Sẵn sàng tâm thế đổi mới trong kỷ nguyên số
Diễn đàn - Ngày đăng : 18:32, 28/06/2024
Sẵn sàng tâm thế đổi mới trong kỷ nguyên số
Đây là chủ đề của buổi toạ đàm giữa Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng với lãnh đạo quản lý các cấp của Bộ TT&TT sáng ngày 28/6/2024.
Buổi toạ đàm nằm trong khuôn khổ hội nghị được Bộ TT&TT tổ chức cho lãnh đạo, quản lý các cấp thuộc Bộ TT&TT với sự tham dự của 379 cán bộ từ 34 đơn vị. Hội nghị được tổ chức tại 3 điểm cầu: Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.
Tại buổi toạ đàm, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã trực tiếp trao đổi, trả lời nhiều câu hỏi cấp thiết, sát sườn trong công tác quản lý của các cấp cán bộ lãnh đạo.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, buổi tọa đàm là dịp để Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ TT&TT trực tiếp lắng nghe các ý kiến, băn khoăn từ các cán bộ làm công tác thực thi nhiệm vụ tại các đơn vị của Bộ.
“Bộ máy của Bộ TT&TT tốt, bền vững thì cần phải có cán bộ tốt từ cấp dưới. Phải phát hiện cán bộ tốt từ cấp dưới để đào tạo nên lớp học như thế này cần tổ chức 2 lần/năm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Chuyển đổi số đừng nghĩ phức tạp, khó làm
Tại hội nghị, đặt câu hỏi cho Bộ trưởng về nội dung liên quan đến chuyển đổi số (CĐS) trong công việc hàng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ hãy nghĩ CĐS đơn giản, đừng nghĩ phức tạp thì khó làm.
“Mỗi cán bộ của Bộ TT&TT giờ đây có thể tạo thư ký ảo giúp việc nhờ AI. Trợ lý ảo AI có thể nhớ hàng trăm văn bản, hỏi là nói ngay và còn có khả năng trích dẫn nguồn nên có thể yên tâm sử dụng. Đây là cách CĐS để giảm bớt việc cho cán bộ. Trợ lý ảo mà Bộ TT&TT triển khai tại các đơn vị từ 1/7/2024 là trợ lý riêng của Bộ TT&TT, sẽ kết hợp “các bộ óc tinh hoa” của 34 đơn vị để giúp việc cho mỗi cán bộ. Đây là sự thay đổi vĩ đại và là sự CĐS”.
Theo phân tích của Bộ trưởng, các cơ quan nhà nước có rất nhiều văn bản, ở cấp Bộ chỉ riêng thông tư cũng có cả vài trăm. Mà mỗi cán bộ chỉ nhớ được 20 - 30 thông tư một cách chi tiết là nhiều. Trong khi máy móc lại có thể nhớ tốt hơn. “Con người hãy dành thời gian cho việc sáng tạo và cũng là việc con người có thể thể hiện được sự mạnh mẽ nhất”, Bộ trưởng chia sẻ.
“Càng nhiều dữ liệu được xử lý theo thời gian thực thì các cán bộ của Bộ TT&TT càng có thông tin để giúp đối tượng được quản lý tránh được lỗi. Gặp việc khó là cứ nghĩ đến CĐS”.
Chuyển đổi số - chuyển đổi xanh là xu hướng
Trước xu hướng CĐS - chuyển đổi xanh và cách nào để vận dụng thế vào ngành TT&TT, Bộ trưởng đã chia sẻ là hai khái niệm ra đời cùng lúc. Muốn CĐS thì phải xanh, xanh thì phải số.
Theo Bộ trưởng, CĐS sẽ ít dùng tài nguyên hơn. Lên môi trường số là phi vật chất. Ví dụ như theo truyền thống muốn thí nghiệm hoá chất thì phải thử rất nhiều loại hoá chất nhưng lên môi trường số có thể mô phỏng để thử được vài trăm hoá chất nhờ môi trường ảo hoá. Việc này tiêu tốn ít tài nguyên và lĩnh vực nào cũng có thể đổi mới hoạt động nhờ lên môi trường số.
Dùng thiết bị điện tử cũng tiêu tốn nhiều năng lượng nhưng giờ đây có nhiều thiết bị tiêu tốn ít năng lượng. Hiện có có xu thế không dùng PC mà dùng PC ảo, CPU trên đám mây. Nhà thông minh về cơ bản là tiết kiệm điện, biết chỗ nào không dùng điện thì tắt… Việc lưu trữ tài liệu, dữ liệu cũng được tiết kiệm hơn và được trích lục dễ dàng nhờ chuyển đổi xanh.
“CĐS và chuyển đổi xanh là quan trọng nhất của nhân loại nhưng tạo ra nhận thức là nhờ truyền thông. Hãy truyền thông chuyển đổi xanh là mang lại hữu ích gì cho người dân như việc ra khỏi phòng là tắt điện, dùng ít nước… Truyền thông để ngấm thành hành vi, thói quen”.
“Chuyển đổi xanh là sống hài hoà với mẹ thiên nhiên nhiều hơn. Cứ ngồi bán giấy viết báo cáo tràng giang cũng là tàn phá mình, máy móc, tốn năng lượng,...”, Bộ trưởng nói.
Báo chí cần nhớ 4 từ “Nội dung”, “Công nghệ”, “Tri thức”, “Ngữ cảnh”.
Trao đổi băn khoăn của cán bộ từ Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử về việc “nội dung là vua, công nghệ là nữ hoàng” cần theo hướng nào và làm sao để vừa đảm bảo nội dung, vừa đảm bảo công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ rằng cuộc sống không biết từ bao giờ hay dùng chữ “hoặc” nhưng cuộc đời không phải vậy mà là chữ “và”. Làm gì thì hãy nhớ chữ "và”.
Theo Bộ trưởng, nội dung giờ đây cần công nghệ và công nghệ thì cần nội dung. Làm công nghệ giờ cũng có thể chính là làm báo. Các cơ quan báo chí làm ra một nền tảng để mọi người có thể viết báo trên nền tảng. Giờ có rất nhiều người viết, báo chí cần lắng nghe xã hội. Đó là nghề của báo chí.
Ngay cả làm nội dung giờ cũng cần thay đổi. Hội nghị Bộ trưởng Truyền thông ASEAN do Bộ TT&TT tổ chức tại Đà Nẵng tháng 9/2023 đã đưa ra thông điệp “Chuyển từ thông tin sang tri thức”.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Nội dung, công nghệ thì ai cũng có nhưng hãy nhớ mỗi quốc gia, tổ chức, tờ báo, cá nhân đều… có một “ngữ cảnh”. Đó là khác biệt duy nhất mà mỗi tổ chức, cá nhân có cho riêng mình. Làm gì thì phải nhớ sự khác biệt. Trung Quốc nói đến sự phát triển theo đặc sắc Trung Quốc, đó là ngữ cảnh, mà không có ai có. "Báo chí hãy nên nhớ đến 4 từ “nội dung”, “công nghệ”, “tri thức” và “ngữ cảnh”".
Văn hoá đơn vị là do người lãnh đạo
Trao đổi về văn hoá của tổ chức và văn hoá của người lãnh đạo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết là văn hoá sẽ tạo ra sự khác biệt.
Bộ trưởng cho rằng văn hoá thì điều đầu tiên là bắt buộc, tiếp theo là do duy trì xuyên suốt. “Nói văn hoá mà không đi vào chi tiết thì không thành văn hoá. Văn hoá là do người đứng đầu rèn thành thói quen và nhiều khi là xây dựng thành thể chế, cụ thể hoá nếu không sẽ chỉ hô thôi”.
Cũng theo Bộ trưởng, tạo ra văn hoá rất phụ thuộc người đứng đầu, người duy trì và thổi hồn vào văn hoá đó. “Văn hoá là thương hiệu của một tổ chức do những công việc cụ thể tạo nên, làm đi làm lại, tạo thành thói quen, tạo thành số phận”.
Bộ trưởng cũng lưu ý lãnh đạo một tổ chức, một đơn vị thì phải “dung”. Không biết dung người khác thì không làm lãnh đạo được vì bản thân mỗi người là khác nhau. Đáng quý là sự khác biệt và có thể góp phần tạo sự bền vững cho tổ chức. Dung được thì phải hiểu được.
Cấp đơn vị, cấp phòng đặt trọng tâm vào thực thi quản lý nhà nước
Bộ trưởng cũng cho rằng là chuyên viên, lãnh đạo cấp phòng cần xử lý tốt công việc thường xuyên, ít nhất là 95% thời gian làm việc. Trong khi bộ máy quản lý nhà nước vận hành dựa trên quy định để tạo ra sự ổn định của xã hội thì việc thực thi là những công việc thường xuyên, hàng ngày.
“Việc mới là của Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ bởi vì việc mới là vượt trên quy định và phải có quyền để đổi mới".
Người lãnh đạo cấp đơn vị, cấp phòng ban nên nhớ tạo ra việc làm mới, ý nghĩa và hỗ trợ (backup) cán bộ phía sau, tức là nghĩ ra việc mới thì phải tiếp cận dễ để cán bộ làm.
“Hãy nhớ có nhiều việc rất ghê gớm, khó nhưng thay đổi cách làm thì sẽ dễ làm”, Bộ trưởng chia sẻ thêm.
Đừng tư duy AI làm mất việc
Trước băn khoăn về việc AI có làm mất việc làm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, AI sẽ còn làm thay một số việc mạnh mẽ hơn nữa nhưng phải tư duy rằng AI thay mình làm một số việc đi lặp lại.
Trước đây không có dữ liệu, chúng ta ít làm công việc phân tích. Giờ đây, nhờ AI chúng ta thoát khỏi những công việc lặp đi lặp lại để làm những việc cao cấp như phân tích. Cán bộ làm công tác kế toán giờ đây với sự hỗ trợ của AI có thể phân tích, tìm ra chi phí không hợp lý, bất thường để cảnh báo hay tự động hoá một số nghiệp vụ… để chất lượng công việc nâng lên và đồng đều. “Để máy học làm những việc lặp đi lặp lại thì mình làm những việc chưa bao giờ làm. Đừng tư duy theo hướng để AI thay mình”.
Đối với những băn khoăn về CĐS của các cán bộ Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN), Bộ trưởng cho rằng lợi thế của Bưu điện là nhân lực.
Thế giới không có trực tuyến (online) hoặc ngoại tuyến (offline) mà chỉ là online và offline. Có những thông tin mà chỉ offline mới biết như thôn nào, gia đình nào có mấy người, truyền thống lịch sử của gia đình… Những thông tin như vậy chỉ có BĐVN mới nắm được ngân hàng không thể.
“Con người vẫn cần nói chuyện, tương tác. Nên trong dài hạn vẫn là vừa online và offline. BĐVN có mạng lưới đến cấp xã là sức mạnh cốt lõi, cần kết hợp nhuần nhuyễn giữa online và offline thì sẽ “thắng” tuyệt đối. “Nhớ cuộc đời không bỏ cái cũ làm cái mới mà phát triển từ cái cũ và làm cái mới. Chiến lược CĐS của BĐVN phải xác định hạ tầng chính là con người. BĐVN càng đông người càng tốt nhưng phải hiểu giá trị offine để dùng giá trị đó”.
Chuẩn bị sớm công tác đào tạo cán bộ
Kết luận tại toạ đàm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh công tác đào tạo cán bộ quản lý phải chuẩn bị ngay từ bây giờ để các cán bộ được trải nghiệm, từ đó được rèn luyện để sau này đảm nhiệm các vị trí cao hơn.
Vụ Tổ chức cán bộ cần mạnh dạn bổ nhiệm, giao việc cho cán bộ dựa trên tiềm năng và có thể có rủi ro.
“Làm công tác cán bộ mà không chấp nhận rủi ro thì không làm được. Bộ TT&TT có văn hoá là đã được bổ nhiệm làm tốt thì tiếp tục làm, không làm được thì sẵn sàng rút lui”.
Khi bổ nhiệm, giao việc, Bộ trưởng đề nghị phải đẩy mục tiêu các công việc được cao hơn để khả năng của cán bộ được bộc lộ sớm hơn. Giao việc với mục tiêu trung bình thì không biết đến lúc nào khả năng bộc lộ ra và sẽ ảnh hưởng đến tổ chức.
Bộ trưởng cũng đề nghị các cán bộ tiềm năng nhận việc để học hỏi, trải nghiệm, có kỹ năng để toả sáng. “Đang trẻ đừng ngại việc. Lãnh đạo giao việc là lãnh đạo tin tưởng và nên nghĩ đây là cơ hội”.
Bộ trưởng mong muốn lãnh đạo, quản lý các cấp của Bộ TT&TT làm tốt vai, “vòng tròn” của mình. “Khi nói về việc của mình thì thường tự tin hơn. Làm cán bộ quản lý có điểm rất quan trọng là tư duy việc của mình phải rõ ràng, cụ thể. Ở cấp cụ thể thì tập trung việc cụ thể, đừng ngại giữa đám đông nói chuyện nhỏ”, Bộ trưởng đề nghị./.