Tuyến bài AI và báo chí: Bài 1 AI không thay thế hay làm mất việc của nhà báo
Truyền thông - Ngày đăng : 10:34, 17/06/2024
Tuyến bài AI và báo chí: Bài 1 AI không thay thế hay làm mất việc của nhà báo
Theo PGS. TS. Trần Quang Diệu, AI sẽ không thay thế hay làm mất việc của nhà báo. Tuy nhiên, vấn đề, trách nhiệm pháp lý và đặc biệt đạo đức báo chí cần được quan tâm một cách toàn diện.
Ứng dụng AI trong báo chí truyền thông là xu thế
Trao đổi với PV Tạp chí TT&TT, PGS. TS. Trần Quang Diệu, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết ứng dụng AI trong báo chí truyền thông đã và đang trở thành xu thế không thể tách rời của các cơ quan báo chí truyền thông hiện nay.
Hiểu một cách đơn giản, PGS. TS. Trần Quang Diệu, AI là một phần mềm ứng dụng trí thông minh nhân tạo nhưng điểm khác biệt là nằm ở "kho" kiến thức đã học được, nó có thể hiểu được nội dung câu hỏi một cách chính xác và nhanh chóng đưa ra câu trả lời lưu loát, đầy đủ. Các câu trả lời này được AI tự tổng hợp và được tạo ra từ dữ liệu lớn đã được huấn luyện trước.
AI có khả năng tự tạo ra nội dung dựa trên yêu cầu đầu vào, được lập trình để tự học dựa vào dữ liệu và tương tác với con người nên càng nhiều người sử dụng. Phần mềm ứng dụng trí thông minh nhân tạo này ngày càng thông minh, hoàn thiện và rất khó để phân biệt giữa kết quả được tạo ra bởi các phần mềm ứng dụng trí thông minh nhân tạo này với kết quả được tạo bởi con người.
Chính vì thế, khi AI thu thập thông tin, các phần mềm sử dụng AI này cũng có thể được sử dụng và huấn luyện các dữ liệu có chủ ý để tạo ra các thông tin sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc tạo ra các chỉ dẫn không đúng… từ đó phát tán thông tin sai lệch trên không gian mạng. Khi đó, việc tuyên truyền các nội dung cũng như kiểm duyệt nội dung được tạo ra bởi các phần mềm AI cũng là một thách thức lớn trong hoạt động báo chí, truyền thông.
Thực tế cho thấy, nhiều hãng công nghệ như Google, Facebook, IBM, Microsoft đã nhiều lần giới thiệu các phần mềm trả lời tự động nhưng do các phần mềm đó, khi được ứng dụng đều trả lời một số câu hỏi dẫn tới thiên hướng có ý nghĩa “sai” mà không thể chấp nhận được về mặt chuẩn mực của con người như: Xúc phạm về giới tính, không tôn trọng tôn giáo, sắc tộc hay bịa đặt, thay đổi tính chính xác của các sự kiện đã diễn ra hay sai lệch so với các chân lý được con người đồng thuận là đúng…
Vì thế, các phần mềm này đều bị dừng ứng dụng hoặc không đưa ra thị trường. Các công ty lớn nhận định, nếu phần mềm chưa thể giải quyết được nhận thức “đúng” - “sai” thì sẽ không đưa ra thương mại hóa hay cung cấp cho người sử dụng để phòng ngừa việc lạm dụng các phần mềm này cho các hoạt động gây ảnh hưởng không tốt tới cộng đồng.
Hiện nay, trên thế giới, nhiều tòa soạn báo chí đã triển khai ứng dụng AI trong các hoạt động như tờ The Washington Post sử dụng AI để sản xuất tin bài tự động về các sự kiện thông qua công cụ Heliograf. Thông qua AI, các tin, bài về các trận bóng đá của các trường học ở khu vực Wasington DC đã được thực hiện một cách tự động.
Bên cạnh đó, Bloomberg cũng sử dụng công cụ AI có tên là Cyborg để tổng hợp các báo cáo tài chính của doanh nghiệp và tạo nên các bài phân tích tài chính thông qua trí thông minh nhân tạo. Tờ báo Forbes cũng sử dụng AI để lắng nghe, phân tích và cung cấp các chủ đề đang được công chúng, độc giả quan tâm theo thời gian thực, từ đó đề xuất các tít tin, bài phù hợp với sự quan tâm của công chúng.
Ở Việt Nam, các cơ quan báo chí truyền thông đã và đang từng bước ứng dụng AI trong các hoạt động của mình, từ hoạt động quản lý tòa soạn, hoạt động sản xuất tin bài, hoạt động phát hành đến các hoạt động lắng nghe để thu thập ý kiến phản hồi của công chúng.
Các tờ báo tiên phong sử dụng AI có thể kể đến như VietnamPlus đã đạt được các kết quả nhất định như việc sử dụng chatbot để kết nối công chúng, lắng nghe lịch sử trao đổi, trò chuyện và tìm kiếm của công chúng để cá nhân hóa các sản phẩm nhằm phù hợp với thị hiếu và yêu cầu của công chúng. Một số tờ báo khác như Báo Nhân Dân cũng đang có các kế hoạch triển khai các hệ thống AI hỗ trợ quản lý tòa soạn trong thời gian tới.
“Trong bối cảnh hiện nay, các cơ quan báo chí truyền thông có thể nghiên cứu, ứng dụng ở các hoạt động: Phân tích văn bản tự động; dịch nội dung tự động; cá nhân hóa nội dung; định dạng tự động; chatbot và quảng cáo, tiếp thị… cũng như lắng nghe công chúng, độc giả để hướng tới đáp ứng thị hiếu và cá nhân hóa các giao diện người dùng. Bên cạnh đó, AI cũng có thể tham gia vào việc tự động hóa trong gợi ý tiêu đề, tóm tắt bài báo hay hỗ trợ tòa soạn trong các hoạt động sản xuất các sản phẩm báo chí truyền thông”, PGS. TS. Trần Quang Diệu nhấn mạnh.
Bản quyền, sở hữu trí tuệ báo chí cần xem xét ở nhiều khía cạnh khác nhau khi ứng dụng AI
Đề cập đến vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ (SHTT) khi báo chí ứng dụng AI, PGS. TS. Trần Quang Diệu cho biết: Cùng với tiến trình hội nhập quốc tế, vấn đề bảo vệ quyền tác giả, quyền SHTT trở thành nội dung được nhiều quốc gia quan tâm.
Thông qua các công ước, hiệp định, hiệp ước về quyền tác giả, các quốc gia đã từng bước triển khai các hoạt động bảo vệ quyền tài sản và quyền nhân thân cho các sáng tạo của người dân mỗi quốc gia, trong đó có lĩnh vực báo chí truyền thông. Ví dụ như Công ước Berne đã có các quy định về quyền bảo hộ của các sản phẩm gồm các quyền sao chép, phân phối, dịch, phóng tác, biểu diễn trước công chúng, phát sóng, truyền thông, bán lại tác phẩm gốc…
Việc AI sẽ tham gia vào từng bước, từng khâu của quá trình sản xuất, phát hành thì vấn đề bản quyền SHTT, bản quyền tác giả trở thành các vấn đề cần được quan tâm. Việc cơ quan báo chí sử dụng AI để sáng tạo sản phẩm, khi đó cần xác định rõ bản quyền SHTT, bản quyền tác giả thuộc về cơ quan báo chí truyền thông.
Về cơ bản, AI sẽ sáng tạo tác phẩm dựa trên các dữ liệu được cung cấp trên các hệ thống khác nhau hoặc các dữ liệu đầu vào nhất định. Do vậy, vấn đề bản quyền, SHTT cần được xem xét ở nhiều khía cạnh khác nhau. Nếu AI sử dụng dữ liệu gốc đã bị đánh cắp bản quyền, khi đó cần xác định rõ các vấn đề pháp lý liên quan đến dữ liệu này.
Công nghệ chuỗi khối (blockchain) có thể là giải pháp cho vấn đề này. Cuộc cách mạng về công nghệ đã mở ra một cách thức mới trong vấn đề xử lý và bảo vệ bản quyền tác giả và SHTT, đó là ứng dụng dữ liệu lớn và công nghệ blockchain trong quản lý các sản phẩm báo chí truyền thông. Dữ liệu lớn cho phép lưu trữ, khai thác và truy vết đối với các sản phẩm và blockchain cho phép đảm bảo các dữ liệu không bị thay đổi trong quá trình sản xuất, khai thác các sản phẩm này. Blockchain cho phép lưu trữ, khai thác, chỉnh sửa, truy vết một cách thống nhất trong suốt quá trình tồn tại của sản phẩm.
Bên cạnh đó, công nghệ này cũng hỗ trợ kiểm tra, xác thực giữa các nguồn dữ liệu khác nhau để xác định dữ liệu “gốc” do tính chất không thể thay đổi nội dung và khi thay đổi thì mọi dữ liệu gốc đều được lưu trữ của công nghệ này. Thông qua blockchain, chúng ta sẽ biết ai là người sở hữu, ai là người có quyền hợp pháp cũng như bằng chứng về ý tưởng, sử dụng, các yêu cầu mang tính nguyên gốc của sản phẩm.
AI không thay thế hay làm mất việc của nhà báo
Về việc liệu AI có thể làm mất việc nhà báo hay không? PGS. TS. Trần Quang Diệu khẳng định, AI sẽ không thay thế hay làm mất việc của nhà báo. Tuy nhiên, vấn đề, trách nhiệm pháp lý và đặc biệt đạo đức báo chí cần được quan tâm một cách toàn diện.
Về bản chất, AI là các phần mềm máy tính, thực hiện các câu trả lời của người dùng thông qua dữ liệu. Quá trình tạo ra một phần mềm thông minh nhân tạo bao gồm các bước: Thu thập dữ liệu (từ không gian mạng, từ cung cấp của người dùng), chọn lọc dữ liệu, thực hiện gán nhãn dữ liệu để thực hiện huấn luyện cho phần mềm và huấn luyện phần mềm như việc tiếp thu tri thức của con người. Dữ liệu thu thập được càng nhiều thì càng có nhiều câu trả lời.
Tuy nhiên, một vấn đề nảy sinh ở đây là các phần mềm này có thể phân tích và hiểu rất nhiều tầng ý nghĩa của một dữ liệu của đầu vào, nhưng không thể hiểu được ý nghĩa đó “đúng” hay “sai”. Thực tế cho thấy, việc một dữ liệu là đúng hay sai chỉ là tương đối. Các dữ liệu đang tồn tại trên Internet mà các nhà khoa học thu thập được để huấn luyện cho phần mềm cũng không phải luôn theo thiên hướng có ý nghĩa là “đúng” và dữ liệu đó chứa thông tin là “đúng” do các nhà khoa học thường sử dụng các công cụ thu thập dữ liệu tự động, sức người cũng không thể thu thập được các dữ liệu để phân tách được tính đúng - sai của các dữ liệu đó do các dữ liệu trên Internet là rất lớn.
Đơn cử, dữ liệu thu thập về trái đất của chúng ta, có thể có các dữ liệu là trái đất hình tròn, nhưng cũng có thể có các dữ liệu minh chứng trái đất là phẳng. Khi đó, các dữ liệu thu thập được sẽ chứa cả dữ liệu đúng và dữ liệu sai.
Một phần mềm sử dụng AI sẽ phân tích, xử lý và tìm kiếm các dữ liệu để tìm ra các tầng ý nghĩa của thông tin đầu vào đó thì đồng thời nó cũng tìm ra các dữ liệu mang tính “đúng” và các dữ liệu mang tính “sai” mà nó không thể xác định được đâu là dữ liệu đúng, đâu là dữ liệu sai. Các phần mềm sử dụng AI đơn giản chỉ là ghi nhớ dữ liệu thu thập được, phân tích để tìm ra các tầng ý nghĩa của các dữ liệu nên khi được hỏi, các phần mềm này không phân biệt được đúng hay sai mà chỉ trả lời lại các dữ liệu đã được nó lưu trữ, phân tích.
Báo chí, truyền thông luôn cần những dữ liệu trung thực, nguồn thông tin và các góc nhìn mới về các sự kiện chính trị, xã hội, văn hóa đang diễn ra trong thực tiễn Việt Nam và trên thế giới, trong khi đó các phần mềm ứng dụng AI có khả năng trợ giúp con người tạo ra các thông tin mới dựa trên phân tích ngữ nghĩa và tổng hợp thông tin từ các dữ liệu có sẵn, hoặc nếu bị các đối tượng lạm dụng các phần mềm ứng dụng AI này để sản xuất nội dung sẽ dẫn tới các thông tin sai lệch, xuyên tạc.
Các phần mềm sử dụng AI này cũng có thể được sử dụng và huấn luyện các dữ liệu có chủ ý để tạo ra các thông tin sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc tạo ra các chỉ dẫn không đúng… từ đó phát tán thông tin sai lệch trên không gian mạng. Khi đó, việc tuyên truyền các nội dung cũng như kiểm duyệt nội dung được tạo ra bởi các phần mềm ứng dụng AI cũng là một thách thức lớn trong hoạt động báo chí, truyền thông.
Khi AI sáng tạo một sản phẩm, khi đó các trách nhiệm từ pháp lý đến đạo đức liên quan đến sản phẩm đó sẽ gắn liền với cơ quan báo chí truyền thông.
Cần có quy định về sử dụng AI
Cũng theo PGS. TS. Trần Quang Diệu, hiện nay, các phần mềm AI và dữ liệu lớn đang ngày càng được sử dụng rộng rãi trong đời sống. Chính vì thế, việc AI thu thập và sử dụng dữ liệu từ không gian mạng đã ngày càng trở nên phổ biến.
Các thế lực thù địch, chống phá Đảng và Nhà nước ta cũng đang lợi dụng các kỹ thuật mới, công nghệ mới trong đó có AI để xây dựng các nội dung chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, tấn công thu thập dữ liệu để sử dụng vào mục đích chống phá, can thiệp vào hoạt động chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, đưa ra các thông tin thất thiệt hay dựng chuyện, bịa chuyện… Vì vậy, cần có các quy định về việc sử dụng AI, không chỉ ở các cơ quan báo chí truyền thông.
PGS. TS. Trần Quang Diệu đưa ra một số gợi mở và đề xuất giải pháp nhằm ứng dụng AI một cách an toàn, phát triển bền vững ở Việt Nam:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng, Nhà nước về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; cần có sự thống nhất và phối hợp đồng bộ trong các cơ quan, tổ chức quản lý thông tin trên không gian mạng. Đặc biệt, cần xây dựng một CSDL lớn về lý luận chính trị, nền tảng tư tưởng của Đảng để cung cấp luận cứ cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân soi chiếu tính đúng đắn của thông tin thu thập được.
Hai là, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý, ban hành luật pháp và hướng dẫn thực thi pháp luật liên quan đến sử dụng các hệ thống phần mềm ứng dụng AI, đặc biệt là sử dụng các dữ liệu trên không gian mạng, trong đó bổ sung các hành lang pháp lý về điều chỉnh hành vi của người dùng khi sử dụng các phần mềm hỏi - đáp tự động để sáng tạo nội dung và cung cấp thông tin trên không gian mạng.
Đồng thời, cần bổ sung những quy định liên quan đến các hành vi vi phạm như đánh cắp thông tin, bảo hộ quyền SHTT để bảo vệ đơn vị sở hữu khỏi những tình huống bị thiệt hại bởi các cá nhân/đơn vị khác.
Ba là, các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng các kế hoạch, chiến lược, chương trình tập huấn cho các cơ quan, tổ chức báo chí, truyền thông, nhà báo, phóng viên trong các hoạt động ứng dụng các phần mềm thông minh nhân tạo; Nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân và phát huy vai trò của các cơ quan, tổ chức báo chí, truyền thông đối với công tác kiểm chứng các thông tin ứng dụng các phần mềm ứng dụng AI.
Bốn là, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức báo chí, truyền thông để tận dụng thế mạnh về các CSDL của mình, đồng thời chia sẻ dữ liệu với các cơ quan, tổ chức khác. Bên cạnh đó, cần xây dựng các kế hoạch và chiến lược truyền thông một cách hợp lý, phù hợp với đại đa số người dân về chất lượng, ảnh hưởng của các sản phẩm do các phần mềm này tạo ra.
Năm là, tăng cường công tác tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực tham gia hoạt động bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, nguồn lực tham gia việc kiểm chứng thông tin, đặc biệt nhận diện và kiểm chứng thông tin do các phần mềm AI tạo ra. Đặc biệt, chú trọng các hoạt động ứng dụng AI trong các lực lượng chuyên trách bảo đảm và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia trên không gian mạng.
Cùng với đó, ban hành các chính sách hợp lý nhằm tổ chức thực hiện cũng như phối hợp giữa các cơ quan được giao nhiệm vụ nghiên cứu, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ bí mật Nhà nước, chủ quyền quốc gia, an ninh quốc gia trên không gian mạng./.