Một số kiến nghị biện pháp, chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp viễn thông chia sẻ hạ tầng khi triển khai 5G

Chuyển động ICT - Ngày đăng : 08:45, 04/10/2024

Mạng 5G là hạ tầng cho kết nối vạn vật - hạ tầng quan trọng nhất của Cách mạng Công nghiệp 4.0. Việt Nam muốn đi đầu trong Cách mạng Công nghiệp 4.0 thì mạng 5G phải đi trước và cả đi đầu. Mạng lưới phải có trước, hạ tầng kết nối phải có trước.
Chuyển động ICT

Một số kiến nghị biện pháp, chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp viễn thông chia sẻ hạ tầng khi triển khai 5G

Cục Viễn thông – Bộ TT&TT 04/10/2024 08:45

Mạng 5G là hạ tầng cho kết nối vạn vật - hạ tầng quan trọng nhất của Cách mạng Công nghiệp 4.0. Việt Nam muốn đi đầu trong Cách mạng Công nghiệp 4.0 thì mạng 5G phải đi trước và cả đi đầu. Mạng lưới phải có trước, hạ tầng kết nối phải có trước.

Tóm tắt:
- Chia sẻ hạ tầng viễn thông đã được quy định trong Luật Viễn thông 2009 và 2023, cùng các Nghị định và Thông tư hướng dẫn cụ thể.
- Chia sẻ hạ tầng viễn thông nói chung được quy định chủ yếu liên quan đến chia sẻ hạ tầng kỹ thuật viễn thông
thụ động.
- Việc chia sẻ hạ tầng viễn thông trên thế giới đến nay bao gồm chia sẻ cả hạ tầng thụ động (cột anten, nhà trạm BTS)
và hạ tầng tích cực (RAN, mạng lõi,...).
- Kinh nghiệm từ Trung Quốc, Brazil, châu Âu, Áo, Tây Ban Nha... cho thấy việc chia sẻ hạ tầng 5G giúp tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả mạng lưới.
- Cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các nội dung trong Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông 2023 liên quan đến chia sẻ hạ tầng viễn thông nói chung và hạ tầng mạng 5G nói riêng
+ Bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động,
+ Bổ sung quy định để khuyến khích, thúc đẩy việc chia sẻ hạ tầng tích cực giữa các nhà mạng
+ Cơ quan quản lý nhà nước tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ban hành Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn
thông thụ động nhằm nâng cao tỷ lệ dùng chung giữa các doanh nghiệp trên địa bàn. + Các doanh nghiệp viễn thông tăng cường phối hợp, chia sẻ, dùng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông

Về quy định pháp luật liên quan đến chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông

Đến nay việc chia sẻ hạ tầng viễn thông nói chung được quy định chủ yếu liên quan đến chia sẻ hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động, cụ thể như sau:

- Luật Viễn thông 2009, Điều 45 khoản 1 quy định “Chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông là việc sử dụng chung một phần mạng, công trình, thiết bị viễn thông”. Nghị định 25/2011/NĐ- CP không có quy định cụ thể về chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông. Trên cơ sở quy định tại Luật Viễn thông 2009, các Bộ ngành đã ban hành các quy định liên quan đến chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông, chủ yếu liên quan đến hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động, như:

+ Thông tư liên tịch 210/2013/TTLT-BTC- BXD-BTTTT của liên bộ Tài chính, Xây dựng, TT&TT hướng dẫn cơ chế, nguyên tắc kiểm soát giá và phương pháp xác định giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung bao gồm cả hạ tầng viễn thông như đường dây, cáp viễn thông, cột ăng-ten; cột treo cáp (dây dẫn); cống cáp; hào và tuy nen kỹ thuật...

+ Thông tư 14/2013/TT-BTTTT hướng dẫn việc lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương, trong đó quy định về các nội dung về dùng chung cột treo cáp, công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, mức độ sử dụng chung của các cột ăng-ten...

+ Bộ TTTT đã ban hành Chỉ thị 52/CT- BTTTT năm 2019 về tăng cường chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp viễn thông, trong đó giao các Sở TTTT phối hợp, điều hành các doanh nghiệp trên địa bàn để thống nhất, triển khai danh sách các hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động có thể dùng chung...

- Luật Viễn thông 2023, Điều 47 kế thừa các quy định của Luật Viễn thông 2009 theo đó “Chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông là việc sử dụng chung một phần mạng, công trình, thiết bị viễn thông” đồng thời nêu nguyên tắc của việc chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông phải được thực hiện thông qua hợp đồng trên cơ sở bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan.

Kinh nghiệm quốc tế về chia sẻ hạ tầng mạng 5G

Thông tin chung

Việc chia sẻ hạ tầng viễn thông trên thế giới đến nay bao gồm cả chia sẻ hạ tầng thụ động (cột anten, nhà trạm BTS) và hạ tầng tích cực (RAN, mạng lõi,...). Có các loại hình chia sẻ hạ tầng [2], [3] được tổng hợp như sau:

bang-1_5g.png
bang-2_5g.png

Báo cáo năm 2018 [4] của BEREC (Cơ quan quản lý thông tin điện tử châu Âu) đã chỉ ra các lợi í h của việc chia sẻ mạng di động như sau:

bang-3_5g.png

Tài liệu khuyến nghị về dùng chung hạ tầng 5G của GSMA năm 2023 [5] tiếp tục ghi nhận việc chia sẻ hạ tầng trong 5G bao gồm cả chia sẻ hạ tầng thụ động và chia sẻ hạ tầng tích cực, việc chia sẻ tích cực được khuyến nghị, so sánh khi chia sẻ hạ tầng thụ động đã đạt đến độ hoàn thiện. Tài liệu nói trên của GSMA cũng đưa ra một kinh nghiệm tốt của Trung Quốc về dùng chung 5G như sau:

Mục tiêu của Chính phủ Trung Quốc, Bộ Công nghiệp & CNTT Trung Quốc (MIIT) là thông qua thúc đẩy các thỏa thuận chia sẻ sẽ sớm có di động rộng khắp cả nước, nhà mạng sẽ tiết kiệm được chi phí đầu tư. Tại Trung Quốc, mạng 5G đã phục vụ 40 loại hình kinh tế khác nhau, 78% điện thoại là 5G, thuê bao 5G đạt 560 triệu. 2 nhà mạng China Unicom và China Telecom, thông qua các thỏa thuận dùng chung và sự hỗ trợ thiết bị, giải pháp của hãng sản xuất thiết bị viễn thông CICT đã triển khai 990.000 trạm 5G, 1,5 triệu trạm 4G.

5g_1.png

Ngoài chia sẻ hạ tầng vật lý, 2 mạng này chia sẻ toàn bộ phổ tần, sau gộp phổ, 2 mạng có 45MHz cho mỗi hướng xuống và lên trong băng 2.1 GHz, băng thông 200 MHz trong băng 3.5 GHz. Điều này giúp tăng băng thông lên gấp đôi (từ 100 MHz lên 200 MHz), tốc độ tăng gấp đôi (từ 1,5 Gb/s lên 3 Gb/s), quy mô mạng tăng gấp đôi; tiết kiệm 40 tỷ USD chiphí CAPEX, và4 tỷ USD chi phí OPEX hàng năm, tiết kiệm điện năng tiêu thụ hàng năm 10 tỷ kWh, hạn chế phát thải 10 triệu tấn khí thải carbon.

Về chia sẻ hạ tầng tích cực (MORAN và MOCN) với 5G NSA

Việc chia sẻ MORAN (Multi-Operator Radio Access Network)

MORAN là chia sẻ các thiết bị mạng RAN, dùng riêng tần số và được thực hiện theo 2 mô hình dual-anchor solution và single-anchor solution như Hình 1.

hinh-1_mo-hinh-dual.png
Hình 1. Mô hình dual-anchor solution và single-anchor solution trong MORAN

- Mô hình MORAN NSA dùng chung cả gNB (5G) và eNB (4G) (single-anchor solution): Trong mô hình này nhà mạng A sẽ chia sẻ cả trạm gốc 5G và trạm gốc 4G cho nhà mạng B dùng chung, các trạm gốc 4G và 5G này phải cùng một vendor và cùng một địa điểm (co-site)

- Mô hình MORAN NSA dùng chung gNB (5G) và dùng riêng eNB (4G) (dual-anchor solution): Trong mô hình này nhà mạng A sẽ chia sẻ cả trạm gốc 5G cho nhà mạng B dùng chung, trạm gốc 4G của 2 mạng dùng riêng, trạm gốc 4G và 5G của nhà mạng A phải cùng một vendor. Trong MORAN NSA dual-anchor lại phân ra 2 loại: dùng chung và dùng riêng BBU.

Việc chia sẻ MOCN (Multi-Operator Core Network)

-Mô hình NSAMOCN chia sẻ cả eNB và gNB: Trong mô hình này, 2 nhà mạng sẽ chia sẻ toàn bộ phần vô tuyến của mạng 4G và 5G. Các thành phần sử dụng chung là:

+ Tần số 4G và 5G;
+ Toàn bộ eNB và gNB (anten, RU, Baseband)

- Mô hình NSA MOCN chỉ chia sẻ gNB và dùng riêng eNB: Trong mô hình này 2 nhà mạng chỉ chia sẻ toàn bộ phần vô tuyến 5G và dùng riêng phần vô tuyến 4G. Các thành phần sử dụng chung giữa 2 nhà mạng:

+ Tần số 5G;

+ Anten, RU của 5G. Đối với Baseband có mô hình sử dụng chung hoặc dùng riêng.

Kinh nghiệm quốc tế về chia sẻ hạ tầng viễn thông

Tổng quan

Khảo sát luật chung của EU và một số nước EU, quy định của Trung Quốc và Brazil cho thấy: Về chia sẻ thụ động: có kinh nghiệm hay của Trung Quốc về việc yêu cầu bắt buộc dùng chung (cấm xây dựng cột/tuyến cáp mới tại vị trí đã có sẵn cột/tuyến cáp cũ) Về chia sẻ tích cực:

+ Brazil yêu cầu các nhà mạng phải công bố năng lực dư thừa của các trạm và cho phép các nhà mạng khác đăng ký dùng chung

+ Các nước châu Âu thực hiện theo khung khổ chung của Luật truyền thông điện tử EECC 2018, theo đó có 2 điểm chính là (i) cơ quan quản lý có quyền yêu cầu chia sẻ tích cực thông qua giấy phép để đảm bảo sử dụng phổ tần hiệu quả hoặc thúc đẩy vùng phủ, (ii) nếu chia sẻ thụ động và chuyển vùng nội địa chưa phát huy được hiệu quả phổ tần thì mới xét đến việc chia sẻ tích cực

Brazil

Brazil (Luật Viễn thông Brazil [6] và Nghị quyết [7] của Anatel) bắt buộc chia sẻ khi dư thừa công suất trạm gốc (chia sẻ một phần hoặc toàn bộ hạ tầng đã được lắp đặt và chưa sử dụng) và các nhà mạng phải công bố, cập nhật trên website của mình hoặc của Anatel về tỷ lệ phần trăm công suất trạm gốc để các nhà mạng khác có nhu cầu đăng ký dùng chung.

Trung Quốc

Về thụ động, Bộ Công nghiệp Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) năm 2008 [8] yêu cầu:

- Nhà trạm, cột treo cáp hiện hữu phải được chia sẻ: Sau khi chủ sở hữu nhận được đăng ký chia sẻ phải phản hồi trong 10 ngày làm việc, nếu không đồng ý phải có lý do cụ thể. Cấm xây trạm cùng vị trí với trạm hiện hữu, cấm dựng tuyến cột mới trên cùng tuyến đường với tuyến cột hiện có; trường hợp bất khả kháng thì phải được sự chấp thuận của cơ quan thẩm quyền cấp tỉnh.

- Trạm, tuyến cột mới phải được xây dựng đồng bộ: Doanh nghiệp viễn thông có kế hoạch xây dựng trạm, tuyến cột phải thông báo cho DNVT khác. Trong 10 ngày làm việc, DN nhận được thông báo phải thông báo việc có/ không có nhu cầu xây dựng chung; trường hợp DN được thông báo trả lời không có nhu cầu thì DN đó sẽ không được xây trạm, tuyến cột trong 03 năm.

- Cấm thỏa thuận độc quyền thuê hạ tầng với bên thứ ba.

Châu Âu

Luật của các nước thuộc EU thực hiện theo Luật truyền thông điện tử EECC, theo đó việc chia sẻ hạ tầng được bao gồm cả chia sẻ tích cực và được coi là nghĩa vụ/điều kiện khi cấp phép tần số

Quy định chung của EU

Năm 2018, EU ban hành Luật truyền thông điện tử (European Electronic Communications Code EECC [9]) trong đó Khoản 2 Điều 47 quy định để đảm bảo sử dụng phổ tần hiệu quả hoặc thúc đẩy vùng phủ, cơ quan quản lý có quyền yêu cầu (i) chia sẻ hạ tầng thụ động, hạ tầng tích cực gồm cả phổ tần, (ii) thỏa thuận thương mại chuyển vùng, (iii) triển khai chung hạ tầng dựa trên sử dụng phổ tần để cung cấp mạng hoặc dịch vụ.

Phụ lục I quy định trong điều kiện về giấy phép tần số quy định nghĩa vụ của nhà mạng phải gộp phổ/chia sẻ phổ/cho phép truy cập phổ tần của mình cho nhà mạng khác ở khu vực cụ thể hoặc toàn quốc. Các quốc gia EU có trách nhiệm sửa đổi nội luật để đảm bảo thực hiện quy định trên trước 2020.

Tây Ban Nha [10]

Năm 2022 Tây Ban Nha (TBN) ban hành Luật thực hiện Luật EECC nêu trên. Khi cấp phép, Bộ Kinh tế và Chuyển đổi Kỹ thuật số (Mineco) dựa trên báo cáo của Ủy ban Cạnh tranh và Thị trường Quốc gia (CNMC), để đảm bảo việc sử dụng hiệu quả phổ tần hoặc tăng cường vùng phủ có thể áp đặt việc chia sẻ cơ sở hạ tầng thụ động hoặc chủ động (điểm a Khoản 2 Điều 91) và trong trường hợp cần thiết, ngoài roaming và chia sẻ hạ tầng thụ động thì UB cạnh tranh CNMC có thể áp đặt việc chia sẻ hạ tầng tích cực nếu việc chia sẻ này đã được yêu cầu khi cấp phép (Khoản 3 Điều 92).

Áo [11]

Năm 2021 Áo ban hành Luật thực hiện Luật EECC. Khoản 16 Điều 13 quy định việc cấp phép tần số có thể kèm theo yêu cầu để đảm bảo sử dụng hiệu quả phổ tần hoặc cải thiện vùng phủ như (i) sử dụng chung phổ tần, hạ tầng thụ động hoặc tích cực để sử dụng chung phổ tần, (ii) thỏa thuận chuyển vùng, (iii) triển khai chung hạ tầng để triển khai chung hạ tầng dựa trên sử dụng phổ tần để cung cấp mạng hoặc dịch vụ. Điều 26 - Nghĩa vụ dùng chung hạ tầng quy định nếu chia sẻ thụ động hoặc chuyển vùng không đáp ứng mục tiêu hiệu quả phổ tần, mở rộng vùng phủ thì cơ quan quản lý có quyền áp đặt nghĩa vụ chia sẻ hạ tầng tích cực.

5g_2.png

Hiện trạng chia sẻ hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động (nhà trạm, cột anten...) hiện nay của các nhà mạng Việt Nam

Hiện nay tỷ lệ chia sẻ cột nhà trạm BTS giữa các doanh nghiệp viễn thông đạt khoảng 21%. Hiện nay trong quá trình xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông 2023, có thể xem xét bổ sung các
quy định liên quan đến quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động, dùng chung hạ tầng viễn thông giữa các doanh nghiệp theo hướng bắt buộc dùng chung nếu đảm bảo khả thi về kỹ thuật và dựa trên cơ sở hợp đồng giữa các doanh nghiệp.

Một số kiến nghị biện pháp, chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp viễn thông chia sẻ hạ tầng khi triển khai 5G

Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các nội dung trong Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông 2023 liên quan đến chia sẻ hạ tầng viễn thông nói chung và hạ tầng mạng 5G nói riêng như sau:

- Về mặt chính sách:

+ Bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động, dùng chung hạ tầng viễn thông giữa các doanh nghiệp theo hướng bắt buộc dùng chung nếu đảm bảo khả thi về kỹ thuật, trên cơ sở hợp đồng giữa các doanh nghiệp.

+ Bổ sung quy định để khuyến khích, thúc đẩy việc chia sẻ hạ tầng tích cực giữa các nhà mạng theo nguyên tắc: (i) đảm bảo không vi phạm pháp luật cạnh tranh, pháp luật về tần số vô tuyến điện, pháp luật về viễn thông và các pháp luật khác có liên quan, đồng thời (ii) việc chia sẻ hạ tầng viễn thông phải dựa trên hợp đồng giữa các doanh nghiệp.

Về mặt thực thi:

+ Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về thông tin và truyền thông tại các địa phương tích cực nghiên cứu, xây dựng và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ban hành Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động nhằm nâng cao tỷ lệ dùng chung giữa các doanh nghiệp trên địa bàn.

+ Các doanh nghiệp viễn thông tăng cường phối hợp, chia sẻ, dùng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông trên cơ sở tuân thủ theo các quy địnCh của pháp luật về viễn thông, tần số vô tuyến điện và pháp luật về cạnh tranh.

Tài liệu tham khảo:
1. Phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng https://
mic.gov.vn/bo-truong-nguyen-manh-hung-5g-la-co-
hoi-de-phat-trien-nganh-cong-nghiep-ict-197146882.
htm
2. https://www.itu.int/en/ITU-D/Regulatory-
Market/Documents/CostaRica/Presentations/
Session8_Daniel%20Leza%20-%20Mobile%20
Infrastructure%20Sharing%20-%2012%20March%20
2014.pdf
3. https://www.gsma.com/futurenetworks/wiki/
infrastructure-sharing-an-overview/
4. https://www.berec.europa.eu/sites/default/files/files/
document_register_store/2018/6/BoR_%2818%29_116_
BEREC_Report_infrastructure_sharing.pdf
5. https://www.gsma.com/futurenetworks/wp-content/
uploads/2023/02/5G-NCCS_GSMA-Guide_27.02.2023.pdf
(trang 10)
6. https://www.planalto.gov.br/ccivil_03/_Ato2015-2018/2015/
Lei/L13116.htm
7. https://informacoes.anatel.gov.br/legislacao/
resolucoes/2017/949-resolucao-683
8. https://www.boe.es/buscar/doc.php?id=BOE-A-2022-1075
9. https://www.gov.cn/gzdt/2008-10/06/content_1113028.htm
10. https://eur-lex.europa.eu/eli/dir/2018/1972/oj
11. https://www.rtr.at/rtr/service/rechtsvorschriften/gesetze/
TKG_2021_en-gb.pdf

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 7 tháng 7/2024)

Cục Viễn thông – Bộ TT&TT