Giải pháp "gỡ khó" cho TMĐT, xuất khẩu xuyên biên giới

Kinh tế số - Ngày đăng : 16:33, 27/06/2024

Việc tạo môi trường xây dựng các mối quan hệ hợp tác kinh doanh, nắm bắt quy trình vận hành trên nền tảng số, hiện đại hóa hoạt động thương mại góp phần không nhỏ đến cơ hội mở rộng thị trường của các doanh nghiệp (DN) thuộc mọi quy mô.
Kinh tế số

Giải pháp "gỡ khó" cho TMĐT, xuất khẩu xuyên biên giới

Anh Minh {Ngày xuất bản}

Việc tạo môi trường xây dựng các mối quan hệ hợp tác kinh doanh, nắm bắt quy trình vận hành trên nền tảng số, hiện đại hóa hoạt động thương mại góp phần không nhỏ đến cơ hội mở rộng thị trường của các doanh nghiệp (DN) thuộc mọi quy mô.

Ngày 27/6, Amazon Global Selling phối hợp Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam (VECOM) khai mạc "Diễn đàn TMĐT xuyên biên giới 2024", tập trung vào việc cập nhật định hướng chính sách, phác thảo các đề xuất và giải pháp để mở rộng lộ trình xuất khẩu trực tuyến, thúc đẩy kinh doanh toàn cầu cho DN Việt trong giai đoạn tới.

"Diễn đàn TMĐT xuyên biên giới 2024" đã chia sẻ những chiến lược phát triển xuất nhập khẩu của Việt Nam tới năm 2030. Đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số (KTS) (Bộ Công Thương) cũng chia sẻ định hướng chính sách thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến giai đoạn 2026 -2030, cung cấp một cái nhìn tổng quan toàn diện về tầm nhìn chiến lược của Việt Nam trong thời gian sắp tới.

TMĐT xuyên biên giới là trụ cột quan trọng để thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam

Trong bối cảnh xuất khẩu là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, việc tận dụng công nghệ số và TMĐT xuyên biên giới để khai thác tiềm năng xuất khẩu toàn cầu đang được Chính phủ và cộng đồng DN ngày một đánh giá cao và điều hướng tập trung. Một trong những trọng tâm của Diễn đàn là yêu cầu thúc đẩy môi trường chính sách với nhiều hỗ trợ cho sự phát triển của TMĐT xuyên biên giới tại Việt Nam.

img_20240627_085103-1-.jpg
"Diễn đàn TMĐT xuyên biên giới 2024" chia sẻ những chiến lược phát triển xuất nhập khẩu của Việt Nam tới năm 2030

Theo báo cáo "Người bán hàng địa phương, Khách tiêu dùng toàn cầu: Xu hướng xuất khẩu TMĐT tại Việt Nam 2022" của AccessPartnership, giá trị xuất khẩu TMĐT B2C của Việt Nam dự kiến đạt 296,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2027. Ngoài ra, dữ liệu của Amazon cho thấy các DN Việt Nam đã mở rộng phạm vi kinh doanh quốc tế với số lượng sản phẩm xuất khẩu và bán ra trên Amazon tăng đáng kinh ngạc 300% trong 5 năm qua.

Đại diện Amazon Global Selling Việt Nam cũng đã cung cấp bức tranh xuất khẩu trực tuyến của DN Việt trên Amazon trong những năm vừa qua, đồng thời giới thiệu về các chương trình, dịch vụ đối mới và cải tiến từ Amazon để khai thác tiềm năng sản xuất, xuất khẩu, xây dựng thương hiệu toàn cầu phù hợp với nhu cầu đặc biệt của DN Việt Nam.

Ông Bùi Trung Kiên, Phó chủ tịch VECOM cho biết tập trung phát triển TMĐT xuyên biên giới là một trong những trụ cột quan trọng được Chính phủ quan tâm trên hành trình thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam. Việc tạo môi trường xây dựng các mối quan hệ hợp tác kinh doanh, nắm bắt quy trình vận hành trên nền tảng số, và hiện đại hóa hoạt động thương mại góp phần không nhỏ đến cơ hội mở rộng thị trường của các DN thuộc mọi quy mô.

Theo ông Hoàng Ninh, Trưởng phòng Chính phủ số, Cục TMĐT và KTS, Bộ Công Thương, Việt Nam đang chứng tỏ sự quyết tâm và chuẩn bị kỹ lưỡng cho sự phát triển của TMĐT thông qua việc xây dựng nhiều chiến lược và chính sách quan trọng. Về mặt chính sách, Việt Nam đã thiết lập nhiều chiến lược quốc gia liên quan đến kinh tế - xã hội và TMĐT.

Quyết định số 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, là một ví dụ tiêu biểu. Kế hoạch này đặt mục tiêu cụ thể và định hướng rõ ràng cho sự phát triển của TMĐT, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam trên thị trường quốc tế và thúc đẩy sự tham gia của người dân vào nền KTS.

Ngoài ra, về an toàn, an ninh thông tin, Việt Nam đã xây dựng khung pháp lý về an ninh mạng để bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư của người dùng. Điều này không chỉ tạo ra môi trường kinh doanh an toàn và minh bạch cho các DN TMĐT mà còn củng cố niềm tin của người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến. Khung pháp lý này giúp đảm bảo rằng các giao dịch TMĐT được thực hiện một cách an toàn, bảo mật và tuân thủ các quy định quốc tế.

Về hợp tác quốc tế, Cục TMĐT và KTS, Bộ Công thương, đã tích cực tham gia vào các cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Việc tham gia này nhằm thúc đẩy thương mại xuyên biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN Việt Nam mở rộng thị trường và tiếp cận các cơ hội kinh doanh mới. Những hiệp định này không chỉ mở rộng thị trường xuất khẩu mà còn thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực TMĐT, giúp Việt Nam học hỏi và áp dụng các công nghệ tiên tiến từ các đối tác quốc tế.

"Các chính sách phát triển KTS và TMĐT tại Việt Nam đã tạo ra nhiều thuận lợi cho DN, bao gồm việc hoàn thiện khung pháp lý, hỗ trợ tài chính cho DN, khuyến khích đầu tư, phát triển hạ tầng số, bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng, thúc đẩy TMĐT xuyên biên giới, và tăng cường nghiên cứu và phát triển công nghệ mới”, ông Hoàng Ninh cho biết.

Tháo gỡ khó khăn cho TMĐT xuyên biên giới

Tuy nhiên, TMĐT nói chung và TMĐT xuyên biên giới nói riêng vẫn gặp nhiều thách thức, như thiếu sự đồng bộ trong quá trình triển khai các chính sách, vấn đề niềm tin của người tiêu dùng vào bảo mật thông tin, hạ tầng công nghệ chưa đồng đều, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao và khó khăn trong quản lý TMĐT xuyên biên giới.

img_20240627_093844-1-.jpg
Việt Nam đang chứng tỏ sự quyết tâm và chuẩn bị kỹ lưỡng cho sự phát triển của TMĐT thông qua việc xây dựng nhiều chiến lược và chính sách quan trọng

Nói về các vấn đề liên quan đến chính sách phát triển TMĐT xuyên biên giới, ông Phạm Duy Hưng, Giám đốc chính sách công, Amazon Global Selling Vietnam, cho biết: “Qua quá trình hoạt động, chúng tôi rất mong các cơ quan về chính sách tiến hành nghiên cứu thêm và ban hành các văn bản theo một số hướng chính. Thứ nhất là phát triển nguồn nhân lực”. Ông Hưng cũng thông tin thêm là chiến lược phát triển TMĐT giai đoạn 2026-2030 đã đặt mục tiêu là đạt 70% các trường đại học có chương trình đào tạo về TMĐT.

Điểm thứ hai, theo ông Hưng, là vấn đề hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước, các tổ chức và hiệp hội liên quan để giúp DN bán hàng xuyên biên giới có thể bảo vệ và xây dựng thương hiệu của mình. “Bởi vì, khi DN đã "cắm cờ" ở các thị trường quốc tế, đã đặt chân đến các thị trường quốc tế, chúng ta mới thực sự thực hiện xuất khẩu xuyên biên giới và rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan ban hành chính sách để bảo vệ mục tiêu xuất khẩu tại các thị trường này”.

Điểm thứ ba là phát triển về logistics, để quy hoạch logistics gắn với hạ tầng giao thông, gắn với quy hoạch của các khu vực sản xuất.

“Chúng tôi đã thực hiện nghiên cứu ở một số địa bàn và thị trường khác như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Hệ thống kho bãi và logistics của họ được thiết kế rất hợp lý, kết nối chặt chẽ với các khu vực sản xuất tập trung. Điều này giúp giảm thiểu chi phí vận chuyển hàng hóa từ nhà sản xuất đến người xuất khẩu và tiến tới việc xuất khẩu một cách hiệu quả”, ông Phạm Duy Hưng nói.

Chia sẻ ý kiến tại phiên tòa đàm bàn tròn, PGS. TS. Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (KTS-XHS), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết Bộ TT&TT sẽ thúc đẩy TMĐT nói chung và TMĐT xuyên biên giới nói riêng thông qua nhiều chính sách khác nhau.

Thứ nhất, Bộ sẽ bảo đảm hạ tầng bưu chính, một yếu tố đóng góp quan trọng trong việc triển khai TMĐT và dịch vụ xuyên biên giới. Thứ hai, Bộ sẽ phát triển hạ tầng số, hạ tầng viễn thông, hạ tầng truyền dẫn số và bảo đảm an toàn thông tin.

Đặc biệt, Bộ TT&TT cũng tập trung vào việc đào tạo kỹ năng số cho người dân. Tất cả những chính sách này đã được đưa ra trong Quyết định số 36/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ, Diễn đàn cũng tập hợp và cập nhật một loạt giải pháp, chương trình và sáng kiến chung tay do các đơn vị tiên phong trong ngành khởi xướng nhằm thúc đẩy thành công xuất khẩu TMĐT Việt Nam. Trong đó có thể kể đến việc ra mắt Liên minh Hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến Việt Nam (VESA) do VECOM thành lập, bao gồm các nhà cung cấp dịch vụ công nghiệp, các công ty hậu cần và đối tác công nghệ nhằm kết nối, hỗ trợ cộng đồng DN vừa và nhỏ Việt Nam chuyển đổi số và khai thác các cơ hội xuất khẩu trực tuyến./.

Anh Minh