Ngành xuất bản thực hiện lời căn dặn của TBT Nguyễn Phú Trọng

Truyền thông - Ngày đăng : 13:15, 26/07/2024

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đề cao vai trò của ngành xuất bản, coi đây là hoạt động tư tưởng sắc bén. Thương tiếc Tổng Bí thư, người làm sách càng quyết tâm thực hiện lời căn dặn của người.
Truyền thông

Ngành xuất bản thực hiện lời căn dặn của TBT Nguyễn Phú Trọng

Đức Huy và Phong Khang 26/07/2024 13:15

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đề cao vai trò của ngành xuất bản, coi đây là hoạt động tư tưởng sắc bén. Thương tiếc Tổng Bí thư, người làm sách càng quyết tâm thực hiện lời căn dặn của người.

tbt-1.png
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Thuận Thắng.

Năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi thư chúc mừng nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam, bày tỏ sự quan tâm sâu sắc và đưa ra những chỉ đạo cụ thể để ngành xuất bản tiếp tục phát triển bền vững.

Bức thư này không chỉ là một sự ghi nhận các thành tựu mà còn là nguồn động viên mạnh mẽ, khuyến khích những người làm trong ngành tiếp tục phấn đấu và sáng tạo. Lời dặn của Tổng Bí thư đã được các lãnh đạo nhà xuất bản đón nhận và coi đó là kim chỉ nam cho các hoạt động tương lai.

Trong thư, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh những thành tựu to lớn mà ngành xuất bản đã đạt được trong suốt 70 năm qua. Ông ghi nhận sự đóng góp của ngành xuất bản vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt là trong việc lan tỏa tri thức và nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng.

Nguồn khích lệ, cổ vũ lớn lao cho ngành xuất bản

Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Thế giới Phạm Trần Long cho biết: "Thư chúc mừng 70 năm ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam của Tổng Bí thư thực sự là nguồn động viên, khích lệ, cổ vũ lớn lao cho toàn ngành, bởi lẽ Tổng Bí thư không chỉ điểm lại những thành tựu to lớn mà ngành đã đạt được trong suốt quá trình 70 năm xây dựng và phát triển, mà còn thẳng thắn chỉ ra những đường hướng mà toàn ngành cần phấn đấu trong thời gian tới".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh rằng xuất bản không chỉ là một ngành kinh doanh mà còn là một phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và văn hóa của Đảng và Nhà nước. Sự cân bằng giữa nhiệm vụ chính trị và sản xuất kinh doanh là yếu tố then chốt để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành.

Phó giám đốc Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM Trần Đình Ba chỉ ra: "Nội hàm của thư chúc mừng còn là niềm tin, sự động viên những người làm nghề chúng tôi ‘phát huy những thành tích đã đạt được, luôn luôn giữ vững định hướng chính trị, tư tưởng, bảo đảm hài hòa giữa nhiệm vụ chính trị và sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển mạnh mẽ văn hóa đọc’".

Ông cảm nhận rằng bức thư chúc mừng không chỉ là lời chúc mà còn là sự công nhận của người lãnh đạo cao nhất của Đảng đối với sự phát triển của ngành xuất bản trong suốt 70 năm qua, đặc biệt là trong giai đoạn đất nước còn gặp nhiều khó khăn và thách thức.

Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam Khúc Thị Hoa Phượng cũng chia sẻ: "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là một nhà lý luận, học giả mà còn là một tác giả với hàng chục đầu sách giá trị. Ông luôn đồng cảm, yêu quý và trân trọng sách, trân trọng những người làm nghề xuất bản".

sach-tbt.png
Một số tác phẩm của Tổng Bí thư. Ảnh: Đức Huy.

Đại tá Trần Cao Kiều, Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Công an Nhân dân, nhận định Tổng Bí thư có nhiều tác phẩm quan trọng trong lĩnh vực lý luận chính trị, xây dựng Đảng và quản lý Nhà nước. "Các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ được sử dụng làm tài liệu học tập, nghiên cứu mà còn làm cơ sở lý luận và thực tiễn cho công tác xây dựng Đảng và quản lý nhà nước ở Việt Nam".

Theo ông, sự quan tâm của Tổng Bí thư đối với ngành xuất bản không chỉ là nguồn động viên lớn lao mà còn tạo ra những điều kiện thuận lợi để ngành này phát triển mạnh mẽ hơn. Riêng với công tác xuất bản của ngành công an, điều này góp phần nâng cao nhận thức của người dân về an ninh trật tự và pháp luật, từ đó góp phần ổn định và phát triển xã hội.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, ứng dụng công nghệ trong xuất bản

Một trong những điểm nhấn quan trọng trong thư chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là về việc xây dựng đội ngũ cán bộ xuất bản, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của ngành xuất bản.

Đại tá Trần Cao Kiều, Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Công an Nhân dân - chia sẻ suy nghĩ của mình: "Tôi suy ngẫm về những lời căn dặn của Tổng Bí thư về việc xây dựng đội ngũ những người làm xuất bản: ‘xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác xuất bản, in, phát hành sách có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng; chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng…’".

Ông Trần Cao Kiều cũng nhấn mạnh rằng việc đầu tư vào đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ là yếu tố then chốt để củng cố nền tảng văn hóa của đất nước, bởi "cán bộ là cái gốc của mọi việc", và việc xây dựng đội ngũ cán bộ xuất bản chính là việc quan tâm củng cố vững chắc nền tảng phát triển của ngành xuất bản.

Ngành xuất bản hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức từ sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và truyền thông. Việc áp dụng công nghệ vào quy trình xuất bản và phát hành là một bước đi quan trọng để nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả.

Giám đốc Phạm Trần Long nói thư chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã "khuyến khích ngành xuất bản không ngừng đổi mới, sáng tạo để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả. Đây là một lời động viên quý báu, thúc đẩy các nhà xuất bản tiếp tục tìm kiếm những phương thức mới, hiện đại hóa công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm".

Trong thư chúc mừng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định tầm quan trọng của ngành xuất bản trong việc xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc, nâng cao dân trí qua văn hóa phẩm, trong đó có sách vở. Ông cũng nhấn mạnh rằng ngành xuất bản là một trong những hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Xuất bản gắn liền với văn hóa

Bà Khúc Thị Hoa Phượng nhấn mạnh: "Với di sản hàng chục đầu sách của Tổng Bí thư - nhà lý luận hàng đầu của Đảng, nghiên cứu kỹ, ta sẽ thấy không chỉ đường lối, lý luận của Đảng đã được cụ thể hóa, giản dị, dễ hiểu, dễ thực hiện đối với mỗi cán bộ, mỗi người dân, mà ta còn thấy ở đó tinh thần nhân văn, nỗi đau đáu về vun trồng con người, cái gốc của văn hóa, của quốc gia, dân tộc".

Bà nhận thấy Tổng Bí thư đặc biệt quan tâm đến ngành Xuất bản một phần vì ông là con người của văn hóa, là người từng là biên tập viên, là Tổng biên tập, hiểu và thấu hiểu “chân tơ kẽ tóc” ngành xuất bản. Nhưng theo bà, "quan trọng nhất, nhận thức của Tổng Bí thư luôn nhất quán với quan điểm của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh về ngành Xuất bản". Tổng Bí thư đánh giá cao vai trò của ngành Xuât bản, cho rằng đây "là một trong những hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc".

Ông Trần Đình Ba nhận thấy trong các tác phẩm của Tổng Bí thư, ngoài những dữ liệu thực tế, còn có rất nhiều trích dẫn từ những tác phẩm kinh điển của nhân loại, hay thiết thân hơn là những tác phẩm của nước nhà, như Truyện Kiều, các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh… Điều đó "cho thấy Tổng Bí thư là người coi trọng kiến thức, sách vở. Rộng hơn, là coi trọng sự phát triển văn hóa dân tộc, sự nghiệp nâng cao dân trí qua văn hóa phẩm, trong đó có sách vở".

Ông Phạm Trần Long nhận định: "Là người rất quan tâm đến phát triển văn hóa nói chung và văn hóa đọc nói riêng, cũng là tác giả của nhiều đầu sách giá trị, Tổng Bí thư đã nêu tấm gương sáng ngời để toàn ngành Xuất bản, In và Phát hành tiếp tục nỗ lực hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó, ngày càng 'khẳng định vị thế, vai trò là một trong những hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc' như lời Tổng Bí thư căn dặn".

Ngành xuất bản cách mạng Việt Nam đã trải qua hơn 70 năm hình thành và phát triển với nhiều thành tựu đáng tự hào, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Bức thư chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là sự ghi nhận những đóng góp của ngành xuất bản mà còn là nguồn động viên, khích lệ mạnh mẽ để ngành tiếp tục phát huy truyền thống, nỗ lực đổi mới và phát triển.

Sự quan tâm và chỉ đạo của Tổng Bí thư, cùng với những nỗ lực không ngừng của các nhà xuất bản và những người làm trong ngành, sẽ tiếp tục đưa ngành xuất bản Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc. Những lời dặn dò và chỉ đạo của Tổng Bí thư sẽ là kim chỉ nam để ngành xuất bản vững bước trên con đường phát triển, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Đức Huy và Phong Khang