Những sáng kiến hỗ trợ sử dụng đám mây, AI cho khu vực công, chăm sóc sức khoẻ
Chuyển động ICT - Ngày đăng : 14:39, 16/07/2024
Những sáng kiến hỗ trợ sử dụng đám mây, AI cho khu vực công, chăm sóc sức khoẻ
Các nhà lãnh đạo trong khu vực công đang tìm cách ứng dụng AI tạo sinh để nâng cao hiệu quả và tính linh hoạt của tổ chức.
Dave Levy, Phó Chủ tịch, Phụ trách Khu vực công toàn cầu, AWS, đã nhấn mạnh tốc độ đổi mới sáng tạo (ĐMST) về trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh trong khu vực công và đưa ra các công bố hai sáng kiến tại Hội nghị AWS Summit Washington D.C. 2024 mới đây. Đây là một sự kiện toàn cầu được tổ chức hàng năm để giúp các tổ chức khu vực công nâng cao kiến thức về công nghệ đám mây, đồng thời trau dồi các kỹ năng mới để thiết kế và triển khai các giải pháp đám mây nhằm tăng tốc thực hiện các sứ mệnh của họ.
Sáng kiến Generative AI Impact cho các tổ chức trong khu vực công
Khoản đầu tư 50 triệu USD của sáng kiến trong 2 năm này được thiết kế để giúp các tổ chức trong khu vực công - và những tổ chức trực tiếp hỗ trợ nhu cầu công nghệ cho khu vực công - đẩy nhanh ĐMST để hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ trọng yếu bằng cách sử dụng các dịch vụ và hạ tầng AI tạo sinh của AWS như Amazon Bedrock, Amazon Q, Amazon SageMaker, AWS HealthScribe, AWS Trainium và AWS Inferentia.
Theo sáng kiến này, AWS cam kết hỗ trợ lên đến 50 triệu USD dưới hình thức tín dụng AWS Promotional Credits, cũng như đào tạo và cung cấp chuyên môn kỹ thuật cho các dự án AI tạo sinh. Việc xác định cấp tín dụng sẽ dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm nhưng không giới hạn ở kinh nghiệm của khách hàng trong việc phát triển các giải pháp công nghệ mới, mức độ trưởng thành của ý tưởng dự án, bằng chứng về khả năng áp dụng giải pháp trong tương lai và hiện trạng kỹ năng AI tạo sinh của khách hàng.
Sáng kiến này dành cho các khách hàng và đối tác khu vực công toàn cầu mới hoặc hiện tại của AWS từ các doanh nghiệp trên toàn thế giới, những người đang xây dựng các giải pháp AI tạo sinh giúp giải quyết các thách thức cấp bách nhất của xã hội.
Các nhà lãnh đạo trong khu vực công đang tìm cách sử dụng AI tạo sinh để nâng cao hiệu quả và tính linh hoạt của tổ chức. Tuy nhiên, các tổ chức thuộc khu vực công đang đối mặt với một số thách thức như tối ưu hóa nguồn lực, đáp ứng nhu cầu thường xuyên thay đổi, cải thiện quá trình chăm sóc bệnh nhân, cá nhân hóa trải nghiệm giáo dục và tăng cường an ninh bảo mật. Để ứng phó với những thách thức này, AWS cam kết giúp các tổ chức trong khu vực công khai phá tiềm năng của AI tạo sinh và các công nghệ đám mây khác để tạo ra tác động tích cực đến xã hội.
Sáng kiến toàn cầu này có hiệu lực từ ngày 26/6/2024 - 30/6/2026, với các lợi ích và nguồn lực bao gồm: Đào tạo theo yêu cầu, năng lực chuyên môn của Trung tâm ĐMST AI tạo sinh, hỗ trợ kỹ thuật, kết nối và tham gia miễn phí các phiên làm việc dành cho nhà phát triển (buider), cơ hội quảng bá trên toàn cầu.
Hỗ trợ sử dụng đám mây, AI thúc đẩy nghiên cứu về chăm sóc sức khỏe trẻ em và hiểu rõ hơn về các bệnh hiếm gặp
Tại hội nghị, AWS cam kết dành 10 triệu USD để trao quyền cho các tổ chức phi lợi nhuận khai thác sức mạnh của đám mây AWS vào thúc đẩy các mục tiêu liên quan đến nhi khoa và trẻ em trên toàn cầu. Khoản tài trợ này giúp tiến hành nghiên cứu quan trọng đối với nhóm bệnh nhân dễ tổn thương, thường bị hạn chế về nguồn lực và hạn chế số lượng mẫu bệnh phẩm…
Sáng kiến này hỗ trợ một liên minh lớn mạnh bao gồm các bệnh viện và các tổ chức khác sử dụng điện toán đám mây (ĐTĐM) và AI vào mục tiêu chung là thúc đẩy nghiên cứu và khám phá. Nhờ quản lý dữ liệu trên đám mây hiệu quả hơn, các nhà nghiên cứu sẽ có thể hiểu rõ hơn về cấu trúc di truyền của bệnh, nhờ đó chẩn đoán nhanh hơn, chính xác hơn và đưa ra các phác đồ điều trị cá nhân hóa hiệu quả hơn cho bệnh nhân.
Nicole Giroux, mẹ của bệnh nhi Lila, người sáng lập Quỹ Lilabean cho Nghiên cứu Ung thư não ở trẻ em cho biết: “Trong lịch sử, tất cả các nhà khoa học đều làm việc riêng lẻ và không chia sẻ dữ liệu, mẫu mô, mẫu giải trình tự gen,... Chúng ta cần hợp tác với nhau. Chúng ta phải chia sẻ dữ liệu và cùng khai thác dữ liệu trong một môi trường khép kín chung”.
Môi trường khép kín đó nằm trên đám mây. AWS là nơi các nhà nghiên cứu có thể quản lý an toàn dữ liệu đã loại bỏ danh tính và ẩn danh mà vẫn bảo vệ quyền riêng tư của bệnh nhân cũng như các đối tượng tham gia nghiên cứu lâm sàng.
Đối với các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi toàn quốc (Mỹ), ĐTĐM được sử dụng làm công cụ tính toán dữ liệu bộ gen, sau đó chia sẻ dữ liệu và kết quả chẩn đoán bệnh nhân ung thư nhi trong một nghiên cứu lớn tác động đến bệnh nhân ung thư nhi trên khắp cả nước. Sau khi được sử dụng để giúp chẩn đoán, kết quả sẽ được chuyển tới các cơ sở khám chữa bệnh ung thư cho từng bệnh nhân, dữ liệu ẩn danh này được chia sẻ với CSDL ung thư trẻ em NCI qua đám mây, cho phép nhiều nhà nghiên cứu hơn có thể tiếp cận trong thời gian thực.
Elaine Mardis, Tổng giám đốc của Viện Y học gen Steve and Cindy Rasmussen tại Viện nghiên cứu Abigail Wexner thuộc Bệnh viện Nhi đồng Quốc gia, cho biết: “Việc chia sẻ rộng rãi thông tin trong CSDL trên đám mây có thể cho phép nghiên cứu các bệnh ung thư hiếm gặp từ khía cạnh gen, nhằm thu hút sự chú ý của các nhà khoa học mà hiện đang thiếu khả năng thực hiện việc này do không tiếp cận được dữ liệu hiện đang nằm trong các cơ sở dữ liệu riêng lẻ".
"Trong ngắn hạn, ĐTĐM sẽ là động lực thúc đẩy nghiên cứu khám phá”, bà cho biết thêm.
Ứng dụng AI trong nghiên cứu y học là xu hướng tương lai
Tạo kho dữ liệu trên đám mây chỉ là bước đầu tiên hướng tới điều trị hiệu quả hơn cho các bệnh hiếm gặp ở trẻ em. AWS có thể cung cấp thông tin chuyên sâu từ khai thác dữ liệu và các ứng dụng sáng tạo để tăng cường chăm sóc, nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ chăm sóc và cá nhân hóa các phác đồ điều trị.
Tại Bệnh viện Nhi quốc gia, các ứng dụng được AI hỗ trợ đã giúp các nhóm nghiên cứu sàng lọc trẻ sơ sinh theo tình trạng di truyền hiếm gặp bằng cách sử dụng điện thoại thông minh đánh giá các đặc điểm khuôn mặt, xác định những thay đổi vi mô trong các đặc điểm đó ngay sau khi sinh. Được thử nghiệm trên bệnh nhân ở 30 quốc gia, ứng dụng này có thể giúp sàng lọc những trẻ em không có điều kiện tiếp cận với nhà di truyền học ở gần.
Bệnh tim thấp khớp là một tình trạng khác mà AI đã được áp dụng để đưa hình ảnh siêu âm di động, chi phí thấp tới những bệnh nhân có ít điều kiện hơn. Ví dụ, ở Uganda, dự kiến sẽ có 200.000 trẻ em được sàng lọc trong những năm tới.
Điều trị ung thư được cá nhân hóa là một lĩnh vực nữa mà trong đó AI được sử dụng để thúc đẩy việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ em. Nhóm của Marius George Linguraru, giáo sư danh hiệu Connor Family và chủ tịch bộ phận Nghiên cứu và đổi mới tại Bệnh viện Nhi Quốc gia đang làm việc với các đồng nghiệp trên khắp nước Mỹ để cải thiện và cá nhân hóa các phác đồ điều trị cho trẻ em bị u não.
Những tiến bộ trong ĐTĐM và ứng dụng AI chính là những gì mà Giroux hy vọng trong tương lai có thể giúp được cho các gia đình như gia đình của bà./.