Báo chí tiếp tục CĐS để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phục vụ nhiệm vụ chính trị và thông tin thiết yếu
Truyền thông - Ngày đăng : 14:13, 01/08/2024
Báo chí tiếp tục CĐS để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phục vụ nhiệm vụ chính trị và thông tin thiết yếu
Chuyển đổi số (CĐS) không chỉ là lựa chọn mà là nhiệm vụ cấp bách của mỗi cơ quan báo chí, truyền thông nhằm đáp ứng nhanh chóng nhu cầu thông tin của công chúng, phù hợp với xu thế thời đại và tối ưu hóa nguồn lực phát triển của ngành báo, giúp nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền, phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu của cơ quan báo chí đến với công chúng nhanh nhất.
Tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với các cơ quan báo chí
CĐS là xu thế công nghệ toàn cầu đang tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Trong lĩnh vực báo chí, chuyển đổi số không chỉ là lựa chọn mà là yêu cầu cấp thiết để các cơ quan báo chí nâng cao tính chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn. Mục tiêu của CĐS trong báo chí là thực hiện tốt sứ mệnh thông tin và tuyên truyền, góp phần vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và công cuộc đổi mới đất nước. CĐS giúp báo chí giữ vững vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, đảm bảo chủ quyền thông tin trên không gian mạng, cải thiện và đổi mới trải nghiệm của độc giả, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp nội dung số.
Trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt với mạng xã hội, nơi thông tin được truyền tải nhanh chóng, đa dạng và dễ dàng được chia sẻ khó kiểm soát, các cơ quan báo chí phải nhanh chóng đón đầu xu thế CĐS. Điều này không chỉ giúp các cơ quan báo chí tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin của công chúng và phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại.
CĐS giúp tối ưu hóa các nguồn lực, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền và phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu của báo chí. Đòi hỏi sự nỗ lực và sáng tạo không ngừng của các cơ quan báo chí, nhằm tạo ra những sản phẩm thông tin chất lượng, hấp dẫn và kịp thời, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Những thành tựu đạt được trong chuyển đổi số của các cơ quan báo chí
Hiện nay, một số cơ quan báo chí đi đầu trong CĐS với sự ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud), và dữ liệu lớn (Big Data). Những công nghệ này đang tạo ra môi trường phát triển mới cho báo chí, theo các xu hướng như cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo và các siêu tác phẩm báo chí.
Một số cơ quan báo chí đã rất thành công, trở thành những đơn vị báo chí đa phương tiện hiện đại như Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), cùng với các trang báo điện tử như VietnamPlus, VnExpress và Zing.
Đáng chú ý là Hệ sinh thái thông tin kinh tế VTV Money của Đài Truyền hình Việt Nam. Hệ sinh thái này bao gồm 7 chương trình (Tài chính kinh doanh, Tạp chí kinh tế cuối tuần, Dòng chảy tài chính, Khớp lệnh, Bí mật đồng tiền, Tự do tài chính, Landshow) được thực hiện trực tuyến trên 6 nền tảng (1 báo điện tử, 4 trang Fanpage và 1 kênh YouTube) cùng một trang thông tin điện tử. Trung tâm của hệ sinh thái này là hệ thống Bản tin Tài chính kinh doanh trên sóng. Ngoài hệ thống tin bài trên báo điện tử VTV News, VTV Money còn tập trung đẩy mạnh truyền thông trên nền tảng số, nhằm tiếp cận khán giả, độc giả và nhà đầu tư mọi lúc, mọi nơi, trên nhiều thiết bị khác nhau, với mục tiêu hướng đến sự uy tín, chuyên sâu và kịp thời.
Báo Nhân dân cũng đã có những thay đổi đáng kể trong vài năm gần đây. Báo đã chuyển sang quan niệm "digital first" - ưu tiên đưa nội dung lên nền tảng số trước, thậm chí là "social first" - đẩy nhiều nội dung lên mạng xã hội ngay khi chưa hoàn thiện để tiếp cận độc giả nhanh chóng. Đặc biệt, Báo Nhân dân đã xuất hiện trên TikTok - một nền tảng phổ biến với thế hệ Z (13-18 tuổi). Những nội dung về chính trị xã hội, tưởng chừng khô khan, lại thu hút sự quan tâm đáng kể của người xem trên nền tảng này.
Ở các tỉnh, địa phương đạt được những thành tựu nhất định trong công cuộc CĐS tại các cơ quan báo chí. Như báo Thái Bình đã có nhiều thay đổi về nội dung, hình thức thể hiện, hạ tầng kỹ thuật và phương tiện tác nghiệp. Báo đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào mọi hoạt động, tạo tiền đề bắt nhịp với công cuộc chuyển đổi số. Hiện tại, Báo Thái Bình có ấn phẩm báo in phát hành hàng ngày và báo điện tử với các hình thức thể hiện đa dạng như phát thanh, truyền hình, infographic, e-magazine, longform…, đáp ứng yêu cầu xây dựng Báo Thái Bình trở thành cơ quan truyền thông đa phương tiện.
Những bước tiến này minh chứng cho sự đổi mới không ngừng của báo chí Việt Nam trong việc bắt nhịp với xu hướng CĐS, mang lại trải nghiệm phong phú và nhanh nhất đến công chúng.
Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phục vụ nhiệm vụ chính trị và thông tin thiết yếu của báo chí trong thời đại kỷ nguyên số
Thứ nhất, tăng cường công tác quản lý nhà nước về báo chí và truyền thông
Báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin, giám sát và phản biện xã hội, cũng như giáo dục và định hướng dư luận. Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ hiện đại và sự bùng nổ nhanh chóng của các phương tiện truyền thông xã hội, việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về báo chí và truyền thông trở nên cấp thiết.
Cần “sắp xếp lại hệ thống báo chí, đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo và quản lý báo chí, phát triển hệ thống báo in, báo hình, báo nói và báo điện tử. Xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng dư luận xã hội”.
Thứ hai, phát triển kỹ thuật và hạ tầng hiện đại phục vụ công tác báo chí và truyền thông
Kỷ nguyên truyền thông số yêu cầu hạ tầng công nghệ thông tin phải đáp ứng đầy đủ điều kiện và năng lực để phát triển các cơ quan báo chí và truyền thông số, đồng thời chuyển dần từ in ấn sang phát hành báo chí số để kịp thời phục vụ nhu cầu của độc giả.
Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6/4/2023 phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí trở nên chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Chiến lược này đặt ra yêu cầu về việc thực hiện sứ mệnh thông tin và tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và sự nghiệp đổi mới của đất nước, bảo đảm vai trò dẫn dắt và định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng, đồng thời đổi mới trải nghiệm của độc giả, tạo nguồn thu mới và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số. Đầu tư và nâng cấp kỹ thuật để hỗ trợ các cơ quan báo chí triển khai các hình thức truyền thông mới, đa nền tảng, bao gồm truyền hình, radio, báo chí trực tuyến, podcast và các nền tảng truyền thông xã hội.
Mục tiêu của Chiến lược là thúc đẩy quá trình CĐS trong các cơ quan báo chí, phù hợp với từng loại hình báo chí, đồng thời đổi mới phương thức vận hành và quản lý. Việc áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung sẽ góp phần nâng cao hiệu quả tiếp cận độc giả và tối ưu hóa hoạt động báo chí trong thời đại số.
Thứ ba, nâng cao năng lực nghề nghiệp của người làm báo trong thời đại số
Sự phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng như phim ảnh, đài phát thanh, truyền hình, báo mạng và các phương tiện truyền thông mới đòi hỏi người làm báo ngày càng phải nâng cao kỹ năng, năng lực và nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển các sản phẩm báo chí mới trên nền tảng truyền thông hiện đại.
Để tiếp cận mọi đối tượng độc giả và đáp ứng các nhu cầu thông tin đa dạng của công chúng hiện đại, cần xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới. Đặc biệt, đội ngũ phóng viên và biên tập viên cần có kiến thức chuyên môn sâu về các lĩnh vực mà họ phụ trách./.