Ba khó khăn chính của doanh nghiệp Việt khi ứng dụng AI vào sản xuất, kinh doanh
Chuyển động ICT - Ngày đăng : 15:24, 26/07/2024
Ba khó khăn chính của doanh nghiệp Việt khi ứng dụng AI vào sản xuất, kinh doanh
Áp dụng AI vào sản xuất, kinh doanh sẽ giúp tăng năng suất và cải thiện vị thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp (DN). Hiện nay các DN Việt vẫn đang đối mặt với một số khó khăn, cần sự phối hợp giải quyết của các bên liên quan và các chính sách hỗ trợ của chính phủ.
Ngày 26/7, Advantech Việt Nam đã tổ chức Ngày hội công nghệ 2024 với chủ đề về chuyển đổi xanh. Sự kiện đã thu hút sự quan tâm từ giới công nghệ, với sự đồng hành của nhiều đối tác lớn như Toshiba, FPT Software, Techpro iLeap, MediaTek, Next Robotics, OPSWAT, MES Engineering, ETEK Automation, MECarbon…
Các DN thế giới đang tích cực áp dụng AI vào quy trình sản xuất, kinh doanh (SXKD)
Trong phiên hội thảo buổi sáng với chủ đề “Diễn dàn AIoT: Giải pháp và dịch vụ điện toán biên thông minh”, Advantech và các đối tác đã chia sẻ và cập nhật những xu hướng phát triển mới nhất trong kỷ nguyên AI bùng nổ, cùng các giải pháp ứng dụng công nghệ AIoT.
Chia sẻ về về nội dung khai phóng toàn bộ sức mạnh và tối ưu hiệu năng tính toán của Edge AI, ông Edwin Teo, Giám đốc kinh doanh thị trường Embedded IoT (ASEAN) của Advantech Singapore, cho rằng sự phát triển của AI và AI tổng hợp (GenAI) đặt ra những thách thức đáng kể, bao gồm nhu cầu về lượng dữ liệu lớn, quản lý dữ liệu phù hợp và quản lý thiết bị hiệu quả. Vì vậy, ông Edwin Teo nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác và các phương pháp tiếp cận toàn diện để giải quyết các vấn đề trong hệ sinh thái AI, trong đó có cả vấn đề về an ninh mạng.
Trao đổi bên lề hội thảo, ông Đỗ Đức Hậu, Tổng Giám đốc Advantech Việt Nam, cho biết thực tế, AI đang trở thành một xu hướng được áp dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất. Nhiều DN trên thế giới đang tích cực áp dụng AI vào quy trình SXKD của mình. Việc đưa vào các giải pháp AI tiên tiến từ nước ngoài là một xu hướng đáng chú ý và mang lại nhiều lợi ích cho các DN.
Ông Đỗ Đức Hậu cho rằng vấn đề quan trọng hiện nay là làm thế nào để đưa AI vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả vận hành cho các DN Việt Nam. Với yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm và tối ưu hóa quá trình sản xuất, ứng dụng AI trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. AI giúp tối ưu hóa toàn bộ quá trình sản xuất, nâng cao hiệu quả và đáp ứng các yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, các DN Việt Nam đang có phần chậm chân so với các DN quốc tế trong việc triển khai AI vào sản xuất. Không chỉ các DN SXKD chậm ứng dụng AI mà ngay cả các DN cung cấp giải pháp AI cũng có phần đi sau so với quốc tế. Theo ông Hậu, hiện tại các giải pháp AI trong sản xuất phần lớn đến từ các nhà cung cấp nước ngoài. Mặc dù ở Việt Nam cũng đã có nhiều DN phát triển ứng dụng AI cho sản xuất, nhưng những bài toán mà họ giải quyết được vẫn chưa nhiều.
“Tuy vậy, điều đáng mừng là rất nhiều DN Việt Nam đã quan tâm và tích cực phát triển các bài toán ứng dụng AI”, ông Hậu nói. Mặc dù vậy, Giám đốc Advantech Việt Nam cho rằng cần có một môi trường hợp tác sâu hơn giữa các đối tác khác nhau.
“Điều này bao gồm sự hợp tác giữa các đơn vị cung cấp phần cứng, các đơn vị cung cấp nền tảng phần mềm, và các DN sản xuất. Các DN sản xuất cần cởi mở hơn để các nhà phát triển có cơ hội tiếp cận và đưa ra các giải pháp tối ưu”, ông Hậu cho biết.
Bởi vì, việc giải quyết các bài toán AI đòi hỏi người sử dụng phải đưa ra các vấn đề cụ thể của mình và cung cấp dữ liệu cần thiết. Chỉ khi đó, các giải pháp AI mới có thể được phát triển và ứng dụng hiệu quả trong sản xuất, giúp nâng cao hiệu quả và tối ưu hóa quy trình sản xuất.
Ba khó khăn chính của các DN Việt Nam khi áp dụng AIoT
Theo Tổng giám đốc Advantech Việt Nam, các DN sản xuất tại Việt Nam hiện nay đang gặp phải 3 khó khăn chính khi áp dụng AIoT.
Thứ nhất là thiếu dữ liệu. Nguyên nhân là từ trước đến nay, dữ liệu chủ yếu được lưu trữ trên giấy, dữ liệu số còn rất ít, trong khi đó việc xây dựng và đào tạo các mô hình AI lại đòi hỏi lượng dữ liệu lớn. Việc thiếu dữ liệu số khiến cho việc triển khai các giải pháp AI gặp nhiều khó khăn.
Thứ hai là mức độ hiểu biết và sự chấp nhận. Nhiều DN vẫn còn e dè và chưa thực sự cởi mở trong việc tiếp nhận và áp dụng AI. Sự thiếu hiểu biết về lợi ích và cách thức hoạt động của AI dẫn đến tâm lý ngần ngại.
Vấn đề thứ ba là chi phí đầu tư. Theo vị chuyên gia, chi phí để đầu tư vào các giải pháp AI khá cao, và đây là một rào cản lớn đối với nhiều DN sản xuất trong nước.
Ba yếu tố này đang là những rào cản chính khiến việc áp dụng AI trong lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam gặp nhiều trở ngại. Để vượt qua những khó khăn này, ngoài sự phối hợp giữa các bên cung cấp và sử dụng giải pháp, theo ông Đỗ Đức Hậu, rất cần đến các chính sách hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước.
Theo chia sẻ của Tổng giám đốc Advantech Việt Nam, Singapore có một chương trình hỗ trợ rất mạnh mẽ cho các DN triển khai các bài toán AI. Cụ thể, chính phủ Singapore có các quỹ hỗ trợ và DN phát triển AI có thể sử dụng những quỹ này để đưa các giải pháp AI vào thực tế. Thông qua việc phát triển và tài trợ cho các DN sử dụng AI, Singapore đã tạo ra môi trường khuyến khích lớn cho DN, giúp việc áp dụng AI vào sản xuất diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn.
“Việc hỗ trợ từ phía chính phủ không chỉ giúp giảm bớt chi phí đầu tư mà còn tạo điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận và áp dụng các giải pháp AI một cách hiệu quả. Điều này rất cần thiết để thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng AI trong sản xuất tại Việt Nam”, ông Đỗ Đức Hậu nói.
AIoT (Artificial Intelligence of Things) là sự kết hợp giữa hai công nghệ quan trọng là AI và Internet of Things (IoT), tạo ra một môi trường kết nối thông minh và tự động hóa trong các hệ thống và thiết bị. Đưa AI vào sản xuất không chỉ là nhiệm vụ mà còn là cơ hội quan trọng để các DN Việt Nam cải thiện vị thế và cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Các DN cần nhanh chóng nhận thức và hành động để không bị tụt hậu so với xu hướng toàn cầu. Đây là phương hướng phát triển bền vững cho các DN sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt khi các giải pháp hiện đại đang được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới.
Bao gồm hai phiên hội thảo với các chủ đề riêng biệt và triển lãm công nghệ về các giải pháp chuyển đổi số (CĐS), chuyển đổi xanh, đây là sự kiện hàng năm được Advantech Việt Nam tổ chức nhằm cập nhật đến khách hàng những xu hướng công nghệ mới nhất, đồng thời giới thiệu các bài toán ứng dụng công nghệ AIoT, các sản phẩm và giải pháp tiên tiến nhất của Advantech và các đối tác đồng hành.
Sự kiện cũng là cơ hội để khách tham dự giao lưu, trao đổi trực tiếp cùng nhiều chuyên gia, đại diện đến từ các tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước, tiếp nhận thêm nhiều thông tin hữu ích trong hành trình ứng dụng CĐS, chuyển đổi xanh vào DN của mình./.