3 khuyến nghị nhằm thúc đẩy cơ hội AI tại Việt Nam

Chuyển động ICT - Ngày đăng : 06:35, 19/07/2024

Với nền kinh tế số đang phát triển nhanh chóng, dân số đông, trẻ tuổi và thành thạo công nghệ, cùng với cộng đồng khởi nghiệp năng động, Việt Nam có thế mạnh để khai thác cơ hội từ AI.
Chuyển động ICT

3 khuyến nghị nhằm thúc đẩy cơ hội AI tại Việt Nam

Anh Minh 19/07/2024 06:35

Với nền kinh tế số đang phát triển nhanh chóng, dân số đông, trẻ tuổi và thành thạo công nghệ, cùng với cộng đồng khởi nghiệp năng động, Việt Nam có thế mạnh để khai thác cơ hội từ AI.

Chuyển đổi số và AI đóng vai trò then chốt thúc đẩy Việt Nam phát triển

Thế giới đang ở thời điểm bước ngoặt trong quá trình phát triển trí tuệ nhân tạo (AI). Theo Báo cáo của Google về cơ hội AI cho Việt Nam, Việt Nam đang đạt được những tiến bộ quan trọng trong việc khai thác sức mạnh của AI để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân trên khắp đất nước.

Chiến lược Quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI của Việt Nam đã đặt ra mục tiêu trở thành trung tâm sáng tạo AI tại Đông Nam Á và toàn cầu vào năm 2030. Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược dữ liệu quốc gia và đang tiến hành các bước thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI.

h1ttnt.jpg
Google cho rằng Việt Nam hiện đang nắm bắt cơ hội đẩy mạnh AI nhằm duy trì và nâng cao khả năng cạnh tranh lâu dài của mình. (Ảnh minh họa)

Chuyển đổi số (CĐS) và AI đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy quá trình chuyển mình của Việt Nam hướng tới một nền kinh tế đa dạng và cạnh tranh hơn trong khu vực và toàn cầu.

Báo cáo về tác động kinh tế do Google đặt hàng thực hiện ước tính các doanh nghiệp (DN) có thể kỳ vọng đạt lợi ích kinh tế lên tới 835 tỷ USD trong 6 nền kinh tế Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, vào năm 2030 nếu áp dụng các sản phẩm và giải pháp được hỗ trợ bởi AI.

Thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong lĩnh vực AI sẽ là yếu tố chủ chốt để Việt Nam đạt được mục tiêu kinh tế số đóng góp 30% GDP vào năm 2030, tăng từ khoảng 12% vào năm 2023. Nếu được khai thác hiệu quả, AI có thể giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển kinh tế nhanh chóng và trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Theo Google, Việt Nam nằm trong khu vực có tính cạnh tranh cao về sản xuất. Một số quốc gia láng giềng gần đây đã công bố các sáng kiến nhằm thu hút đầu tư trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt ở phạm vi rộng hơn trong khu vực.

Việt Nam hiện đang nắm bắt cơ hội đẩy mạnh AI nhằm duy trì và nâng cao khả năng cạnh tranh lâu dài của mình như một trung tâm sản xuất, bao gồm đa dạng hóa các thế mạnh truyền thống và mở rộng sản xuất trong các ngành công nghệ cao như điện tử và viễn thông.

Các doanh nghiệp (DN) lớn của Việt Nam như Viettel, FPT, CMC, VNPT và VinGroup đã và đang đầu tư vào các giải pháp và sản phẩm sáng tạo sử dụng AI, thực tế này cho thấy rõ tiềm năng của AI trong việc mang lại lợi ích cho nhiều DN Việt Nam.

Với nền kinh tế số đang phát triển nhanh chóng, dân số đông, trẻ tuổi và thành thạo công nghệ, cùng với cộng đồng khởi nghiệp năng động, Việt Nam có thế mạnh để khai thác cơ hội từ AI. Tuy vậy, Google cho rằng để hiện thực hóa tiềm năng AI, Việt Nam cần phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật cơ bản cho sáng tạo AI và trang bị cho các DN thuộc mọi lĩnh vực năng lực và sự tự tin để áp dụng công nghệ này vào các sản phẩm.

Cụ thể, Google cho rằng điều quan trọng là tất cả các bên liên quan cần hợp tác và cùng nhau xây dựng một chương trình nghị sự nhằm thúc đẩy toàn diện cơ hội AI để khai thác hết tiềm năng của công nghệ này cho Việt Nam. Google đã đưa ra 3 khuyến nghị cơ bản.

Thứ nhất là đầu tư vào cơ sở hạ tầng và ĐMST - đầu tư vào nghiên cứu và phát triển AI, cải thiện và đảm bảo chất lượng hạ tầng số và năng lực lập trình, tạo môi trường chính sách hỗ trợ để giảm thiểu các rào cản đối với ĐMST AI.

Thứ hai là xây dựng nguồn nhân lực sẵn sàng cho AI - đầu tư vào con người để đảm bảo họ có thể sử dụng và tận dụng lợi ích từ AI, từ học sinh, sinh viên đến người lao động, từ DN nhỏ đến các tập đoàn lớn.

Thứ ba là thúc đẩy việc áp dụng và tiếp cận AI cho mọi người - khai thác AI trong cơ quan chính phủ và tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế để giải quyết các thách thức kinh tế và xã hội quan trọng, đồng thời đảm bảo lợi ích của AI được lan tỏa rộng rãi.

Không có một chiến lược đầu tư AI nào phù hợp với tất cả các chính phủ

Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam đề ra những mục tiêu quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật cần thiết cho phát triển AI.

Kế hoạch này ưu tiên cung cấp truy cập Internet tốc độ cao cho tất cả người dân, xây dựng các trung tâm dữ liệu xanh và quy mô lớn, đồng thời thành lập các khu công nghệ thông tin chuyên ngành và các trung tâm nghiên cứu và ĐMST.

1-6.jpg
Hoạt động trình diễn các giải pháp công nghệ bên lề một hội nghị

Đây là những nền tảng quan trọng, nhưng các bảng xếp hạng gần đây về mức độ sẵn sàng về AI - bao gồm báo cáo của Salesforce - cho thấy Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức duy trì sự phát triển đồng bộ với các quốc gia khác trong khu vực. Do đó, Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ thiết lập cơ sở hạ tầng AI để đạt được mục tiêu trở thành trung tâm AI khu vực.

Việt Nam có thể thúc đẩy khả năng cạnh tranh khoa học và công nghệ thông qua đầu tư vào nghiên cứu và phát triển dài hạn, đồng thời triển khai các phương pháp tiếp cận mới kết hợp công - tư để xây dựng hạ tầng AI.

Tạo điều kiện để các công cụ AI trở nên dễ tiếp cận nhất có thể đối với nhiều doanh nhân và nhà khoa học cũng là một giải pháp được đưa ra, nhằm khuyến khích các chuyên gia lập trình phát huy khả năng sáng tạo với AI và tận dụng công nghệ này để thúc đẩy những khám phá trong các lĩnh vực khác.

Google cho rằng không có một chiến lược đầu tư AI nào có thể phù hợp với tất cả các chính phủ, nhưng công thức cơ bản để thành công là đầu tư vào cơ sở hạ tầng đám mây, nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, cùng các công nghệ (như đơn vị xử lý đồ họa và siêu máy tính), cũng như các bộ dữ liệu mở của chính phủ. Sau đó, chính phủ cần đưa ra các chính sách khuyến khích ĐMST và phát triển sản phẩm dựa trên những sáng kiến nền tảng này.

Một mô hình như vậy có thể thúc đẩy sự lãnh đạo đổi mới bằng cách tạo ra ý thức chia sẻ trách nhiệm giữa các khu vực công, tư nhân và học thuật trong việc phát triển AI và các công nghệ mới nổi khác.

“Chúng tôi tin rằng AI có thể đóng góp nhiều hơn nữa trong việc giải quyết những thách thức quan trọng của thời đại chúng ta. Khả năng của AI là rất lớn, từ giải quyết các vấn đề lớn về sức khỏe cộng đồng đến nâng cao mức sống và tăng cường sinh lực cho các nền kinh tế đang gặp khó khăn do năng suất thấp”, báo cáo nêu rõ./.

Anh Minh