Hải Dương đẩy mạnh hợp tác quốc tế để chuyển giao công nghệ hướng tới phát triển bền vững

Truyền thông - Ngày đăng : 15:25, 05/07/2024

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để chuyển giao công nghệ được các cấp chính quyền tỉnh Hải Dương xác định là một trong những chiến lược quan trọng, dài hạn giúp địa phương phát triển đột phá và bền vững trên nhiều lĩnh vực.
Truyền thông

Hải Dương đẩy mạnh hợp tác quốc tế để chuyển giao công nghệ hướng tới phát triển bền vững

Đỗ Thêu 05/07/2024 15:25

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để chuyển giao công nghệ được các cấp chính quyền tỉnh Hải Dương xác định là một trong những chiến lược quan trọng, dài hạn giúp địa phương phát triển đột phá và bền vững trên nhiều lĩnh vực.

anh-5.1.jpg
Hải Dương đẩy mạnh hợp tác quốc tế để chuyển giao công nghệ trên nhiều lĩnh vực.

Tăng cường chuyển giao công nghệ trên nhiều lĩnh vực

Theo nhiều chuyên gia đánh giá, Hải Dương có vị trí chiến lược, nằm ở trung tâm vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, nằm sát vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc bộ và thuộc hai hành lang kinh tế quan trọng với Trung Quốc. Tỉnh có vị trí tương đối thuận lợi giữa các khu cảng biển và các cảng hàng không quốc tế chính của miền Bắc, nên có khả năng kết nối trong và ngoài nước khá toàn diện, có vị trí chiến lược về giao thương kinh tế và bảo đảm quốc phòng – an ninh ở khu vực các tỉnh Bắc bộ.

Với những lợi thế rất lớn đó, tỉnh Hải Dương định hướng tới năm 2050 sẽ trở thành tỉnh công nghiệp công nghệ cao, thông minh và bền vững, trở thành trục động lực của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.

Để từng bước đạt được mục tiêu trên, trong những năm qua, bên cạnh việc tạo môi trường thân thiện, cơ chế chính sách thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư, chính quyền tỉnh Hải Dương còn đặc biệt quan tâm, chú trọng tới việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế để chuyển giao công nghệ, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trên nhiều lĩnh vực.

Điển hình như việc tỉnh Hải Dương đã phối hợp cùng Công ty A-World của Nhật Bản giới thiệu công nghệ về quy trình và phương pháp lên men cho quả vải tại Công ty CP Ameii Việt Nam.

Theo lãnh đạo Công ty A-World Nhật Bản, điều kiện của kỹ thuật lên men là sản phẩm phải hoàn toàn sạch không có bất kỳ một loại hóa chất nào, sản phẩm có thể bảo quản được một thời gian dài mà không bị hỏng hay thối rữa. Hiện nay không chỉ quả vải có thể lên men mà nhiều sản phẩm khác như đậu phụ, củ cải, nước tương, măng muối, cá muối… có thể bảo quản lâu dài. Sản phẩm lên mem còn giúp đẹp da, tăng cường sức khỏe cho người sử dụng. Nhiều nghiên cứu cho rằng sau quá trình lên men cho sản phẩm, sản phẩm không chỉ giữ nguyên mà còn tăng hơn về giá trị dinh dưỡng.

Việc lên men cho quả vải để bảo quản lâu dài sẽ là một trong những hướng đi để nâng cao giá trị quả vải hiện nay, mở ra cơ hội để sản phẩm từ quả vải có thể tiêu thụ ở nhiều thị trường trên thế giới với thời gian dài và đảm bảo tốt chất dinh dưỡng cho người sử dụng.

Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng là một hướng đi chiến lược của tỉnh Hải Dương nhằm tăng cường hợp tác quốc tế về chuyển giao công nghệ. Tỉnh đã phối hợp với Bộ Công Thương, Tập đoàn Samsung tổ chức chương trình tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Hiện nay, thông qua các chương trình đào tạo, Samsung Việt Nam và Bộ Công Thương đã tư vấn cho các doanh nghiệp Hải Dương trong việc nâng cao trình độ, năng lực sản xuất, cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn để tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung.

Samsung Việt Nam và UBND tỉnh Hải Dương đã có văn bản hợp tác. Tập đoàn này sẽ hỗ trợ ít nhất 15 doanh nghiệp tại Hải Dương tham gia vào chuỗi cung ứng linh, phụ kiện nội địa cho các nhà máy sản xuất của Samsung tại Việt Nam.

Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

Theo ông Triệu Thế Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, trên những nền tảng sẵn có, Hải Dương định hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ là 1 trong 5 trụ cột.

Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ của tỉnh Hải Dương chủ yếu trong 3 lĩnh vực: Cơ khí chế tạo, điện - điện tử, dệt may - da giày.

Hiện, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Hải Dương tầm nhìn đến năm 2030. Quy hoạch nêu rõ nhiệm vụ hình thành hệ thống doanh nghiệp địa phương có khả năng cung ứng cho doanh nghiệp lắp ráp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Tỉnh cũng có chính sách khuyến khích, hỗ trợ và đẩy mạnh chuyển giao sản xuất linh kiện điện - điện tử từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp nội địa.

Ở tầm nhìn dài hạn, Hải Dương định hướng phát triển một số ngành công nghiệp chủ lực mạnh gồm vùng công nghiệp động lực, vùng công nghiệp hỗ trợ, vùng công nghiệp nặng, chế biến nông, lâm, thủy sản và năng lượng sạch.

Cụ thể, không gian công nghiệp sẽ phát triển theo 3 vùng, bao gồm: Vùng công nghiệp động lực (lõi trung tâm) tại các huyện Bình Giang, Thanh Miện, TP Hải Dương, Gia Lộc, Cẩm Giàng, một phần huyện Ninh Giang; vùng công nghiệp hỗ trợ tại TP Hải Dương, Gia Lộc, Cẩm Giàng và một phần huyện Ninh Giang; vùng công nghiệp nặng, chế biến nông, lâm, thủy sản và năng lượng sạch tại TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn, huyện Kim Thành, Nam Sách, Thanh Hà, Tứ Kỳ và một phần huyện Ninh Giang.

Trong đó, sẽ có 1 khu kinh tế chuyên biệt tại 2 huyện Bình Giang và Thanh Miện, tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sinh thái, công nghiệp hỗ trợ, trung tâm logistics và trung tâm đổi mới sáng tạo cấp vùng…

anh-5.2.jpg
Việc thu hút được rất nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước giúp kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương tăng trưởng mạnh mẽ.

Cùng với đó, tỉnh Hải Dương vẫn tiếp tục duy trì và hỗ trợ tái cơ cấu một số ngành công nghiệp có giá trị sản xuất nhỏ khác như, dệt may, da giày, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp khai khoáng, công nghiệp môi trường, xử lý rác thải, nước thải… để bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, tăng cường giám sát, rà soát dừng thu hút đầu tư và phát triển thêm các ngành công nghiệp giá trị thấp hoặc ảnh hưởng môi trường.

Đỗ Thêu