ASEAN có bị chậm trong cuộc đua băng tần 5G?

Chuyển động ICT - Ngày đăng : 06:25, 24/06/2024

Các quốc gia ASEAN cần cung cấp nhiều phổ tần hơn, đặc biệt là băng tần 3,5 GHz, cho các dịch vụ số thế hệ tiếp theo chạy trên mạng 5G.
Chuyển động ICT

ASEAN có bị chậm trong cuộc đua băng tần 5G?

Anh Minh 24/06/2024 06:25

Các quốc gia ASEAN cần cung cấp nhiều phổ tần hơn, đặc biệt là băng tần 3,5 GHz, cho các dịch vụ số thế hệ tiếp theo chạy trên mạng 5G.

Theo chuyên gia phổ tần Scott W Minehane, Giám đốc Windsor Place Consulting, một cơ quan tư vấn độc lập, đã hơn 1 năm kể từ khi Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực số của các quốc gia ASEAN tán thành về tầm quan trọng của phổ tần di động tại Hội nghị Bộ trưởng Kỹ thuật số ASEAN lần thứ ba (The 3rd ASEAN Digital Ministers Meeting - ADGMIN) tại Boracay, Philippines năm 2023. Theo đó, phổ tần di động được ví như huyết mạch để nền kinh tế số khu vực phát triển.

untitled-design-13-1718940541121.jpg
Các quốc gia ASEAN cần cấp nhiều phổ tần hơn, đặc biệt là băng tần 3,5 GHz, cho các dịch vụ số thế hệ tiếp theo chạy trên mạng 5G. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, bất chấp sự đồng thuận về tầm quan trọng của việc phân bổ phổ tần phù hợp, nhằm đảm bảo tốc độ phát triển số trong khu vực, các nước ASEAN dường như đang tụt lại phía sau về khả năng cạnh tranh băng thông rộng di động. Nguyên nhân chủ yếu là do chậm phân bổ phổ tần di động phù hợp, đặc biệt là băng tần cho 5G, băng tần 3,5 GHz (gigahertz).

Điều đó khiến khả năng cạnh tranh của các nước ASEAN đang đánh mất vào tay các thị trường Bắc Á, Trung Đông và Ấn Độ, những thị trường ưu tiên sử dụng phổ tần di động mới để cung cấp băng thông rộng không dây 4G và 5G chất lượng cao cho công dân của họ. Điều này đang giúp các khu vực và quốc gia này xây dựng các doanh nghiệp (DN) cạnh tranh hơn với băng thông rộng không dây tốc độ cao hỗ trợ số hóa, sản xuất thông minh, hậu cần thông minh, cung cấp dịch vụ tiết kiệm năng lượng và thương mại điện tử.

Đánh giá chi tiết “mặt trận băng tần” ASEAN

Ông Scott W Minehane là một chuyên gia đã tư vấn cho các chính phủ, DN hàng đầu và các tổ chức quốc tế bao gồm: Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ban Thư ký ASEAN, Cộng đồng Viễn thông Châu Á - Thái Bình Dương (APT), Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Hiệp hội Hệ thống thông tin di động toàn cầu (GSMA) về những phân tích, đánh giá chi tiết về chính sách băng tần của các nước ASEAN.

image-1718940216949.jpg
Bảng so sánh tốc độ băng rộng di động giữa các nước ASEAN. Nguồn: Ookla và các phân tích của Windsor Place Consulting về các dải phổ tần sẽ được cung cấp cho 5G trong thời gian tới.

Campuchia: Mặc dù gần đây chính phủ Campuchia đã thông báo xác nhận ra mắt dịch vụ 5G trong “tương lai gần”, các nhà mạng của quốc gia này vẫn đang chờ được cấp phát phổ tần 5G (đặc biệt là băng tần 3,5 GHz) cũng như sửa đổi các quy định cấp phép để cung cấp các dịch vụ 5G và đường truyền cáp quang cần thiết.

Trong khi chính sách đang được xây dựng, hiện Campuchia có tốc độ tải xuống băng thông rộng di động cthấp nhất trong ASEAN, thấp hơn tốc độ được cung cấp ở Myanmar.

Do tầm quan trọng đặc biệt của dịch vụ viễn thông di động ở Campuchia, cả dịch vụ di động 5G và dịch vụ 5G FWA là giải pháp thay thế tuyệt vời cho dịch vụ điện thoại cố định đã lỗi thời, đều cần được cung cấp càng sớm càng tốt.

Điều này sẽ thúc đẩy kinh tế số của Campuchia phát triển bao gồm TMĐT, sản xuất thông minh, từ đó giúp nước này đạt mục tiêu tăng trưởng GDP được dự báo 6,6% vào năm 2024.

Indonesia: Bộ Công nghệ Thông tin và Truyền thông (CNTT-TT) Indonesia đã dành nhiều thời gian để quy hoạch lại các băng tần di động, giúp tối đa hóa phổ tần di động hạn chế bằng cách quy hoạch các khối phổ tần liền kề rộng hơn. Tuy nhiên, chiến lược này dường như đã đi vào ngõ cụt và không còn đủ khả năng để đảm bảo tăng trưởng.

Việc thiếu hụt dung lượng và vùng phủ trong phổ tần IMT (International Mobile Telecommunications) ở Indonesia được phản ánh rõ ràng bởi thực tế là tốc độ băng thông rộng di động của Indonesia chỉ xếp thứ 8 trung bình trên toàn ASEAN.

Việt Nam: Việt Nam đang trong tiến trình công nghiệp hóa nhanh chóng và mạnh mẽ. Bộ TT&TT đã cấp phép khối băng tần B1 (2500 - 2600 MHz) và khối băng tần C2 (3700 - 3800 MHz) để cung cấp các dịch vụ 5G. Ngoài ra, băng tần 700 MHz cũng được kỳ vọng sẽ sớm được phân bổ.

Việt Nam đang nỗ lực cấp phát đủ băng tần cho các dịch vụ di động, đảm bảo các nhà mạng có đủ phổ tần cho 5G và tương lai là 6G.

Thái Lan: Quốc gia này có nguy cơ mất vị trí dẫn đầu về băng thông rộng di động 5G đã giữ vị trí này trong đại dịch COVID-19 sau cuộc đấu giá và phân bổ băng tần 700 MHz và 2,6 GHz vào năm 2020.

Giá phổ tần rất cao do Ủy ban Phát thanh và Viễn thông Quốc gia (NBTC) tính toán đã làm giảm đáng kể sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường di động và kết quả là chỉ còn lại hai nhà mạng là AIS và Truemove-DTAC trên cuộc đua.

Điều quan trọng là các dịch vụ 5G của Thái Lan đã phủ sóng hơn 92% dân số với hơn 20 triệu thuê bao (tỷ lệ thâm nhập gần 30%). Người tiêu dùng Thái Lan sử dụng nhiều dữ liệu di động sẽ có dịch vụ di động nhanh hơn nhiều nếu băng tần 3,5 GHz được cấp phát với mức giá phải chăng cho các nhà mạng sử dụng 5G-Advanced trong thời gian tới.

Philippines: Việc chưa thể tái sắp xếp băng tần di động và việc chưa sẵn sàng của băng tần 3,5 GHz ở các khu vực đô thị trọng điểm của Metro Manila, Davao và Cebu đã dẫn đến việc người dùng được cung cấp dịch vụ 5G chậm hơn, phụ thuộc chủ yếu vào khả năng chia sẻ phổ tần động (DSS) (một chức năng dựa trên phần mềm cho phép trạm gốc truyền đồng thời các thông tin giữa mạng LTE và 5G New Radio (5G NR) cùng một lúc trong cùng một băng tần).

Cả vùng phủ sóng và chất lượng dịch vụ của dịch vụ 4G tại Philippines cũng chưa đạt mức như chuẩn mực.

Malaysia: Mặc dù tốc độ băng thông rộng di động của quốc gia này, theo báo cáo của Ookla, là nhanh, nhưng điều này một phần là do người dùng 5G của nước này bắt đầu dùng muộn do cạnh tranh 5G thấp và những thay đổi trong chính sách của Chính phủ.

Malaysia đối mặt với nhiều hạn chế trong việc sử dụng các băng tần di động truyền thống cho dịch vụ 5G. Chỉ sử dụng băng tần 700 MHz và 3,5 GHz (bao gồm 280 MHz ở Malaysia) cho 5G là không đủ đối với các dịch vụ 5G của quốc gia này.

Singapore: Cơ quan Phát triển Truyền thông Infocomm (IMDA) của Singapore cần cấp thêm băng tần 3,5 GHz và 2,3 GHz để phát triển 5G lên 5G-A cùng với các nước láng giềng và cũng cho phép các nhà mạng sử dụng băng tần 700 MHz đã được bán đấu giá nhiều năm trước. Làm như vậy sẽ cải thiện khả năng thâm nhập tín hiệu di động trong các tòa nhà và mạng lưới tàu điện ngầm dưới lòng đất.

Lào: Lào đã triển khai thương mại dịch vụ 5G vào tháng 1/2024. Tuy nhiên, nước này cần cấp thêm băng tần 3,5 GHz và nên khuyến khích các nhà mạng thực hiện nghiêm túc dịch vụ phổ cập với nguồn đầu tư của chính phủ - sử dụng băng tần 700 MHz để triển khai dịch vụ 5G rộng rãi tại những khu vực chưa được kết nối trên toàn quốc.

Băng rộng chất lượng cao, giá phải chăng rất quan trọng cho sự phát triển của ASEAN

Điều quan trọng phải thừa nhận rằng băng tần 3,5 GHz không phải là lựa chọn phổ tần đầu tiên của các quốc gia ASEAN cho dịch vụ 5G do băng tần C (băng tần di động 3,5 GHz nằm trong đó) được sử dụng nhiều cho các dịch vụ vệ tinh trên toàn khu vực. Tuy nhiên, băng tần 3,5 GHz mang lại các khối phổ di động liền kề đủ cần thiết để cung cấp các dịch vụ 5G hấp dẫn mà các nhà mạng cũng như người dùng yêu cầu.

Băng thông rộng mọi nơi chất lượng cao, giá cả phải chăng rất quan trọng cho sự phát triển và khu vực ASEAN không được tụt hậu trong việc sử dụng băng tần 3,5 GHz cho các dịch vụ di động 5G thế hệ tiếp theo./.

Anh Minh