Trung Quốc dẫn đầu cuộc đua cấp bằng sáng chế AI tạo sinh
Chuyển động ICT - Ngày đăng : 17:54, 03/07/2024
Trung Quốc dẫn đầu cuộc đua cấp bằng sáng chế AI tạo sinh
Quốc gia này đang vượt xa các quốc gia khác với số lượng nộp đăng ký cấp bằng sáng chế về AI tạo sinh nhiều gấp 6 lần so với đối thủ cạnh tranh gần nhất là Hoa Kỳ.
Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), tổ chức giám sát hệ thống công nhận bằng sáng chế cho các quốc gia, AI tạo sinh (GenAI) có khả năng sản xuất văn bản, hình ảnh, mã máy tính và thậm chí là cả âm nhạc từ thông tin hiện có, đang bùng nổ với hơn 50.000 đơn xin cấp bằng sáng chế được nộp trong thập kỷ qua và 1/4 trong số đó được nộp chỉ riêng trong năm 2023.
WIPO cho biết Trung Quốc đã nộp hơn 38.000 phát minh GenAI trong giai đoạn 2014 - 2023 so với 6.276 phát minh do Hoa Kỳ nộp trong cùng kỳ.
Các đơn xin cấp bằng sáng chế của Trung Quốc bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau từ xe tự lái đến xuất bản và quản lý tài liệu.
Daren Tang, Tổng Giám đốc WIPO cho biết: "GenAI đã nổi lên như một công nghệ mang tính đột phá với tiềm năng thay đổi cách chúng ta làm việc, sinh sống và giải trí".
"Thông qua việc phân tích dữ liệu và xu hướng cấp bằng sáng chế, WIPO hy vọng có thể giúp mọi người hiểu rõ hơn về quá trình phát triển của công nghệ đang phát triển nhanh chóng này cũng như hướng đi của nó", Tổng Giám đốc WIPO chia sẻ thêm.
Không giống như khái niệm chung về AI, lĩnh vực AI tạo sinh chủ yếu liên quan đến việc tạo ra nội dung mới dưới dạng hình ảnh, video, văn bản, giọng nói, âm thanh và nhạc.
Trong những năm gần đây, AI tạo sinh đã được áp dụng vào các lĩnh vực phát triển phần mềm, khoa học đời sống, chăm sóc sức khỏe và tài chính, thường giúp đẩy nhanh các nhiệm vụ vốn tẻ nhạt.
Trong khi các chatbot có khả năng bắt chước giọng nói của con người đang được các nhà bán lẻ và nhiều bên khác sử dụng rộng rãi để cải thiện dịch vụ khách hàng, GenAI có tiềm năng chuyển đổi nhiều lĩnh vực kinh tế khác như khoa học, xuất bản, giao thông vận tải hoặc an ninh.
Điều này đã dẫn đến cuộc chạy đua về công nghệ và kinh doanh trên toàn cầu để tận dụng tiềm năng của AI tạo sinh.
Báo cáo của WIPO cho thấy các công ty và tổ chức Trung Quốc đang thống trị lĩnh vực bằng sáng chế AI tạo sinh, nắm giữ 6 trong số 10 vị trí hàng đầu.
Ba công ty Hoa Kỳ là Microsoft, Alphabet và IBM cũng lọt vào top 10, Samsung của Hàn Quốc cũng có tên trong top dẫn đầu.
Trong khi đó, Ấn Độ đứng thứ 5 về số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế AI tạo sinh, nhưng nước này lại dẫn đầu về mặt mở rộng, với tỷ lệ tăng trưởng đơn xin cấp bằng sáng chế là 56%.
Báo cáo của WIPO nhấn mạnh việc phát hành ChatGPT của OpenAI vào năm 2022 là bước ngoặt cho việc công bố bằng sáng chế và công bố nghiên cứu về AI tạo sinh, giúp tạo ra sự hưởng ứng mạnh mẽ từ người tiêu dùng, khu vực tư nhân và chính phủ. "Điều này là do nền tảng OpenAI đã giúp mọi người dùng dễ dàng tiếp cận các chương trình GenAI tiên tiến, đặc biệt là các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM)".
Những mô hình này đã đạt được mức hiệu suất mới, chứng minh tiềm năng cho nhiều ứng dụng thực tế, tạo nên làn sóng nghiên cứu và phát triển, cũng như các khoản đầu tư lớn của các công ty vào GenAI.
Tuy nhiên, bất chấp triển vọng đầy hứa hẹn về việc nộp đơn xin cấp bằng sáng chế AI, báo cáo của WIPO cũng lưu ý những lo ngại về khả năng gián đoạn thị trường lao động do công nghệ này gây ra.
“Không giống như các làn sóng tự động hóa trước đây, chủ yếu ảnh hưởng đến những người lao động có trình độ trung bình, rủi ro của sự thay thế AI đã mở rộng đến một số vị trí được trả lương cao hơn, như một số nhà phân tích dữ liệu, phân tích nghiên cứu thị trường, nhân viên kế toán hoặc trợ lý pháp lý", WIPO cho biết.
Nhưng báo cáo cũng nhấn mạnh rằng việc nộp đơn xin cấp bằng sáng chế có thể giúp giảm thiểu tác động tiềm tàng lên thị trường lao động và tạo ra cơ hội cho những người tận dụng tối đa dữ liệu./.