Nghiên cứu truyền thông số - Những khả thể và sự hoài nghi giữa hai bờ ảo thực

Truyền thông - Ngày đăng : 16:45, 26/10/2024

Truyền thông số không chỉ là thay đổi nền tảng truyền thông từ không gian vật chất lên không gian số. Đó là một bước chuyển căn cốt về triết học của sự tồn tại, kết nối và tương tác mà con người hiện đại đang trải nghiệm.
Truyền thông

Nghiên cứu truyền thông số - Những khả thể và sự hoài nghi giữa hai bờ ảo thực

TS. Đỗ Anh Đức, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội 26/10/2024 16:45

Truyền thông số không chỉ là thay đổi nền tảng truyền thông từ không gian vật chất lên không gian số. Đó là một bước chuyển căn cốt về triết học của sự tồn tại, kết nối và tương tác mà con người hiện đại đang trải nghiệm.

Tóm tắt:
* Sự bùng nổ Truyền thông số:
- Truyền thông số không chỉ là chuyển đổi từ không gian vật lý sang không gian số, mà còn thay đổi triết lý về sự tồn tại, kết nối, và tương tác của con người.
- Truyền thông số làm mờ ranh giới giữa thực và ảo, gây ra sự hoài nghi về tính xác thực của các sự kiện được truyền tải.
* Thách thức của Truyền thông số:
- Tin tức giả và thông tin sai lệch: Sự bùng nổ của Internet và các kênh thông tin khiến việc kiểm soát và phân biệt thật
giả trở nên khó khăn hơn.
- Ranh giới giữa tin tức và quảng cáo bị xóa nhòa, tạo nên sự mệt mỏi và phân tâm cho công chúng.
- Tình trạng bão hòa thông tin và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số khiến chúng ta nghi ngờ về tính xác thực của
các thông tin nhận được.
* Câu hỏi về tương lai:
- Liệu chúng ta có thể tin tưởng các phương tiện thông tin đại chúng đến mức độ nào trong thời đại công nghệ số hiện nay?
Sự phát triển của truyền thông số trên quy mô toàn cầu hiện nay đòi hỏi những góc nhìn mới, những tiếp cận mới trong
nghiên cứu hàn lâm về một khung cảnh vô cùng phức tạp này.

Sự bùng nổ truyền thông nhìn từ quan điểm phê phán

Trong quá trình phức tạp và sôi động này, rất nhiều câu hỏi nghiên cứu đặt ra, ngoài mục tiêu đánh giá, đo lường thực tiễn, thì quan trọng hơn, là nhằm thông báo, dự báo, và kể cả cảnh báo về những thay đổi, thách thức phải đối diện, nhất là những vấn đề thuộc về chủ thể con người trước sự phát triển mạnh mẽ của số - mà sự tồn tại, "biến hóa" không ngừng của số, thậm chí có thể coi như một "khách thể" - không phụ thuộc ý chí của chủ quan của con người, vốn dĩ tạo ra nó.

Trong bối cảnh số, sự bùng nổ của thông tin, của các sự kiện, khiến khả năng nhìn thấu, hiểu biết sâu rộng về thế giới dường như là bất khả. Sự phát triển của Internet, công nghệ, và các phương thức truyền tải thông tin khiến mọi thứ đều trở nên có vẻ đáng ngờ hơn. Đây là luận điểm của những nhà nghiên cứu phê phán đối với xã hội số đang dần dần làm cho hình ảnh chúng ta thấy hàng ngày trở nên xa rời chính hiện thực mà có thể từ đó nó nảy sinh. Nhưng ngay cả cái hiện thực ấy cũng không có đầy đủ sự xác tín.

Chẳng hạn, chiến tranh có thể biến thành một vở kịch chính trị, dịch bệnh nguy hiểm trở thành đề tài phim truyền hình, nạn đói xuất hiện trên bìa tạp chí để câu khách... Nó đặt dấu hỏi lớn cho những sự kiện được phát đi trên quy mô toàn cầu: Liệu những điều xảy ra có phải là thật? Mọi hình ảnh đều có thể được dàn dựng, tái tạo, mô phỏng, nhất là khi có trí tuệ nhân tạo (AI).

Rất nhiều hình ảnh ngụy tạo được truyền thông phương Tây tạo ra cho mục đích chính trị, hoặc để quảng bá sản phẩm trong lĩnh vực thương mại. Một ví dụ dễ thấy là ngay trong đợi dịch COVID -19 vừa qua, có rất nhiều tin tức giả, sai lệch được làm như thật, hay bản thân các tin tức thật cũng bị chìm lẫn trong bão hòa của biển thông tin, khiến "nẻo về" của sự thật càng ngày càng trở nên không dễ dàng gì.

Việc Internet bùng nổ cũng dẫn đến sự gia tăng mất kiểm soát của các kênh thông tin. Hàng trăm kênh tin tức cạnh tranh nhau về người xem, các nền tảng liên tục kích thích người dùng sản tạo nội dung - bất chấp việc thực sự có sẵn cái gọi là "nội dung" hay không. Đến mức, thời đại này, mượn ý của triết gia Đan Mạch thế kỷ 19, Søren Kierkegaard, trong tác phẩm nổi tiếng The Present Age (Thời đại ngày nay) rằng, các sự kiện thực không hẳn xảy ra, hoặc có giới hạn, nhưng nội dung (content) về nó thì nhiều vô kể.

Tại sao lại có nghịch lý này, vì người theo dõi và chia sẻ dẫn đến các kênh thông tin, các nền tảng phải “lấp đầy sự thật” của cái “lỗ đen” khổng lồ, không có điểm đầu, không có điểm cuối, để “nuôi dưỡng” cái vô đáy ấy, và kiếm tìm sự tồn tại của mình trên không gian số.

Không chỉ vậy, việc phương tiện truyền thông và quảng cáo hoạt động trên cùng nền tảng đã xóa nhòa ranh giới giữa thực tế, tiếp thị và tin tức, khiến cho chúng gần như không thể phân biệt được. Các hãng truyền thông và các nhà quảng cáo cạnh tranh nhau để khiến mọi người dính vào ghế ngồi của họ, luôn bị mệt mỏi bởi sự bùng nổ của nội dung trên màn hình.

truyen-thong-so.png

Đó là lý do tại sao các phóng viên xuất hiện tại hiện trường những vụ việc xung đột, dẫn hiện trường các bên trong chiến tranh, hay đứng trên bờ đại dương trong các trận cuồng phong, bão lũ - những dấu hiệu của thảm họa - là những hình ảnh luôn thu hút mạnh mẽ người xem, và cần được tiêu thụ. Trong khi cuộc sống của chúng ta có thể hoàn toàn nhàm chán và vô nghĩa, các bản tin hàng đêm đưa tin rằng trên thực tế, có những nơi diễn ra mọi thứ.

Việc “lấp đầy sự thật”, tạo ra hiện thực phì đại (chữ của Jean Baudrillard sẽ được đề cập ở phần sau) đã “bán lời hứa rằng những điều có ý nghĩa, thú vị sẽ xảy ra” - lời rao ngầm ẩn của các phương tiện truyền thông. Chính bằng cách này, các phương tiện truyền thông đưa đến độc giả câu chuyện về các sự kiện thực tế, nhưng không cho phép người xem tiếp cận với các sự kiện đó, mà là một bản sao của sự kiện đó.

Quan điểm phê phán đối với sự bùng nổ truyền thông hiện nay là công chúng cũng bị tha hóa (từ của Marx), bằng vào việc họ “muốn bị lừa gạt” và bị phân tâm khỏi thực tế cuộc sống của họ. Khái niệm “khán giả thoát khỏi hiện thực” (escaping viewers) là một thuật ngữ nghiêm túc được nhiều nhà nghiên cứu phát hiện thấy, khi họ tiến hành điều tra, quan sát hành vi người xem.

Nói một cách đơn giản: khán giả thích bản sao của thực tế hơn - ý nói các sản phẩm truyền thông đã được xử lý tiền kỳ, hậu kỳ. Trong thế giới hiện tại của Internet và mạng xã hội, các cá nhân không còn là những khán giả thụ động nữa, mà là những người chủ động lựa chọn xem những gì hợp với sự mong muốn hơn là bản thân hiện thực. Và AI rất biết điều này, để đưa cho chúng ta đúng "món ăn" mà chúng ta cần.

Marshall McLuhan và sự sống lại của quan điểm "Phương tiện chính là thông điệp"

Luận điểm ở phần mở đầu bài viết, rằng “con người tạo ra phương tiện (tool), rồi chính phương tiện lại định hình, chi phối đời sống chúng ta” chính là của McLuhan - nhà nghiên cứu người Canada, theo trường phái quyết định luận công nghệ (công nghệ, kỹ thuật là yếu tố quyết định xã hội). Luhan đã nói điều này từ những năm 1960s, khi nhân loại còn chưa biến đến khái niệm Internet hay số (digital).

The Gutenberg Galaxy (Thiên hà Gutenberg) (1962) là tác phẩm nổi tiếng của McLuhan, trong đó ông nghiên cứu tác động của phát minh máy in của Johannes Gutenberg lên văn hóa phương Tây.

the-galaxy.jpg

McLuhan lập luận rằng sự phát triển của chữ in đã tạo ra những thay đổi sâu sắc trong cách con người tư duy và giao tiếp. Sự phổ biến của chữ in dẫn đến sự phát triển của tư duy tuyến tính, phân tích và cá nhân hóa, tạo nên một xã hội chú trọng vào logic và lý tính. Tác phẩm nhấn mạnh rằng mỗi phương tiện truyền thông đều có ảnh hưởng sâu rộng đến cách con người tư duy và cấu trúc xã hội. Sự phát triển của chữ in đã làm thay đổi căn bản văn hóa phương Tây, tạo nên một “thiên hà” mới của nhận thức và giao tiếp. McLuhan cho rằng hiểu được những thay đổi này là cần thiết để nắm bắt được tác động của các phương tiện truyền thông mới trong tương lai.

Có lẽ từ tác phẩm này mà McLuhan nhìn thấy vai trò quyết định của phương tiện truyền thông, chứ không phải nội dung, và ông thường nhấn mạnh điều này, đến mức mà giới học thuật lúc bấy giờ phần nhiều không ưa ông, có người còn gọi ông là kiểu nhà khoa học "lang băm". Nhưng những gì chúng ta chứng kiến từ thập niên cuối của thế kỷ trước cho đến nay đã minh họa không thể chính xác hơn quan điểm kỹ trị của McLuhan về một sự bùng nổ và chi phối của các hình thức phương tiện đối với nền văn minh, văn hóa nhân loại.

Understanding Media (Hiểu các phương tiện truyền thông) (1964) là tác phẩm mang tính cách mạng của McLuhan, nơi ông đưa ra khái niệm nổi tiếng "The medium is the message" (Phương tiện chính là thông điệp). McLuhan lập luận rằng chính bản thân các phương tiện truyền thông, chứ không chỉ nội dung chúng truyền tải, mới là yếu tố quan trọng định hình xã hội và văn hóa. Ông phân tích cách mà các phương tiện truyền thông khác nhau, từ chữ viết, điện báo, truyền hình đến máy tính, mở rộng khả năng của con người và thay đổi cách chúng ta sống và tương tác.

understanding-media.jpg

Tác phẩm giúp độc giả nhận thức rằng các phương tiện truyền thông không chỉ là công cụ truyền tải thông tin, mà còn là những "mở rộng giác quan" của con người, có khả năng thay đổi cách chúng ta nhận thức và trải nghiệm thế giới. McLuhan cho rằng sự phát triển của các phương tiện truyền thông mới đòi hỏi chúng ta phải hiểu và thích ứng với những thay đổi mà chúng mang lại.

Chính sự phát triển của Internet và các thiết bị kỹ thuật số đã làm nổi bật thêm ý tưởng của McLuhan. Với sự phổ biến của mạng xã hội, cá nhân không thuần túy tiếp nhận thông tin, mà chính là chủ thể tạo ra và chia sẻ thông tin. Việc này đã thay đổi hoàn toàn cách thức giao tiếp và tương tác xã hội.

Thông qua các nền tảng như Facebook, Twitter, và Instagram, mỗi cá nhân không chỉ là người tiếp nhận thông tin mà còn là người tạo ra và lan truyền thông điệp. Bản chất của các nền tảng này đã tạo nên một loại hình giao tiếp mới, nơi mà hình thức truyền tải và tương tác có thể quan trọng hơn nội dung chính của thông điệp. Ông so sánh nội dung được chuyển tải trên một phương tiện truyền thông với “một miếng thịt ngọt ngào bị tên trộm mang đi để làm phân tán sự chú ý của con chó canh cửa tâm trí” (trích theo Trần Thị Hòa, 2020).

Một thời gian khá dài học thuật phương Tây ít nhắc đến ông, khi những vấn đề xung đột văn hóa, sắc tộc, tôn giáo, căn tính... đang chiếm sóng trên không gian truyền thông. Nhưng bước sang đầu thế kỷ 21, sự trở lại của những luận điểm về McLuhan còn gây tiếng vang hơn cả bối cảnh nó mới ra đời. Khi các phương tiện số chiếm lĩnh hầu như toàn bộ thời gian và năng lượng giao tiếp xã hội của cá nhân, người ta buộc phải đặt câu hỏi về cái sức mạnh có tính khách quan của nó, như thể vòng quay lịch sử không bao giờ dừng lại được nữa.

Jean Baudrillard và thuyết mô phỏng trong thế giới số

Bộ ba phim Ma trận (The Matrix) - những bộ phim đã đi tiên phong trong điện ảnh với cảnh quay như "bullet time" - một kiểu hiệu ứng đánh lừa thị giác khiến người xem có cảm giác con người và cảnh vật xung quanh đều bất động và chỉ có máy quay đang quay vòng quanh chủ thể giống như thời gian đang chậm lại. Ma trận cũng tạo nên một câu chuyện có tính đột phá, đã định hình cả một thể loại phim.

Nhưng nếu bỏ đi câu chuyện hành động bên ngoài, lớp vỏ bên trong ẩn chứa những câu hỏi vô cùng triết lý: “Cái gì là thật? Làm thế nào để biết mọi thứ là thật?” Hiện nay, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, thế giới đồng thời cũng đang đứng trước những nguy cơ khó lường do chính sự phát triển tạo nên. Đi kèm những sự kiện địa chính trị diễn biến bất thường, những bất cập còn tồn tại trên nhiều vùng lãnh thổ là một nền truyền thông phát triển mạnh, nhưng cũng tạo nên đầy rẫy hoài nghi. Những thiết bị và phương tiện tân tiến đem lại sự tiện lợi, nhưng cũng đồng thời đẩy chúng ta vào những mối nguy hiểm tiềm tàng.

Đặc biệt, ngành truyền thông hiện nay không chỉ là công cụ cung cấp thông tin mà còn tạo ra những “mê cung” và khiến cho con người bị lạc lối trong những vòng xoáy đó. Từ vị trí là yếu tố điều khiển thông tin, trong xã hội ngày nay, chính con người chúng ta lại bị thông tin điều khiển. Có thể thấy, việc nghiên cứu khách quan những học thuyết chính là một lối thoát để nhân loại nhìn nhận lại đúng vấn đề và tránh để bản thân rơi vào cái bẫy của truyền thông.

Chính vì vậy, nghiên cứu về truyền thông và sự bùng nổ công nghệ từ góc độ phê phán, sự mô phỏng (simularca/simulation), mà đặc biệt là lý thuyết về sự phì đại (hyper) của Jean Baudrillard là vô cùng quan trọng.

su-phi-dai.jpg

Jean Baudrillard (29/7/1929 - 6/3/2007) là một nhà xã hội học và nhà lý luận văn hóa người Pháp. Lý thuyết “hiện thực phì đại” và “mô phỏng” của ông đã gây ảnh hưởng vô cùng sâu sắc tới lý thuyết và triết học văn học, đặc biệt là ở Hoa Kỳ và còn lan rộng tới văn hóa đại chúng. Công việc của ông thường gắn liền với chủ nghĩa hậu hiện đại và đặc biệt là chủ nghĩa hậu cấu trúc. Tuy nhiên, Baudrillard cũng có thể được coi là một nhà phê bình của chủ nghĩa hậu cấu trúc và đã tách mình khỏi chủ nghĩa hậu hiện đại.

Baudrillard được biết đến nhiều nhất với các phân tích về truyền thông, văn hóa đương đại và truyền thông công nghệ, cũng như xây dựng các khái niệm như mô phỏng và siêu thực tế. Ông đã viết về các chủ đề đa dạng, bao gồm chủ nghĩa tiêu dùng, quan hệ giới, phê bình kinh tế, lịch sử xã hội, nghệ thuật, chính sách đối ngoại phương Tây và văn hóa đại chúng. Trong đó, phải kể đến các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Seduction (1978), Simulacra and Simulation (1981), America (1986) và The Gulf War Did Not Happen (1991).

Để giải thích khái niệm của mình, Jean Baudrillard đã lấy một ví dụ về một đế chế giả tưởng - một đế chế vĩ đại khi lãnh thổ của nó được mở rộng, đã phát minh ra một bản đồ có tỉ lệ và chi tiết chính xác đến mức cuối cùng nó trở nên nhầm lẫn với địa lý thực tế mà nó chỉ được dùng để đại diện. Tấm bản đồ này đã trở thành chính đế quốc vĩ đại đã vẽ ra nó. Trong thế giới ngày nay, những mô phỏng như vậy đã phát triển đến mức giờ đây chúng định hình hiểu biết của chúng ta về thực tại, mà ông gọi đây là hiện thực phì đại (hyperreality) - một mô phỏng có chi tiết thực tế đến mức hoàn toàn không thể phân biệt so với vật thể được mô phỏng.

Để lấy ví dụ về sự khó khăn của việc nhận biết mô phỏng và thực tế, có thể nhìn vào ví dụ về bệnh tật: một người thực sự ốm yếu có thể chỉ nằm trên giường mà không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào, trong khi một người giả vờ ốm có thể cố ý thể hiện các triệu chứng, mà các bác sĩ sẽ chẩn đoán hoặc điều trị bệnh. Chúng ta có thể làm gì khi một người thực sự tin rằng mình bị bệnh, hoặc đã được thuyết phục rằng họ có bệnh, hoặc người có các triệu chứng biến mất sau khi được dùng giả dược - liệu có sự khác biệt nào không?

Baudrillard lấy ví dụ về công viên giải trí nổi tiếng Disneyland, cho rằng đây là một trường hợp của một hoạt động mô phỏng cao cấp được sử dụng, để đánh lạc hướng xã hội khỏi những mô phỏng không thể nhận ra, cấu tạo nên xã hội bên ngoài khuôn viên công viên.

Trong xã hội hậu công nghiệp, đặc biệt là thời đại công nghệ số, với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, sự bùng nổ mạnh mẽ của nền văn minh máy tính và các phương tiện thông tin đại chúng, con người đã được đưa đến thế giới ảo thông qua các trò chơi máy tính, một thực tế ảo được tạo ra từ tivi, quảng cáo, báo chí, v.v... Ông cho rằng con người ngày nay đang sống trong một thế giới mà những cảm xúc và trải nghiệm mô phỏng đã thay thế thực tế.

Chính sự tồn tại của thế giới ảo đã giữ cho thực tại được “lấp đầy”, trở thành hiện thực. Không chỉ vậy, thế giới ảo - “thế giới giả tạo” sẽ chỉ dẫn chúng ta đến một thế giới thực đầy đủ và trọn vẹn hơn. Khái niệm chủ nghĩa hiện thực có liên quan chặt chẽ với các giả định triết học hậu hiện đại. Khái niệm này, theo Baudrillard, đã “tạo nên một kiểu hiện thực khác lạ, kiểu hiện thực đa chiều kích, có thể mở rộng đến bất kì nơi nào trí tưởng tượng của con người vươn đến”.

Thực tế này không chỉ bao gồm những gì đã xảy ra và những gì đang xảy ra, mà nó còn có thể đạt đến giới hạn của những gì có thể xảy ra (khả năng thành hiện thực), nhờ vào trí tưởng tượng của con người. Quan niệm về thực tại này có nhiều điểm tương đồng với cách diễn giải của nhà nghiên cứu Trần Đình Sử về “cái khả nhiên” của thực tại: “Hiện thực với tư cách là sự thực hiện của những khả năng... Nó tồn tại trong dạng cái dĩ nhiên (cái đã có), “cái tất nhiên” (cái bắt buộc phải thế) và “cái khả nhiên” (cái có thể có hay cái khả năng)”.

Có thể nói, Jean Baudrillard đề cập đến “hiện thực phì đại” trên nền tảng quan niệm về bản chất của hiện thực là vật thay thế ngụy tạo (simulacra), “đó là hình ảnh của một thực tại không tồn tại trong thế giới khách quan, một bản photo không bản gốc”, khi mà cái thực và cái ảo hoàn toàn đan lẫn vào nhau, không còn một sự phân cách rõ ràng, và con người thấy mình hòa hợp với cái ảo và xa cách cái thực hơn. Đây là một mệnh đề quan trọng trong việc nghiên cứu về những khả thể số được tạo ra hàng ngày trong bối cảnh hiện nay.

Từ đó câu hỏi đặt ra là: trong thời đại công nghệ phát triển ngày nay, các phương tiện truyền thông phát triển một cách mạnh mẽ, Internet nhanh chóng kết nối và đóng vai trò quan trọng vào các chiến dịch chính trị, tạo nên các sản phẩm thông minh, hiện đại, liệu chúng ta có thể tin tưởng các phương tiện thông tin đại chúng và tin đến mức độ nào?

Với tư cách một người được xưng tụng là “linh mục của chủ nghĩa hậu hiện đại”, theo Jean Baudrillard, không phải việc thiếu khả năng tiếp cận thông tin khiến tin tức trở nên vô nghĩa, mà chính việc gia tăng các hình ảnh khiến nó trở nên không đáng tin cậy. Tức là một tình trạng bão hòa, thậm chí "hỗn mang" của quá nhiều hình ảnh về thực thể, lại che mờ bản chất tồn tại của nó.

Tùy thuộc vào nơi bạn nhận được tin tức của mình, mỗi khán giả sẽ thấy câu chuyện theo một hướng khác nhau. Ví dụ: các “bằng chứng” về biến đổi khí hậu, được tiếp nhận tùy thuộc vào cách truyền tải của các kênh thông tin đại chúng. Hiện nay, trên các phương tiện truyền thông đại chúng trên thế giới, nội dung chủ yếu tập trung vào các biểu hiện và hậu quả của biến đổi khí hậu, mô tả biến đổi khí hậu như một nguy cơ lớn đối với con người ở mức độ quốc gia và toàn cầu, điều này khiến tin tức khi đến với độc giả có thể được hiểu là biến đổi khí hậu là một huyền thoại chưa bao giờ xảy ra chứ không phải là một vấn đề nghiêm trọng, cấp thiết cần được giải quyết.

Tài liệu tham khảo:
1. Baudrillard, J. (1994). Simulacra and Simulation (S. Glaser,
Trans.). University of Michigan Press.
2. Baudrillard, J. (1970). “The Consumer Society: Myths and
Structures”. Theory, Culture & Society. New York: Nottingham
University
3. McLuhan M. (1994[1964]), Understanding the media: the
extension of man, MIT Press, Cambridge
4. Trần Thị Hòa (2020), “Tiếp cận quan điểm của Marshall
McLuhan về vai trò của phương tiện truyền thông đối với sự
phát triển của xã hội trong kỷ nguyên 4.0”, Tạp chí Khoa học
Đại học Huế, Tập 129, Số 6D, 2020, trang 141-153

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 6 tháng 6/2024)

TS. Đỗ Anh Đức, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội