Kinh tế báo chí: Các tòa soạn cần “thay đổi cách quản trị” và “quản trị được sự thay đổi”

Diễn đàn - Ngày đăng : 20:46, 14/06/2024

Để giải “bài toán” kinh tế báo chí, theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm, các cơ quan báo chí cần thay đổi cách quản trị và quản trị sự thay đổi đó.
Diễn đàn

Kinh tế báo chí: Các tòa soạn cần “thay đổi cách quản trị” và “quản trị được sự thay đổi”

Mai Phương 14/06/2024 20:46

Để giải “bài toán” kinh tế báo chí, theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm, các cơ quan báo chí cần thay đổi cách quản trị và quản trị sự thay đổi đó.

Tổ chức ngày 14/6/2024, tại Hà Nội, Hội thảo quốc tế: “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số” nằm trong khuôn khổ sự kiện thường niên của cộng đồng báo chí Việt Nam mang tên “Diễn đàn báo chí tháng 6”- lần thứ ba (năm 2024), do Tạp chí Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Báo điện tử Vietnamnet (Bộ TT&TT) và Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - KHXH&NV) đồng chủ trì.

Đa dạng hoá nguồn thu qua nhiều hoạt động

Tham luận tại hội thảo, ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết báo chí toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức.

“Điều quan trọng là những phần tăng của ấn phẩm số không thể bù đắp lại cho những phần mất đi từ báo in và đây là bức tranh chung của thế giới không riêng gì đối với Việt Nam”, nhà báo Lê Quốc Minh chia sẻ.

ong-le-quoc-minh.jpg
Ông Lễ Quốc Minh nêu nhiều giải pháp đa dạng hoá nguồn thu cho báo chí.

Doanh thu quảng cáo của báo chí toàn cầu trong giai đoạn 2019 - 2024, với các ấn phẩm số có có mức tăng không đáng kể từ 10,6 tỷ USD lên 11,9 tỷ USD, trong khi doanh thu quảng cáo báo in năm 2019 là 35,1 tỷ USD thì đến năm 2024 giảm xuống chỉ còn 21.4 tỷ USD.

Đối với doanh thu phát hành cũng tương tự, khi doanh thu phát hành báo in sụt giảm từ 50,3 tỷ USD và dự kiến xuống dưới 40 tỷ USD vào năm 2024. Trong khi đó, rất nhiều cơ quan báo chí trên thế giới đã có nguồn thu từ thu phí và rất nhiều các hình thức khác trên báo điện tử nhưng mức tăng từ 5,3 tỷ đến 8,4 tỷ USD tuy là lớn nhưng vẫn không bủ đắp được phần mất đi từ báo in.

Trước thực tế này, các cơ quan báo chí trên thế giới đã quan tâm tới việc đa dạng hóa nguồn thu, bao gồm: quảng cáo truyền thống; thực hiện tường thu phí; làm truyền thông; tổ chức sự kiện; thương mại điện tử; cấp phép thương hiệu; cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin; tổ chức nghiên cứu...

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân thông tin: Giai đoạn trước mắt, nguồn thu từ quảng cáo vẫn chiếm vị trí quan trọng của các cơ quan báo chí. “Quảng cáo đã giảm đi nhiều, có cơ quan chỉ chiếm 40 - 50% doanh thu nhưng dẫu sao đây vẫn là nguồn thu rất quan trọng”.

Theo nhà báo Lê Quốc Minh, các cơ quan báo chí truyền thông cũng sẽ hướng tới tìm kiếm doanh thu từ độc giả như một "nguồn thu an toàn" như triển khai tường phí.

“The New York Times triển khai tường phí rồi hạ xuống, rồi lại đẩy lên. Còn the Washington Post đã quyết định cạnh tranh bằng cách không thu phí rồi lại thu phí. Và hầu như các cơ quan báo chí lớn trên thế giới hiện nay đều thu phí”, nhà báo Lê Quốc Minh nói và cho rằng nếu các cơ quan báo chí vẫn tình trạng chờ xem đơn vị khác thử nghiệm có sai không mình mới làm thì dễ mắc lại những sai lầm cũ.

Tổng Biên tập Lê Quốc Minh cho rằng làm truyền thông là một trong những xu hướng mà nhiều cơ quan báo chí trên thế giới đang làm. Bởi chính các nhà báo là người thành thạo nhất về kỹ năng kể chuyện. Do vậy, việc sản xuất nội dung quảng cáo cho thương hiệu là cách để các cơ quan báo chí có thêm nguồn thu nhờ vào chuyên môn sâu về kể chuyện của mình.

“T Brand của The New York Times sản xuất chương trình và nội dung quan trọng cho các khách hàng chính như Cartier, Google, American Express… Studio Create của CNN chuyên kể các câu chuyện về con người, xuất phát từ di sản sản xuất nội dung nổi bật của CNN đem đến giải pháp đa nền tảng, đáp ứng mục tiêu của thương hiệu”, nhà báo Lê Quốc Minh nêu ví dụ.

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng thúc đấy việc tổ chức sự kiện để đem lại doanh thu. Tại Việt Nam hiện nay, nhiều tờ báo có nhiều kinh nghiệm như vậy như Báo Đầu tư. Báo Nhân Dân vừa qua cũng đã tổ chức rất nhiều sự kiện thành công, trong đó sự kiện thu hút tới 70.000 người tham dự tại Tây Ninh.

Ngoài ra, một số cơ quan báo chí đang cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin. “Lâu nay chúng ta chỉ nghĩ rằng, báo chí đi mua công nghệ ở nơi khác. Tuy nhiên, cơ quan báo chí lớn như The Washington Post đã phát triển các sản phẩm công nghệ riêng, hỗ trợ trên 400 website. Việc này tạo nguồn thu đáng kể cho tờ báo”.

Thêm nữa là hiện nay có xu hướng là cơ quan báo chí trở thành các tổ chức nghiên cứu, do có nhiều kinh nghiệm, khả năng chuyên sâu và thành công như Financial Times ra mắt công ty tư vấn và đã hoạt động kinh doanh. Tờ Business Insider thành lập thương hiệu Intelligence Insider…

Bán lẻ cũng trở thành câu chuyện của báo chí. Tập đoàn Times Group của Ấn Độ mua lại một website năm 2012 và tạo ra một dòng thời trang, trang sức, mỹ phẩm.

Cơ quan báo chí bây giờ cũng còn môi giới dữ liệu (dữ liệu báo chí, dữ liệu người dùng) để kinh doanh với các tập đoàn khác. Nhiều cơ quan báo chí như Financial Times, Economics có chương trình đào tạo.

Cuối cùng, nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng: “Làm thế nào có tiền và kiếm tiền sạch sẽ là được”.

Một số điểm nghẽn với sự phát triển kinh tế báo chí

Theo số liệu của Bộ TT&TT năm 2023, doanh thu truyền thông đạt ngưỡng 4 tỷ USD cho thấy sự tăng trưởng và tiềm năng của ngành truyền thông trong việc tạo ra giá trị kinh tế.

Cũng theo Bộ TT&TT, nguồn thu của các cơ quan báo chí trải theo phổ rất rộng từ 200 - 300 triệu cho đến mức 4 - 5.000 tỷ đồng.

ong-bui-chi-trung.jpg
PGS. TS. Bùi Chí Trung: Đổi mới động kinh tế báo chí truyền thông chính là mắt xích chính yếu để đổi mới toàn diện hệ thống báo chí - truyền thông.

Tuy nhiên, theo PGS. TS. Bùi Chí Trung, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo báo chí và truyền thông - trường Đại học KHXH&NV, thực tế hiện nay, số cơ quan báo chí có nguồn thu ở mức nghìn tỷ đồng chỉ còn khoảng một, hai cơ quan báo chí.

PGS. TS. Bùi Chí Trung cũng thẳng thắn chỉ ra một số điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển của kinh tế báo chí - truyền thông tại Việt Nam hiện nay, bao gồm: vấn đề nhận thức, mục tiêu, sức ép của sự bùng nổ công nghệ - kỹ thuật; việc điều hòa quan hệ lợi ích và điểm nghẽn trong xây dựng cấu trúc hệ thống tổng thể của nền kinh tế báo chí - truyền thông và thể chế quản lý báo chí - truyền thông đáp ứng yêu cầu mới.

"Đổi mới động kinh tế báo chí truyền thông chính là mắt xích chính yếu để đổi mới toàn diện hệ thống báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số", PGS. TS. Bùi Chí Trung nhấn mạnh.

Bộ TT&TT tập trung nhiều giải pháp để giải bài toán kinh tế báo chí

Sau khi lắng nghe những ý kiến trao đổi, chia sẻ và đóng góp của các diễn giả trong và ngoài nước tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết Bộ TT&TT đã có những nỗ lực, trong đó có nỗ lực giải quyết cây chuyện kinh tế báo chí và đã được báo chí ghi nhận những nỗ lực ban đầu.

tt-lam.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm: Phải chăng đến lúc báo chí định vị lại sứ mệnh của mình, định vị lại cách đi của mình

Theo Thứ trưởng, nỗ lực này không phải chỉ nằm ở chuyện là sẽ phải sửa đổi, cải cách một số thể chế, mặc dù đó là nền tảng rất quan trọng. Năm nay, Bộ TT&TT đã trình Chính phủ, Chính phủ trình Quốc hội để sửa Luật Báo chí, đưa vào đó một số thể chế về mô hình, quy mô, vị trí pháp lý của cơ quan báo chí trong bối cảnh công nghệ biến động, các mô hình kinh doanh biến động.

“Phải đưa vào Luật Báo chí sửa đổi những khái niệm mới, những tiền đề mới,… để có thể giúp đỡ cho báo chí phát triển. Trong đó, có câu chuyện là giải quyết vấn đề liên quan đến kinh tế báo chí”, Thứ trưởng cho hay.

Cũng theo Thứ trưởng, những thể chế khác của Nhà nước trong việc đặt hàng, tăng cường đặt hàng báo chí như là một dịch vụ công, một sản phẩm có ích cho xã hội cũng đang được sửa đổi, không phải chỉ để cho phép các cơ quan có thể mạnh dạn đặt nhiều hơn mà là đặt hàng đa dạng.

Các cơ quan báo chí tới đây có thể có những việc là cung cấp dịch vụ cho Nhà nước, cho các cơ quan đặt hàng ở trên nhiều nền tảng, đa nền tảng, không chỉ phụ thuộc vào nền tảng của bản thân cơ quan báo chí đó, để bắt đầu xu hướng đưa nội dung lên không gian mạng để đón một tệp người dùng thế hệ mới.

Thứ trưởng cũng thông tin những nỗ lực khác của Bộ TT&TT nhằm điều tiết một số bất cập trong vấn đề kinh tế báo chí cũng có thể kể đến là những biện pháp trong thời gian gần đây trong việc “nắn lại” dòng doanh thu quảng cáo trên không gian mạng để giảm bớt không chảy về những kênh nội dung vi phạm pháp luật hoặc là những kênh nội dung vi phạm bản quyền báo chí cũng là vi phạm pháp luật… Việc này để thêm nguồn lợi đến từ doanh thu quảng cáo được trở về với những trang, những kênh thông tin chính thống trong đó có báo chí.

Một câu chuyện năm nay cũng là câu chuyện thể chế rất đáng quan tâm là Nghị định 18/2014/NĐ-CP quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí xuất bản cũng đang được sửa đổi theo hướng để thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi theo hướng quy định, hướng dẫn các mức biểu phí để trả bản quyền trong lĩnh vực báo chí.

Bên cạnh những nỗ lực của cơ quan quản lý Nhà nước, Thứ trưởng chia sẻ việc cần phải đổi mới phương thức làm báo, mà xét cho cùng là đổi mới phương thức quản trị.

Theo Thứ trưởng, quản trị là sẽ phải thay đổi cách làm báo, cách kinh doanh sản phẩm báo chí. Đây có lẽ là một việc vô cùng khó nhưng không thể không làm để định hướng cho những năm tới.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, các cơ quan báo chí cần thay đổi cách quản trị và quản trị sự thay đổi đó.

Trong thời gian tới, Thứ trưởng cho biết, Bộ TT&TT khuyến khích, mong muốn các cơ quan báo chí mạnh dạn đưa ra những mô hình mới để làm báo, kinh doanh sản phẩm báo chí.

Tôi nghĩ rằng chúng ta hướng tới độc giả, tìm nguồn vui của độc giả là đúng nhưng chúng ta cũng có những thực thể khác trong xã hội rất cần sự đồng hành có trách nhiệm của báo chí để giữ các bên hình thành một mối quan hệ vừa giám sát vừa phản biện nhưng cũng đồng hành vì lợi ích chung và ở đó chúng ta tìm thấy lợi ích lớn hơn. Ở đây tôi muốn nói đến cộng đồng các doanh nghiệp (DN)”.

Theo Thứ trưởng, DN những người có nguồn lực và đối mặt với những khó khăn còn lớn hơn những khó khăn của một cơ quan báo chí cụ thể rất nhiều. DN có kinh nghiệm trong việc làm sao vượt qua khủng hoảng, vượt qua khó khăn, nhưng DN rất cần sự đồng cảm, chia sẻ để cùng giải bài toán mà nó khó với tất cả mọi người, đó là bài toán làm sao phát triển kinh tế.

“Làm sao chúng ta góp ý cho nhau cùng tiến bộ để đạt được mục tiêu phát triển từng DN, từng cơ quan nói riêng và phát triển đất nước nói chung.

Trong quá trình tìm những cách đi và tìm những nguồn thu chính đáng cho báo chí như vậy, Thứ trưởng cho rằng không bỏ qua bất cứ một mối quan hệ xã hội nào.

“Phải chăng đến lúc báo chí định vị lại sứ mệnh của mình, định vị lại cách đi của mình làm sao thật sự đóng góp được vào sự phát triển chung. Tôi không nghĩ rằng là các cơ quan báo chí khi đóng góp vào sự phát triển chung thì lại bị bỏ lại phía sau. Chắc chắn đây sẽ là một mối quan hệ các bên cùng có lợi”, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng mong muốn câu chuyện này trong diễn đàn hội thảo thành công như thế này sẽ tiếp tục được hâm nóng trong giới báo chí, trong cộng đồng DN và trong toàn xã hội để chúng ta mạnh dạn đưa ra một số mô hình trong thời gian tới./.

Mai Phương