Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ mạng viễn thông Việt Nam

Chuyển động ICT - Ngày đăng : 06:15, 24/10/2024

Quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông là quy định bắt buộc tại Việt Nam cũng như hầu hết các quốc gia trên thế giới. Hoạt động quản lý này nhằm đảm bảo quyền lợi của khách hàng, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.
Chuyển động ICT

Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ mạng viễn thông Việt Nam

Trung tâm đo lường chất lượng viễn thông - Cục Viễn thông 24/10/2024 06:15

Quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông là quy định bắt buộc tại Việt Nam cũng như hầu hết các quốc gia trên thế giới. Hoạt động quản lý này nhằm đảm bảo quyền lợi của khách hàng, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

Tóm tắt:

Quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông:
+ Là quy định bắt buộc của hầu hết các quốc gia trên thế giới.
+ Nhằm đảm bảo quyền lợi của khách hàng.
+ Thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ.
+ Góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông.
Quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông tại Việt Nam:
+ Tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng dịch vụ.
+ Đóng góp quan trọng vào việc nâng cao trải nghiệm của người dùng.
Giải pháp nâng cao chất lượng mạng viễn thông Việt Nam
+ Tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng dịch vụ, đo kiểm đánh giá, công bố chất lượng dịch vụ.
+ Thúc đẩy chia sẻ hạ tầng mạng dùng chung giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.
+ Thúc đẩy sử dụng chung cơ sở hạ tầng liên ngành, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, nâng cao chất lượng dịch vụ.
+ Rà soát cập nhật các quy chuẩn về chất lượng dịch vụ truy nhập Internet trên mạng viễn thông di động mặt đất.
+ Thúc đẩy doanh nghiệp trong nước sản xuất thiết bị viễn thông Make in Viet Nam.
+ Triển khai hiệu quả chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích (VTCI).

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ban hành 06 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ trên mạng viễn thông di động và cố định mặt đất. Chính sách quản lý mà Bộ đề ra nhằm thúc đẩy xây dựng hạ mạng viễn thông băng rộng bảo đảm dung lượng lớn, tốc độ cao, công nghệ hiện đại, hạ tầng Internet vạn vật được tích hợp rộng rãi bảo đảm phát triển hài hòa, phục vụ tốt chuyển đổi số (CĐS), Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và an ninh - quốc phòng.

Quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông - Yêu cầu chung đối với các quốc gia trên toàn cầu

Ngày nay dịch vụ viễn thông đóng vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Sự phát triển của các dịch vụ viễn thông đã và đang tác động đến sự phát triển của xã hội và phản ánh mức độ phát triển của nền kinh tế.

Quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông là quy định bắt buộc của hầu hết các quốc gia trên thế giới nhằm đảm bảo quyền lợi của khách hàng, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các DN cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó công tác này cũng góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông. Trên cơ sở các tiêu chí bắt buộc về chất lượng dịch vụ, các doanh nghiệp viễn thông phải không ngừng nâng cấp, tối ưu, giám sát mạng lưới để đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách hàng cũng như tuân thủ theo quy định quản lý nhà nước về chất lượng dịch vụ.

Quản lý nhà nước về chất lượng dịch vụ viễn thông của các nước trên thế giới được thực hiện theo hình thức QoS (Quality of Service) và QoE (Quality of Experience). Trong đó, quản lý theo QoS cơ quan quản lý nhà nước xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn, tổ chức đo kiểm đánh giá sự tuân thủ, doanh nghiệp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định. Quản lý theo QoE đánh giá chất lượng trải nghiệm của khách hàng, người dùng tự đo kiểm, đánh giá từ đó đưa ra các lựa chọn phù hợp. Hiện nay tại các quốc gia có dịch vụ viễn thông phát triển hàng đầu đều đưa các chính sách về quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông nhằm đảm bảo cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp nângcao chất lượng dịch vụ.

Tại Singapore, quốc gia có thứ hạng số 1 về băng rộng cố định và top 20 về băng rộng di động (theo đánh giá của Ookla tại hơn 180 quốc gia) có chính sách quản lý chất lượng rất chặt chẽ, chất lượng dịch vụ viễn thông được thực hiện theo cả 2 hình thức QoS và QoE, trong đó đối với hình thức QoS với mỗi chỉ tiêu không đạt yêu cầu về chất lượng dịch vụ, doanh nghiệp có thể bị phạt với mức phạt lên tới 50.000 đô la Singapore.

Tại Trung Quốc, quốc gia thường xuyên trong top 10 cả băng rộng cố định và di động (cũng theo đánh giá của Ookla), cũng đã ban hành Kế hoạch nâng cấp chất lượng tín hiệu di động tới năm 2025 với mục tiêu cụ thể về vùng phủ sóng, tốc độ tải dữ liệu (như tới năm 2025 tốc độ 5G tải xuống đạt tối thiểu 220 Mbit/s).

Tại Hàn Quốc, một trong những quốc gia hàng đầu phát triển công nghệ dịch vụ mạng 5G, 6G cũng rất quan tâm đến công tác về quản lý chất lượng dịch vụ. Hiệp hội các nhà khai thác viễn thông Hàn Quốc kết hợp với các doanh nghiệp viễn thông trong nước thường xuyên đo kiểm chất lượng dịch vụ viễn thông, công bố công khai để người dân tham khảo lựa chọn dịch vụ, doanh nghiệp cũng thấy đó để không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút thêm khách hàng.

Có thể thấy rằng, công tác quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông được các quốc gia trên thế giới hết sức chú trọng, đây là nhân tố chính để phát triển dịch vụ viễn thông bền vững.

Quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông tại Việt Nam

Không nằm ngoài xu thế chung của thế giới, công tác quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông tại Việt Nam cũng rất được chú trọng.

Để đảm bảo chất lượng dịch vụ viễn thông cung cấp cho người dùng, Bộ TT&TT đã ban hành 06 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ trên mạng viễn thông di động và cố định mặt đất (bao gồm dịch vụ điện thoại, tin nhắn ngắn, truy nhập Internet). Nội dung của các quy chuẩn quy định đối tượng, phạm vi và các mức chỉ tiêu chất lượng tối thiểu mà các doanh nghiệp cần phải đảm bảo khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng đã ban hành thông tư số 08/2013/TT- BTTTT ngày 26/3/2013 quy định về quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông, thông tư số 32/2020/ TT-BTTTT ngày 04/11/2020 quy định Danh mục dịch vụ viễn thông bắt buộc quản lý chất lượng. Đây là các dịch vụ đã phổ cập, có tính chất quan trọng đối với kinh tế xã hội, cần quan tâm đến chất lượng dịch vụ.

Về quản lý theo phương thức QoS, trong những năm qua, Cục Viễn thông không ngừng tăng cường đo kiểm tra giám sát chất lượng dịch vụ viễn thông của các DN cung cấp dịch vụ, từ đó DN đã quan tâm và nâng cao hơn chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Đơn cử như đối với dịch vụ truy nhập Internet di động 4G, theo kết quả đo kiểm giám sát chất lượng của Cục Viễn thông, so với năm 2022, năm 2023 tốc độ truy nhập dịch vụ Internet 4G trung bình chung của cả nước chiều xuống đạt 36,00 Mbit/s (tăng 11,93%), chiều lên đạt 22,36 Mbit/s (tăng 10,93%).

Về hình thức quản lý theo QoE, Bộ TT&TT đã phát triển công cụ đo kiểm i-Speed để người dùng có thể tự đo kiểm. Tháng 5 vừa qua, Cục Viễn thông phối hợp với Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) tổ chức công bố tốc độ truy nhập dịch vụ Internet trên mạng viễn thông di động và cố định mặt đất theo ứng dụng i-Speed trên phạm vi toàn quốc. Công tác này nhằm: Nâng cao tính công khai minh bạch, lợi ích công cộng trong việc cung cấp dịch vụ truy nhập Internet; Tạo điều kiện cho người dân, tổ chức, DN được lựa chọn dịch vụ, nhà mạng theo nhu cầu, điều kiện thực tế; Góp phần thúc đẩy phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ truy nhập Internet tại Việt Nam.

Có thể nhận thấy rằng, ngoài tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng dịch vụ thì nỗ lực không ngừng của các DN cung cấp dịch vụ viễn thông, tiếp cận công nghệ mới và chú trọng vào chất lượng dịch vụ đã đóng góp quan trọng vào việc nâng cao trải nghiệm của người dùng. Trong các năm qua, chất lượng dịch vụ viễn thông của Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt, tuy nhiên vẫn còn cần phải nâng cao hơn nữa để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Giải pháp nâng cao chất lượng mạng viễn thông Việt Nam

Một trong những nhân tố quan trọng để nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông đó là phải xây dựng hạ mạng viễn thông băng rộng bảo đảm dung lượng lớn, tốc độ cao, công nghệ hiện đại, hạ tầng Internet vạn vật được tích hợp rộng rãi bảo đảm phát triển hài hòa, phục vụ tốt chuyển đổi số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và an ninh - quốc phòng. Yêu cầu này đã được quy định trong quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ và được cụ thể hóa trong quyết định số 816/ QĐ-BTTTT ngày 18/5/2024 của Bộ trưởng Bộ TT&TT về Kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông Việt Nam giai đoạn 2024 - 2025. Đây là một trong những chính sách rất quan trọng và triển khai thành công Kế hoạch sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông ở Việt Nam.

Bên cạnh đó để nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông Việt Nam cũng cần thực hiện một số giải pháp như:

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng dịch vụ, đo kiểm đánh giá, công bố chất lượng dịch vụ của các DN cung cấp dịch vụ viễn thông, thường xuyên đôn đốc các doanh nghiêp tối ưu mạng lưới nâng cao chất lượng dịch vụ.

- Thúc đẩy chia sẻ hạ tầng mạng dùng chung giữa các DN cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật để mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ cũng như giảm thiểu chi phí đầu tư.

- Đẩy mạnh hợp tác giữa Bộ TT&TT và các Bộ ngành liên quan thúc đẩy sử dụng chung cơ sở hạ tầng liên ngành, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, nâng cao chất lượng dịch vụ.

- Rà soát cập nhật các quy chuẩn về chất lượng dịch vụ truy nhập Internet trên mạng viễn thông di động mặt đất để đảm bảo nâng cao chất lượng mạng và dịch vụ.

- Thúc đẩy DN trong nước sản xuất thiết bị viễn thông Make in Viet Nam để có thể triển khai nhanh chóng, giảm chi phí, tăng hiệu quả đầu tư.

- Triển khai hiệu quả chương trình cung cấp dịch vụ VTCI để cung cấp dịch vụ cho các khu vực đặc biệt khó khăn thuộc miền núi, hải đảo, vùng sâu vùng xa.

Nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp viễn thông, mà cần sự chung tay của tất cả cơ quan, ban ngành, toàn xã hội để hướng tới xây dựng mạng viễn thông Việt Nam phát triển bền vững, mang nhiều trải nghiệm cho người dùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tài liệu tham khảo:
1. Luật Viễn thông số 24/2023/QH15 ngày 24/11/2023.
2. Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2024 của Chính phủ Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
3. Quyết định số 816/QĐ-BTTTT ngày 18/5/2024 của Bộ trưởng Bộ TT&TT về Kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông Việt Nam giai đoạn 2024-2025
4. Thông tư số 08/2013/TT-BTTTT ngày 26/3/2013 của Bộ trưởng Bộ TT&TT quy định về quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông.
5. Các website: https://speedtest.vn/, https://www.speedtest.net/, http://www.smartchoice.
or.kr/ ...

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 7 tháng 7/2024)

Trung tâm đo lường chất lượng viễn thông - Cục Viễn thông