công cộng của Đức (ARD) phục vụ người dân ở các địa phương với đặc thù về ngôn ngữ ngoài tiếng Đức chuẩn (Hochdeutsch) thì ở mỗi bang hay tỉnh, thành phố đều có những phương ngữ (Dialekte/Mundarten) riêng, có khoảng 16 - 20 nhóm phương ngữ chính.

Đặc điểm của việc cung cấp thông tin qua hệ thống phát thanh công cộng tại Đức là theo xu hướng địa phương hóa thông tin. Địa phương nào cũng có sản phẩm thông tin riêng về địa phương đó, vùng đó. Nội dung thông tin được Hội đồng phát thanh - truyền hình (PTTH) của địa phương kiểm soát. Bằng cách này, đã hạn chế việc lan truyền tin giả và cho phép việc truyền thông theo đặc thù địa phương.

Các đài phát thanh địa phương ở Đức tồn tại dựa trên sự đóng góp của người dân. Hơn 90% số hộ gia đình tại Đức trả tiền để nghe phát thanh theo tháng, mỗi hộ gia đình phải trả trung bình 18,36 euro để hỗ trợ phát sóng công cộng. Điều này được duy trì với quan điểm một nền dân chủ cần phải có các phương tiện truyền thông độc lập, được tài trợ như nhau bởi tất cả các cư dân.

Tại Australia

Australia có hệ thống phát thanh cộng đồng phát triển mạnh mẽ, được coi là một trụ cột quan trọng trong truyền thông tại đất nước này và được quốc tế công nhận là một trong những ví dụ thành công của truyền thông cơ sở. Gần 5 triệu người Australia theo dõi hơn 450 đài phát thanh phi lợi nhuận do công đồng sở hữu và điều hành [1]; hoạt động tại các thị trấn và các thành phố trên khắp nước Australia với tỷ lệ lớn nhất nằm ở khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa 76% và 24% trên khắp các địa điểm đô thị và ngoại ô.

Đặc điểm của các đài phát thanh cộng đồng ở Australia là tính địa phương hóa cao, tập trung vào nội dung phù hợp với cộng đồng dân cư tại khu vực đó. Do hoạt động trong khu vực hẹp nên đài phát thanh địa phương có điều kiện để tác động sâu rộng đến cộng đồng dân cư.

Tại Indonesia

Indonesia là quốc gia có số lượng đài phát thanh nhiều nhất trong ASEAN. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Indonesia, quốc gia này hiện có hơn 3.000 đài phát thanh. Trong đó, hệ thống phát thanh Cộng hòa Indonesia (RRI) bao gồm hơn 200 đài phát thanh được thiết lập bởi chính quyền tiểu bang hoặc địa phương, hoạt động độc lập, phi lợi nhuận và dành riêng để phục vụ lợi ích công cộng.

Hoạt động phát thanh công cộng được phủ sóng khắp các tỉnh, thành phố của Indonesia, đặc biệt tại các khu vực vùng núi, vùng đảo, quần đảo. Bên cạnh các kênh phát thanh với những nội dung khác nhau phù hợp với từng đối tượng thính giả, từng khu vực, RRI còn tổ chức các chương trình phát thanh riêng cho cộng động dân cư với các chương trình về làng quê, ngư dân, môi trường, thủ công, nông nghiệp... Chẳng hạn như để bảo tồn văn hóa dân tộc, các đài phát thanh tại đất nước này được yêu cầu phát thanh về nghệ thuật, thơ Banjar, âm nhạc truyền thống Minangkabau...

Các đài phát thanh địa phương ở vùng nông thôn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp khả năng tiếp cận tin tức và giải trí cho những cộng đồng bị hạn chế tiếp cận thông tin. Indonesia là quốc gia đa ngôn ngữ và văn hóa đa dạng nên các vùng đều sử dụng ngôn ngữ địa phương để phát thanh đảm bảo mọi người dân có thể được cung cấp thông tin bằng chính ngôn ngữ của họ. Nội dung thông tin về nông nghiệp, giáo dục, sức khỏe, tin tức địa phương, âm nhạc truyền thống, các chương trình văn hóa của cộng đồng dân cư. Thông qua các chương trình phát thanh, người dân được giới thiệu âm nhạc truyền thống, truyện dân gian và các yếu tố văn hóa khác có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng dân cư.

Các đài phát thanh ở khu vực nông thôn cũng thường xuyên tương tác với cộng đồng dân cư địa phương thông qua các chương trình kêu gọi, chương trình phản hồi của người nghe và các sự kiện của cộng đồng địa phương. Sự tương tác này giúp nuôi dưỡng kết nối thân thiện giữa những người nghe ở vùng nông thôn. Từ đó góp phần vào việc phổ biến thông tin, gắn kết cộng đồng, bảo tồn văn hóa truyền thống, thu hẹp khoảng cách giữa người dân nông thôn và thành thị ở Indonesia.

Tại Philippines:

Philippines có 5 cơ quan truyền thông và đều chịu sự quản lý của nhà nước, trong đó hoạt động phát thanh có Dịch vụ phát thanh Philippines (PBS) là mạng phát thanh công cộng lớn nhất, được Chính phủ trợ cấp phần lớn kinh phí hoạt động. Philippines có 387 đài phát thanh AM và 738 đài FM sử dụng các ngôn ngữ trong khu vực như Cebuano, Hiligaynon, Waray, đặc biệt là sử dụng các ngôn ngữ địa phương nên có khả năng tiếp cận người dân ở các vùng nông thôn xa xôi. Hiện nay các đài phát thanh ở quốc gia này đã tiếp cận đến 85% hộ gia đình, trong khi truyền hình là 74%.

Các đài phát thanh ở Philippines được phân loại thành các kênh phát thanh thương mại, phi thương mại, chính phủ và cộng đồng. Trong đó kênh phát thanh cộng đồng là một nét độc đáo ở Philippines được điều hành bởi các nhà cung cấp độc lập, vận hành máy phát công suất thấp nhằm tạo ra các chương trình văn hóa và giáo dục, sử dụng ngôn ngữ của chính người dân tại địa phương đó để cung cấp, phổ biến thông tin đến người dân.

Những ưu điểm của phát thanh địa phương

Phục vụ nhu cầu thông tin về địa phương cho người dân

Giúp người dân nắm bắt được các sự kiện, thông tin thiết yếu đang diễn ra trong khu vực, vùng mà họ sống một cách chính xác nhất; dễ hiểu, gần gũi và trực tiếp. Người dân được nghe thông tin (tin tức, sức khỏe, bản tin về nông nghiệp, thể thao...) bằng ngôn ngữ của chính họ. Đồng thời mang tiếng nói của địa phương, mang tin tức của địa phương đến với thế giới.

Với sự trợ giúp của khoa học kỹ thuật hiện đại, tin tức ở một bang, một tỉnh, một vùng miền được thế giới biết đến, qua đó, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương đó. Trong xu thế toàn cầu hóa, thông tin địa phương bằng chính ngôn ngữ của địa phương đó góp phần giữ gìn bản sắc, khẳng định và phát huy tiếng nói của địa phương, giới thiệu tiếng nói đó ra thế giới.

Góp phần xây dựng, nâng cao tính cộng đồng, kết nối các địa phương, phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội tại khu vực

Người dân, thính giả có thể nghe, đồng thời có thể phản hồi trực tiếp hoặc tham gia ý kiến vào những nội dung được thông tin trện hệ thống phát thanh địa phương. Hoạt động phát thanh không chỉ đưa tin các sự kiện và những vấn đề của quốc gia mà còn kết nối con người bằng cách giúp đỡ các cộng đồng địa phương chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau. Sự phát triển của phát thanh địa phương không chỉ phục vụ nhu cầu thông tin của người dân mà còn trở thành điều kiện để chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm trong từng địa phương và giữa các địa phương.

Như tại Philippines: Dự án truyền thông Cộng đồng Tambuli [2]- 20 trạm Tambuli trải rộng khắp các vùng xa xôi của đất nước này từ Joló và Zamboanga ở cực nam, đến biên giới môi trường phía đông nam của Palawan đến Batanes ở cực bắc. Với mục đích: tăng cường khả năng tiếp cận thông tin cho người dân địa phương; cho phép người dân thể hiện bản thân; liên kết với nhau như một cộng đồng; tăng cường ý thức bản sắc; chuyển đổi thính giả từ người tiếp nhận thành người tham gia và quản lý hệ thống truyền thông địa phương [3].

Giúp bảo tồn và giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống địa phương đặc biệt là ở những khu vực đa sắc tộc, đa văn hóa

Do hoạt động trong khu vực hẹp nên đài phát thanh địa phương có điều kiện để tác động sâu. Khó tìm thấy một bức tranh rõ nét về một địa phương nào hơn là nghe đài phát thanh của địa phương đó. Không chỉ phản ánh tình hình mọi mặt, đài phát thanh địa phương còn góp phần giữ gìn ngôn ngữ, giới thiệu những nét văn hóa truyền thống, thể hiện và duy trì bản sắc địa phương...Hơn nữa, với phạm vi tác động hẹp, đài phát thanh địa phương có điều kiện để nâng cao tính gần gũi, thiết thực, bổ ích đối với thính giả.

Đài PTTH bản địa Australia (ABA) ở vùng Northern Territory (có đông thổ dân sinh sống nhất, cộng đồng thổ dân lớn nhất là người Pitjantjatjara sống gần Uluru và người Arrernte sống gần Alice Springs) là minh chứng cho nỗ lực của chính phủ nhằm giúp người bản địa nhận thức được giá trị và tầm quan trọng của nền văn hóa độc đáo và lâu đời nhất nước Australia. Ở đây có 4 trạm phát thanh và 4 trạm truyền hình, phát 27 thứ tiếng. Nhân viên chỉ có khoảng 10 người, phần lớn là người bản địa. Ngoài thông tin liên quan đến Australia và thế giới, ABA được phát thông tin riêng, các chương trình, tiết mục cho cộng đồng bản địa để gìn giữ bản sắc văn hóa bản địa không bị mai một.

Góp phần phổ biến thông tin thiết yếu đến người dân một cách nhanh chóng đồng thời không làm phát sinh chi phí vận hành

Cho đến thời điểm hiện tại và trong tương lai, phát thanh đặc biệt là phát thanh ở cơ sở vẫn và sẽ là phương tiện thông tin quan trọng vì tiện lợi, cơ động trong việc tiếp nhận; dễ dàng tương tác; công chúng có thể thể hiện mình trên sóng với cảm xúc chân thật. Phát thanh địa phương phát huy sự linh hoạt và cơ động của phát thanh; người nghe vẫn có thể vừa làm việc, vừa đi lại mà vẫn tiếp nhận được thông tin.

Ở nơi riêng tư hay chốn công cộng, thông tin phát thanh vẫn được tiếp nhận hiệu quả. Việc sản xuất không yêu cầu quy trình quá phức tạp, không mất nhiều thời gian, không đòi hỏi cả ê-kíp tạo điều kiện để thông tin dễ dàng, nhanh chóng. Bởi vậy, việc thành lập các đài phát thanh cho các khu vực, các địa phương có thể đáp ứng tốt yêu cầu thông tin của con người trong các điều kiện cơ sở vật chất khác nhau.

Thực tiễn tại Việt Nam

Truyền thanh cơ sở là một giải pháp tối ưu để cung cấp thông tin thiết yếu đến người dân

Với lợi thế là một lực lượng truyền thông đặc biệt gần dân, sát dân; sức mạnh của hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở chính là biết đến từng người, từng hộ dân đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, nơi mà đường sá đi lại khó khăn thì phát thanh là một giải pháp tối ưu để cung cấp thông tin thiết yếu đến người dân. Vì thế hiệu quả thông tin, nhất là những nội dung, vấn đề có tính cổ động, hiệu triệu hay tuyên truyền dài hơi, sự kiện... tỷ lệ người tiếp nhận thông tin rất cao. Có thể thấy rõ hiệu quả, sức mạnh của phát thanh cơ sở thông qua đại dịch COVID-19 hay tuyên truyền bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 vừa qua.

Công nghệ số đã tạo nên thói quen mới trong cách tiếp cận thông tin người dân có thể tiếp cận thông tin thông qua rất nhiều nền tảng ứng dụng như: mạng xã hội, Internet và các ứng dụng khác...với các hình thức tiếp cận thông tin nhiều chiều, chuyên sâu cho từng đối tượng, từng nhóm nhỏ.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (CNTT-VT) trong hoạt động phát thanh sẽ giúp người làm công tác phát thanh ở cơ sở rút ngắn được thời gian chuẩn bị nội dung phát sóng, bên cạnh đó có thể chuyên biệt hóa nội dung phát thanh theo từng thôn, bản để phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Trên cơ sở đó, góp phần trong việc xây dựng bản sắc văn hóa, giữ gìn ngôn ngữ địa phương tạo ra sự gắn kết cộng đồng (làng, xã) từng bước xây dựng hình ảnh, vị thế của địa phương.

ong-nguyen-truong-giang.png
Hình minh họa: Đồng chí Nguyễn Trường Giang - Cán bộ phụ trách đài truyền thanh xã Vân Hòa, huyện Ba Vì đang đọc bản tin phát thanh tiếng Mường

Ví dụ như tại xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh với đặc thù địa hình rộng lớn, nhiều đồi núi lại thường xuyên phải chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt. Thông qua việc ứng dụng CNTT-VT vào hoạt động phát thanh đã khắc phục được những hạn chế cơ bản trong truyền thanh hữu tuyến và vô tuyến. Nội dung phát thanh cũng được khu biệt như thôn Ngọc Mỹ phát thanh về tình hình dịch bệnh; thôn Cửa Lĩnh lựa chọn phát thanh nội dung tuyên truyền về nông thôn mới, các thôn khác phát sóng nội dung về chuyển đổi số [4].

Bên cạnh đó, việc ứng dụng CNTT cũng giúp xã Đức Lĩnh truyền thông được về những sản phẩm OCOP của địa phương như cam Đức Lĩnh... Từ đó, xây dựng, nâng cao tính cộng đồng, kết nối các địa phương, phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Một minh họa hiệu quả cho việc cung cấp thông tin thiết yếu đến người dân ở cơ sở (đặc biệt tại đô thị lớn) thông qua việc sử dụng kênh ZaloOA có thể kể đến là kênh ZaloOA của UBND Quận Ba Đình, thành phố Hà Nội đây được coi là một trong những kênh thông tin thiết yếu được người dân trên địa bàn đánh giá cao (với 64.560 lượt quan tâm) Kênh OA này chủ yếu cung cấp thông tin thiết yếu liên quan trực tiếp đến người dân địa phương như: thông báo lễ hội của địa phương, hướng dẫn giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội, phòng chống dịch bệnh...

Bên cạnh đó còn giới thiệu quảng bá các địa điểm du lịch, văn hóa trên địa bàn như: các di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn, các điểm vui chơi nênghé thăm khi đến quận Ba Đình... Mỗi tháng kênh có hơn 22 bản tin (nghỉ thứ bảy, chủ nhật), trung bình mỗi tháng kênh này gửi được 110 tin , mỗi lượt gửi tin được tới 60.593 tài khoản nhận.

zalo-oa.png
Hình minh họa: Kênh Zalo OA của UBND Quận Ba Đình, thành phố Hà Nội

Hạn chế, khó khăn còn tồn tại

Bên cạnh những thuận lợi, hiệu quả đã mang lại, công tác truyền thanh cơ sở vẫn còn tồn tại hạn chế, khó khăn căn bản, cụ thể là:

- Việc đầu tư cơ sở vật chất để hiện đại hóa thiết bị, công nghệ kỹ thuật phục vụ sản xuất nội dung phát thanh địa phương nói chung đặc biệt là tại cấp huyện, cấp xã mặc dù đã nhận được quan tâm, đầu tư thường xuyên của các địa phương, tuy nhiên hệ thống trang thiết bị phục vụ công tác của hầu hết các đài phát thanh, đặc biệt là các cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã còn thiếu đồng bộ, mức độ hiện đại hóa thiết bị, công nghệ kỹ thuật phục vụ sản xuất nội dung phát thanh chưa cao dẫn tới ảnh hưởng nhất định đến chất lượng thu, phát tín hiệu, truyền tải thông tin.

- Kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống này chủ yếu từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, kinh phí đối ứng từ ngân sách địa phương rất ít hoặc không có. Do đó, việc thay đổi cách thức sản xuất nội dung theo hướng địa phương hóa còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Đề xuất, khuyến nghị

Một là, tiếp tục đẩy mạnh, huy động các nguồn lực thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hoạt động truyền thanh cơ sở

Thông qua nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn lực hợp pháp khác để mở rộng hệ thống cụm loa truyền thanh ứng dụng CNTT-VT từng bước đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin thiết yếu đến người dân đặc biệt là người dân ở các các có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; đảm bảo phù hợp với khả năng tiếp cận thông tin của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện nghèo, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Hai là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, đổi mới phương thức truyền thông đa phương tiện để nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông.

Trong điều kiện nguồn kinh phí còn hạn chế việc ứng dụng các công nghệ, sử dụng các nền tảng số có sẵn để xây dựng các chương trình phát thanh mang đậm dấu ấn, ngôn ngữ, bản sắc văn hóa của địa phương theo hướng “nhóm nhỏ - giá trị lớn” là một trong những giải pháp sẽ góp phần thay đổi, nâng cao chất lượng hoạt động truyền thông nói chung hoạt động phát thanh cơ sở nói riêng. Từ đó, phổ biến thông tin thiết yếu đến người dân một cách nhanh chóng đồng thời không làm phát sinh chi phí vận hành.

Để bắt kịp với xu thế Cách mạng công nghệ 4.0, cần sử dụng các phương thức khác nhau để thu hút người nghe đến với các chương trình phát thanh. Như việc sử dụng Podcast (một phương tiện hội tụ kết hợp âm thanh, web người dùng có thể truy cập bằng máy tính hay thiết bị thông minh để phát các tập tin đa phương tiện) để xây dựng chương trình phát thanh bằng ngôn ngữ địa phương, cung cấp những thông tin thiết yếu của địa phương đến người dân. Giúp người dân có thể nghe tin phát thanh trên thiết bị cầm tay của cá nhân và lưu lại thông tin chương trình mình quan tâm để nghe lại khi có nhu cầu. Việc này giúp cho người nghe cảm thấy thuận tiện hơn trong việc lắng nghe các thông tin phát thanh theo ý thích của mình.

Tích cực ứng dụng công nghệ phát huy những lợi thế của Internet để thực hiện những phương thức phát sóng khác nhau (on-demand, podcast, livestream...) đáp ứng nhu cầu nghe theo yêu cầu, nghe bất cứ nơi đâu, nghe bất cứ cái gì...

Cùng với việc sản xuất nội dung phát thanh trên các ứng dụng số thì cũng cần đa dạng hóa cách thức phát thanh để phù hợp với nhu cầu, thị hiếu và đối tượng người nghe thông qua việc sử dụng các ứng dụng công nghệ thông qua các nền tảng số như Faceboook, Zalo, Tiktok, Youtube... hoặc thông qua Cổng thông tin điện tử của địa phương, trang thông tin nội bộ... thông qua mạng Internet.

Từng bước thay đổi cách nhìn, cách tiếp cận của người dân đối với hoạt động phát thanh không chỉ thông qua việc nghe loa mà còn có thể tiếp cận trên các hạ tầng số khác như việc xây dựng mô hình Zalo Mini Apps hay Zalo (Official Account) ở cấp cơ sở để từ đó giúp thông tin đến với người dân một cách nhanh nhất, sớm nhất và người dân có thể tương tác với cơ quan nhà nước một cách kịp thời nhất.

1. Theo số liệu của Bộ Hạ tầng, Giao thông, Phát triển vùng, Truyền thông và Nghệ thuật Australia: có hơn 450 đài phát thanh cộng đồng được cấp phép tại Australia, theo Đạo luật
Dịch vụ Phát thanh Truyền hình năm 1992 và giấy phép máy phát được cấp theo Đạo luật Thông tin vô tuyến năm 1992. Hoạt động của các đài phát thanh cộng đồng tuân thủ Quy tắc
thực hành cho lĩnh vực phát thanh công cộng do Hiệp hội phát thanh cộng đồng Australia (CBAA) quy định.

2. Tambuli là một thuật ngữ của Philippines dùng để chỉ chiếc sừng carabao truyền thống hoặc ốc xà cừ biển được người đứng đầu barangay sử dụng để kêu gọi người dân họp, hiện là viết
tắt của Tiếng nói của Cộng đồng Nhỏ vì sự Phát triển của Người có hoàn cảnh khó khăn.
3. Trạm đầu tiên do dự án Tambuli vận hành được gọi là Radio Ivatan và được thành lập ở Basco, một đô thị loại 5 ở tỉnh Batanes, thuộc các đảo cực bắc của Philippines. Trạm thứ hai
được thành lập tại Laurel thuộc tỉnh Batangas, cách Manila khoảng 85 km về phía nam, tiếp theo là trạm thứ ba trên đảo Panay, nằm ở miền trung Philippines. Theo đó, mỗi trạm
phát thanh sẽ xây dựng một khung chương trình được thông qua bởi hội đồng truyền thông cộng đồng (CMC). Chẳng hạn như khung chương trình về môi trường được gọi là “Thiên
nhiên là kho báu (Ang Kinaiyahan Bahandi)” ở Tubajon, “Chúng tôi và Môi trường (Kita Ug Ang Kinaiyahan)” ở Loreto và “Chăm sóc môi trường (Ang Pag-Amping Sa Kinaiyahan) )” ở Maragusan.

4 Tham khảo thông tin tại https://langso.dx.gov.vn/ - viết về những câu chuyện của người dân bình thường đã sử dụng công nghệ số để giải quyết các vấn đề hàng ngày trong cuộc
sống. Người dân tự “làm” chuyển đổi số để giúp chính mình và những người xung quanh, từ đó, dần dần hình thành nên những “công dân số”, “gia đình số”, “làng số”... để tiến tới định
hình “quốc gia số” cho Việt Nam trên bản đồ chuyển đổi số toàn cầu.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 5 tháng 5/2024)

Nguyễn Lan Phương - Cục Thông tin cơ sở, Bộ TT&TT