Tân Đại sứ Nhật Bản: Hợp tác đào tạo - sử dụng nhân lực ngành bán dẫn là vòng tuần hoàn có lợi cho cả hai bên
Chuyển động ICT - Ngày đăng : 15:35, 29/06/2024
Tân Đại sứ Nhật Bản: Hợp tác đào tạo - sử dụng nhân lực ngành bán dẫn là vòng tuần hoàn có lợi cho cả hai bên
Đại sứ Ito mong muốn, nhân lực ngành bán dẫn Việt Nam có thể tới Nhật Bản làm việc để nâng cao tay nghề. Khi cần, họ có thể trở về để đóng góp cho đất nước.
Tháng 5/2024, sau khi trình Quốc thư, Đại sứ Nhật Bản Ito Naoki chính thức bắt đầu nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.
Sau hơn 1 tháng nhậm chức, Đại sứ Ito đã có buổi gặp gỡ với báo chí Việt Nam. Khi được hỏi về nhu cầu sử dụng và đào tạo nhân lực chất lượng của Nhật Bản đối với Việt Nam, Đại sứ Ito nhấn mạnh: “Tôi nghĩ đây là một vòng tuần hoàn có lợi cho cả hai bên”.
Đại sứ Ito giải thích, trong những năm gần đây, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, chuyển đổi xanh,… là những lĩnh vực quan trọng đối với bất kỳ quốc gia nào. Hiện tại, Nhật Bản đang đầu tư nhiều dự án quy mô lớn về lĩnh vực bán dẫn tại tỉnh Kumamoto, vùng Kyushu và vùng Hokkaido. Để cung cấp và đảm bảo nguồn nhân lực cho dự án này, chính phủ Nhật Bản sẽ đẩy mạnh việc đào tạo nhân lực trong nước.
“Tôi hy vọng, trong thời gian tới, nguồn lao động chất lượng cao của Việt Nam có thể tới Nhật Bản và làm việc trong ngành bán dẫn. Đây là cơ hội để họ phát triển tay nghề. Khi Việt Nam thu hút đủ vốn đầu tư vào ngành công nghiệp này, những lao động tay nghề cao có thể trở về và đóng góp cho đất nước” – Đại sứ Ito nói.
Về hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tân Đại sứ thông tin, vào tháng 3 năm nay, hai nước đã khởi động Chương trình Sáng kiến chung Nhật - Việt với một hình thức mới. Theo đó, lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành công nghệ được đẩy mạnh. Trong khuôn khổ chương trình, chính phủ và các doanh nghiệp Việt-Nhật sẽ trực tiếp ngồi lại để trao đổi, thảo luận nhằm tháo gỡ các vấn đề vướng mắc, thúc đẩy việc đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghệ cao.
“Tôi mong muốn, vốn đầu tư từ Nhật Bản sang Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn sẽ ngày càng tăng. Bởi các doanh nghiệp Nhật Bản đang có nhu cầu tìm các thị trường mới để đầu tư sản xuất tại khu vực châu Á. Bài toán này được đặt ra khi dịch Covid-19 bùng phát, hàng loạt chuỗi cung ứng bị đứt gãy” – Đại sứ Ito thông tin.
Chính phủ Nhật Bản đã chi ngân sách cho việc tìm kiếm thị trường mới. Tới thời điểm hiện tại, Việt Nam là điểm đến tiềm năng của các doanh nghiệp Nhật Bản, 10% trong đó thuộc lĩnh vực bán dẫn.
Mới đây, Rozre – một công ty Nhật Bản đã đầu tư vào nhà máy bán dẫn tại Hải Phòng với tổng số lao động lên tới 3.000 người.
Điểm lại hoạt động giữa hai nước trong thời gian vừa qua, Đại sứ Ito nhấn mạnh vào sự kiện nâng cấp quan hệ hai nước lên “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và trên thế giới” trong năm 2023.
Mối quan hệ đối tác đã trở nên sâu sắc từ “vì hòa bình và thịnh vượng của châu Á” đến “vì hòa bình và thịnh vượng của châu Á và trên thế giới”.
“Điều này có nghĩa là, Nhật Bản và Việt Nam đã trở thành hai nước cùng nhau nỗ lực và hợp tác thực hiện những nội dung làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn, góp phần giải quyết những vấn đề chung của Thế giới” – Đại sứ Ito bày tỏ.
Đây cũng là bằng chứng cho thấy vai trò và vị thế của Việt Nam tại ASEAN và trên thế giới đã nâng cao trong 10 năm vừa qua. Với nền kinh tế ngày càng phát triển, Việt Nam đã trở thành đối tác được nhiều nước trên thế giới tin cậy.
“Tôi nghĩ công việc quan trọng nhất của mình chính là cụ thể hóa cụm từ “Đối tác chiến lược toàn diện” - Đại sứ Ito bày tỏ - “ Hợp tác giữa hai nước chúng ta là trải dài trên các lĩnh vực truyền thống và cả các lĩnh vực mới”.
Ông cho rằng hai nước vẫn còn dư địa và tiềm năng to lớn để mở rộng hợp tác về thương mại và đầu tư. Nhật Bản sẽ tiếp tục các dự án hỗ trợ phát triển kinh tế, đồng hành với mục tiêu trở thành nước phát triển của Việt Nam vào năm 2045.
Trong 30 năm qua, Nhật Bản đã cung cấp hơn 3.260 tỷ yen vốn ODA cho Việt Nam. “Tuy nhiên điều tôi mong muốn là làm sôi động lại các hoạt động dùng vốn ODA. Không chỉ dừng lại ở các lĩnh vực như công nghệ, kỹ thuật, hạ tầng,... những lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, y tế, giáo dục cũng rất quan trọng” – tân Đại sứ nói.
Năm 2023, với hơn 500 sự kiện, năm kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt-Nhật đã thành công tốt đẹp. Dựa trên nền tảng đó, hai bên cần thúc đẩy hơn nữa các hoạt động giao lưu văn hóa, giao lưu học thuật, giao lưu nhân dân.
“Để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực như tôi vừa nêu, sự thấu hiểu và ủng hộ nhân dân Việt Nam là không thể thiếu, đặc biệt là giới trẻ” – Đại sứ Ito kết luận.