Kiến tạo hạ tầng số - Khai phóng tiềm năng số
Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 11:00, 10/10/2024
Kiến tạo hạ tầng số - Khai phóng tiềm năng số
Sự bùng nổ của các công nghệ mới liên quan đến trí tuệ nhân tạo AI và 5G đòi hỏi rất nhiều về hạ tầng như trung tâm dữ liệu, hạ tầng kết nối trong nước, kết nối quốc tế….
Tóm tắt:
- Viettel đã sẵn sàng góp phần chủ lực trên hành trình chinh phục hạ tầng số quốc gia, hiện thực hóa khát vọng xây dựng hạ tầng kết nối băng thông siêu rộng với hạ tầng mạng rộng khắp:
+ Với chiều dài cáp quang có thể quấn 11 vòng quanh trái đất, hàng trăm nghìn trạm phát sóng di động công nghệ 2G - 5G phủ rộng 95% Việt Nam.
+ Hạ tầng IoT được nghiên cứu phát triển từ sớm, sẵn sàng cho hàng triệu người dùng đồng thời.
+ Viettel sở hữu hạ tầng kết nối quốc tế lớn nhất Việt Nam khi đã, đang đầu tư và khai thác 6 dự án cáp quang biển
+ Viettel đã công bố đầu tư tuyến cáp có băng thông lớn nhất Việt Nam Asia Direct Cable (ADC), kết nối đến cả 3 Hub IP lớn nhất của khu vực châu Á
+ Cũng đang là nhà đầu tư Việt Nam lớn nhất của tuyến cáp biển The Asia Link Cable (ALC) kết nối đến 2 Hub IP chính của khu vực châu Á
- Đến 2030, Viettel sẽ đầu tư thêm tối thiểu 4 tuyến cáp biển, sở hữu 10/15 tuyến của Việt Nam, phục vụ 60% nhu cầu kết nối đi quốc tế của Việt Nam.
- Tháng 04/2024, Viettel chính thức đưa khai trương, đưa vào vận hành Trung tâm dữ liệu Viettel Hoà Lạc lớn nhất tại Việt Nam với công suất 30MW, là một trung tâm dữ liệu thế hệ mới với chỉ số tiêu thụ điện năng thấp nhất Việt Nam.
- Hệ sinh thái Viettel Cloud trở thành dấu ấn của sản phẩm công nghệ do người Việt phát triển và làm chủ công nghệ trong lĩnh vực điện toán đám mây bao gồm: các mã nguồn mở OpenStack, Kubernetes, Ceph, Prometheus, Grafana với các phiên bản triển khai ổn định và mới nhất.
- Với trung tâm dữ liệu thế hệ mới, Viettel có thể cung cấp một vùng Cloud mới với hệ sinh thái các dịch vụ mới như 5G và AI.
Để bắt kịp tốc độ phát triển mạnh mẽ của công nghệ, hạ tầng trung tâm dữ liệu cũng cần được nâng cấp, cải tiến, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của AI, vốn vượt xa gấp hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn lần so với các tác vụ thông thường. Chủ tịch Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng tuyên bố Viettel đã sẵn sàng góp phần chủ lực trên hành trình chinh phục khát vọng hạ tầng số quốc gia.
Hiện thực hóa khát vọng xây dựng hạ tầng kết nối băng thông siêu rộng
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên đưa khái niệm hạ tầng số vào luật, từ đó thấy được tầm quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Nhắc tới hạ tầng số quốc gia 10 năm trước, hạ tầng viễn thông truyền thống là thiết yếu cho xã hội thì tại thời điểm bây giờ hạ tầng số là yếu tố sống còn của đất nước. Trong đó, các nhà mạng viễn thông với ưu thế về tiềm lực tài chính, con người và công nghệ đóng vai trò quan trọng trong kiến tạo hạ tầng số Việt Nam.
Những khát vọng về phổ cập dịch vụ di động, bùng nổ Internet, đưa cáp quang đến hộ gia đình, công nghiệp viễn thông... đã được Viettel cùng với các doanh nghiệp cùng ngành hiện thực hóa. Ngày 15/10/2004, Viettel Mobile chính thức tham gia thị trường. Ước mơ của những người Viettel khi đó khá ngắn gọn: “Mỗi người Việt Nam có một chiếc điện thoại di động” và coi đó là mục tiêu cao cần chinh phục. Chỉ trong 3 năm, số trạm phát sóng của Viettel lớn hơn tổng số trạm phát của tất cả các mạng khác tại Việt Nam, phủ đến tất cả vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo.
Tới nay, các thành phần cấu thành hạ tầng số quốc gia đã được Viettel chủ động đầu tư đồng bộ trên nền tảng công nghệ tiên tiến trên thế giới. Với chiều dài cáp quang có thể quấn 11 vòng quanh trái đất, hàng trăm nghìn trạm phát sóng di động công nghệ 2G-5G phủ rộng 95% Việt Nam, Viettel sẵn sàng cung cấp mọi kết nối băng rộng của kinh tế số. Hạ tầng IoT được nghiên cứu phát triển từ sớm, sẵn sàng cho hàng triệu người dùng đồng thời.
Bên cạnh hạ tầng viễn thông trong nước, cáp quang biển là một trong những thành phần cốt lõi của hạ tầng viễn thông toàn cầu, đóng vai trò thiết yếu, giúp nối liền khoảng cách giữa các quốc gia, châu lục, đảm bảo sự liên lạc hiệu quả và liên tục trong thời đại số. Viettel sở hữu hạ tầng kết nối quốc tế lớn nhất Việt Nam khi đã, đang đầu tư và khai thác 6 dự án cáp quang biển bao gồm: AAE-1 (chủ trì trạm cập bờ đặt tại Vũng Tàu), TGN-IA (chủ trì trạm cập bờ đặt tại Vũng Tàu), APG (trạm cập bờ đặt tại Đà Nẵng), AAG (trạm cập bờ đặt tại Vũng Tàu) và ADC (chủ trì trạm cập bờ đặt tại Quy Nhơn) và ALC (chủ trì trạm cập bờ dự kiến đặt tại Đà Nẵng).
Theo “Chiến lược phát triển hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035” của Bộ TT&TT, đến năm 2030, Việt Nam cần nâng tổng số cáp quang biển lên tối thiểu 15 tuyến với tổng dung lượng đạt tối thiểu 334 Tbps, trong đó, cần có ít nhất 2 tuyến cáp quang trên biển do Việt Nam làm chủ đi vào hoạt động, trong đó ưu tiên các tuyến cáp ngắn kết nối trực tiếp tới các Digital Hub lớn trong khu vực châu Á. Đồng thời, hệ thống cáp quang biển được triển khai phân bổ hài hòa cả 3 hướng: kết nối ra biển Đông lên phía Bắc; kết nối ra biển Đông xuống phía Nam; kết nối ra vùng biển phía Nam.
Bám sát chiến lược, khẳng định vai trò chủ lực, dẫn dắt, Viettel đã công bố đầu tư tuyến cáp có băng thông lớn nhất Việt Nam Asia Direct Cable (ADC), kết nối đến cả 3 Hub IP lớn nhất của khu vực châu Á (Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore), làm chủ trạm cập bờ tuyến cáp này tại Quy Nhơn. Viettel cũng đang là nhà đầu tư Việt Nam lớn nhất của tuyến cáp biển The Asia Link Cable (ALC) kết nối đến 2 Hub IP chính của khu vực châu Á (Hồng Kông, Singapore) và làm chủ trạm cập bờ tuyến này dự kiến tại Đà Nẵng.
Tháng 4/2024, Viettel cùng Singtel đã ký kết thỏa thuận hợp tác đồng sáng lập tuyến cáp biển mới, tuyến cáp này sẽ trở thành tuyến cáp đầu tiên do 2 nhà mạng lớn nhất Việt Nam và Singapre đồng sáng lập, hứa hẹn sẽ là tuyến cáp ngắn nhất kết nối trực tiếp Việt Nam tới Digital Hub lớn nhất châu Á là Singapore với băng thông và công nghệ tiên tiến nhất.
Khi đưa vào vận hành khai thác, tuyến cáp sẽ bổ sung hàng trăm Tbps vào tổng dung lượng kết nối quốc tế của Viettel, góp phần cung cấp một lượng lớn dung lượng tốc độ cao, mở ra một hướng kết nối mới xuống phía Nam, nâng cao tính dự phòng, an toàn mạng lưới cho hạ tầng kết nối quốc tế của Viettel nói riêng và Việt Nam nói chung. Tầm nhìn đến 2030, Viettel sẽ đầu tư thêm tối thiểu 4 tuyến cáp biển, sở hữu 10/15 tuyến của Việt Nam, phục vụ 60% nhu cầu kết nối đi quốc tế của Việt Nam.
Sự ra đời Trung tâm Dữ liệu xanh đầu tiên, lớn nhất Việt Nam
Cùng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) và Cloud, quy mô của các trung tâm dữ liệu (TTDL) sẽ ngày càng lớn, kéo theo lượng điện năng tiêu thụ khổng lồ (ở các nước phát triển là 2 - 3% tổng lượng điện tiêu thụ). Đi kèm với đó, nhu cầu về DC xanh (tiết kiệm năng lượng) sẽ trở thành chuẩn mực mới cho các TTDL thế hệ tiếp theo, nhất là khi Việt Nam đang hướng tới các mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Thấu hiểu điều này, ngày 10/04/2024, Viettel chính thức đưa khai trương, đưa vào vận hành Trung tâm dữ liệu Viettel Hoà Lạc lớn nhất tại Việt Nam với công suất 30MW, đây là một trung tâm dữ liệu thế hệ mới với chỉ số tiêu thụ điện năng thấp nhất Việt Nam. Trung tâm dữ liệu thứ 14 này đã giúp Viettel nâng tổng số 230.000 máy chủ, 81.000 m2 mặt sàn, 11.500 rack; 87MW điện, tương đương một siêu DC của thế giới. Điều này tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ của Viettel về xây dựng hạ tầng số Việt Nam hiện đại.
DC mới của Viettel đang nắm giữ nhiều chứng chỉ xanh như tiêu chuẩn về quản lý năng lượng, tiêu chuẩn về quản lý tác động môi trường, tiêu chuẩn về quản lý vệ sinh lao động và là DC đầu tiên cam kết hướng tới sử dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng 30% lượng điện tiêu thụ. Chỉ số hiệu quả năng lượng - COP đạt trên 6.0, cao hơn so với các Chiller (hệ thống làm mát) khác hơn 40%; chỉ số tiêu thụ điện cho thiết bị IT - PuE đạt 1,4 - 1,45, thấp hơn các DC hiện có ở VN là 12%. HSBC cũng đã chứng nhận Trung tâm dữ liệu Viettel Hòa Lạc đủ điều kiện nhận tín dụng Xanh.
“Hạ tầng dữ liệu là một bộ phận quan trọng bậc nhất của hạ tầng số. Các nhà mạng viễn thông đã đi đầu về hạ tầng viễn thông, thì nay phải đi đầu về hạ tầng dữ liệu”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại lễ khai trương. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh sự kiện minh chứng cho cam kết của Viettel trong việc xây dựng hạ tầng số Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế.
Theo lộ trình, tới năm 2025, Viettel sẽ đầu tư, mở rộng quy mô DC lên 17.000 rack. Tới năm 2030, Viettel sẽ nâng quy mô lên 34.000 rack. “35 năm hình thành và phát triển, Viettel đã nhiều lần tham gia vào quá trình tạo ra các cuộc bùng nổ và phổ cập các dịch vụ viễn thông và công nghệ. Đã góp phần làm nên cuộc cách mạng về di động, Internet băng rộng, giờ đây, Viettel sẽ góp phần bùng nổ về điện toán đám mây, phổ cập hóa hạ tầng dữ liệu để góp phần vào phát triển kinh tế số của đất nước”, Chủ tịch Tập đoàn Viettel nói.
Khai phóng tiềm năng số bằng công nghệ Make in Viet Nam
Trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, tiến trình chuyển đổi số, đưa dữ liệu lên nền tảng điện toán đám mây (ĐTĐM) (cloud) đang diễn ra mạnh mẽ. Việc chuyển đổi từ hạ tầng cũ lên nền tảng ĐTĐM có thể mang tới những đột phá cho các tổ chức và DN. Những lợi thế điển hình của việc chuyển dịch lên cloud như khả năng triển khai linh hoạt, với hạ tầng sẵn có đáp ứng nhu cầu từ vài chục tới hàng trăm nghìn người dùng, chi phí đầu tư ban đầu thấp với môi trường bảo mật cao.
Đặc biệt, chuyển dịch lên cloud chính là cơ hội được tiếp cận những công nghệ mới nhất với mức chi phí hợp lý, điều họ khó có thể đạt được nếu tổ chức, DN tự xây dựng một hạ tầng dữ liệu của chính mình.
Ông Lê Quang Hiếu - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions), đồng thời là nhà đồng sáng lập Cộng đồng ĐTĐM mã nguồn mở OpenStack Việt Nam cho biết, một trong những trụ cột chính của chuyển đổi số là ĐTĐM, điện toán ảo hóa cung cấp các công nghệ, tài nguyên máy tính liên kết với mạng Internet. Trong định hướng phát triển nền kinh số, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 100% các cơ quan, chính phủ sử dụng ĐTĐM, 70% DN sử dụng dịch vụ ĐTĐM do DN Việt Nam cung cấp.
Theo Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, hạ tầng số Việt Nam bao gồm: hạ tầng viễn thông; hạ tầng IoT; hạ tầng dữ liệu; hạ tầng tính toán và nhất là tính toán cho AI - hạ tầng cung cấp công nghệ như dịch vụ và các nền tảng số. Hạ tầng số phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Ra đời vào tháng 10 năm 2022, hệ sinh thái Viettel Cloud trở thành dấu ấn của sản phẩm công nghệ do người Việt phát triển và làm chủ công nghệ trong lĩnh vực ĐTĐM. Dựa trên những nền tảng mà Tập đoàn Viettel xây dựng trong suốt nhiều năm qua, hệ sinh thái cloud này hướng tới mục tiêu trở thành nền tảng an toàn, linh hoạt, bền vững cho hành trình chuyển đổi số của Chính phủ, tổ chức và DN. Tại sự kiện khai trương hệ sinh thái Viettel Cloud, Chủ tịch Tập đoàn Viettel tuyên bố: “Viettel đã sẵn sàng mọi điều kiện để cùng các doanh nghiệp Việt Nam làm bùng nổ điện toán đám mây, hiện thực hóa khát vọng mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, mỗi tổ chức, doanh nghiệp sẽ có nơi tính toán, lưu trữ trên đám mây một cách an toàn, linh hoạt và hiệu quả”.
Ông Lê Quang Hiếu cho biết, hạ tầng ĐTĐM được Viettel nghiên cứu làm chủ công nghệ lõi từ năm 2018, hiện tại đã được cung cấp với hệ sinh thái 70 sản phẩm, dịch vụ trải rộng từ các dịch vụ ở mức hạ tầng vật lý như cho thuê chỗ đặt, cho tới các nền tảng dịch vụ như các AI platform (Nền tảng trí tuệ nhân tạo) và IoT platform (Nền tảng Internet vạn vật). Hệ sản phẩm này gồm 5 nhóm: Cloud Infrastructure - Hạ tầng điện toán đám mây, Cloud Platform - Nền tảng đám mây, Cloud Software - Ứng dụng đám mây, Managed Services - Tư vấn, triển khai vận hành, Colocation - Trung tâm dữ liệu.
Viettel Cloud áp dụng các công nghệ hiện đại bao gồm các mã nguồn mở OpenStack, Kubernetes, Ceph, Prometheus, Grafana với các phiên bản triển khai ổn định và mới nhất. Hỗ trợ cho cộng đồng, tổ chức công nghệ có thể sử dụng một cách linh hoạt các thao tác nghiệp vụ. Đội ngũ kỹ sư Viettel Cloud cũng trực tiếp xây dựng, làm chủ và đóng góp các mã nguồn mở này.
Hệ sinh thái này cũng sở hữu công nghệ bảo mật, tin cậy đạt chuẩn quốc tế với các chứng chỉ ISO, tiêu chuẩn bảo mật cho Thương mại điện tử và là đơn vị duy nhất tại Việt Nam đạt chứng chỉ AICPA SOC1,2,3 của Viện kế toán công chứng Mỹ. Đặc biệt, sở hữu đội ngũ kỹ sư, chuyên gia về điện toán đám mây tại Việt Nam với quy mô trên 500 nhân sự cùng với gần 1000 nhân sự công nghệ thông tin, quản trị mạng và an toàn thông tin, Viettel là doanh nghiệp hàng đầu có kinh nghiệm triển khai các sản phẩm đạt an toàn thông tin cấp độ 4.
Đối với Viettel Cloud của Viettel Solutions, sự ra đời của DC chuẩn xanh sẽ tăng cường sự tự tin, thúc đẩy nhanh hơn nữa việc cung cấp các dịch vụ liên quan tới trí tuệ nhân tạo. Về phần khách hàng, nỗ lực không ngừng của Tập đoàn Viettel cũng mang tới cơ hội trải nghiệm các dịch vụ tối tân hàng đầu thế giới ngay trên chính quê nhà.
“Khách hàng sẽ thêm một sự lựa chọn. Các dịch vụ điện toán đám mây mà Viettel đang cung cấp cho khách hàng dựa trên những trung tâm dữ liệu thế hệ cũ. Bây giờ, với TTDL thế hệ mới, Viettel có thể cung cấp một vùng Cloud mới với hệ sinh thái các dịch vụ mới như 5G và AI. Khi khách hàng lựa chọn sử dụng vùng này, họ có cơ hội trải nghiệm các dịch vụ mới như AI, 5G đồng thời cũng tối ưu được chi phí với giá thành rẻ hơn”, Phó Tổng Giám đốc Viettel Solutions nói về những ưu thế mà Viettel Cloud có thể mang lại cho khách hàng sau khi DC mới được đưa vào vận hành, khai thác.
“Khi có kết nối quốc tế và các TTDL hiệu suất cao, Viettel Solutions sẽ tăng trường triển khai hệ sinh thái số, đưa ra các dịch vụ mới như 5G 2B, Private Mobile Network 5G.... Chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu để cho ra mắt các dòng dịch vụ như hệ sinh thái 5G, trí tuệ nhân tạo trên nền tảng Cloud”, ông Lê Quang Hiếu chia sẻ về kế hoạch tiếp theo của Viettel Cloud.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 7 tháng 7/2024)