Phát triển sản phẩm bảo vệ trẻ em trên không gian mạng "Make in Viet Nam": Khó và dễ
Make in Viet Nam - Ngày đăng : 17:13, 25/06/2024
Phát triển sản phẩm bảo vệ trẻ em trên không gian mạng "Make in Viet Nam": Khó và dễ
Phát triển các sản phẩm và ứng dụng bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng được xác định là một trong những biện pháp quan trọng nhất để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Nhu cầu về sản phẩm bảo vệ trẻ em trở nên cấp thiết
Tại Việt Nam, nhu cầu sử dụng Internet của trẻ em rất lớn khi có khoảng 90% trẻ em tiếp xúc với Internet hàng ngày, với thời gian sử dụng lên tới 5 - 7 giờ.
Ông Nguyễn Đức Tuân, Giám đốc Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), Cục An toàn thông tin (ATTT), Bộ TT&TT cho biết môi trường mạng mở ra vô vàn cơ hội học tập, giải trí và phát triển cho trẻ em, nhưng cũng tiềm ẩn vô số rủi ro, từ thông tin xấu, độc hại đến các hành vi quấy rối, bạo lực mạng, xâm hại, lừa đảo, mà trẻ em không thể nhận thức, nhận diện được, cũng như không thể tự bảo vệ mình. Không những thế, gần đây, xu hướng lừa đảo, tấn công vào nhóm yếu thế trên môi trường mạng như trẻ em, người già có xu hướng ngày càng gia tăng.
Ngày 1/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 830/TTg-CP về Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025”.
Giám đốc VNCERT/CC nhấn mạnh: “Chương trình không chỉ hướng tới việc trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi (hệ miễn dịch số) để trẻ em tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng, mà còn phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng Việt nhằm bảo vệ và giúp cho trẻ em học tập, kết nối, giải trí một cách sáng tạo. Trong đó, phát triển các sản phẩm và ứng dụng bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là một trong những biện pháp quan trọng nhất’.
Sản phẩm bảo vệ trẻ em là công cụ hữu hiệu để bảo vệ trẻ trước các nội dung độc hại trên môi trường mạng, ngăn chặn các nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân của trẻ, phòng ngừa các thủ đoạn, hành vi lạm dụng, lừa đảo, phạm pháp nhắm tới trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ có công cụ để phản ánh các hành vi xâm hại. Nghiên cứu của McAfee cho thấy 35% trẻ em báo cáo bị bắt nạt trực tuyến ít hơn sau khi gia đình họ bắt đầu sử dụng phần mềm kiểm soát của phụ huynh.
Đối với cha mẹ, phụ huynh sản phẩm bảo vệ trẻ em giúp họ quản lý nguồn thông tin mà trẻ tiếp cận, thời gian trẻ sử dụng Internet, cảnh báo các nguy cơ mà trẻ có thể gặp phải, qua đó có các biện pháp xử lý kịp thời, bảo vệ trẻ. Tại Mỹ, 59% phụ huynh đã sử dụng phần mềm này, khoảng 72% phụ huynh cho biết việc sử dụng phần mềm kiểm soát đã giúp họ quản lý tốt hơn thói quen sử dụng thiết bị của con cái.
Đối với các doanh nghiệp (DN), theo thống kê của fortunebusinessinsights, thị trường các sản phẩm về bảo vệ trẻ em đã đạt 1,25 tỷ USD năm 2023, dự kiến đạt 1,4 tỷ USD năm 2024 và 3,54 tỷ USD năm 2032 với tỷ lệ tăng trưởng kép khoảng 12,3%. Tại Mỹ, 50% phụ huynh đã sử dụng sản phẩm này để bảo vệ con mình, trong đó có 90% người dùng là cảm thấy sản phẩm này là hữu ích.
Tại Việt Nam, ông Tuân cho biết chưa có số liệu thống kê cụ thể về thị trường sản phẩm bảo vệ trẻ em, nhưng thực tế hầu hết phụ huynh, giáo viên đều có nhu cầu sử dụng các sản phẩm tốt để bảo vệ, quản lý việc sử dụng Internet của trẻ em. Có thể nói, đây là một thị trường rất tiềm năng để các DN Việt Nam có thể khai thác, tận dụng cơ hội.
Thị trường sản phẩm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tại Việt Nam xuất hiện nhiều giải pháp. Bên cạnh các sản phẩm của nước ngoài là các giải pháp đến từ các DN trong nước như: SafeGate Family của SCS, Mobile Guard của CyRadar, Cyber Purify, V-Safe,... “Đây là tín hiệu đáng mừng thể hiện sự vào cuộc của các DN trong và ngoài nước trong việc phát triển sản phẩm an toàn bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”, Giám đốc VNCERT cho biết.
Phát triển các sản phẩm và ứng dụng bảo vệ trẻ em cần được thực hiện trên nền tảng công nghệ tiên tiến. Các công cụ lọc nội dung, giám sát và kiểm soát truy cập cần phải luôn được cập nhật và nâng cấp công nghệ, nguồn dữ liệu để đáp ứng kịp thời với sự thay đổi nhanh chóng của Internet.
Những giải pháp này không chỉ giúp ngăn chặn nội dung không phù hợp mà còn hỗ trợ phụ huynh trong việc quản lý thời gian sử dụng Internet của con em mình, đồng thời tạo ra môi trường mạng an toàn và lành mạnh cho trẻ. Sản phẩm này cũng cần dễ sử dụng, thân thiện với người dùng và đặc biệt là phù hợp với từng độ tuổi của trẻ em, phù hợp với thói quen sử dụng của người Việt Nam.
Theo đó, Hiệp hội ATTT Việt Nam (VNISA) cùng các DN ATTT Việt Nam đã nỗ lực xây dựng yêu cầu kỹ thuật cơ bản đối với sản phẩm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Việc ban hành bộ tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) đầu tiên về sản phẩm trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là nền tảng cơ bản, tạo tiền đề cho các DN, tổ chức trong nước định hướng phát triển các sản phẩm Make in Viet Nam chất lượng tốt, vươn tầm quốc tế. Bộ tiêu chuẩn cơ sở cũng giúp các DN nước ngoài đánh giá lại mức độ phù hợp khi cung cấp các sản phẩm tại thị trường Việt Nam.
Bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng kiểm định trung tâm VNCERT/CC, Cục ATTT cho biết năm 2021 rất ít bố mẹ biết các giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nhưng qua hơn 2 năm đã có nhiều tín hiệu tích cực về nhu cầu giải pháp hỗ trợ bảo vệ gia đình, trẻ em.
Cái dễ và khó của phát triển sản phẩm, giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
Từ thực tế phát triển sản phẩm, giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, ông Hồ Trọng Đạt, Phó Giám đốc Trung tâm ATTT - Tập đoàn VNPT cho biết là Tập đoàn viễn thông - CNTT, ngoài cung cấp dịch vụ viễn thông - CNTT, thực hiện trách nhiệm xã hội, VNPT hướng tới cung cấp thiết bị tối ưu nhất cho người sử dụng, nhất là cho trẻ em hiện gặp rất nhiều mối nguy hiểm không chỉ trên không gian mạng mà còn trong cuộc sống hàng ngày như vụ việc trẻ em bị quên trên xe bus. VNPT đã định hướng về một phần mềm giúp cho bố mẹ rà soát trẻ em online và sản phẩm VNPT Family safe ra đời. Sản phẩm còn định hướng cho con trẻ chơi game gì.
VNPT cũng triển khai hệ thống định danh trên xe bus dùng công nghệ AI để tránh việc trẻ em bị bỏ quên trên xe bus. VNPT cũng có sản phẩm camera AI cho trường học có thể giúp cho các trường phát hiện những vụ bạo hành giữa học sinh, tranh luận dẫn đến cãi nhau hay có thể giúp điểm danh tự động trong lớp học.
“Mục tiêu của VNPT là mang lại những tiện ích hơn nhất cho xã hội, cũng như đồng hành với gia đình để bố mẹ yên tâm con cái trong không gian số hay không gian thực đều được bảo vệ tối đa”, ông Đạt cho hay.
Ông Trần Trọng Tấn, Trưởng phòng Giải pháp Trung tâm an ninh mạng, Công ty FPT Telecom cho biết trong những năm gần đây, FPT Telecom đã phát triển một số sản phẩm có thể tích hợp trực tiếp vào trong thiết bị đầu cuối.
Trong khi đó, ông Vũ Thanh Thắng, Giám đốc trí tuệ nhân tạo (CAIO) Công ty An ninh mạng SCS cho biết đặc thù lớn nhất của việc phát triển sản phẩm an ninh mạng cho trẻ em là lĩnh vực hoàn toàn mới khi lĩnh vực an ninh mạng cho DN đã có thời gian kinh nghiệm gần chục năm nên việc phát triển sản phẩm phải phù hợp và hiệu quả cho trẻ em khó khăn hơn.
Việc VNISA giao nhiệm vụ cho Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng (VCSC) chủ trì biên soạn dự thảo TCCS có tên gọi TCCS 03:2024/VNISA “Yêu cầu kỹ thuật cơ bản đối với sản phẩm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” và các tài liệu liên quan và kịp thời công bố trong tháng 6 - tháng hành động vì trẻ em là rất kịp thời.
Ông Đỗ Dương Hiển, chuyên gia bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng của Tổ chức ChildFund Việt Nam cho rằng phát triển sản phẩm, giải pháp cho trẻ em phải đặt trẻ em làm trung tâm. Việc tác động đến quyền riêng tư, tiếp cận thông tin của trẻ phải được làm rõ trong quá trình xây dựng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của trẻ cũng như yêu cầu của cha mẹ.
Từ thực tế tập huấn an toàn cho học sinh trên mạng, ông Hiển cho biết đã có em chia sẻ là bị kiểm soát rất nhiều, thậm chí biết được mật khẩu vì nhà có camera. “Đó là điều chúng ta cần xem xét trong quá trình phát triển sản phẩm để sản phẩm đạt được sự đồng thuận giữa cha mẹ và con cái trong việc tiếp cận Internet an toàn, không làm ảnh hưởng đến quyền của các con và cũng giúp cho bố mẹ yên tâm hơn. Đây là điểm đầu tiên quan trọng để thực hiện trách nhiệm xã hội cũng như hướng tới người dùng là trung tâm”.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thu Hà - Tổ chức World Vision Việt Nam cho biết với việc có ý kiến của trẻ trong phát triển sản phẩm, giải pháp hay đặt trẻ em là trung tâm, là một phần của giải pháp rất quan trọng. Theo đó, cần có cơ chế và để phát huy được vai trò, trách nhiệm xã hội của các DN phát triển giải pháp, sản phẩm. VNISA và các đơn vị khác làm cầu nối để các sản phẩm khi được thiết kế hài hoà được lợi ích của DN cũng như nhu cầu và mong muốn của trẻ em, gia đình, cộng đồng.
Cũng từ thực tế, bà Hà cho rằng khi dùng sản phẩm, giải pháp nếu thấy lỗi, hay cuộc gọi lừa đảo thì cần cho phép báo cáo thì ngay trên sản phẩm, dịch vụ. Theo đó, khi DN thiết kế sản phẩm cần lưu ý đến việc này để có thể thu thập được các phản hồi, mong đợi và đáp ứng được nguyện vọng của người dùng.
Bà Hà cũng cho rằng Cục ATTT cần có cơ chế thúc đẩy, thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực này để đảm bảo có được nhiều sản phẩm, dịch vụ và kiến tạo môi trường cho trẻ tốt nhất. Đồng hành với việc kiến tạo môi trường, các tổ chức phi chính phủ sẽ là cầu nối từ chính phủ đến DN làm sản phẩm, giải pháp tạo nên thế kiềng “3 chân” để phát triển sản phẩm, giải pháp phù hợp cho trẻ.
Các DN cũng có thể phát triển sản phẩm tốt khi có thể tham gia vào các sáng kiến tại cộng đồng. “Trong quá trình làm việc với các tổ chức, trường học, chúng tôi nhận thấy các em đưa ra nhiều ý tưởng, sáng kiến mà DN có thể tiếp cận làm các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng, trẻ em, gia đình nhưng đồng thời cũng là chiến lược rất tốt cho các DN”, theo đại diện của Tổ chức World Vision Việt Nam./.