Hải Dương: Xây dựng hạ tầng giao thông hiện đại, đẩy mạnh liên kết vùng để phát triển kinh tế - xã hội
Truyền thông - Ngày đăng : 11:48, 04/08/2024
Hải Dương: Xây dựng hạ tầng giao thông hiện đại, đẩy mạnh liên kết vùng để phát triển kinh tế - xã hội
Hạ tầng giao thông được ví là huyết mạch để phát triển kinh tế - xã hội. Nhận thức được tầm quan trọng đó, những năm qua, tỉnh Hải Dương đã tập trung mọi nguồn lực để đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông hiện đại, qua đó đẩy mạnh liên kết vùng.
Tập trung nguồn lực để đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông
Theo Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Hải Dương, với trên 12.000 km đường bộ các loại, hơn 400 km đường thủy nội địa và trên 60 km đường sắt, cộng thêm các công trình, dự án lớn đang triển khai, Hải Dương sở hữu hạ tầng giao thông hết sức khang trang, hiện đại.
Với hệ thống giao thông thuận lợi, việc kết nối, giao thương giữa các vùng trong tỉnh, liên tỉnh cũng như với các cảng hàng không quốc tế, cảng biển... của Hải Dương trở nên dễ dàng hơn.
Thực tế, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có rất nhiều công trình giao thông là điểm nhấn, thúc đẩy liên kết vùng như: Tuyến đường dẫn đầu cầu Triều nối đường tỉnh ĐT 389, cầu Mây kết nối ĐT 389 với QL 5, xây dựng 1km đường nối đầu cầu Triều với thị xã Kinh Môn. Đây là các dự án có tính đột phá về kinh tế – xã hội cho thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương và thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng tuyến kết nối ĐT 398 (thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương) với ĐT 345 (thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh); tuyến kết nối mới từ QL 18 với QL 37, nối đường 184 (địa phận thành phố Chí Linh) và cầu Đông Mai nối đến QL18, thị xã Đông Triều.
Ngoài ra, Hải Dương và thành phố Hải Phòng đã hoàn thành xây dựng cầu Dinh và đường dẫn kết nối đường trục thị xã Kinh Môn (Hải Dương) với ĐT 352 huyện Thủy Nguyên (thành phố Hải Phòng); xây dựng tuyến kết nối ĐT 390 huyện Thanh Hà (Hải Dương) vượt sông Thái Bình nối Quốc lộ 10 huyện An Lão (thành phố Hải Phòng).
Hiện nay, tỉnh Hải Dương đang đồng loạt triển khai nhiều công trình giao thông quan trọng. Trong đó, có các dự án lớn như: Dự án đầu tư xây dựng đường trục Đông Tây (giai đoạn 2021 - 2024 với tổng mức đầu tư 1.778,9 tỷ đồng), Dự án đầu tư xây dựng đường vào khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đoạn từ Quốc lộ 37 vào Chùa Côn Sơn (giai đoạn từ 2022 đến 2025 với tổng mức đầu tư là 279 tỷ đồng), Dự án cải tạo, mở rộng đường Vũ Công Đán kết nối thành phố Hải Dương với vùng huyện Cẩm Giàng, Bình Giang (giai đoạn từ 2022 đến 2025 với tổng mức đầu tư là 1.157,4 tỷ đồng)…
Hạ tầng giao thông phải đi trước một bước
Theo quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phân vùng không gian liên huyện của tỉnh là 4 vùng. Vùng trung tâm có TP Hải Dương; các huyện Nam Sách, Gia Lộc là vùng đô thị dịch vụ tổng hợp. Vùng phía tây gồm các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Thanh Miện phát triển công nghiệp tập trung với quy mô lớn của tỉnh. Vùng phía đông nam gồm các huyện Thanh Hà, Ninh Giang, Tứ Kỳ là vùng phát triển nông nghiệp đặc sản, gắn với sản xuất hàng hoá, các trung tâm công nghiệp chế biến, công nghiệp nhẹ, ngành du lịch, thương mại dịch vụ liên kết với nông nghiệp. Vùng phía bắc có TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn và huyện Kim Thành phát triển tổng hợp đa ngành với các trung tâm kinh tế lớn của tỉnh, ưu tiên cho du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hoá, liên kết du lịch gắn với hành lang du lịch Nội Bài - Bắc Ninh - Hải Dương - Quảng Ninh; xây dựng đô thị sinh thái, thông minh, hiện đại.
Do đó, 4 trục giao thông kết nối liên vùng chính là điểm tựa để các vùng không gian này phát huy được tiềm năng, lợi thế. Đồng thời tạo ra sự tương trợ trong phát triển kinh tế-xã hội. Giao thông đi trước, dẫn dắt mở đường để thúc đẩy các ngành nghề khác phát triển.
Hiện tỉnh Hải Dương đang dồn lực để triển khai các dự án giao thông trọng điểm, trong đó ưu tiên cho các dự án mang tính kết nối liên vùng. 4 trục giao thông liên kết có vai trò quan trọng trong mạng lưới giao thông của tỉnh. Để hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng của tỉnh, giao thông là yếu tố then chốt. Không chỉ tạo ra lợi thế, đón đầu dòng vốn đầu tư, 4 trục giao thông trên còn góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân.
Ông Triệu Thế Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương khẳng định: Với những nỗ lực, mục tiêu cụ thể, hạ tầng giao thông của tỉnh đang ngày một hoàn thiện, góp phần quan trọng giúp Hải Dương phát huy các tiềm năng sẵn có trong thu hút đầu tư, tạo dựng nền tảng phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Với lợi thế hạ tầng giao thông, các địa phương cũng tích cực phối hợp phát triển trong các lĩnh vực công thương, nông nghiệp, du lịch, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội tại những khu vực giáp ranh.
Được biết, giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Hải Dương xác định một trong 3 đột phá chiến lược là: Huy động đa dạng các nguồn lực phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, đô thị thông minh và nông thôn mới kiểu mẫu nhằm kết nối hài hòa với các tuyến quốc lộ, đường tỉnh. Điều này không chỉ đáp ứng yêu cầu đi lại tốt hơn của nhân dân, mà còn đi trước một bước, tạo cơ hội tăng cường thu hút đầu tư, thúc đẩy liên kết vùng bền vững.