Bắc Ninh: Bảo tồn, phát triển làn điệu dân ca quan họ vùng Kinh Bắc
Truyền thông - Ngày đăng : 12:21, 18/07/2024
Bắc Ninh: Bảo tồn, phát triển làn điệu dân ca quan họ vùng Kinh Bắc
Làn điệu dân ca quan họ từ lâu đã trở thành hơi thở, nhịp sống, là nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc bởi sự phong phú về giai điệu trong kho tàng dân ca Việt Nam của người dân Bắc Ninh. Đây là loại hình âm nhạc đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Văn hóa quan họ phản ánh đầy đủ và sâu sắc những mối quan hệ đặc thù của người Kinh Bắc xưa (Bắc Ninh và Bắc Giang ngày nay). Đó không chỉ là mối quan hệ giữa những người trong một cộng đồng làng xã, mà còn là quan hệ của người giữa các làng xã với nhau. Từ các hình thức quan hệ sinh hoạt nội tại cho tới giá trị thẩm mĩ của giao tiếp và ca hát, văn hóa quan họ đều tập trung vào hai mặt chủ yếu là lễ và nghĩa. Hai mặt ấy hòa quyện nhau tạo thành nội dung phản ánh tình người trong cộng đồng và giữa các cộng đồng. Trong quá trình hình thành và phát triển, với sự sáng tạo tài tình, khéo léo của các nghệ nhân, dân ca quan họ Bắc Ninh đã tiếp thu và phát triển trên nền tảng của nhiều loại hình dân ca khác để tạo nên một phong cách, một lối chơi đặc trưng riêng của dân ca quan họ Bắc Ninh.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, hiện nay có 49 làng quan họ gốc (tỉnh Bắc Ninh có 44 làng, Bắc Giang có 5 làng). Từ 44 làng quan họ gốc, Bắc Ninh đã phát triển thành hàng trăm làng quan họ thực hành. Mỗi thành viên khi tham gia làng quan họ đều rất nhiệt tình và trách nhiệm, nhất là sự đóng góp tâm huyết từ các nghệ nhân. Với thể loại dân ca phong phú nhất về mặt giai điệu trong kho tàng dân ca Việt Nam. Mỗi một bài quan họ đều có giai điệu riêng. Cho đến nay, có ít nhất 300 bài quan họ đã được ký âm. Các bài quan họ được giới thiệu mới chỉ là một phần trong kho tàng dân ca quan họ đã được khám phá. Kho băng ghi âm hàng nghìn bài quan họ cổ do các nghệ nhân ở các làng quan họ hát hiện vẫn được lưu giữ tại Sở Văn hóa hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.
Bên cạnh những làn điệu dân ca giao duyên mượt mà, đằm thắm, sự hòa quyện tuyệt vời giữa giai điệu và lời ca thì trang phục truyền thống của các liền anh, liền chị quan họ cũng vô cùng độc đáo, trang phục đó không chỉ thể hiện tính nghệ thuật thẩm mỹ của vẻ bên ngoài mà còn bao hàm cả chiều sâu văn hóa, nét thanh lịch, nền nã, sang trọng rất riêng của người quan họ.
Ông Trịnh Hữu Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa tỉnh Bắc Ninh cho biết: Để bảo tồn và gìn giữ làn điệu dân ca quan họ, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai nhiều cách làm chủ động, sáng tạo. Không chỉ là gìn giữ cho con cháu đời sau, điều này còn tạo ra lợi thế thu hút khách du lịch. Bắc Ninh hiện còn nhiều di sản văn hóa phi vật thể khác như ca trù, tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ, trò chơi kéo co, cùng với nhiều lễ hội truyền thống, làng nghề. Do đó, tiềm năng cho văn hóa và công nghiệp văn hóa còn rất dồi dào, hứa hẹn có nhiều đột phá.
Trong những năm gần đây, các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn xác định việc bảo tồn và phát triển làn điệu dân ca quan họ là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên quan tâm, động viên nhân dân hưởng ứng tham gia ngày càng đông đảo, sâu rộng. Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về những giá trị đặc sắc và độc đáo của dân ca quan họ Bắc Ninh dưới nhiều hình thức, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, nâng cao ý thức tự tôn, trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể, các cộng đồng dân cư về bảo tồn và phát huy giá trị dân ca quan họ. Bắc Ninh cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện chính sách hỗ trợ hàng tháng cho các nghệ nhân, hỗ trợ kinh phí hàng năm cho các làng quan họ gốc, làng quan họ thực hành tạo thành lực đẩy có giá trị nâng cao chất lượng trong việc gìn giữ di sản, khích lệ các nghệ nhân làm tốt vai trò lưu giữ và truyền dạy dân ca quan họ Bắc Ninh trong cộng đồng tại miền đất Kinh Bắc; tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước nhằm định hướng hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị những cái hay, cái đẹp của di sản dân ca quan họ Bắc Ninh giữ gìn những giá trị nhân văn truyền thống, gắn kết tình cảm cộng đồng làng xã vốn có trong sinh hoạt văn hóa của người dân. Theo Nghị quyết số 175/2019/NQ-HĐND ngày 17/4/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức hỗ trợ kinh phí hoạt động cho làng quan họ gốc là 30 triệu đồng/làng/năm; làng quan họ thực hành được hỗ trợ 20 triệu đồng/làng/năm để sử dụng vào việc truyền dậy, giao lưu, trang phuc tổ chức học hỏi, trình diễn thực hành di sản, mua sắm đạo cụ, loa đài… Sau gần 6 năm triển khai thực hiện Nghị quyết đã góp phần vào sự phát triển bền vững của các làng quan họ nói riêng và việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca quan họ Bắc Ninh nói chung.
Là một trong những người có nhiều năm bảo tồn và lưu giữ dân ca quan họ Bắc Ninh, nghệ nhân Nguyễn Thị Sang sinh ra trong một gia đình có truyền thống hát làn điệu quan họ ở làng Diềm, ngôi làng quan họ cổ của xứ Kinh Bắc. Khi lên 7 tuổi, nghệ nhân Sang đã theo mẹ đến nơi tập trung các liền anh, liền chị trong làng để học hát, lại thường xuyên tiếp xúc và luyện tập từ mẹ, từ các liền anh, liền chị nên các làn điệu dân ca mượt mà, da diết ấy đã trở thành hơi thở, ngấm vào nghệ nhân từ trong máu thịt lúc nào không hay. Nghệ nhân có thể hát dân ca quan họ ở bất kỳ đâu, bất kỳ đang làm việc gì cô cũng đều hát say mê. Và cũng nhờ sự rèn giũa của mẹ và tự học từ các nghệ nhân lớn tuổi trong làng qua những buổi hát đi theo mẹ mà cô đã nổi tiếng không chỉ ở làng Diễm mà còn vang xa trong và ngoài tỉnh. Không chỉ nghệ nhân Sang mà em gái của nghệ nhân là nghệ nhân Nguyễn Thị Thềm cũng lớn lên bên làn điệu dân ca sâu lắng, trữ tình tha thiết ấy.
Xuất phát từ tình yêu quan họ, làn điệu dân ca quan họ ăn sâu vào tâm hồn 2 chị em nghệ nhân Sang. 2 chị em nghệ nhân Sang luôn mong ước làn điều này sẽ còn mãi với thời gian nên từ năm 1990, đã truyền dậy cho nhiều em nhỏ trong làng vào những buổi tối và dịp nghỉ hè và cứ thế 2 chị em nghệ nhân trở thành người truyền dậy làn điệu quan họ cho thế hệ sau. Nghệ nhân Sang cho biết, những năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã luôn quan tâm, tạo điều kiện để những nghệ nhân chúng tôi có sân chơi, có cơ hội được thỏa với đam mê của chính mình, không những thế chúng tôi còn truyền dậy lại cho thế hệ sau để làn điều dân ca quan họ được sống mãi với thời gian.
Cho dù cuộc sống ngày càng đổi thay nhưng nếu ai đó khi về với miền quan họ, vẫn thấy mỗi làng quê, mỗi gốc đa, mái đình, bến nước, dòng sông vẫn ẩn chứa tình người quan họ. Và dù thời gian có trôi đi, thì câu quan họ vẫn được truyền từ đời này sang đời khác. Sức sống bền bỉ, trường tồn của những canh quan họ, của những câu hát trao gửi vẫn thu hút và tạo ấn tượng bền sâu trong lòng./.