Đo lường là chìa khoá quan trọng trong việc nâng cao chất lượng Internet
Chuyển động ICT - Ngày đăng : 06:15, 06/09/2024
Đo lường là chìa khoá quan trọng trong việc nâng cao chất lượng Internet
Ngày nay, khi Internet đã trở thành cơ sở hạ tầng quan trọng, các mối quan tâm về nâng cao chất lượng, đáp ứng được các nhu cầu ngày càng tăng về tốc độ, băng thông Internet càng rõ nét hơn.
Tóm tắt:
- Chất lượng dịch vụ Internet được hiểu là mức độ đáp ứng của nhà cung cấp dịch vụ cho người sử dụng hoặc tổ chức, doanh nghiệp dựa trên công bố và ràng buộc trong hợp đồng cung cấp dịch vụ.
- Chất lượng dịch vụ Internet bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như tốc độ, độ sẵn sàng
- Đo lường chất lượng Internet cần tập trung vào việc thu thập các thông số kỹ thuật liên quan để phân tích, đánh giá
- Đánh giá chất lượng Internet từ trải nghiệm của người dùng (crowd-sourcing), là một phương pháp tiên tiến được
nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng
- Các phép đo kiểm này có khả năng phân tích năng lực của nhà mạng; đồng thời, đánh giá từ dữ liệu của người dùng để có thể cung cấp chi tiết về trải nghiệm thực tế của khách hàng
- i-Speed đo các thông số về tốc độ truy cập Internet bao gồm tốc độ tải xuống (Download), tốc độ tải lên (Upload), độ trễ (Ping, Jitter)
- i-Speed (VNNIC Internet Speed) là công cụ giúp cho cơ quan quản lý có thể tạo lập cơ sở dữ liệu về chất lượng dịch vụ Internet
Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có sự tăng trưởng người dùng Internet cao trên thế giới, các yêu cầu về đảm bảo chất lượng Internet là vấn đề đặt ra khi đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển kinh tế số, xã hội số…
Việc dịch chuyển lên môi tường số đã và đang đòi hỏi yêu cầu nâng cao năng lực hạ tầng mạng Internet để đưa ra quy hoạch, đáp ứng các thách thức xã hội tạo ra áp lực phải vượt qua, tạo tiền đề cho việc đo lường nhằm hỗ trợ việc hoạch định chính sách, nâng cao chất lượng truy cập Internet Việt Nam.
Chất lượng và đo lường chất lượng dịch vụ Internet
Khi đại dịch COVID-19 diễn ra, khiến kết nối Internet nhanh trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, đã làm tăng sự chú ý về vai trò quan trọng của truy cập Internet tốc độ cao trong cuộc sống của chúng ta. Trong thời điểm yêu cầu giãn cách xã hội, kết nối băng thông rộng cho phép mọi người làm việc tại nhà, kết nối với lớp học, tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đăng ký trợ cấp công cộng và thực hiện các hoạt động bình thường trong gia đình như đặt hàng tạp hóa hoặc kê đơn thuốc...
Khi ngày càng nhiều người phụ thuộc vào các dịch vụ băng thông rộng, tốc độ trở thành yếu tố quan trọng hơn. Kết nối Internet cần phải nhanh đến mức nào? Những yếu tố nào đi vào việc trả lời câu hỏi đó? Làm sao tôi biết băng thông, tốc độ tôi đang dùng là bao nhiêu?...
Chất lượng dịch vụ Internet được hiểu là mức độ đáp ứng của nhà cung cấp dịch vụ cho người sử dụng hoặc tổ chức, doanh nghiệp dựa trên công bố và ràng buộc trong hợp đồng cung cấp dịch vụ liên quan đến các chỉ tiêu, thông số kỹ thuật đã được chuẩn hóa, ban hành. Chất lượng dịch vụ Internet bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như tốc độ, độ sẵn sàng. Xu hướng đo lường chất lượng Internet trên thế giới đang phát triển theo nhiều hướng khác nhau, nhằm cung cấp thông tin chính xác và đáng tin cậy về tốc độ, độ ổn định và hiệu suất của kết nối Internet. Dưới đây là một số xu hướng phổ biến:
- Đo tốc độ Internet trở thành một phần quan trọng của việc đo lường chất lượng Internet, nhiều phương pháp, công cụ đo tốc độ Internet ra đời để kiểm tra tốc độ tải dữ liệu xuống và đẩy dữ liệu lên của mạng Internet.
- Đo lường chất lượng kết nối mạng di động trở nên quan trọng hơn với sự gia tăng của việc sử dụng Internet trên thiết bị di động sẽ cho ra được bản đồ vùng phủ sóng của mạng di động của một nhà mạng tại một quốc gia nhất định.
- Đo chất lượng trải nghiệm (QoE) bao gồm cảm nhận của khách hàng đối với chất lượng tổng thể dịch vụ Internet mở rộng từ chất lượng dịch vụ khách quan (QoS) đến chất lượng trải nghiệm chủ quan cao hơn. QoE thay đổi từ quan điểm người sử dụng này sang người sử dụng khác và cảm nhận của mọi người về QoS hoàn toàn khác nhau.
- Nhiều quốc gia đang thúc đẩy các nỗ lực đo lường chất lượng Internet thông qua các cơ quan quản lý và chính sách quy định, bao gồm việc thiết lập tiêu chuẩn chất lượng mạng và yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet báo cáo về hiệu suất mạng lưới của mình.
Từ các xu hướng kể trên, đo lường chất lượng Internet cần tập trung vào việc thu thập các thông số kỹ thuật liên quan để phân tích, đánh giá. Để thực hiện việc này cần huy động cộng đồng người sử dụng để đo lường, nhằm đảm bảo việc đo lường được theo nhu cầu cụ thể và bao trùm tất cả các điểm cung cấp dịch vụ truy nhập Intenet. Ngoài ra, quan trọng nhất là các kết quả đo lường được thống kê, phân tích và chia sẻ rộng rãi cho các nhà cung cấp dịch vụ Internet phục vụ công tác tối ưu mạng lưới.
Từ những yêu cầu đó, đã ra đời việc đánh giá chất lượng Internet từ trải nghiệm của người dùng (crowd-sourcing), đây là một phương pháp tiên tiến được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Các phép đo kiểm này có khả năng phân tích năng lực của nhà mạng; đồng thời, đánh giá từ dữ liệu của người dùng để có thể cung cấp chi tiết về trải nghiệm thực tế của khách hàng. Phương pháp này đã được Liên minh Viễn thông quốc tế chuẩn hóa, khuyến nghị.
Hệ thống có thể xây dựng hoạt động trên nhiều nền tảng thiết bị đầu cuối để thuận tiện cho người dùng như ứng dụng trên điện thoại di động, công cụ trên trình duyệt web; đa dạng các điểm đo là một trong những yêu cầu để đánh giá và đảm bảo cái nhìn chính xác chất lượng trải nghiệm.
Tốc độ băng thông rộng Internet tại Việt Nam như nào?
Internet có mặt tại Việt Nam từ năm 1997 dựa trên kết nối quay số (dial-up). Đến năm 2001, các nhà mạng viễn thông tại Việt Nam mới cung cấp dịch vụ Internet di động cho khách hàng bằng công nghệ GRPS và EDGE với tốc độ chỉ từ 114 kbps đến 384kbps.
Trải qua một thời gian dài phát triển, năm 2009, Internet tại Việt Nam mới thực sự bùng nổ khi các nhà mạng viễn thông khai trương và cung cấp dịch vụ truy nhập Internet với công nghệ cáp quang FTTH (băng rộng cố định) và công nghệ 3G (băng rộng di động) với tốc độ cao hơn thế hệ trước đó từ 30 đến 100 lần. Thế hệ mạng di động mới như 4G (khai trương năm 2017), 5G (thử nghiệm năm 2020) đã đưa Việt Nam bắt kịp với thế giới và là một trong số ít các quốc gia làm chủ được công nghệ 5G.
Tính đến năm 2024, hạ tầng băng rộng di động đã phủ sóng đến 99,8% số thôn trên toàn quốc với tổng số thuê bao di động đạt trên 124 triệu thuê bao. Số lượng thuê bao Internet băng rộng khoảng 87 triệu thuê bao và chiếm nhiều nhất là các thuê bao mạng 4G. T
ổng dung lượng kết nối Internet quốc tế đạt gần 14 Tbps với nhiều tuyến cáp quang biển, tuyến cáp quang đất liền kết nối Việt Nam đến các hub khu vực như Hong Kong, Singapore. Tương tự, dung lượng kết nối Internet trong nước gần 5 Tbps và kết nối tới Trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX) đạt trên 490 Gbps.
Theo thống kê từ Datareportal, tính đến đầu năm 2024 Việt Nam có trên 78 triệu người sử dụng Internet, chiến 79% tổng dân số. Ngoài ra, số lượng người dùng các nền tảng mạng xã hội cũng đạt con số 72 triệu, tương đương với 73% tổng dân số. YouTube – nền tảng chia sẻ nội dung video phổ biến nhất hành tinh, có trên 63 triệu người sử dụng thường xuyên tại Việt Nam.
Từ những con số kể trên cho thấy việc đảm bảo chất lượng dịch vụ Internet là điều tất yếu trong bối cảnh người sử dụng ngày càng tăng đòi hỏi các nhà cung cấp dịch vụ phải sử dụng nhiều giải pháp, trong đó việc đo lường chất lượng dịch vụ là một hoạt động bắt buộc.
Dựa trên công nghệ, loại dịch vụ cung cấp sẽ có những quy định khác nhau về tốc độ, độ trễ của kết nối Internet. Trên thế giới, để phù hợp với sự phát triển của công nghệ, một số quốc gia đã đưa ra các quy định tối thiểu cho dịch vụ mạng băng rộng như: Hoa Kỳ đã quy định tốc độ của mạng băng rộng (tối thiểu 25 Mbps tải xuống và 3 Mbps tải lên); con số này ở Canada lần lượt là 50 Mbps và 10 Mbps.
Tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về chất lượng dịch vụ truy nhập Internet (126:2021/BTTTT, 34:2022/ BTTTT) trong đó quy định tốc độ download tối thiểu cho mạng băng rộng cố định là 50 Mbps, cho 5G là 100 Mbps, độ trễ tối đa không quá 50 ms (đối với kết nối trong nước), độ khả dụng tối thiểu 99,5% đối với mạng băng rộng cố định và độ sẵn sàng của mạng vô tuyến (3G, 4G, 5G) tối thiểu 95% với mức tín hiệu thu tối thiểu là -100 dBm (3G) và -121 dBm (4G, 5G).Ngoài ra, mức độ chiếm dụng băng thông của hướng kết nối Internet quốc tế nhỏ hơn hoặc bằng 95%, các hướng khác thì giá trị này là 90%.
Trong những năm gần đây, khi Việt Nam xây dựng công cụ đo tốc độ Internet của mình, thì bức tranh và việc đo lường chất lượng Internet được đánh giá khách quan và chủ động hơn. Từ khi có hệ thống đo lường, các số liệu được theo dõi định kỳ, cơ quan quản lý có số liệu để đánh giá, các doanh nghiệp biết rõ hiện trạng hạ tầng mạng của mình, người dùng chủ động kiểm tra, qua đó đã thúc đẩy mạnh mẽ việc tăng cường cải thiện tốc độ truy cập Internet.
Nhìn vào biểu đồ phát triển tốc độ Internet Việt Nam trong những năm gần đây cho thấy rõ hơn, tốc độ Internet băng rộng cố định tăng gấp 2,5 lần, tốc độ băng rộng di động tăng gần gấp 2 lần từ năm 2020-2024.
Hệ thống đo tốc độ truy cập Internet Việt Nam i-Speed:
Hệ thống đo tốc độ truy cập Internet Việt Nam i-Speed (VNNIC Internet Speed) là sản phẩm được Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) – Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, phát triển từ năm 2020 dùng để đo tốc độ truy cập Internet Việt Nam thông qua trải nghiệm người dùng.
Người dùng có thể đo tốc độ truy cập Internet của mình qua ứng dụng i-Speed trên các thiết bị di động sử dụng hệ điều hành Android, iOS hoặc trên website https://speedtest.vn, https://i-speed. vn. Là hệ thống đo trung lập, VNNIC Internet Speed phản ánh trung thực kết quả đo tốc độ truy cập Internet của người dùng. Dữ liệu đo từ người dùng sẽ đóng góp xây dựng cơ sở dữ liệu về tốc độ, chất lượng truy cập Internet, trải nghiệm của người dùng; hỗ trợ tốt công tác quản lý nhà nước bằng số liệu, phát triển mạng Internet Việt Nam, thúc đẩy cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ Internet của doanh nghiệp cung cấp cho người sử dụng.
Một phép đo trong i-Speed sẽ trải qua các bước sau:
- Khi người dùng sử dụng ứng dụng i-Speed, hệ thống sẽ tự động chọn máy chủ điểm đo tối ưu nhất dựa trên thuật toán thiết lập sẵn, hoặc có thể lựa chọn điểm đo khác theo nhu cầu.
- Khi người dùng thực hiện đo, ứng dụng sẽ kết nối máy chủ điểm đo và thực hiện đo các thông số mạng (Download, Upload, Ping, Jitter)
- Kết quả đo sẽ được hiển thị sau quá trình đo hoàn thành. Đồng thời ghi nhận lại trên ứng dụng và hệ thống Thống kê, người dùng có thể xem lại lịch sử các kết quả đo trên ứng dụng.
Toàn bộ dữ liệu ghi nhận sẽ được đưa vào cơ sở dữ liệu để phân tích và đánh giá. Nhằm đảm bảo dữ liệu phản ánh chính xác thông số đo cần thực hiện lọc dữ liệu để chống giả mạo dữ liệu, các ngưỡng thông số đo không theo tiêu chuẩn và các mẫu bị lỗi. Sau khi lọc dữ liệu, hệ thống tiến hành phân tích đưa ra mẫu đại diện, nhằm đảm bảo cho nhiều kết quả đo từ một người dùng sẽ có trọng số như nhau dù họ thực hiện đo nhiều lần từ một thiết bị, ở cùng một khu vực và trong một khoảng thời gian.
Cuối cùng, hệ thống sẽ tổng hợp dữ liệu theo các nhóm tiêu chí để phản ánh được chất lượng kết nối Internet mà người dùng được trải nghiệm dựa trên địa điểm, nhà cung cấp và thời gian.
Tháng 5/2024 vừa qua, Bộ TT&TT đã công bố tốc độ truy cập Internet theo từng tỉnh, thành phố từ hệ thống đo tốc độ truy nhập Internet i-Speed. Theo số liệu mới cập nhật từ hệ thống i-Speed, tốc độ download Internet băng rộng di động tại Việt Nam trong tháng 5 đạt trung bình 42,11 Mbps; Tốc độ Internet băng rộng cố định đạt 100,96 Mbps.
Việc công bố thông tin về tốc độ dịch vụ truy nhập Internet này nhằm nâng cao tính công khai minh bạch, lợi ích công cộng trong việc cung cấp dịch vụ truy nhập Internet; tạo điều kiện cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp được lựa chọn dịch vụ, nhà mạng theo nhu cầu, điều kiện thực tế. Đồng thời, việc đo lường này giúp nâng cao hiệu quả quản lý theo số liệu thực tế về chất lượng truy nhập Internet, góp phần thúc đẩy phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ truy nhập Internet tại Việt Nam.
Bộ TT&TT cũng khuyến nghị người dân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng ứng dụng miễn phí i-Speed để đo tốc độ truy nhập Internet. Việc thúc đẩy đo lường và chia sẻ dữ liệu đo qua ứng dụng i-Speed để kiểm tra tốc độ, chất lượng dịch vụ truy nhập Internet thực tế đến nhà mạng, thúc đẩy nâng cao chất lượng dịch vụ truy nhập Internet tại Việt Nam, giúp người dân lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ phù hợp.
Kết luận
“Thúc đẩy việc xây dựng nền tảng giám sát hiệu suất truy cập Internet trong nước và quốc tế và nâng cao khả năng đảm bảo chất lượng mạng Internet Việt Nam” là một trong các định hướng quan trọng để phát triển an toàn, bền vững hạ tầng Internet Việt Nam theo Quyết định 36/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/01/2024 về việc phê duyệt quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đo lường chất lượng Internet mang lại nhiều lợi ích quan trọng, hiểu rõ trải nghiệm người dùng, phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy sự cạnh tranh và tạo điều kiện cho các cải tiến liên tục tốc độ Internet Việt Nam. Việc đo lường chất lượng Internet không chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân người dùng mà còn cho doanh nghiệp, tổ chức và cả cộng đồng, bằng cách cải thiện trải nghiệm, tăng cường hiệu suất và tạo điều kiện cho sự phát triển và cạnh tranh để cùng hướng tới mục tiêu chung là thúc đẩy phát triển bền vững, xây dựng hạ tầng mạng Internet Việt Nam an toàn, hiện đại, ứng dụng i-Speed là một công cụ không thể thiếu trong việc đo lường chất lượng dịch vụ Internet của người sử dụng.
Tài liệu tham khảo
1. Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021
- 2030, tầm nhìn đến năm 2050: https://vanban.chinhphu.
vn/?pageid=27160&docid=209501
2. Hệ thống đo tốc độ truy cập Internet Việt Nam (VNNIC
Internet Speed): https://i-speed.vn
3. https://vnnic.vn; https://vnix.vn
4. Báo cáo tài nguyên Internet Việt Nam (https://vnnic.vn/bao-
cao-tai-nguyen-internet).
5. https://datareportal.com/reports/digital-2024-vietnam
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 7 tháng 7/2024)