Thực thi ESG: biến rủi ro thành cơ hội cho doanh nghiệp
Diễn đàn - Ngày đăng : 06:35, 29/07/2024
Thực thi ESG: biến rủi ro thành cơ hội cho doanh nghiệp
Các yếu tố ESG cũng có thể được coi là rủi ro của doanh nghiệp (DN), bởi những yếu tố này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động và tình hình tài chính của công ty. Nhưng nếu DN có chiến lược và quản lý các yếu tố ESG, họ có thể biến rủi ro đó thành cơ hội trong tương lai.
Công nghệ số hỗ trợ mạnh mẽ cho quá trình thực thi ESG
Theo Phó Tổng giám đốc Advantech Việt Nam, ông Ngô Việt Hải, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên nhiều thay đổi và công nghệ số đóng vai trò định hình tương lai. Net Zero không chỉ là một mục tiêu mà còn là cam kết cho tương lai bền vững.
“Để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần thực hiện một hành trình chuyển đổi số mạnh mẽ, thay đổi cách sản xuất, thu hút nguồn lực, quản lý và sử dụng nguồn năng lượng một cách hiệu quả và thiết lập hành trình bền vững”, ông Ngô Việt Hải nói.
Trong thời đại số hóa mạnh mẽ, công nghệ không chỉ là công cụ hỗ trợ mà còn là động lực thúc đẩy sự chuyển đổi sang nền kinh tế bền vững. ESG và công nghệ số khi kết hợp lại tạo ra một sức mạnh tổng hợp, giúp DN vượt qua những thách thức và nắm bắt cơ hội trong quá trình chuyển đổi xanh.
Công nghệ số sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho quá trình thực thi ESG. Cụ thể, công nghệ số có thể cung cấp một loạt các giải pháp để DN đo lường và quản lý hiệu quả các chỉ số ESG. Các phần mềm chuyên dụng giúp thu thập, phân tích và báo cáo dữ liệu về phát thải khí nhà kính, tiêu thụ năng lượng, quản lý chất thải, đa dạng sinh học và các vấn đề xã hội khác.
Nhờ đó, DN có cái nhìn toàn diện về tác động của mình đến môi trường và xã hội, từ đó đưa ra các quyết định kinh doanh sáng suốt hơn.
Ông Sou Wei Tan, Giám đốc Giải pháp WISE-IoT của Advantech ASEAN, cho biết các công ty lớn trên thế giới đã và đang thực hiện chuyển đổi sản xuất xanh. Tuy nhiên, trong quá trình đó, các DN đã đối mặt với những “điểm đau” khi tạo ra một môi trường IoT xanh.
Việc tìm kiếm công nghệ chuyển đổi là một quá trình thách thức và mất nhiều thời gian, yêu cầu DN phải đầu tư ban đầu đáng kể và duy trì liên tục, trong khi lợi nhuận đầu tư có thể không như kỳ vọng. Ngoài ra, DN thiếu chuyên gia tư vấn năng lượng có thể dẫn đến tỷ lệ thành công thấp trong việc áp dụng công nghệ.
Theo ông Hải, mỗi DN và tổ chức cần xác định rõ ràng chiến lược của mình và xây dựng một lộ trình chi tiết để thực hiện các kế hoạch. Nhưng điều quan trọng hơn là phải hành động để hiện thực hóa nó.
Không còn là phong trào, ESG (Environment - Môi trường, Social - Xã hội và Governance - Quản trị) hiện nay được xem là chìa khóa cho sự phát triển mạnh mẽ và dài hạn trong mọi lĩnh vực dành cho DN. ESG giúp tổ chức xác định được các rủi ro, cơ hội, cũng như các nguồn động lực ảnh hưởng khi áp dụng vào vận hành.
ESG có thể có tác động đến tài sản, tình hình tài chính, hoặc danh tiếng của công ty
Hiện nay, các hoạt động mang tính bền vững đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Dù vậy, tiêu chuẩn ESG vẫn còn rất mới mẻ trong cả ba khía cạnh: môi trường, xã hội, và quản trị. Vì vậy, việc thực thi ESG với các DN Việt vẫn còn gặp nhiều vướng mắc.
Thông tin về bối cảnh phát triển bền vững tại Việt Nam và trong khu vực, bà Trần Thị Thu Anh, Phó Giám đốc tư vấn cơ sở hạ tầng, chính phủ và y tế, tư vấn giải pháp ESG cho DN của KPMG Việt Nam cho biết tính bền vững được đo lường bằng 3 tiêu chí chính là môi trường, xã hội và quản trị. Những yếu tố này có thể có tác động đến tài sản, tình hình tài chính, hoặc danh tiếng của công ty.
“Nếu xem xét các yếu tố rủi ro của một DN thì các yếu tố ESG cũng có thể được coi là các rủi ro, bởi những yếu tố này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động và tình hình tài chính của công ty”, bà Thu Anh nói. Tuy nhiên, nếu DN có chiến lược thực hiện và quản lý các yếu tố ESG thì họ có thể biến rủi ro đó thành cơ hội cho DN trong tương lai.
Theo nghiên cứu của KPMG năm 2022, khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện có 7 nước, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc, được xem là những thị trường mà có khoảng 90% các DN đã thực hiện báo cáo phát triển bền vững.
Chia sẻ về việc thực hiện ESG như thế nào, bà Trần Thị Thu Anh cho biết DN cần hiểu và xác định tham vọng về phát triển bền vững của mình. Lãnh đạo các DN khi thực hiện ESG cần tự trả lời những câu hỏi như tôi muốn đến đâu, tôi muốn bền vững đến mức nào, tôi cần phải thực hiện những biện pháp nào, công ty có những cách tiếp cận hoặc chiến lược nào hay sự tham gia của ban lãnh đạo là gì. Khi có sự cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo thì DN mới có định hướng rõ ràng và xây dựng chiến lược.
Theo đó, lộ trình chuyển đổi để thực thi ESG sẽ gồm 3 bước. Đầu tiên là các DN sẽ thực hiện ESG theo phương pháp tiếp cận dựa trên rủi ro, nghĩa là xem ESG là rủi ro và thực hiện các bước để tránh rủi ro đó. Trong bước này, điều quan trọng nhất chính là tuân thủ.
Nghĩa là các công ty sẽ kiểm tra các chính sách ESG của mình xem đã đủ ứng phó với những rủi ro hay chưa, và họ cần hỗ trợ để xác định nên bắt đầu từ đâu. Cấu hình và báo cáo ESG là vấn đề trọng điểm, do đó, các công ty cần hiểu biết về các yêu cầu pháp lý mới và các rủi ro để tuân thủ.
Tuy nhiên, sau khi tuân thủ và loại trừ rủi ro, DN sẽ tiến đến bước thứ hai là thực thi ESG để tạo ra giá trị. Lúc này, DN sẽ lên chiến lược ESG. Theo chuyên gia KPMG, ở bước này, các công ty đang trong giai đoạn hình thành và thực hiện chiến lược ESG và nỗ lực hướng đến việc tích hợp chiến lược này vào mọi hoạt động. Các công ty chủ động giám sát và ứng phó với rủi ro, cũng như cần hướng dẫn pháp lý có quy mô về các vấn đề ESG ban đầu và quản trị.
Sau khi thực hiện chiến lược ESG, DN sẽ đến giai đoạn định hướng mục đích với phương pháp tiếp cận tác động. Mục đích phát triển bền vững sẽ định hướng các quyết định, chính sách và hoạt động của công ty, nhằm nâng cao nhận thức về chiến lược này cho các nhân viên trong công ty. Các công ty liên tục giám sát môi trường làm việc để tìm ra các nhu cầu ESG mới và đáp ứng một cách nhanh chóng.
Tất nhiên, mỗi ngành sẽ có những yếu tố thúc đẩy chuyển đổi ESG khác nhau. Ví dụ, đối với các ngành có mức phát thải cao như xi-măng và thép, việc thay đổi quy trình có thể tạo ra ảnh hưởng lớn đến môi trường và dẫn đến các vấn đề trong chuỗi cung ứng.
Đặc biệt, ngành xuất khẩu may mặc và da giày của Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều quy định nghiêm ngặt liên quan đến phát thải và môi trường ESG. Đây là những yếu tố quan trọng vì thị trường xuất khẩu chính của ngành may mặc và da giày Việt Nam chủ yếu là Mỹ và Châu Âu, nơi có các yêu cầu rất cao đối với quy định về hoạt động của DN trong chuỗi cung ứng.
Rõ ràng, những thay đổi trong quy định, môi trường và chuỗi cung ứng, cùng với việc khan hiếm tài nguyên, hay những thay đổi trong thói quen tiêu dùng và các yêu cầu báo cáo đặc thù đều ảnh hưởng lớn đến hoạt động của DN.
Mức độ ảnh hưởng cũng khác nhau với các DN ở trong những lĩnh vực khác nhau. Để đối phó với các tình huống này, tổ chức cần phải thích ứng với các tình huống cụ thể theo đặc thù của từng ngành và xây dựng các giải pháp phù hợp./.