Việt Nam trở thành "Thị trường phát triển ứng dụng nhanh nhất thế giới”
Kinh tế số - Ngày đăng : 21:48, 11/07/2024
Việt Nam trở thành "Thị trường phát triển ứng dụng nhanh nhất thế giới”
Việt Nam đã trở thành "Thị trường phát triển ứng dụng nhanh nhất thế giới" nhờ số lượt tải ứng dụng và trò chơi tăng 40% mỗi năm trong suốt 5 năm qua.
Ngày 11/7/2024, Google tổ chức sự kiện "Think Apps: Kiến tạo tương lai, cùng Google AI" tại Hà Nội, quy tụ hơn 350 nhà phát triển ứng dụng và sáng tạo game trong nước và khu vực.
Số lượt tải tăng 40% mỗi năm trong suốt 5 năm qua
Theo ông Marc Woo, Giám đốc điều hành Google phụ trách thị trường Việt Nam và châu Á - Thái Bình Dương, báo cáo của data.ai 2023 đã cho thấy, ngành công nghiệp phát triển ứng dụng và trò chơi tại Việt Nam vẫn duy trì vị thế ấn tượng, đứng thứ 4 toàn cầu liên tục trong 2 năm qua. Xếp hạng này của Việt Nam được khẳng định nhờ tỷ lệ tăng trưởng vượt bậc - tăng 34% tổng lượt tải ứng dụng - vượt mốc 5,6 tỷ lượt tải.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã trở thành "Thị trường phát triển ứng dụng nhanh nhất thế giới" với số lượt tải tăng ấn tượng - tăng 40% mỗi năm trong suốt 5 năm qua. Xu hướng này tiếp tục diễn ra trong năm 2023, với mức tăng vọt vượt 1,1 tỷ lượt tải, tương đương với 10.708 ứng dụng "Made-in-Vietnam" được tải xuống mỗi phút. Trong đó, 4 nhà phát triển đã phá vỡ mức tăng trưởng 100 triệu lượt tải xuống trong năm 2023, bao gồm ABI, Bravestars, Higame và iKame.
Các nhà phát triển ứng dụng Việt Nam đang thể hiện sự chuyển đổi chiến lược hướng tới chất lượng và doanh thu. Từ năm 2023, doanh thu từ tính năng mua hàng trực tiếp trong ứng dụng (IAP) tăng đáng kể lên mức 21%, đạt 200 triệu USD. Xu hướng này nhấn mạnh sự chú trọng vào việc thiết kế trải nghiệm giá trị cao, nhằm tạo ra nguồn doanh thu bền vững.
Thách thức trong việc tích hợp AI vào ứng dụng và trò chơi
Mặc dù có mức tăng trưởng ấn tượng nhưng Việt Nam hiện đang ở vị trí thứ 28 trên toàn cầu về doanh thu mua hàng trực tiếp trong ứng dụng. Điều này cho thấy vẫn còn rất nhiều cơ hội để tăng trưởng hơn.
Dù vậy, theo thông tin từ Google, ngành công nghiệp phát triển ứng dụng và trò chơi của Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc tích hợp AI. Thách thức đầu tiên là sự thiếu hụt chuyên gia AI và các chương trình đào tạo chất lượng cao, cản trở sự phát triển của nguồn nhân tài AI.
Sau đó là những hạn chế trong việc tiếp cận cố vấn và hướng dẫn từ các tên tuổi AI đầu ngành tạo ra trở ngại trong việc thẩm định và xây dựng các sản phẩm được hỗ trợ bởi AI có tính cạnh tranh cao trên thị trường.
Cuối cùng, Việt Nam thiếu cơ sở hạ tầng sẵn có cho việc thử nghiệm nhanh chóng, kiểm tra và phát triển sản phẩm liên quan đến lĩnh vực AI. Với bộ giải pháp toàn diện, từ công cụ AI đến các chương trình đào tạo thực hành, Google AI sẽ hỗ trợ cho các nhà phát triển Việt Nam và thúc đẩy sự đổi mới. Cách tiếp cận toàn diện này được cấu trúc xoay quanh ba trụ cột chính: Kiến tạo cho Chất lượng; Kiến tạo để tăng Doanh thu; và Kiến tạo cho sự Bền vững.
Chương trình năm nay của Google tập trung vào những lợi thế mà AI có thể mang lại trong việc cách mạng hóa quá trình phát triển, quảng bá ứng dụng cũng như cung cấp nhiều ví dụ cụ thể, thực tế về thành công của các nhà phát triển Việt Nam trong ngành ứng dụng toàn cầu.
So với năm ngoái, những trụ cột này được nâng cấp, tích hợp liền mạch những giải pháp AI tốt nhất của Google vào chương trình hỗ trợ các nhà phát triển tạo ra ứng dụng chất lượng cao, thu hút nhiều người dùng hơn và xây dựng doanh nghiệp phát triển vượt bậc.
Bà Emily Nguyễn - Giám đốc kinh doanh Gaming & Apps cho thị trường Việt Nam, Google Châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ: “Ngành công nghiệp trò chơi và ứng dụng tại Việt Nam duy trì đà tăng trưởng vượt bậc, khẳng định vị thế là thị trường phát triển nhanh nhất thế giới. Ngành công nghiệp này ngày càng có nhiều đóng góp quan trọng trong lĩnh vực xuất khẩu giá trị cao của quốc gia".
Google đang giữ vai trò tiên phong thúc đẩy sự phát triển và đổi mới của ngành công nghiệp trò chơi và ứng dụng tại Việt Nam. Thông qua công nghệ AI mới nhất và các chương trình hỗ trợ toàn diện ngay từ những ngày đầu, Google mong muốn trao quyền cho các nhà phát triển địa phương xây dựng nhiều ứng dụng chất lượng cao, tiếp cận đối tượng toàn cầu và đạt được mức tăng trưởng kinh doanh bền vững./.