Xây dựng chiến lược phát triển nguồn thu từ hệ sinh thái nội dung số

Truyền thông - Ngày đăng : 16:15, 14/06/2024

TS. Đỗ Anh Đức cho rằng, các cơ quan báo chí cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn thu báo chí từ hệ sinh thái nội dung số.
Truyền thông

Xây dựng chiến lược phát triển nguồn thu từ hệ sinh thái nội dung số

Trường Thanh {Ngày xuất bản}

TS. Đỗ Anh Đức cho rằng, các cơ quan báo chí cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn thu báo chí từ hệ sinh thái nội dung số.

Ngày 14/6/2024, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TTT) phối hợp với Trường Đại học (ĐH) Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV), ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc tế: “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số”. Trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra phiên chuyên đề: Mô hình kinh tế báo chí đặc thù Việt Nam.

dsc_8446.jpg
Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc, Tổng biên tập Tạp chí TT&TT Nguyễn Văn Hiếu, PGS.TS. Đinh Văn Hường, trường Đại học KHXH&NV điều hành phiên chuyên đề: Mô hình kinh tế báo chí đặc thù Việt Nam.

Tạo nguồn thu cho báo chí là điều kiện tiên quyết của cơ quan báo chí trong quá trình tồn tại và phát triển

Phát biểu tại phiên họp, TS. Đỗ Anh Đức, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: Ở Việt Nam, cơ quan báo chí được xác định là đơn vị sự nghiệp có thu và Chính phủ khuyến khích các cơ quan báo chí tự chủ tài chính, giảm bao cấp, tăng nguồn thu chính đáng.

Nguồn thu của cơ quan báo chí có giá trị to lớn không chỉ giúp cho cơ quan báo chí hoạt động tái sản xuất các sản phẩm báo chí mà còn có giá trị đóng góp vào ngân sách Nhà nước, góp phần phát triển nền kinh tế quốc dân.

"Tạo nguồn thu cho báo chí không phải là vấn đề mới, nó là điều kiện tiên quyết của nhiều cơ quan báo chí trong quá trình tồn tại và phát triển. Tạo nguồn thu tức là làm kinh tế trong báo chí. Làm kinh tế báo chí là hợp pháp, là nhu cầu cần thiết của nền kinh tế và các lĩnh vực xã hội khác, đã được khẳng định trong Luật báo chí năm 2016".

dsc_8466.jpg
TS. Đỗ Anh Đức: Tạo nguồn thu cho báo chí không phải là vấn đề mới, nó là điều kiện tiên quyết của nhiều cơ quan báo chí trong quá trình tồn tại và phát triển.

Tuy vậy, doanh thu của nhiều cơ quan báo chí bị sụt giảm mạnh, điển hình là khối ngành báo in và báo mạng điện tử. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của Internet, sự ra đời của nhiều nền tảng mạng xã hội như: Facebook, YouTube, TikTok... đã chiếm lĩnh một thị phần không nhỏ dịch vụ quảng cáo, truyền thông; cạnh tranh mạnh mẽ với các cơ quan báo chí, tạp chí.

Trước thực trạng đó, TS. Đỗ Anh Đức cho rằng, các cơ quan báo chí cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn thu báo chí từ hệ sinh thái nội dung số. Đó là toàn bộ những nội dung được sản xuất, phân phối trên không gian số, phù hợp với tầm nhìn, sứ mệnh và thực hiện những mục tiêu chiến lược của cơ quan báo chí.

Nguyên tắc cốt lõi của hệ sinh thái nội dung số là mang đến những trải nghiệm giá trị cho khách hàng, người tiêu dùng, hay công chúng mục tiêu nói chung.

Hệ sinh thái nội dung cần được xây dựng trên 5 trục chính: Chiến lược nội dung (content strategy), quản trị (governance), sáng tạo (creation), phân phối (distribution) và phân tích (analytics).

“Mặc dù có những đặc thù riêng do bản chất và thuộc tính thông tin của báo chí không phải là hàng hóa, dịch vụ thuần túy, nhưng trong thời đại số, hoạt động sản xuất và phân phối nội dung của báo chí không thể không đứng ngoài quy trình của sáng tạo và tiếp cận người dùng. Gần đây, khi báo chí thế giới chuyển dịch dần sang nền tảng thu phí và phát triển nguồn thu dựa chủ yếu vào độc giả, thì các nguyên tắc, nghệ thuật của marketing đã và đang được quan tâm, ứng dụng như một trong những trụ cột, quyết định thành bại của các chiến lược kinh tế báo chí trên nền tảng số”, TS. Đỗ Anh Đức chia sẻ.

Cơ quan báo chí phải chọn lựa chiến lược phát triển dựa trên đối tượng khách hàng

Nói về vấn đề đổi mới phương thức kinh doanh báo chí nhìn từ cơ hội hợp tác trong hệ sinh thái báo chí hiện đại, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê cho hay: Các cơ quan báo chí phải chọn lựa chiến lược phát triển dựa trên đối tượng khách hàng. Họ là những người quyết định đến việc cơ quan báo chí sẽ kinh doanh như thế nào trong hệ sinh thái báo chí.

dsc_8497.jpg
Ông Lê Quốc Vinh: Các cơ quan báo chí phải chọn lựa chiến lược phát triển dựa trên đối tượng khách hàng. Họ là những người quyết định đến việc cơ quan báo chí sẽ kinh doanh như thế nào trong hệ sinh thái báo chí.

Bạn đọc của các cơ quan báo chí hiện nay rất rộng, với những nhu cầu thông tin rất đa dạng. Vì vậy cần coi độc giả là tệp khách hàng để xây dựng các chiến lược, nhằm đáp ứng những nhu cầu, thị hiếu của họ, từ đó có chiến lược phát triển kinh tế báo chí cụ thể.

“Các cơ quan báo chí cần phân đoạn hóa, thậm chí là cá nhân hóa các đối tượng khách hàng của mình. Tức là mỗi người, mỗi nhóm khách hàng cần được xem như là một thị trường. Do đó cần phải nghiên cứu nhu cầu cụ thể của thị trường. Hiện nay có nhiều công cụ số giúp cơ quan báo chí tiếp cận vấn đề này”, Lê Quốc Vinh nhấn mạnh.

CĐS báo chí để giành thị phần doanh thu truyền thông, quảng cáo trong phát triển kinh tế số

Chia sẻ một số vấn đề về chuyển đổi số (CĐS) và phát triển kinh tế số của báo chí Việt Nam hiện nay, TS. Đồng Mạnh Hùng, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cho hay: Hiện nay, mỗi cơ quan báo chí ở Việt Nam đang phải thực thi nhiệm vụ kép, đó là thực hiện nhiệm vụ chính trị (theo tôn chỉ, mục đích của tờ báo) và làm kinh tế để tồn tại và phát triển.

psx_20240614_114516.jpg
TS. Đồng Mạnh Hùng: CĐS và phát triển kinh tế số là hoạt động song hành mà các cơ quan báo chí Việt Nam phải thực hiện.

Trong bối cảnh phát triển rất mạnh mẽ của công nghệ truyền thông, các cơ quan báo chí đang đối mặt với những vấn đề lớn cần giải quyết liên quan đến CĐS và phát triển kinh tế số.

CĐS và phát triển kinh tế số là hoạt động song hành mà các cơ quan báo chí Việt Nam phải thực hiện. Vấn đề đặt ra là CĐS như thế nào và cần điều kiện gì để phát triển kinh tế số nhằm mang lại hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ kép đó”.

Cơ hội hiện hữu cho báo chí Việt Nam là nhu cầu thông tin của công chúng rất lớn, đặc biệt là tiếp cận thông tin, giải trí trên môi trường Internet, đó là môi trường lý tưởng để báo chí tiếp cận công chúng. Và các cơ quan báo chí Việt Nam phải vào cuộc cạnh tranh giành công chúng trên môi trường kết nối đa nền tảng.

“CĐS là tất yếu trong hoạt động báo chí và là việc phải làm của mỗi cơ quan báo chí, không phải chỉ để lan tỏa thông tin mà nó là một “cửa” sống còn để giành thị phần công chúng và doanh thu truyền thông, quảng cáo trong phát triển kinh tế số”, TS. Đồng Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Chia sẻ vấn đề phát triển mô hình kinh tế báo chí trên hạ tầng mạng xã hội - những kinh nghiệm của Trung Quốc, GS.TS. Dianlin Huang, Đại học Truyền thông Trung Quốc, cho biết: Hai nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc là WeChat và TikTok đã thâm nhập vào thị trường quốc tế với nền tảng công nghệ và bối cảnh chính sách quốc tế hoàn toàn khác nhau, áp dụng các chiến lược quốc tế hóa khác nhau và đạt được những kết quả khác nhau.

dsc_8483.jpg
GS.TS Dianlin Huang: Hai nền tảng truyền thông xã hội đại diện của Trung Quốc là WeChat và TikTok.

WeChat và TikTok, đại diện cho hai làn sóng quốc tế hóa quan trọng của các công ty Internet Trung Quốc, đã nổi lên như những nền tảng hàng đầu mở rộng ra nước ngoài.

“Sự phụ thuộc nặng nề của WeChat vào đối tác nội địa, Weixin, đã hạn chế khả năng thích ứng với môi trường thị trường mới, môi trường thể chế và bối cảnh văn hóa. Ngược lại, sự độc lập tương đối của TikTok với Douyin cho phép nó trở nên linh hoạt và tự chủ hơn, điều này giúp nó thành công trên thị trường toàn cầu”, GS.TS Dianlin Huang chia sẻ./.

Trường Thanh