Sự phát triển của bán dẫn và AI sẽ song hành

Truyền thông - Ngày đăng : 12:52, 04/06/2024

Theo các chuyên gia, thị trường và tương lai của ngành công nghiệp bán dẫn sẽ cùng song hành với AI.
Truyền thông

Sự phát triển của bán dẫn và AI sẽ song hành

Thu Trang 04/06/2024 12:52

Theo các chuyên gia, thị trường và tương lai của ngành công nghiệp bán dẫn sẽ cùng song hành với AI.

AI và ngành công nghiệp bán dẫn cần được phát triển song hành

Trong buổi ra mắt sách “Chip War - Cuộc chiến vi mạch” do Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức mới đây với chủ đề “Vẽ lại bản đồ bán dẫn toàn cầu: Việt Nam ở đâu?”, Giám đốc Intel Việt Nam, ông Phùng Việt Thắng chia sẻ: “Một trong những động lực phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong thời gian tới chính là sự bùng nổ về AI (trí tuệ nhân tạo). Ở chiều ngược lại, sự phát triển của bán dẫn sẽ hiện thực hóa mong muốn xử lý tính toán liên quan đến AI. Hai ngành bán dẫn và AI sẽ có tác động tương hỗ, song hành trong thời gian rất dài nữa”.

ong-thang-3640.jpg
Ông Phùng Việt Thắng - Giám đốc Intel Việt Nam.

AI là xu hướng còn phát triển trên toàn cầu trong tương lai, việc ứng dụng AI trong cuộc sống hằng ngày cũng sẽ trở nên phổ biến hơn. Đây cũng được cho là một động lực ngày càng lớn cho sự phát triển của công nghiệp bán dẫn không chỉ là về số lượng, mức độ lan tỏa, sự ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày mà còn là về chất lượng. Việc phát triển bán dẫn và AI một cách song hành cũng là điều được Chris Miller - tác giả cuốn Chip War từng nhấn mạnh.

Việt Nam cần tìm cho mình thị trường ngách

Ông Lê Minh Quốc, kỹ sư MK Group, người góp phần làm chip điện tử cho căn cước công dân và có 42 năm kinh nghiệm trong ngành, nhận định trong "cuộc đua" bán dẫn, Việt Nam nên tỉnh táo lựa chọn các thị trường ngách thay vì những ngành đỉnh cao như chế tạo wafer.

Sản xuất chip không phải đến từ nỗ lực của một nước, một cá nhân hay doanh nghiệp có thể làm được. Ông Phùng Việt Thắng - Giám đốc Intel Việt Nam chỉ ra rằng để tạo ra một con chip cần chuỗi sản xuất lớn, mỗi nước có thể phụ trách một công đoạn khác nhau. Trong đó, có nước chỉ có thể phụ trách được một khâu trong cả quy trình.

sach-cuoc-chien-chip-2.jpg
Buổi tọa đàm nhân dịp ra mắt bản tiếng Việt sách Chip War - cuộc chiến vi mạch (Chris Miller).

Nhận định về cánh cửa thâm nhập của Việt Nam vào ngành công nghiệp mũi nhọn này, ông Nguyễn Việt Hải - Giám đốc công nghệ Công ty SNS (Sirius Network Solution) nói: "Ngành bán dẫn rất rộng, có rất nhiều phân khúc, nên rõ ràng Việt Nam cần tham gia vào. Tuy nhiên, tham gia làm gì và như thế nào là câu chuyện của mỗi doanh nghiệp và rất cần định hướng nhà nước để có phong trào.

Theo tôi, về bản chất, vai trò của chính phủ quan trọng trong từng giai đoạn nhất định. Nhưng nếu để phát triển bền vững lâu dài, chúng ta vẫn cần có thị trường. Nếu không có thị trường, tất cả các ngành sẽ không thể phát triển được”.

sach-chip-ai.jpg
Cuốn sách Chip War - cuộc chiến vi mạch của tác giả Chris Miller. (Ảnh: Nhã Nam)

Bản đồ chất bán dẫn vẫn được cập nhật từng ngày với sự thay đổi sát sao trong cuộc đua gay cấn và hệ trọng của các quốc gia. Cuộc chiến giành uy thế trong ngành bán dẫn là một trong những câu chuyện quan trọng nhất về địa chính trị, an ninh quốc gia và phát triển kinh tế. Nhưng đó cũng là một trong những vấn đề ít được hiểu rõ và cuốn sách “Chip War - Cuộc chiến vi mạch” được coi là có thể giúp độc giả có cái nhìn rõ ràng và sâu sắc hơn về chủ đề cốt yếu này.

Như một cuốn biên niên sử về chất bán dẫn, cuốn sách “Chip War - Cuộc chiến vi mạch” dẫn dắt người đọc trở về những ngày đầu tiên của con chip cách đây khoảng hơn 60 năm và cho người đọc thấy sự thay đổi quyền kiểm soát ngành công nghiệp này có thể định hình lại đáng kể trật tự kinh tế và chính trị của thế giới trong tương lai./.

Thu Trang