Internet Việt Nam, hạ tầng quan trọng nhất thúc đẩy chuyển đổi số

Chuyển động ICT - Ngày đăng : 11:45, 18/10/2024

Từ một mạng Internet duy nhất ban đầu vào đầu thập niên những năm 90, Việt Nam đã mở rộng và phát triển lên tới gần 1000 mạng có địa chỉ IP (Internet Protocol) và số hiệu mạng AS (Autonomous System) độc lập kết nối với nhau.
Chuyển động ICT

Internet Việt Nam, hạ tầng quan trọng nhất thúc đẩy chuyển đổi số

Nguyễn Trường Thành, Trưởng phòng Kỹ thuật – VNNIC 18/10/2024 11:45

Từ một mạng Internet duy nhất ban đầu vào đầu thập niên những năm 90, Việt Nam đã mở rộng và phát triển lên tới gần 1000 mạng có địa chỉ IP (Internet Protocol) và số hiệu mạng AS (Autonomous System) độc lập kết nối với nhau.

Tóm tắt:
- Từ một mạng Internet duy nhất ban đầu vào đầu thập niên những năm 90, Việt Nam đã mở rộng và phát triển lên
tới gần 1000 mạng có địa chỉ IP (Internet Protocol) và số hiệu mạng AS (Autonomous System) độc lập kết nối với nhau.
- Tên miền “.vn” không chỉ là biểu tượng của chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và tổ chức trong nước xây dựng và phát triển thương hiệu trực tuyến.
- Quá trình phát triển của hạ tầng Internet Việt Nam:
+ Tăng trưởng từ vài trăm tên miền vào thời điểm năm 2000 lên hơn 615.000 tên miền (tháng 4/2024).
+ Từ ba mạng độc lập của các ISP đầu tiên (VNPT, Viettel, FPT) thời điểm năm 2002, đến tháng 5/2024, Internet Việt
Nam có 723 mạng độc lập
+ Tính đến tháng 5/2024, Việt Nam sử dụng 32.563 tỷ tỷ tỷ địa chỉ IPv6, có tỷ lệ sử dụng IPv6 đạt 60%, đứng thứ 8 toàn cầu, thứ 2 ASEAN
- Hệ thống DNS quốc gia là hệ thống cấp quốc gia, là trung tâm của mạng Internet Việt Nam
- Phát triển hệ thống DNS quốc gia ứng dụng các công nghệ, tiêu chuẩn quốc tế mới nhất đáp ứng phát triển 5G,
loT, IPv6, IPv6+.
- Internet Việt Nam đã góp phần đưa Việt Nam tiến gần hơn với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Sự hình thành, phát triển mạng Internet Việt Nam

Mạng Internet toàn cầu là hệ thống mạng lưới các thiết bị và máy tính kết nối quy mô lớn, vượt qua ranh giới địa lý và quốc gia, tạo thành mạng lưới giao tiếp và trao đổi thông tin toàn cầu. Về bản chất, Internet toàn cầu được hình thành dựa trên sự kết nối của hàng ngàn mạng độc lập (có số hiệu mạng AS độc lập). Mỗi AS được quản lý, vận hành bởi một tổ chức, nhưng tạo nên hệ thống mạng Internet toàn cầu thống nhất.

Tính đến hiện nay, trên toàn cầu có hơn 159.000 mạng với AS độc lập, với gần hết không gian địa chỉ IPv4 được đưa vào sử dụng (4,3 tỷ địa chỉ). Đối với địa chỉ IPv6, hiện tại có hơn 35 tỷ khối /48 địa chỉ trong tổng số 340 triệu tỷ tỷ tỷ địa chỉ đã được phân bổ và sử dụng.

Mạng Internet tại Việt Nam bắt đầu hình thành từ một mạng duy nhất vào đầu thập niên những năm 90. Khi đó, mạng Internet chủ yếu được sử dụng trong các cơ quan nhà nước và các tổ chức nghiên cứu. Qua thời gian, nhu cầu truy cập thông tin và liên lạc ngày càng tăng, khiến mạng Internet tại Việt Nam phát triển nhanh chóng.

Từ một mạng duy nhất ban đầu, Việt Nam đã mở rộng và phát triển lên tới gần 1000 mạng có địa chỉ IP (Internet Protocol) và số hiệu mạng AS (Autonomous System) độc lập kết nối với nhau. Các mạng này là các Cơ quan nhà nước; Doanh nghiệp viễn thông; Nhà cung cấp dịch vụ mạng, ICP, IDC, Hosting, Cloud; Tổ chức tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; ... Điều này đã tạo nên một hệ thống mạng Internet hoàn chỉnh, kết nối các tỉnh thành, doanh nghiệp và người dân trên toàn quốc. Hiện nay, mạng Internet tại Việt Nam đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa của đất nước.

hinh-1_su-hinh-thanh-internet.png
Hình 1: Sự hình thành mạng Internet Việt Nam từ kết nối của hàng nghìn mạng có AS độc lập (Nguồn RipeNCC).

Tài nguyên Internet Việt Nam, yếu tố then chốt trong kỷ nguyên số

Trong sự phát triển mạnh mẽ của Internet tại Việt Nam, tài nguyên Internet (tên miền “.vn”, địa chỉ IP, số hiệu mạng AS) đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tên miền “.vn” không chỉ là biểu tượng của chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và tổ chức trong nước xây dựng và phát triển thương hiệu trực tuyến. Việc sử dụng tên miền “.vn” giúp tăng cường tính nhận diện, tin cậy và bảo mật cho các website, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử và các dịch vụ trực tuyến khác.

hinh-2_tai-nguyen-internet.png
Hình 2: Tài nguyên Internet – tham số định danh mạng Internet Việt Nam

Tài nguyên IP/ASN, một phần không thể thiếu của hạ tầng mạng, đảm bảo sự liên thông và kết nối liên tục giữa các mạng lưới trong và ngoài nước. Với việc quản lý và phân phối địa chỉ IP/ ASN một cách hiệu quả, Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống mạng Internet ổn định, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dùng. Điều này không chỉ hỗ trợ cho việc truy cập thông tin, liên lạc mà còn thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp công nghệ thông tin, góp phần vào sự thịnh vượng và tiến bộ của đất nước trong kỷ nguyên số.

1. Tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”

Qua giai đoạn 2000-2024 đã tăng trưởng từ vài trăm tên miền vào thời điểm năm 2000 lên hơn 615.000 tên miền (tháng 4/2024). Trong hơn mười năm, tên miền “.vn” là tên miền quốc gia có số lượng đăng ký sử dụng cao nhất khu vực ASEAN và thuộc Top 10 tên miền mã quốc gia có lượng đăng ký sử dụng lớn nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Theo chương trình chuyển đổi số quốc gia, mục tiêu đến cuối năm 2025 phát triển đạt 1 triệu tên miền “.vn”. Đồng thời, tăng cường độ tin cậy và an toàn, đảm bảo tên miền “.vn” là lựa chọn hàng đầu cho các doanh nghiệp và cá nhân khi thiết lập hiện diện trực tuyến trên không gian mạng. Hỗ trợ quá trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế số của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã tổng quát hóa: “Hạ tầng viễn thông là tầng đáy. Trên hạ tầng viễn thông là hạ tầng Internet. Trên hạ tầng Internet là hạ tầng số. Trên hạ tầng số là hạ tầng chuyển đổi số”. Có thể nói, Internet là hạ tầng quan trọng nhất để thúc đẩy phát triển dữ liệu số, công nghệ số và chuyển đổi số.

2. Tài nguyên IP/ASN gắn với phát triển mạng độc lập và hạ tầng Internet Việt Nam hiện đại

Từ ba mạng độc lập của các ISP đầu tiên (VNPT, Viettel, FPT) thời điểm năm 2002, đến tháng 5/2024, Internet Việt Nam có 723 mạng độc lập (các mạng riêng biệt trên bảng định tuyến toàn cầu, sử dụng các số hiệu mạng AS và vùng IP riêng), là các mạng hạt nhân kết nối với nhau hình thành Internet Việt Nam. Tổng số tổ chức, doanh nghiệp sử dụng các vùng IP độc lập (vùng IP cấp, phân bổ riêng, trực tiếp từ cơ quan quản lý về tài nguyên Internet, không phải vùng IP từ ISP) là 1012.

Lượng địa chỉ IPv4 Việt Nam đã tăng trưởng lên tới hơn 16,3 triệu địa chỉ, đứng thứ 8 khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thứ 29 toàn cầu về IPv4. Tài nguyên IP/ASN Việt Nam tăng trưởng, phát triển đảm bảo hoạt động mạng, dịch vụ Internet ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất (2011-2012) khi toàn cầu và khu vực châu Á – Thái Bình Dương chuyển đổi sang giai đoạn cạn kiệt IPv4, ngừng chính sách phân bổ địa chỉ IPv4 theo nhu cầu thực tế, chuyển sang giai đoạn cấp phát hạn chế, phục vụ quá trình chuyển đổi IPv6.

3. Chuyển đổi Internet Việt Nam sang thế hệ mới hoạt động với IPv6

Do nguồn tài nguyên địa chỉ Internet IPv4 đã hoàn toàn cạn kiệt và trước yêu cầu công nghệ của các dịch vụ mới, chất lượng cao như Internet vạn vật (IoT), 4G LTE/5G, mạng Internet toàn cầu chuyển sang thế hệ mới, sử dụng giao thức và địa chỉ IPv6.

Để đảm bảo sự phát triển Internet Việt Nam, thúc đẩy phát triển hạ tầng số, sẵn sàng đáp ứng nhucầubùngnổvềkếtnốivàxửlýdữliệu, mạng Internet Việt Nam sẽ được chuyển đổi toàn bộ sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6). Nội dung này được quy định rõ tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/20220 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tính đến tháng 5/2024, Việt Nam sử dụng 32.563 tỷ tỷ tỷ địa chỉ IPv6. Tại Việt Nam, với các hoạt động thúc đẩy chuyển đổi IPv6 sớm và đúng hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 5/2024, có tỷ lệ sử dụng IPv6 đạt 60%, đứng thứ 8 toàn cầu, thứ 2 ASEAN (Nguồn dữ liệu: Trung tâm thông tin mạng châu Á-Thái Bình Dương, APNIC), gấp 2,3 lần bình quân khu vực ASEAN, gấp 1,7 lần bình quân toàn cầu. Các doanh nghiệp đã triển khai cung cấp dịch vụ IPv6 rộng rãi để người dùng có thể truy cập Internet IPv6 qua Mobile, FTTH. Việc chuyển đổi sử dụng thế hệ địa chỉ và giao thức Internet mới IPv6 trên Internet Việt Nam là một bước đi mạnh dạn và đúng đắn, giúp Việt Nam dẫn dắt công nghệ IPv6 trong khu vực ASEAN; đi cùng nhịp với các nước phát triển trên thế giới; khẳng định vị thế trong khu vực và quốc tế.

Hạ tầng, mạng Internet Việt Nam

Internet Việt Nam, hạ tầng quan trọng nhất thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia

Internet Việt Nam: “Lớn hơn, nhanh hơn, an toàn hơn, phẳng hơn”.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã tổng quát hóa. “Hạ tầng viễn thông là tầng đáy. Trên hạ tầng viễn thông là hạ tầng Internet. Trên hạ tầng Internet là hạ tầng số. Trên hạ tầng số là hạ tầng chuyển đổi số”. Có thể nói, Internet là hạ tầng quan trọng nhất để thúc đẩy phát triển dữ liệu số, công nghệ số và chuyển đổi số. Hiện nay, sự phát triển, cải tiến của công nghệ Internet diễn ra ngày càng mạnh mẽ, gắn với nhiều công nghệ mới như: Internet vạn vật kết nối (Internet of Things - IoT), điện toán đám mây (cloud computing), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), 5G/6G, dữ liệu lớn (big data), ...

Để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, hạ tầng số Việt Nam phải có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Để phát triển của các dịch vụ Internet, công nghệ mới, hạ tầng Internet Việt Nam cần thay đổi, cải tiến, tương thích với sự phát triển của công nghệ mới nhưng đảm bảo an toàn, bền vững. Hạ tầng Internet Việt Nam đảm bảo an toàn, bền vững là nền tảng của sự phát triển công nghệ số, phục vụ xây dựng chính phủ số, kinh tế số, hạ tầng số.

internet-vn-2.jpg

Vị trí, vai trò quan trọng của DNS, VNIX quốc gia

“DNS quốc gia – Trái tim của mạng Internet Việt Nam, VNIX quốc gia – Hạ tầng số kết nối các nền tảng số”.

VNIX quốc gia – Hạ tầng số kết nối các nền tảng số”.

Vai trò của Hệ thống phân giải tên miền DNS quốc gia và Hệ thống trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX đối với hạ tầng mạng Internet Việt Nam là vô cùng quan trọng và được thể hiện rõ qua các chiến lược, quy hoạch và chương trình hành động cụ thể. Hệ thống DNS đảm bảo rằng các tên miền được phân giải chính xác và nhanh chóng, giúp tăng cường hiệu suất truy cập mạng và cải thiện trải nghiệm người dùng. Điều này đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ và hiệu quả từ các cơ quan chức năng, nhằm đảm bảo tính toàn vẹn và an toàn của hệ thống tên miền quốc gia.

hinh-3_he-thong-dns.png
Hình 3: Hệ thống DNS quốc gia – trái tim mạng Internet Việt Nam

VNIX, với vai trò là điểm kết nối trung tâm của các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP), giúp tối ưu hóa lưu lượng dữ liệu trong nước, giảm thiểu sự phụ thuộc vào kết nối quốc tế và nâng cao chất lượng dịch vụ Internet. Chiến lược phát triển VNIX bao gồm việc mở rộng và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy sự hợp tác giữa các ISP và đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong việc trao đổi lưu lượng.

hinh-4_he-thong-vnix.png
Hình 4: Hệ thống VNIX quốc gia – kết nối các nền tảng số

Hệ thống DNS quốc gia và Hệ thống trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX được quy hoạch phát triển trong Quyết định 36/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/01/2024 về việc phê duyệt quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các nội dung:

a) Hệ thống DNS quốc gia

Hệ thống DNS quốc gia là hệ thống cấp quốc gia, là trung tâm của mạng Internet Việt Nam, kết nối liên thông với hệ thống máy chủ tên miền gốc toàn cầu (DNS Root) giúp tên miền “.vn” và các dịch vụ sử dụng tên miền “.vn” được truy cập trên toàn mạng Internet quốc tế. Quản lý toàn bộ dữ liệu bản ghi tên miền “.vn”, chuyển giao phân cấp xuống các máy chủ tên miền cấp dưới, tiếp nhận, trả lời các truy vấn tên miền khi người sử dụng truy cập Internet.

Hệ thống DNS quốc gia bảo đảm khả năng hoạt động ổn định, liên tục cho tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”. Triển khai hệ thống máy chủ gốc (DNS Root) tại Việt Nam; phát triển hệ thống DNS quốc gia theo chuẩn mực quốc tế, ứng dụng công nghệ mới như DNSSEC, IPv6 ... Tăng cường chất lượng, độ tin cậy khi truy cập, sử dụng các dịch vụ Internet tại Việt Nam, phục vụ phát triển hạ tầng số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số một cách an toàn, tin cậy.

Phát triển hệ thống DNS quốc gia ứng dụng các công nghệ, tiêu chuẩn quốc tế mới nhất đáp ứng phát triển 5G, loT, IPv6, IPv6+. Triển khai, thiết lập các cụm máy chủ tên miền DNS quốc gia lõi (primary) ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, ... và mở rộng phân tán các cụm máy chủ tên miền DNS quốc gia thứ cấp (secondary) trong nước, ngoài nước; đặt máy chủ (colocation/ hosting) tại các trung tâm dữ liệu của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy cập, kết nối Internet ở Việt Nam nhằm bảo đảm hệ thống máy chủ gần người dùng nhất, tăng tốc độ trả lời, giảm thời gian truy cập tên miền và an toàn cho tên miền, các dịch vụ sử dụng tên miền “.vn” trên toàn cầu.

hinh-5_so-do-phan-bo-dns.png
Hình 5: Sơ đồ phân bố DNS quốc gia toàn cầu
hinh-6_danh-sach-dns.png
Hình 7: Hệ thống DNS quốc gia ứng dụng DNSSEC bảo đảm xác thực, toàn vẹn dữ liệu, bảo vệ chống tấn côn

Triển khai các công nghệ an toàn bảo mật tên miền mới nhất để bảo đảm xác thực, tin cậy khi truy cập tên miền “.vn”. Tên miền “.vn” là thương hiệu quốc gia, đạt tối thiểu 1 triệu tên miền, chiếm tối thiểu 60% tên miền sử dụng ở Việt Nam; Việt Nam đứng thứ nhất ASEAN, thuộc nhóm 10 nước dẫn đầu châu Á, nhóm 20 - 30 nước dẫn đầu thế giới về tên miền.

b) Hệ thống trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX

VNIX là trạm trung chuyển Internet quốc gia hoạt động trung lập, là điểm kết nối, tối ưu trao đổi lưu lượng Internet, dự phòng các hướng kết nối cho các mạng của các cơ quan, doanh nghiệp. Hỗ trợ tốt việc xây dựng các trung tâm dữ liệu và làm cơ sở xây dựng các nền tảng nâng cao chất lượng truy cập Internet trong nước và quốc tế tại Việt Nam, nâng cao khả năng đảm bảo chất lượng, an toàn mạng Internet Việt Nam. Tham gia kết nối quốc tế, với các trạm trung chuyển Internet khu vực và quốc tế, góp phần đưa Việt Nam thành trung tâm dữ liệu khu vực.

Mở rộng kết nối Internet trong nước thông qua các kết nối trực tiếp ngang hàng (peering), kết nối tới trạm trung chuyển Internet (IXP), tới trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX. Mở rộng kết nối Internet khu vực và quốc tế, đặc biệt là phát triển các tuyến cáp quang biển, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm kết nối, trung tâm dữ liệu khu vực. Chuyển đổi toàn bộ mạng Internet Việt Nam sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6). Thúc đẩy việc xây dựng nền tảng giám sát hiệu suất truy cập Internet trong nước và quốc tế và nâng cao khả năng đảm bảo chất lượng mạng Internet Việt Nam.

hinh-8_tang-truong-phat-trien-vnix.png
Hình 8: Tăng trưởng, phát triển của VNIX
hinh-9_mo-hinh-he-sinh-thai.png
Hình 9: Mô hình hệ sinh thái kết nối số của VNIX

Tập trung thúc đẩy kết nối trao đổi lưu lượng trong nước, kết nối các mạng độc lập, kết nối ngang hàng, kết nối các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP), nhà cung cấp nội dung Internet (ICP), các nhà cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, các nhà phân phối nội dung (CDN), điện toán đám mây, mạng của cơ quan nhà nước; cung cấp khả năng kết nối trao đổi lưu lượng, cung cấp dịch vụ giữa các thành viên kết nối trong và ngoài nước theo mô hình, chuẩn mực quốc tế nhằm tối ưu, bảo đảm an toàn dự phòng kết nối trong nước, giảm phụ thuộc vào kết nối quốc tế. Tham gia kết nối quốc tế với các trạm trung chuyển Internet (IX) khu vực và quốc tế, đa dạng hóa loại hình kết nối, nâng cao chất lượng truy cập Internet quốc tế.

VNIX được xây dựng theo mô hình hệ sinh thái kết nối số, kết hợp giữa Peering Internet Exchange (Peering VNIX) truyền thống và mô hình VNIX Marketplace.

Mở rộng điểm kết nối VNIX tại các trung tâm dữ liệu lớn tại Việt Nam để tạo thuận tiện cho việc kết nối trao đổi lưu lượng Internet trong nước, giảm độ trễ, tăng chất lượng dịch vụ, giảm chi phí kết nối, giá thành dịch vụ cho các tổ chức, doanh nghiệp thuê dịch vụ tại các trung tâm dữ liệu. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet vừa kết nối với nhau, đồng thời vừa kết nối, định tuyến qua VNIX để hình thành hạ tầng kết nối mạng Internet Việt Nam phù hợp với yêu cầu phát triển hạ tầng số và mục tiêu bảo đảm an toàn và hoạt động liên tục của toàn bộ mạng Internet Việt Nam trong trường hợp xảy ra sự cố đối với mạng viễn thông trong nước và quốc tế.

Hệ thống DNS quốc gia, cùng các hệ thống DNS Root đặt tại Việt Nam kết nối với Trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX, các mạng của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, bảo đảm hoạt động liên tục của tên miền “.vn” trên mạng Internet Việt Nam trong tình huống sự cố kết nối Internet quốc tế.

hinh-10_dns.png
Hình 10: DNS, VNIX quốc gia – Hạ tầng lõi của mạng Internet Việt Nam

Kết luận

Internet Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong hành trình suốt gần 30 năm qua, góp phần đưa Việt Nam tiến gần hơn với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong kỷ nguyên công nghệ số hiện nay, việc kết nối và sử dụng Internet đã trở thành một phần không thể thiếu trong mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội. Do đó, cần tiếp tục có sự chung tay, phối hợp, hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng kỹ thuật và người dùng, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững, an toàn của hạ tầng Internet Việt Nam. Hạ tầng Internet Việt Nam sẽ được phát triển, rộng khắp, tỷ lệ sử dụng Internet toàn quốc tăng cao. Dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, tốc độ truy cập Internet cao.

Các biện pháp an toàn thông tin, an ninh mạng được tăng cường, tình trạng mất an toàn, an ninh thông tin được kiểm soát. Đầu tư, phát triển các hub kết nối trong nước, khu vực, kết nối tới trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX. Các giải pháp, công nghệ mới được ứng dụng trong quản lý, phát triển hạ tầng Internet; phát triển Internet “Lớn hơn, nhanh hơn, an toàn hơn, phẳng hơn”; ứng dụng công nghệ trong đánh giá, giám sát, đo lường và khai thácCdữ liệu Internet phục vụ xây dựng hạ tầng số, phát triển kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:
1. Quy hoạch Hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-
2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 36/QĐ-TTg
ngày 11/01/2024).
2. Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định
hướng đến năm 2030 (Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày
03/6/2020).
3. Báo cáo tài nguyên Internet Việt Nam (https://vnnic.vn/bao-
cao-tai-nguyen-internet).
4. VNNIC Internet Altas (https://internetatlas.vnnic.vn/).
5. Hệ thống DNS quốc gia (https://www.vnnic.vn/dns/).
6. Trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX (https://vnix.vn).

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 7 tháng 7/2024)

Nguyễn Trường Thành, Trưởng phòng Kỹ thuật – VNNIC