Ban hành Nghị định mới "gỡ khó" cho đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng ngân sách nhà nước

Diễn đàn - Ngày đăng : 07:05, 12/07/2024

Đây là văn bản đầu tiên thể chế hóa một cách mạnh mẽ hoạt động đầu tư, mua sắm các phần mềm phổ biến được nhiều bộ, cơ quan trung ương, địa phương có nhu cầu đầu tư, mua sắm, thuê dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) giống nhau về chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản trên phạm vi toàn quốc hoặc trong phạm vi ngành, chuyên ngành, lĩnh vực.
Diễn đàn

Ban hành Nghị định mới "gỡ khó" cho đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng ngân sách nhà nước

NM 12/07/2024 07:05

Đây là văn bản đầu tiên thể chế hóa một cách mạnh mẽ hoạt động đầu tư, mua sắm các phần mềm phổ biến được nhiều bộ, cơ quan trung ương, địa phương có nhu cầu đầu tư, mua sắm, thuê dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) giống nhau về chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản trên phạm vi toàn quốc hoặc trong phạm vi ngành, chuyên ngành, lĩnh vực.

dau-tu-cntt.jpg
Bộ TT&TT có trách nhiệm rà soát, xây dựng, công bố danh mục và chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản của phần mềm phổ biến quốc gia (Nguồn ảnh: thuathienhue.gov.vn)

Cụ thể, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 82/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) (gọi tắt là Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 73/2019/NĐ-CP). Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 73/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký (10/7/2024).

Trong bối cảnh thúc đẩy triển khai mạnh mẽ, gấp rút các nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS) để đạt mục tiêu của Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các đề án, kế hoạch CĐS của bộ, ngành, địa phương, việc Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 73/2019/NĐ-CP là rất kịp thời, thể hiện quyết tâm chính trị và sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ trong việc tháo gỡ các vướng mắc, “điểm nghẽn” về thể chế, chính sách cho thực hiện chuyển đổi số.

Với Nghị định sửa đổi, bổ sung này, những vấn đề vướng mắc lớn trong hoạt động đầu tư ứng dụng CNTT phục vụ CĐS đã được giải quyết, nhiều “điểm nghẽn” trong công tác đầu tư ứng dụng CNTT đã được tháo gỡ cho các cơ quan nhà nước (CQNN) khi thực hiện các chiến lược, chương trình, đề án, kế hoạch CĐS. Cụ thể:

Thể chế hoá việc mua sắm các phần mềm

Văn bản này đã lần đầu tiên thể chế hóa một cách mạnh mẽ hoạt động đầu tư, mua sắm các phần mềm phổ biến được nhiều bộ, cơ quan trung ương, địa phương có nhu cầu đầu tư, mua sắm, thuê dịch vụ CNTT giống nhau về chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản trên phạm vi toàn quốc hoặc trong phạm vi ngành, chuyên ngành, lĩnh vực.

Theo đó, các bộ chuyên ngành có trách nhiệm rà soát, xây dựng, công bố danh mục và chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản của phần mềm phổ biến ngành, chuyên ngành, lĩnh vực; Bộ TT&TT có trách nhiệm rà soát, xây dựng, công bố danh mục và chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản của phần mềm phổ biến quốc gia; Các tổ chức, cá nhân cung cấp phần mềm phổ biến có trách nhiệm công bố công khai những sản phẩm phần mềm phổ biến do mình xây dựng, phát triển đáp ứng được các chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản đó.

Quy định này kỳ vọng giải quyết được vấn đề tiềm ẩn nguy cơ lãng phí, thất thoát NSNN có thể xảy ra trong đầu tư ứng dụng CNTT.

Sửa đổi các quy định pháp luật phù hợp

Đây là lần thứ hai sửa đổi quy định của pháp luật về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn NSNN để đồng bộ, tuân thủ với các quy định của pháp luật luật đầu tư, pháp luật NSNN, pháp luật đấu thầu hiện hành những vẫn bảo đảm phù hợp với thực tiễn. Đó là:

Sửa đổi, bỏ quy định về hạn mức kinh phí các trường hợp thiết kế 1 bước, 2 bước; phân cấp mạnh cho cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư quyết định phương án thiết kế của các dự án đầu tư hệ thống thông tin (HTTT), phần cứng, phần mềm, cơ sở dữ liệu (CSDL) bảo đảm hiệu quả quản lý thực hiện dự án. Quy định này áp dụng cả với dự án đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng kinh phí chi đầu tư phát triển và cả với các hoạt động mang tính chất đầu tư, mua sắm HTTT, phần cứng, phần mềm, CSDL sử dụng từ nguồn kinh phí chi thường xuyên;

Bổ sung quy định về “trang thiết bị CNTT” bao gồm thiết bị phần cứng, phần mềm và CSDL để giải quyết vướng mắc về chuyển nguồn NSNN đối với mua sắm hàng hóa, trang thiết bị CNTT; đồng thời khẳng định việc xây dựng, phát triển, nâng cấp, mở rộng phần mềm nội bộ là hoạt động mua sắm trang thiết bị CNTT.

Pháp lý chính thức quy định cụ thể phương pháp, cách thức xác định giá trị của những phần mềm được xây dựng, phát triển, nâng cấp, mở rộng dựa trên phần mềm thương mại, phần mềm nguồn mở, nền tảng số, bộ khung mã lệnh (framework), dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR),...

Quy định này được kỳ vọng sẽ giải quyết những kiến nghị, vướng mắc nhiều năm qua của nhiều cơ quan, tổ chức trong hoạt động đầu tư ứng dụng CNTT trong bối cảnh ứng dụng mạnh mẽ của những công nghệ mới vào xây dựng các phần mềm, nền tảng số.

Là yêu cầu bắt buộc thực hiện duy trì, vận hành, bảo trì sản phẩm của các dự án đầu tư ứng dụng CNTT; các CQNN phải có trách nhiệm thực hiện để các HTTT, nền tảng số được vận hành ổn định, thường xuyên, liên tục, khai thác hiệu quả. Đặc biệt “điểm nghẽn” về nguồn kinh phí được tháo gỡ với quy định bắt buộc bảo đảm kinh phí cho hoạt động này.

Khẳng định thuê dịch vụ CNTT là một hình thức ưu tiên triển khai

Tuy nhiên, để tránh tình trạng “lạm dụng” hình thức này, Nghị định đã bổ sung quy định trước khi thuê dịch vụ CNTT, CQNN phải thực hiện so sánh ưu điểm, hạn chế giữa việc đầu tư, mua sắm mới với việc thuê dịch vụ CNTT dựa trên các điều kiện, tình hình cụ thể của cơ quan mình, làm cơ sở để cấp có thẩm quyền quyết định hình thức thực hiện. Đồng thời, thời gian thuê dịch vụ được mở rộng lên tối đa 8 năm để bảo đảm ổn định, liên tục, hiệu quả của việc khai thác, sử dụng dịch vụ.

Cuối cùng, Nghị định số 82/2024/NĐ-CP được ban hành không phát sinh thêm thủ tục hành chính (TTHC) giữa các CQNN trong hoạt động đầu tư, mua sắm, thuê dịch vụ CNTT; mà còn thực hiện cắt giảm thêm 2 TTHC nội bộ và thực hiện đơn giản hóa thêm 2 TTHC nội bộ. Như vậy, hiện nay, các TTHC tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP và Nghị định số 82/2024/NĐ-CP là các thủ tục tối thiểu cần thiết liên quan đến việc trình, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư ứng dụng CNTT, hoạt động ứng dụng CNTT./.

NM