Tuyến bài AI và báo chí: Bài 6 Cần những giải pháp đồng bộ để ứng dụng AI tích cực trong báo chí

Truyền thông - Ngày đăng : 09:02, 20/06/2024

Việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy tắc đạo đức để điều chỉnh trí tuệ nhân tạo (AI) là điều vô cùng cần thiết. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ và thường xuyên giữa các nhà báo với các chuyên gia công nghệ, để có thể đưa ra những phương án kiểm soát và ứng dụng AI một cách phù hợp, vì mục đích tích cực và bảo vệ các giá trị cốt lõi của nghề báo.
Truyền thông

Tuyến bài AI và báo chí: Bài 6Cần những giải pháp đồng bộ để ứng dụng AI tích cực trong báo chí

Trường Thanh 20/06/2024 09:02

Việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy tắc đạo đức để điều chỉnh trí tuệ nhân tạo (AI) là điều vô cùng cần thiết. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ và thường xuyên giữa các nhà báo với các chuyên gia công nghệ, để có thể đưa ra những phương án kiểm soát và ứng dụng AI một cách phù hợp, vì mục đích tích cực và bảo vệ các giá trị cốt lõi của nghề báo.

Hiện nay, trước xu hướng phát triển và ứng dụng mạnh mẽ của AI, báo chí không đứng ngoài cuộc và chịu tác động trực tiếp. AI sẽ có tác động, thúc đẩy báo chí số, sự vận hành linh hoạt từ sáng tạo nội dung đến sản xuất các dòng sản phẩm số; kinh doanh, phát hành trên các nền tảng số… trong toàn bộ hoạt động của tòa soạn số. Tuy nhiên, việc sử dụng AI trong báo chí truyền thông cũng đặt ra các vấn đề cần được giải quyết.

Ứng dụng AI và một số tiềm ẩn rủi ro

TS. Đỗ Anh Đức, Trưởng Bộ môn Truyền thông đa phương tiện, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học (ĐH) Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, AI có tác động tích cực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số (CĐS) trong báo chí.

Công nghệ này giúp tự động hóa nhiều khâu trong quy trình sản xuất tin, bài, cá nhân hóa nội dung theo nhu cầu độc giả và hỗ trợ phân tích dữ liệu để có những quyết định chính xác hơn.

img_3705.jpg
TS. Đỗ Anh Đức: Trong tương lai gần, AI sẽ đóng vai trò hỗ trợ đắc lực hơn là thay thế hoàn toàn các nhà báo. Sự hài hòa giữa máy và người sẽ giúp tòa soạn tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt hơn.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận AI cũng tiềm ẩn những rủi ro như làm giảm tính sáng tạo và vai trò của phóng viên (PV) nếu ứng dụng không đúng cách. Vì vậy, cũng cần nhìn nhận những mặt trái, hệ lụy mà AI có thể gây ra.

Thứ nhất, đó là rủi ro về độ chính xác và tính xác thực của thông tin. Nội dung do AI tạo ra hoàn toàn có thể chứa những sai sót, thiếu kiểm chứng, thậm chí vô tình tạo tin giả (fake news), gây hiểu lầm cho công chúng. Trong khi đó, trách nhiệm của báo chí là phải luôn đảm bảo thông tin chính xác, có nguồn tin rõ ràng.

Thứ hai, một hệ lụy khác của AI là nguy cơ dẫn đến nạn đạo văn, vi phạm bản quyền. Bởi lẽ, AI có khả năng tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để sinh ra nội dung mới. Nếu không kiểm soát tốt, hoàn toàn có thể xảy ra việc sao chép, sử dụng tác phẩm của người khác mà không trích dẫn, xin phép, vi phạm luật sở hữu trí tuệ.

Một vấn đề nữa đó là có thể khiến các tin, bài trở nên rập khuôn, thiếu đa dạng và sáng tạo. Nếu lệ thuộc quá nhiều vào thuật toán và bộ máy tự động, các tòa soạn sẽ cho ra lò những sản phẩm báo chí giống nhau, thiếu điểm nhấn và góc nhìn mới lạ, điều mà nhiều tòa soạn của Việt Nam đã, đang phải đối mặt.

Cũng đã xuất hiện các ý kiến lo ngại như AI được dự báo sẽ thay thế dần một số vị trí công việc của con người, gây ra việc đào thải nhân sự trong lĩnh vực truyền thông - báo chí.

“Hiện tại, điều này chưa phải là vấn đề quá lớn. AI có thể đảm nhiệm các tác vụ mang tính lặp lại, máy móc nhưng vẫn chưa thể sánh bằng sự linh hoạt, sáng tạo của con người. Trong tương lai gần, AI sẽ đóng vai trò hỗ trợ đắc lực hơn là thay thế hoàn toàn các nhà báo. Sự hài hòa giữa máy và người sẽ giúp tòa soạn tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt hơn”, TS. Đỗ Anh Đức chia sẻ.

Báo chí cần hết sức thận trọng khi ứng dụng AI

Cũng theo TS. Đỗ Anh Đức, AI đang và sẽ tiếp tục tạo ra nhiều chuyển biến to lớn trong lĩnh vực báo chí. Tuy nhiên, những tác động của AI đối với đạo đức báo chí cũng là điều khiến giới truyền thông phải đau đầu.

Thực tế cho thấy, đạo đức của chính bản thân AI đã là một đề tài gây tranh cãi. Nhiều chuyên gia lo ngại rằng AI chưa thực sự làm chủ được các giá trị đạo đức, dễ mắc sai lầm hoặc bị lạm dụng. Các thuật toán AI cũng tiềm ẩn những rủi ro.

Với khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên, AI có thể tạo ra những nội dung tin tức rất giống thật nhưng lại hoàn toàn bịa đặt. Điều này sẽ khiến cho công chúng khó phân biệt đâu là thông tin chính xác, đâu là tin đồn thất thiệt.

Sự lạm dụng AI để tung tin giả sẽ gây hại nghiêm trọng đến niềm tin của công chúng, uy tín của các tổ chức báo chí. AI cũng có thể bị một số thế lực lợi dụng như một công cụ tuyên truyền, định hướng thông tin theo ý đồ xấu. Với khả năng tạo tin tức hàng loạt, nhanh chóng, AI dễ bị sử dụng để lan truyền thông tin sai lệch, kích động chia rẽ giữa các cá nhân, tổ chức, quốc gia.

“Đây là một mối lo ngại rất lớn đối với đạo đức báo chí vốn luôn coi trọng tính khách quan, trung thực và có trách nhiệm với xã hội”.

lam-dung-ai-trong-bao-chi.jpg
Ảnh: goethe.de

Một vấn đề đáng quan ngại khác là các thuật toán AI có thể không công bằng, khách quan do mắc phải sai lệch, thiên kiến. Ví dụ, thuật toán AI có thể đưa ra những gợi ý, đánh giá thiên vị dựa trên các tiêu chí như giới tính, sắc tộc, tôn giáo, gây phân biệt đối xử. Sự thiếu minh bạch trong cơ chế hoạt động của AI cũng khiến nhiều người e ngại, không an tâm sử dụng.

Ngoài ra, sự thiên lệch hay thậm chí sai lỗi còn đến từ tình trạng bất cân xứng về dữ liệu. AI hoạt động dựa trên nguyên lý tập lớn, tức là ưu tiên các dữ liệu sẵn có và chiếm tỷ lệ đa số để tổng hợp và cho ra kết quả nội dung. Do đó, nếu dữ liệu đầu vào thiếu cân xứng thì hệ quả sẽ khó lường.

Thêm nữa, AI đặt ra nhiều thách thức về bảo mật thông tin và quyền riêng tư. Để hoạt động hiệu quả, AI cần thu thập một khối lượng dữ liệu khổng lồ về thói quen, sở thích, nhân khẩu học của độc giả. Nếu những dữ liệu này bị rò rỉ hoặc bị lạm dụng, nó sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, xâm phạm đến đời tư cá nhân và ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của các cơ quan báo chí.

Ứng dụng AI trong báo chí tiềm ẩn nhiều nguy cơ vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Trong quá trình phát triển, AI đã bộc lộ nhiều điểm yếu có thể dẫn đến các hành vi trái với chuẩn mực đạo đức của người làm báo. Trước những tác động sâu rộng ấy, giới báo chí cần hết sức thận trọng khi ứng dụng AI trong thực tiễn”, TS. Đỗ Anh Đức cho hay.

Cần trang bị kiến thức và kỹ năng tối thiểu về AI cho sinh viên báo chí

TS. Đỗ Anh Đức cho rằng, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, việc đào tạo sinh viên báo chí, nhà báo ứng dụng AI là rất cần thiết. Người làm báo, đặc biệt là sinh viên báo chí cần được trang bị kiến thức và kỹ năng tối thiểu về AI từ ghế nhà trường là vô cùng quan trọng. Các hoạt động thực hành, thực tập, tham quan sẽ giúp sinh viên hiểu rõ hơn về đặc thù công việc, môi trường làm việc thực tế cũng như cập nhật được những xu hướng, công nghệ mới nhất đang được ứng dụng. Từ đó, khi ra trường, sinh viên có thể nhanh chóng hòa nhập, thích ứng tốt và phát huy năng lực của bản thân.

Bên cạnh việc trang bị hệ thống kiến thức nền tảng, nhà trường cũng cần tạo nhiều cơ hội cho sinh viên được trải nghiệm, quan sát và tiếp cận với các tình huống thực tế, qua đó giúp các em hiểu rõ hơn về bản chất công việc, tiếp thu và vận dụng linh hoạt kiến thức đã học vào giải quyết vấn đề cụ thể, có cái nhìn gần gũi và sát thực tế đối với nghề nghiệp và các công nghệ bổ trợ.

img_23467.jpg
Các hoạt động thực hành, thực tập, tham quan giúp sinh viên hiểu rõ hơn về đặc thù công việc, môi trường làm việc thực tế cũng như cập nhật được những xu hướng, công nghệ mới nhất đang được ứng dụng.

Đạo đức báo chí và các chuẩn mực khi làm việc với công nghệ mới cũng cần được chú trọng giảng dạy. Sinh viên cần được trang bị nhận thức đầy đủ về đạo đức và trách nhiệm của người làm báo, sự cần thiết phải tuân thủ các quy tắc đạo đức khi khai thác và sử dụng công nghệ, cũng như cách thức vận dụng chúng một cách linh hoạt trước những tình huống cụ thể. Điều này sẽ giúp sinh viên định hình phẩm chất đạo đức nghề nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tự tin và vững vàng hơn trước sự phát triển và những cám dỗ của công nghệ.

Cần có những giải pháp đồng bộ

TS. Đỗ Anh Đức nhấn mạnh, để khắc phục những hệ lụy của AI đối với đạo đức báo chí, cần có những giải pháp đồng bộ.

Trước hết, Việt Nam cần xây dựng một hành lang pháp lý và bộ quy tắc đạo đức để quản lý chặt chẽ đối với AI nói chung cũng như đối với hoạt động báo chí nói riêng.

Song song với đó, các nhà báo cũng cần được trang bị kiến thức, nâng cao hiểu biết để ứng dụng AI một cách hiệu quả, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp.

“Quan điểm chung là ứng dụng AI theo hướng hỗ trợ cho con người chứ không phải là thay thế hoàn toàn. AI hỗ trợ để con người có thể tập trung thêm trí và lực cho các vấn đề chuyên môn và sáng tạo”.

Giải pháp căn cơ chắc chắn sẽ nằm ở sự chung tay của các bên liên quan gồm Nhà nước, giới báo chí, các chuyên gia công nghệ và xã hội để phát triển AI vì mục đích tốt đẹp, đem lại lợi ích cho cộng đồng.

Việc áp dụng AI vào hoạt động báo chí cần đặt trong khuôn khổ của các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp. Các quy tắc kiểm soát dữ liệu, thuật toán minh bạch, trách nhiệm giải trình... cần được xây dựng để quản lý AI. Đồng thời, các nhà báo cũng phải thường xuyên nâng cao nhận thức, am hiểu công nghệ để chủ động sử dụng AI đúng đắn.

Mỗi tòa soạn nên thảo luận để đưa ra các tiêu chuẩn riêng trong ứng dụng AI, sao cho vừa phát huy lợi thế của AI, vừa bảo đảm không đi ngược lại các chuẩn mực đạo đức.

“Việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy tắc đạo đức để điều chỉnh AI là điều vô cùng cần thiết. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ và thường xuyên giữa các nhà báo với các chuyên gia công nghệ, để có thể đưa ra những phương án kiểm soát và ứng dụng AI một cách phù hợp, vì mục đích tích cực và bảo vệ các giá trị cốt lõi của nghề báo”, TS. Đỗ Anh Đức đề nghị./.

Trường Thanh