"Lịch sử chữ Quốc ngữ" còn là những câu chuyện về lịch sử báo chí, văn hóa, giáo dục ở Việt Nam

Truyền thông - Ngày đăng : 08:00, 30/07/2024

Buổi tọa đàm và giới thiệu cuốn sách "Lịch sử chữ quốc ngữ (1615-1919)” diễn ra tại không gian Trung tâm Lưu trữ quốc gia I - Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước mới đây đã giúp bạn đọc hiểu thêm về chữ quốc ngữ, cũng như phần nào về lịch sử báo chí, văn hoá, giáo dục ở Việt Nam trong 1 giai đoạn.
Truyền thông

"Lịch sử chữ Quốc ngữ" còn là những câu chuyện về lịch sử báo chí, văn hóa, giáo dục ở Việt Nam

Thuỳ Lê 30/07/2024 08:00

Buổi tọa đàm và giới thiệu cuốn sách "Lịch sử chữ quốc ngữ (1615-1919)” diễn ra tại không gian Trung tâm Lưu trữ quốc gia I - Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước mới đây đã giúp bạn đọc hiểu thêm về chữ quốc ngữ, cũng như phần nào về lịch sử báo chí, văn hoá, giáo dục ở Việt Nam trong 1 giai đoạn.

toa-dam-sach-quoc-ngu-1.png
TS. Phạm Thị Kiều Ly, PGS. TS. Nguyễn Tuấn Cường và PGS TS Trần Trọng Dương, người điều phối toạ đàm (Ảnh: Omega+)

Trong suốt buổi tọa đàm, TS. Phạm Thị Kiều Ly - tác giả cuốn sách, PGS. TS. Nguyễn Tuấn Cường và PGS. TS Trần Trọng Dương đã có những chia sẻ sinh động và khách quan về bức tranh các loại hình văn tự ở Việt Nam; hành trình ra đời và phát triển chữ quốc ngữ và những kế tục, đóng góp mới trong công trình nghiên cứu "Lịch sử chữ quốc ngữ (1615-1919)".

TS. Phạm Thị Kiều Ly cho biết tác phẩm này được phát triển từ chính luận án tiến sĩ của mình, bảo vệ năm 2018 tại Đại học Sorbonne Nouvelle (Cộng hòa Pháp) và được trao giải thưởng luận án xuất sắc năm 2020 của GIS Asie (Groupement d’intérêt scientifique Études asiatiques - Nhóm nghiên cứu khoa học về châu Á). Sau khi bảo vệ, tác giả đã tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung luận án và xuất bản ở Pháp năm 2022 dưới tựa đề “Histoire de l’écriture romanisée du vietnamien (1615-1919)” (Lịch sử chữ quốc ngữ, 1615-1919”).

Để nghiên cứu về lịch sử chữ Quốc ngữ, ngoài tiếng Pháp thì TS. Phạm Thị Kiều Ly còn biết thêm tiếng Việt và tiếng Việt đó là tiếng Việt cổ, đồng thời là chữ Quốc ngữ cổ và thêm nữa là chữ La-tinh để có được một nghiên cứu đầy đủ nhất về lịch sử hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ.

Cùng với dòng chảy lịch sử, việc ghi âm tiếng Việt bằng chữ Latinh bắt đầu khi các Thừa sai Dòng Tên tới Đàng Trong năm 1615. Vì nhu cầu giao tiếp với người dân bản xứ, các Thừa sai học tiếng Việt với người Việt đồng thời ghi âm tiếng Việt bằng chữ Latin cho dễ nhớ, dễ học. Lối viết này được coi như một công cụ học tiếng Việt của các Thừa sai người châu Âu.

Sau khi Hội thừa sai Paris được thành lập năm 1658, sứ mệnh thiết lập hàng giáo sĩ bản xứ, lối viết tiếng Việt bằng chữ Latin còn là công cụ giao tiếp của các linh mục châu Âu và linh mục người Việt, nhờ đó lối viết này dần hoàn thiện. Những biến cố tôn giáo, chính trị đã đưa lối viết này trở thành văn tự chính thức của Việt Nam mà ngày nay chúng ta gọi là chữ Quốc ngữ.

Tác giả chia sẻ: “Các học giả trước tôi thường nghiên cứu lịch sử chữ Quốc ngữ và liên tưởng tới quá trình văn tự La-tinh hóa tiếng Nhật, tiếng Trung. May mắn thay, nhờ được nhiều thầy dẫn dắt, tôi đã hiểu được rằng, quá trình các Thừa sai ghi các âm tiếng Việt bằng mẫu tự La-tinh nằm trong trào lưu chung của “ngữ học truyền giáo” từ thế kỷ XVI. Tuy nằm trong một trào lưu chung, nhưng việc chữ quốc ngữ trở thành chữ viết chính thức của Việt Nam dưới tác động của bối cảnh chính trị, xã hội lại là một trường hợp đặc biệt ở Đông Á”.

lich-su-chu-quoc-ngu.png

Do đó, bên cạnh việc đúc kết lịch sử chữ quốc ngữ, TS. Phạm Thị Kiều Ly còn lồng vào cuốn sách những câu chuyện về lịch sử truyền giáo, lịch sử - chính trị Việt Nam từ phong kiến tới thời thuộc địa và bảo hộ, và phần nào đó là những câu chuyện về lịch sử báo chí, văn hóa, giáo dục ở Việt Nam một thời đoạn.

Xoay quanh chủ đề hình thành và phát triển của chữ quốc ngữ, PGS. TS Nguyễn Tuấn Cường cũng có một vài chia sẻ để độc giả hình dung bức tranh chung về văn tự, về lịch sử chữ Quốc ngữ.

Theo PGS. TS. Nguyễn Tuấn Cường, Việt Nam có 54 dân tộc, trong đó theo thống kê hiện nay có 33 dân tộc đã có văn tự, còn lại thì chưa có chữ viết cho mình. Đối với Việt Nam, lịch sử ghi nhận có 3 loại văn tự được dùng để ghi chép tiếng Việt là chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Các nhóm văn tự này chịu ảnh hưởng từ các văn tự phái sinh, phái sinh từ nguồn văn tự cổ của Ấn Độ, như là chữ Thái, chữ Chăm,…, phái sinh từ nguồn văn tự của Trung Quốc như là chữ Nôm, chữ Hán và đồng thời cũng chịu ảnh hưởng từ các văn tự có nguồn gốc từ chữ La-tinh. Có thể thấy, mỗi loại chữ viết có thể được coi là biểu trưng cho một thời kỳ của lịch sử dân tộc, bởi nó có bối cảnh lịch sử hình thành, nhằm mục đích khác nhau và thể hiện bản sắc văn hóa riêng.

toa-dam-sach-quoc-ngu-2.png
Tọa đàm nhận được nhiều câu hỏi trao đổi giữa độc giả và diễn giả. (Ảnh: Omega+)

Trả lời nhiều câu hỏi thú vị, sắc sảo của các khách mời và độc giả như về vấn đề sáng tạo và phát triển tiếng Việt trong tương lai của độc giả, PGS. TS. Trần Trọng Dương cho biết rằng cơ chế sản sinh từ vựng của tiếng Việt sẽ làm cho tiếng Việt trở nên giàu có hơn. Bên cạnh đó, việc vay mượn cấu trúc của từ cũng sẽ sản sinh ra những từ vựng mới,…

Với tâm niệm “góp một viên gạch nhỏ vào việc làm sáng tỏ tiến trình lịch sử 400 năm qua” của chữ quốc ngữ và mang những kiến thức này đến với đại chúng, năm 2023, tác giả Phạm Thị Kiều Ly đã xuất bản cuốn truyện tranh về lịch sử chữ quốc ngữ dành cho trẻ em.

Và năm 2024, nhân kỷ niệm 400 năm giáo sĩ Alexandre de Rhodes và Maiorica đến Việt Nam, ấn bản tiếng Việt của công trình “Lịch sử chữ quốc ngữ, 1615-1919” chính thức được xuất bản.

Bên cạnh đó, với mong muốn giới thiệu lịch sử chữ quốc ngữ một cách bình dị, dễ hiểu tới bạn đọc, tác giả TS. Phạm Thị Kiều Ly cũng đồng thời ra mắt tác phẩm “100 câu hỏi về lịch sử chữ quốc ngữ” với một cách tiếp cận khác về chữ quốc ngữ dưới dạng hỏi đáp.

Với cách viết như kể chuyện lịch sử đan xen những phân tích ngôn ngữ, bộ đôi tác phẩm "Lịch sử chữ quốc ngữ (1615-1919)" và “100 câu hỏi về lịch sử chữ quốc ngữ” giúp độc giả dễ dàng nắm bắt và hiểu hơn về nguồn cội chữ viết sử dụng hàng ngày./

Thuỳ Lê