Chuyên gia “mách nước” các bước xây dựng báo cáo ESG minh bạch
Diễn đàn - Ngày đăng : 14:23, 03/07/2024
Chuyên gia “mách nước” các bước xây dựng báo cáo ESG minh bạch
Khi nằm trong các chuỗi giá trị toàn cầu, việc doanh nghiệp (DN) Việt phải cung cấp báo cáo ESG sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc, đảm bảo việc phát triển bền vững trong một nền kinh tế hội nhập.
Chiến lược ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) không chỉ giúp các công ty cải thiện hoạt động kinh doanh mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thích ứng với những thách thức xã hội và môi trường ngày càng phức tạp. Tuy vậy, việc xây dựng một báo cáo ESG minh bạch và thuyết phục là thách thức lớn đối với nhiều DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa.
Mặc dù báo cáo ESG giúp nâng cao uy tín tín dụng, mở rộng cơ hội đầu tư và tạo ra các lợi thế cạnh tranh dài hạn cho DN, song các DN vẫn lúng túng, không biết bắt đầu từ đâu để xây dựng báo cáo ESG, đặc biệt khi có nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn về ESG trên thế giới.
Các bước xây dựng báo cáo ESG minh bạch
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Tư vấn Phát triển bền vững FPT Digital, khi nằm trong các chuỗi giá trị toàn cầu, việc DN Việt phải cung cấp báo cáo ESG sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc, đảm bảo việc phát triển bền vững trong một nền kinh tế hội nhập.
Đáng chú ý, hiện tại dù nhận thức về chuyển đổi số (CĐS) và ESG trong cộng đồng DN khá cao, song theo khảo sát, chỉ có 22% DN Việt Nam thực sự có lộ trình rõ ràng về ESG trong vòng 10 - 15 năm tới. “Điều này cho thấy có một khoảng cách lớn giữa nhận thức và hành động”, ông Nguyễn Tuấn Anh nói.
Theo chuyên gia, để giải quyết bài toán về Báo cáo ESG, các DN cần hiểu rõ các tiêu chuẩn ESG quốc tế và yêu cầu cụ thể của từng thị trường. Điều này đòi hỏi việc nghiên cứu kỹ lưỡng các tiêu chuẩn như GRI (Global Reporting Initiative - Sáng kiến báo cáo toàn cầu), SASB (Sustainability Accounting Standards Board - Hội đồng Chuẩn mực Kế toán phát triển bền vững) hay GHG Protocol - Kiểm kê phát thải khí nhà kính… Hiểu rõ các tiêu chuẩn này sẽ giúp DN xác định được những gì cần làm để tuân thủ và đáp ứng các yêu cầu ESG.
Khi xây dựng Báo cáo ESG, DN nên tuân theo các tiêu chuẩn báo cáo quốc tế để đảm bảo tính minh bạch và thuyết phục. Báo cáo cần cung cấp đầy đủ thông tin về các hoạt động, tiến độ và kết quả đạt được. Việc truyền thông hiệu quả đến các bên liên quan, bao gồm nhà đầu tư, khách hàng, nhân viên và cộng đồng, cũng rất quan trọng. Sử dụng các kênh truyền thông phù hợp sẽ giúp thông tin đến được với đối tượng mục tiêu.
Ngoài ra, DN cần thiết lập một đội ngũ chuyên trách về ESG. “Đội ngũ này nên bao gồm các chuyên gia nội bộ và có thể có sự hỗ trợ từ các đơn vị tư vấn bên ngoài để đảm bảo có đầy đủ kiến thức và kinh nghiệm. Đào tạo nhân viên về các khía cạnh của ESG cũng là điều cần thiết để họ hiểu rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc thu thập dữ liệu và thực hiện các sáng kiến ESG”, ông Nguyễn Tuấn Anh nói.
Khi đã có đội ngũ chuyên trách về ESG, DN cần thực hiện đánh giá toàn diện về hiện trạng ESG của mình giúp xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức, từ đó xây dựng kế hoạch chuyển đổi cụ thể. Dựa trên kết quả đánh giá, DN xác định các mục tiêu cụ thể và khả thi cho từng yếu tố của ESG, bao gồm môi trường, xã hội và quản trị.
Điều quan trọng, ESG cần được tích hợp vào chiến lược kinh doanh tổng thể của DN. Điều này đảm bảo rằng các hoạt động ESG không chỉ là các hoạt động rời rạc mà là một phần không thể thiếu của chiến lược phát triển dài hạn. Triển khai các sáng kiến và dự án cụ thể nhằm cải thiện các khía cạnh ESG của DN, từ quản lý chất thải, tiết kiệm năng lượng, đến hỗ trợ cộng đồng và cải thiện quản trị công ty, là những bước đi cần thiết.
Thời điểm lập báo cáo ESG có thể linh hoạt tùy theo nhu cầu và mục tiêu của DN. Tuy nhiên, DN nên lập báo cáo DN định kỳ hàng năm hoặc hàng quý để cập nhật thông tin về hoạt động của mình cho các bên liên quan.
“Bằng cách tuân thủ các bước này, DN có thể xây dựng một báo cáo ESG minh bạch và thuyết phục. Điều này không chỉ giúp cải thiện uy tín và hình ảnh của DN mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của cộng đồng và môi trường”, ông Nguyễn Tuấn Anh nói.
Công cụ đánh giá rủi ro phát thải khí nhà kính và ESG cho DN
Dự kiến, có gần 2.000 DN tại Việt Nam bắt buộc phải kiểm kê khí nhà kính và đáp ứng hạn ngạch phát thải theo Quyết định 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
Tại Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á (Vietnam - Asia DX Summit) 2024 về chủ đề “Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số” vừa qua, đại diện FPT Digital đã cho rằng cách tiếp cận ESG phù hợp cho DN là dựa trên mô hình kinh doanh.
“FPT đã phân tích và đưa ra 4 bước cơ bản: đánh giá sức khỏe ESG của DN, tích hợp mục tiêu ESG vào mục tiêu kinh doanh, xây dựng lộ trình ESG bài bản và cuối cùng là hướng tới việc đào tạo nguồn lực con người”, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết.
Để hỗ trợ DN trong quá trình triển khai, FPT Digital đã xây dựng công cụ đánh giá rủi ro phát thải khí nhà kính và ESG cho DN. Công cụ này đặt trên website của FPT Digital và DN sử dụng miễn phí.
Công cụ đánh giá rủi ro phát thải khí nhà kính và ESG của FPT Digital sẽ cung cấp dữ liệu và phân tích giúp DN ra quyết định chiến lược trong việc quản lý rủi ro và thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường. Khả năng ứng dụng của công cụ này rất rộng, phù hợp cho các DN trong nhiều lĩnh vực như sản xuất, vận tải, môi trường và xây dựng.
Tuy nhiên, hiệu quả của công cụ phụ thuộc vào độ chính xác và đầy đủ của dữ liệu đầu vào từ DN. DN cũng cần có kiến thức chuyên môn hoặc sự hỗ trợ từ chuyên gia để sử dụng công cụ một cách hiệu quả.
Thực tế, để đạt được bài toán phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, không thể chỉ dựa vào nỗ lực của một mình DN, mà điều quan trọng là phải xây dựng một hệ sinh thái bao gồm các bên liên quan như chính phủ, cộng đồng DN trong và ngoài ngành, cũng như cộng đồng người tiêu dùng,...
Điều này có thể thực hiện thông qua việc thiết lập các cơ chế hợp tác giữa các bên liên quan, tạo ra môi trường kinh doanh và pháp lý thúc đẩy phát triển bền vững, và tăng cường sự tham gia, chia sẻ thông tin giữa các đối tác trong hệ sinh thái. Đồng thời, việc tạo ra các chính sách khuyến khích và ổn định cũng là yếu tố quan trọng để thu hút sự quan tâm và tham gia từ các bên trong hệ sinh thái./.