Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Làm lãnh đạo thời chuyển đổi số phải "dung"
Diễn đàn - Ngày đăng : 16:05, 30/07/2024
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Làm lãnh đạo thời chuyển đổi số phải "dung"
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, "làm lãnh đạo thời chuyển đổi số thì phải dung được nhân viên để hiểu, dung được sự thay đổi".
“Bàn về lãnh đạo thời chuyển đổi số” là nội dung chuyên đề được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi với trưởng các đơn vị thuộc Bộ TT&TT tại Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quản lý cấp Vụ trưởng và tương đương thuộc Bộ TT&TT ngày 30/7/2024.
Tại lớp bồi dưỡng, 38 lãnh đạo là cấp trưởng và tương đương của các đơn vị thuộc Bộ TT&TT đã được chia sẻ về 8 nội dung: Sự khác nhau về triết lý Đông và Tây; Học hỏi và học hành thời chuyển đổi số (CĐS); Quản lý và lãnh đạo là một cặp; Nhà quản lý trở thành nhà lãnh đạo; Đảng ta nói về Lãnh đạo; Lãnh đạo thời CĐS: chuyển từ tư duy ứng dụng CNTT sang tư duy CĐS; Định nghĩa lại lãnh đạo thời CĐS; CĐS quốc gia.
Tham dự lớp bồi dưỡng có các Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, Phạm Đức Long, Nguyễn Huy Dũng.
Định nghĩa lại lãnh đạo cho thời CĐS
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định sự thay đổi về bối cảnh công nghệ, văn hoá và giá trị xã hội được tạo ra từ việc chuyển dịch sang môi trường mới là môi trường số, một môi trường hoàn toàn mới cho mọi hoạt động của con người sống, làm việc sáng tạo, vui chơi giải trí.
Sự thay đổi mang tính phá huỷ khi các công nghệ số, các mô hình mới tạo ra nhiều sự thay đổi mang tính phá huỷ cái cũ.
“Những đổi mới kỹ thuật số diễn ra ngày càng nhanh. Những thay đổi ngày càng gia tăng, khó dự đoán, mang tính phá huỷ này khiến người lãnh đạo thay đổi cách tiếp cận để phù hợp với yêu cầu của thời đại”, Bộ trưởng nhận định.
Bốn năng lực người lãnh đạo thời kỳ CĐS cần phải có là: Khiêm tốn, thích nghi, tầm nhìn xa và khả năng tương tác.
Bộ trưởng cho rằng người lãnh đạo giống như một người lái xe, phải có tầm nhìn xa, có ngôi sao dẫn lối. Có tầm nhìn xa nghĩa là tập trung vào dài hạn. Mặc dù nhiều thứ không rõ ràng trong ngắn hạn, nhưng người lãnh đạo phải có tầm nhìn xa một cách rõ ràng.
Trong thời CĐS, mọi thứ thay đổi nhanh, công nghệ mới, mô hình mới càng mang tính phá huỷ thì càng phải xác định tầm nhìn và kiên định với nó. Xác định tầm nhìn và trung thành với nó ngay cả khi chưa biết cách nào để đạt được nó. Thích ứng với những thay đổi ngắn hạn, nhưng kiên định với tầm nhìn dài hạn. Một tầm nhìn rõ ràng thì quan trọng hơn một kế hoạch chi tiết, vì kế hoạch chi tiết này có thể bị thay đổi vào ngày mai.
Lãnh đạo thời CĐS: chuyển từ tư duy ứng dụng CNTT sang tư duy CĐS
Bộ trưởng nhấn mạnh sự cần thiết của chuyển đổi tư duy. Theo đó, “người lãnh đạo phải chuyển từ ứng dụng công nghệ sang thay đổi cách làm việc”.
Theo Bộ trưởng, nói đến công nghệ thông tin (CNTT) là nói đến ứng dụng CNTT. Nó giống như một công cụ. CNTT cung cấp một công cụ để thực hiện tự động hoá một việc cũ, một cách làm cũ, một quy trình cũ. CĐS thì chuyển đổi là danh từ, số là tính từ. Chuyển đổi cách làm là chính, là mục tiêu, công nghệ số chỉ là phương tiện.
Làm lãnh đạo thì phải dung để hiểu
Trao đổi với các lãnh đạo cấp trưởng đơn vị của Bộ về triết lý phương Đông và phương Tây, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn các lãnh đạo đơn vị dung hoà giữa hai triết lý sẽ giúp lãnh đạo các đơn vị làm tốt công việc của mình.
Làm lãnh đạo thời CĐS thì phải dung được người, dung được sự thay đổi. Dung nghĩa là hiểu. Muốn vậy, phải dung được hai phương thức tư duy phương Đông và phương Tây: suy luận và trực giác; phân tích và tổng hợp; chủ thể và khách thể; Mâu thuẫn và hoà đồng; tri và hành; duy và tương, động và tĩnh; ngoại và nội; vật đạo và thiên đạo; chắc chắn và may rủi… Hai cách tư duy này bổ sung cho nhau.
Đề cập đến phương thức tư duy “mâu thuẫn và hoà đồng”, Bộ trưởng cho rằng người phương Tây lấy mâu thuẫn để phát triển, người phương Đông dựa vào hoà đồng để phát triển. Mâu thuẫn có thể giúp mọi người cải tiến hoặc tìm ra các giải pháp tốt hơn cho các vấn đề, trong khi hoà đồng có thể giúp cho mọi người làm việc với nhau một cách hiệu quả và tổng thể hơn. Bản chất cuộc sống là mâu thuẫn. Mâu thuẫn là động lực phát triển. Sống hoà đồng là hoà đồng với thiên nhiên, với con người.
Đối với phương thức “Tri và hành”, Bộ trưởng cho rằng đây là tạo ra sự cân bằng giữa tương lai và hiện tại, giữa suy nghĩ và hành động. Tri là lý luận để hiểu, tìm hiểu để thoả mãn lý trí, lý luận nhiều, tranh luận để hiểu. Hành là hành động, làm để hiểu, hành đạo mới trở nên hiền triết. Hành thì ngộ.
Đối với “Phân tích và tổng hợp”, người phương Tây giỏi về phân tích. Phân tích là việc chia nhỏ, xẻ nhỏ để dễ hiểu hơn. Tổng hợp là quá trình cộng lại để hiểu. Người phương Đông giỏi tổng hợp.
Theo Bộ trưởng, việc kết hợp tốt hai cách tư duy phương Tây và phương Đông sẽ giúp người lãnh đạo lãnh đạo một tổ chức ổn định, bền vững. “Người lãnh đạo dung để hiểu người khác, cấp dưới. Người lãnh đạo hãy ở vào vị thế của nhân viên để hiểu được suy nghĩ, hành động của họ. Điều này đúng với mỗi đơn vị, tổ chức. Trong ban lãnh đạo đơn vị, phải có những con người khác nhau, có những ý kiến, phản biện, trao đổi đa góc nhìn để tổ chức, cơ quan phát triển bền vững, hoàn chỉnh và vận động”.
Một điểm mấu chốt được Bộ trưởng nhấn mạnh với lãnh đạo các đơn vị là cần lưu ý chữ “và” thay vì chữ “hoặc”. “Và” là dung và thống nhất. Mọi người trong tổ chức cùng tồn tại, cùng sống, cùng hưởng thụ, cùng trong một ngôi nhà và thấy được cái hay của nhau, không miễn cưỡng./.