Tờ báo giấy lâu đời nhất thế giới đã tự hồi sinh như thế nào?
Truyền thông - Ngày đăng : 08:16, 24/06/2024
Tờ báo giấy lâu đời nhất thế giới đã tự hồi sinh như thế nào?
Đối mặt với tình trạng sắp phải đóng cửa, tờ báo Wiener Zeitung 320 tuổi của Áo đã trải qua một cuộc đổi mới triệt để - từ công báo của chính phủ trở thành cơ quan báo chí đa kênh, xuất bản số - chỉ sau một thời gian ngắn.
Wiener Zeitung ngừng xuất bản bản in sau 320 năm hoạt động
Thuộc sở hữu của chính phủ Áo nhưng độc lập về mặt biên tập, tờ báo Wiener Zeitung bắt đầu xuất bản vào tháng 8/1703. Trải qua hành trình 320 năm, từng đưa tin và chứng kiến nhiều dấu mốc lịch sử, từ thời trẻ của nhà soạn nhạc Mozart cho đến việc Hoàng đế cuối cùng của Gia tộc Habsburg (một trong những hoàng tộc có ảnh hưởng lớn nhất châu Âu) thoái vị, đến nay Wiener Zeitung được coi là nhật báo lâu đời nhất còn tồn tại trên thế giới.
Trong suốt ba thế kỷ in ấn, tờ báo chỉ có một lần buộc phải dừng hoạt động. Đó là sau khi Áo sáp nhập vào nước Đức dưới thời Hitler. Tờ báo này đã bị Đức Quốc xã đóng cửa vào năm 1939. Năm 1945, trong khi Áo vẫn nằm dưới sự chiếm đóng của quân đồng minh, tờ báo này đã bắt đầu in ấn trở lại.
Tuy nhiên, Wiener Zeitung đã phải đối mặt với khả năng đóng cửa trong thế kỷ này. Mối đe dọa đã trở thành hiện thực khi Quốc hội Áo thông qua một đạo luật mới, trong đó chấm dứt yêu cầu pháp lý quy định các công ty phải trả tiền để đăng thông báo công khai trên ấn bản in của Wiener Zeitung, chấm dứt vai trò công báo chính thức của tờ báo này.
Trước đó, các thông báo tuyển dụng của chính phủ và báo cáo tài chính hàng năm của các công ty - theo quy định của pháp luật phải được công bố trên báo - đã mang lại phần lớn doanh thu hàng năm, khoảng 20 triệu euro, cho Wiener Zeitung.
Ngày 27/4/2023, với đa số phiếu ủng hộ, Quốc hội Áo đã thông qua đạo luật, yêu cầu báo đình bản in vì không còn lợi nhuận và chuyển sang trực tuyến kể từ ngày 1/7/2023. Trước khi quyết định ngừng bản in, Wiener Zeitung phải cắt giảm 63 việc làm, trong đó giảm bộ máy biên tập từ 55 xuống còn 22 vị trí.
Sau khi đình bản in, Wiener Zeitung chỉ xuất bản trực tuyến và nguồn thu chính của báo sẽ đến từ hoạt động trực tuyến. Chính phủ cho rằng quyết định trên là phù hợp với xu thế của châu Âu về tập trung hóa và xuất bản trực tuyến thông tin chính thức.
Chính điều này đã dẫn đến sự chuyển đổi nhanh nhất, triệt để nhất trong lịch sử của Wiener Zeitung. “Sự chuyển đổi diễn ra cực kỳ nhanh chóng, chúng tôi phải làm điều đó ngay lập tức”, Tổng biên tập Katharina Schmidt thừa nhận.
Wiener Zeitung, nay là WZ, là một trong số những tờ báo in lâu đời nhất trên thế giới và có lượng lớn độc giả là người cao tuổi. WZ có trang web, ứng dụng riêng, một số bản tin, podcast và lượng người theo dõi trên TikTok và Instagram ngày càng tăng.
Schmidt, nữ Tổng biên tập đầu tiên của tờ báo, đã chia sẻ những thách thức và bài học của Wiener Zeitung tại Hội nghị Truyền thông Tin tức thế giới thường niên của WAN-IFRA diễn ra mới đây ở Copenhagen, Đan Mạch.
Thách thức của Wiener Zeitung trong quá trình chuyển đổi
Vào tháng 10/2022, số người đăng ký của Wiener Zeitung là 8.000 người trong khi tổng dân số Áo vào khoảng 9 triệu người. Schmidt cho biết: “Hầu hết trong số 8.000 người đăng ký của chúng tôi đều trên 90 tuổi - và chúng tôi có nhiều độc giả trên 90 tuổi hơn là những độc giả dưới 40 tuổi”.
Khi đạo luật mới được thông qua, Wiener Zeitung không chỉ phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa tờ nhật báo quốc gia lâu đời nhất thế giới, mà còn phải phát triển trang báo điện tử cũng như nhắm mục tiêu và phát triển lượng độc giả mới, đặc biệt là thế hệ Z, với những định dạng nội dung mới.
Thời điểm quyết liệt đòi hỏi các biện pháp quyết liệt và thời điểm ngừng xuất bản bản in của Wiener Zeitung là ngày 30/6/2023. Vì vậy, tờ nhật báo này đã trải qua một cuộc tái cấu trúc lớn vào năm 2023 sau khi tham gia Table Stakes Europe, một sáng kiến WAN-IFRA hợp tác với Google News Initiative vào tháng 1/2023.
Từ việc mất doanh thu từ việc đăng thông báo tuyển dụng của chính phủ và báo cáo tài chính hàng năm, Wiener Zeitung còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình tái cơ cấu khi phải đấu tranh cho sự tồn tại bền vững. Họ không chỉ phải cắt giảm 60% nhân viên (từ 55 xuống 20) - và vượt qua sự phản kháng trong nội bộ đối với vấn đề này - mà còn bị pháp luật giới hạn về các nội dung mà họ có thể đăng tải.
“Chúng tôi thực sự phải tập trung vì có rất nhiều ý tưởng mà chúng tôi muốn áp dụng vào thực tế nhưng chúng tôi không thể. Vì vậy, chúng tôi chỉ tập trung vào báo chí kiến tạo và đối tượng mục tiêu của chúng tôi là những người từ 20 - 29 tuổi. Đối tượng độc giả mà chúng tôi hướng tới đã thay đổi hoàn toàn: từ người già sang người trẻ", Schmidt cho biết.
Theo nhà báo Schmidt, Wiener Zeitung đã khảo sát nhu cầu của nhóm đối tượng độc giả này và tiến hành các thử nghiệm đánh giá khả năng đáp ứng nhu cầu của độc giả.
Quá trình phát triển của Wiener Zeitung cũng là một quá trình thử nghiệm và phát triển lặp đi lặp lại, sau đó điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu thực tế. “Điều này rất quan trọng trong quá trình phát triển; bạn không thể cố định một số khuôn khổ”, Scmidt giải thích.
“Ví dụ: chúng tôi bắt đầu triển khai podcast và kênh YouTube vào ngày 1/7/2023. Tuy nhiên, chúng tôi phải tạm dừng cả hai vì thấy lượng người theo dõi chưa đủ. Và chúng tôi đã triển khai lại sau nửa năm", nữ biên tập viên của Wiener Zeitung chia sẻ.
Những kết quả tích cực
Để giải quyết những thách thức trên, nhóm TSE, bao gồm Giám đốc dự án Jan Forobosko và Verena Götzner, đã áp dụng cách tiếp cận sản phẩm khả thi tối thiểu (MVP) để đưa trang báo điện tử ra mắt đúng thời hạn và thực hiện các thử nghiệm nhỏ đối với người dùng về các bài viết về kinh tế, xã hội, châu Âu và môi trường.
Ngoài ra, Wiener Zeitung còn thực hiện phương pháp tiếp cận nội dung được cá nhân hóa, trong đó người dùng có thể quyết định nên đọc, nghe hay xem nội dung gì và xây dựng danh sách nghe hoặc đọc, đồng thời cũng thử nghiệm các định dạng nội dung khác như podcast và video, bao gồm cả việc tạo nội dung cho TikTok.
“Với các nguồn lực hiện có trong khi có vô số cơ quan báo chí trên thị trường, chúng tôi nhận ra rằng việc trở thành nguồn cung cấp tin tức nóng hổi hàng đầu là không khả thi đối với chúng tôi. Thay vào đó, chúng tôi đã lựa chọn các chủ đề để xuất bản nội dung phù hợp với đối tượng mục tiêu của mình với chất lượng cao nhất và mang tính xây dựng”, Hannah Schaefer của Wiener Zeitung cho biết.
Trong vòng vài tuần kể từ khi ra mắt, báo đã nhận được kết quả tích cực: 750.000 độc giả hàng tháng và số độc giả trên Instagram đã tăng 1/3 trong 3 tuần đầu tiên. Vào tháng 9/2023, họ tung ra một bản tin dành riêng cho chính trị; số lượng đăng ký là 12.000, ngoài ra các bản tin tập trung vào chủ đề khác đang được lập kế hoạch.
Đến tháng 11/2023, trang báo làm mới lại của WZ đã có tới 3 triệu độc giả; kênh TikTok mới có 11.500 người theo dõi và số người theo dõi trên Instagram đã tăng 46% từ tháng 7 đến tháng 11/2023.
Trên thực tế, tờ báo đã thiết lập các kênh phân phối nội dung mới và có mức tăng trưởng không ngừng cho đến nay về số lượng người theo dõi và mức độ tương tác. Nhà cung cấp dịch vụ của họ đã thông báo rằng tính đến tháng 11/2023, WZ đã có tới 3 triệu người dùng kể từ khi ra mắt.
Katharina Schmidt cho biết: “Mọi người đều cảm thấy thoải mái khi đáp ứng được nhu cầu của nhóm độc giả mục tiêu. Hơn nữa, hoạt động báo chí của chúng tôi đã tạo được ảnh hưởng và được trích dẫn rộng rãi”.
Một số bài học rút ra từ câu chuyện chuyển đổi của WZ là cần thành lập một nhóm nòng cốt, trong đó có một tổ đa chức năng để thực hiện chuyển đổi tòa soạn; làm mới sản phẩm tin tức cùng với quá trình phát triển của tòa soạn - học hỏi từ các lĩnh vực khác để thích ứng với nhu cầu của tòa soạn.
Bên cạnh đó, cần tập trung vào hoạt động báo chí cốt lõi: đi đúng hướng và tìm đúng đối tượng độc giả. Và sự thay đổi cần có thời gian - điều này cần được truyền thông trong nội bộ để khuyến khích, động viên tinh thần đội ngũ tích cực hưởng ứng với những hướng đi mới của tòa soạn./.