Tuyến bài trợ lý ảo AI: Bài 2 Hiệu quả từ thực tiễn triển khai trợ lý ảo tại TAND huyện Cái Bè

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 06:13, 02/08/2024

Nhờ ứng dụng phần mềm trợ lý ảo trong công tác giải quyết án, chất lượng xét xử của các thẩm phán tại Toà án nhân dân (TAND) huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đã được nâng cao, tỷ lệ án hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan được giảm xuống.
Chuyển đổi số

Tuyến bài trợ lý ảo AI: Bài 2Hiệu quả từ thực tiễn triển khai trợ lý ảo tại TAND huyện Cái Bè

Hoàng Linh 02/08/2024 6:13

Nhờ ứng dụng phần mềm trợ lý ảo trong công tác giải quyết án, chất lượng xét xử của các thẩm phán tại Toà án nhân dân (TAND) huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đã được nâng cao, tỷ lệ án hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan được giảm xuống.

“Thư ký” đắc lực cho thẩm phán TAND huyện Cái Bè

Trong những năm trở lại đây, số lượng cũng như tính chất phức tạp, đa dạng của các vụ án ngày càng gia tăng như số lượng biên chế thẩm án tại toà án các cấp không thay đổi dẫn đến các thẩm án phải chịu nhiều áp lực trong công việc, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án.

tand-cai-be.png
TAND huyện Cái Bè xét xử trực tuyến một vụ án. (Ảnh: thtg.vn)

Đối với TAND huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang số lượng thụ lý giải quyết văn bản rất cao. Hàng năm, đơn vị phải giải quyết trên 2000 vụ việc, thụ lý, cụ thể năm 2023, đơn vị đã thụ lý 2146 vụ việc, đã giải quyết được 1839 vụ việc, đạt tỷ lệ 85,69%. Bình quân hàng năm, mỗi thẩm phán phải giải quyết trên 131 vụ việc, 1839 vụ việc/14 thẩm phán, cao gần gấp đôi tỷ lệ giải quyết theo quy định của Toà án nhân dân tối cao (TANDTC).

Tại hội nghị giới thiệu mô hình chuyển đổi số thành công cấp Bộ, ngành, tháng 6/2024, bà Trần Tú Anh, Chánh án TAND huyện Cái Bè cho biết một trong những khó khăn đối với thẩm phán khi nghiên cứu giải quyết các vụ việc là việc sử dụng CNTT để hỗ trợ chuyên môn như tra cứu, tìm kiếm nhanh các văn bản quy phạm pháp luật từ nguồn tin cậy trên Internet hoặc tìm kiếm các án lệ, bản án, quyết định của toà án đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử (TTĐT) TANDTC để tham khảo.

Trước đây, để tìm kiếm các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), thẩm phán thường phải sử dụng công cụ tìm kiếm phổ biến như Google, do đó gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP ngày 16/3/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về việc công bố bản án, quyết định trên Cổng TTĐT của Toà án, thẩm phán phải mã hoá thông tin đối với các bản án để đăng tải lên Cổng TTĐT TANDTC.

cong-ttdt-tandtc.png
Cổng TTĐT TANDTC.

“Đây là công việc đòi hỏi nhiều thời gian, công sức để thực hiện. Thẩm phán buộc phải ghi nhớ, vừa phải thực hiện mã hoá nội dung, thông tin đảm bảo đúng quy định, nhất là những vụ án có số lượng đương sự nhiều, các đương sự trùng tên, bản án dài thì thẩm phán phải mất vài ngày mới mã hoá xong 1 bản án”, bà Trần Tú Anh cho hay.

Để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của thẩm phán thông qua việc ứng dụng công nghệ số, năm 2022 được sự hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Tập đoàn Viettel, TANDTC đã triển khai thử nghiệm phần mềm trợ lý ảo đóng vai trò như một thư ký riêng, được lập trình am hiểu pháp luật và chuyên môn nghiệp vụ của tòa án, làm việc 24/7 và luôn bên cạnh thẩm phán, giao tiếp với thẩm phán bằng ngôn ngữ tự nhiên thông qua điện thoại di động, máy tính cá nhân.

Từ thực tiễn triển khai trợ lý ảo tại TAND huyện Cá Bè, tỉnh Tiền Giang, bà Trần Tú Anh cho biết quá trình sử dụng, khai thác phần mềm trợ lý ảo đã được các thẩm phán, thư ký sử dụng, khai thác thường xuyên. Hiệu quả mang lại là sự hỗ trợ tra cứu văn bản pháp luật thông qua ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, giúp thẩm phán có đầy đủ thông tin về quy định của pháp luật có liên quan tới vấn đề cần tra cứu, mang tính ứng dụng cụ thể, hỗ trợ thẩm phán soạn thảo một số văn bản tố tụng mang tính biểu mẫu chuẩn, rà soát lại chính tả và kỹ thuật văn bản, mã hoá bản án trước khi đăng tải trên Cổng TTĐT.

Trước đây, với nội dung này phải mất ít nhất 1- 5 giờ, nhiều vụ án lớn, đông đương sự, bị cáo thì mất 1 - 2 ngày nhưng giờ đây với trợ lý ảo hỗ trợ chỉ trong vài giây.

Đặc biệt, bà Trần Tú Anh cho biết trợ lý ảo cung cấp các tính năng hữu ích cho các thẩm phán, nhất là các thẩm phán mới vào nghề, hỗ trợ lên kế hoạch, đưa ra trình tự các bước giải quyết vụ án và giúp theo dõi được tiến trình giải quyết vụ án, cũng như cảnh báo về thời hạn giải quyết vụ án, qua đó giúp thẩm phán tránh được các lỗi vi phạm tố tụng.

Và một tính năng rất hữu ích nữa là thẩm phán chỉ cần cung cấp một số tính huống pháp lý của vụ án, sau đó trợ lý ảo sẽ tổng hợp, chỉ dẫn các văn bản QPPL liên quan đến vụ án, đưa ra được các tình huống pháp lý đã được Hội đồng thẩm phán TANDTC giải đáp sát với nội dung vụ án, cùng các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC, các bản án đã có hiệu lực pháp luật, các toà án có các tình huống pháp lý giống với vụ án đang giải quyết để tham khảo.

Với tính năng này giúp cho việc áp dụng pháp luật được thống nhất, tránh cùng một hành vi pháp lý mỗi toà án áp dụng lại có kết quả giải quyết khác nhau”, bà Trần Tú Anh nhấn mạnh.

Từ khi triển khai phần mềm trợ lý ảo đến ngày 31/5/2024, TAND huyện Cái Bè đã thực hiện 119.369 lượt sử dụng, tra cứu, đứng thứ 4 toàn quốc, chiếm gần 60% tổng số lượt sử dụng, tra cứu của toàn tỉnh, góp phần cho TAND tỉnh đứng hạng 5 toàn quốc. Đơn vị có 3.575 câu hỏi tình huống pháp lý được duyệt, chiếm tỷ lệ 16,42%; 2.575/21.766 câu hỏi pháp lý được duyệt trên toàn hệ thống. Đơn vị cũng có 643 câu hỏi trao đổi chuyên môn nghiệp vụ được duyệt, có hơn 55.000 lượt bình luận, trao đổi chuyên môn.

Nhờ ứng dụng phần mềm trợ lý ảo trong công tác giải quyết án, bà Trần Tú Anh khẳng định chất lượng xét xử của các thẩm phán được nâng cao, tỷ lệ án hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan được giảm xuống. Cụ thể, năm 2023, đơn vị có án hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan là 11 vụ, tỷ lệ là 0,35%. Trong 6 tháng đầu năm 2024, đơn vị có án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan là 3 vụ, tỷ lệ 0,21%.

tro-ly-ao-toa-an-2.jpg
Hình ảnh minh họa trợ lý ảo toà án.

Nhìn lại việc triển khai trợ lý ảo toà án đã được TANDTC triển khai trong toàn hệ thống ngay từ đầu năm 2022, bà Trần Tú Anh cho biết trợ lý ảo có những tính năng tương tự như chatGPT, nhưng tập trung vào các nhiệm vụ hỗ trợ chuyên ngành cho hệ thống tòa án, với những nguồn thông tin, dữ liệu chính thống, tin cậy do chính toà án xây dựng và tạo lập và hiện nay đang trở thành công cụ đắc lực cho thẩm phán.

Để phần mềm thông minh hơn, bà Trần Tú Anh đề nghị trợ lý ảo có thêm chức năng hỗ trợ thẩm phán xây dựng sơ đồ tư duy đối với vụ án, hỗ trợ thư ký phiên toà trong việc ghi biên bản, hỗ trợ thẩm phán viết bản án, quyết định, bổ sung chức năng giám định tư pháp, xem và cập nhật trợ lý ảo cho mọi đối tượng sử dụng, nhất là người dân, qua đó từng bước giúp người dân tiếp cận, hưởng thụ nền tư pháp hiện đại.

Hỗ trợ hiệu quả công tác xét xử

Theo đánh giá của TANDTC, quá trình ứng dụng trợ lý ảo từ năm 2022 đến nay đã hỗ trợ các thẩm phán rất nhiều trong công tác xét xử. Việc ứng dụng trợ lý ảo AI trong hoạt động tòa án giúp giải quyết được một số vấn đề nội tại như:

Một là, mỗi thẩm phán đều có riêng một “thư ký ảo”. Trước đây tiêu chi phân bổ biên chế cho TAND là 2 thư ký/1 thẩm phán, tức là cứ 1 thẩm phán thì cần 2 thư ký giúp việc cả về hành chính và chuyên môn. Với việc ứng dụng AI giúp tạo ra 1 “thư ký ảo” hỗ trợ công việc chuyên môn cho hàng ngàn thẩm phán trong mọi lúc, mọi nơi, với “bộ óc” mà các thông tin luôn được cập nhật thường xuyên với độ chính xác cao.

Hai là, giúp tất cả các thẩm phán tra cứu, áp dụng pháp luật đầy đủ, chính xác cho mỗi vụ việc cụ thể; hướng dẫn thẩm phán thực hiện các hoạt động tố tụng đúng trình tự, thủ tục, nhanh chóng, kịp thời, đúng quy định pháp luật; giúp các thẩm phán áp dụng đúng và thống nhất pháp luật, từ đó ra các quyết định đúng bản chất sự việc.

Ba là, giúp số hóa nguồn tài nguyên tri thức từ kinh nghiệm xét xử của các thẩm phán.

Bốn là, giúp nâng tầm tri thức của các thẩm phán. Vì trợ lý ảo được các thẩm phán cùng tham gia huấn luyện, nên khi trợ lý ảo đạt được trình độ ở mức nào, thì tất cả các thẩm phán đều được nâng tầm lên trên mức đó. Ví dụ, trong một cơ quan, mức độ tri thức của mọi người trong khoảng thang đo từ 1 - 10. Người giỏi nhất được 10, người thấp nhất được 1. Như vậy, khi huấn luyện ra một trợ lý ảo thì tri thức của trợ lý ảo sẽ ở mức cao nhất, tức là có mức độ tri thức là 10, thì toàn bộ mọi người trong cơ quan đó được nâng tầm tri thức lên 10.

Năm là, tạo sự đồng thuận và giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và xã hội. Phát triển cao của trợ lý ảo là khi có tình tiết pháp lý thì trợ lý ảo sẽ đưa ra kết quả giải quyết tình huống pháp lý đó (chức năng đoán định tư pháp). Thông qua chức năng này, người dân chỉ cần cung cấp các tình huống, hành vi pháp lý của vụ việc, hệ thống sẽ phân tích và dự đoán kết quả tố tụng. Từ đó, người dân nắm được bản chất pháp lý của mình để quyết định khởi kiện hoặc không khởi kiện, tránh tốn kém thời gian, công sức và chi phí khi không còn phát sinh các khiếu kiện, tranh chấp yêu cầu tòa án giải quyết.

Để làm giàu tri thức của trợ lý ảo, ngoài việc trợ lý ảo học tập từ phân tích các bản án, quyết định đã có hiệu lực được đăng tải trên Cổng TTĐT TANDTC và thông qua hoạt động cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật thì Lãnh đạo TANDTC cũng đặt ra chỉ tiêu cho mỗi thẩm phán trong năm phải đề xuất ít nhất 1 tình huống pháp lý và cách giải quyết để tương tác, làm giàu tri thức cho trợ lý ảo.

Đến nay, đã có 173.206 văn bản pháp luật, 27.610 câu hỏi giải đáp tình huống pháp lý và 1,4 triệu bản án được tích hợp vào trợ lý ảo.

Trên toàn hệ thống, 14.936 tài khoản sử dụng trợ lý ảo đã được cấp cho các cán bộ công chức có chức danh tư pháp; số lượng hỏi đáp có tổng số 5.780.190 lượt hỏi đáp, trung bình từ 10.000 - 15.000 lượt/ngày; Số lượng sử dụng tính năng mã hóa bản án là gần 500 lượt sử dụng mã hóa/ngày./.

Hoàng Linh