Thông tin sai lệch khiến bạo lực bùng phát sau vụ đâm dao ở Anh

An toàn thông tin - Ngày đăng : 12:13, 01/08/2024

Ngày 29/7, tại một trường dạy nhảy thuộc thị trấn Southport, Vương quốc Anh, một kẻ cầm dao đã xông vào khuôn viên trường và tấn công nhiều người tại đây. Vụ việc đã khiến 3 trẻ em đã thiệt mạng và nhiều người bị thương.
An toàn thông tin

Thông tin sai lệch khiến bạo lực bùng phát sau vụ đâm dao ở Anh

Ngọc Diệp 01/08/2024 12:13

Ngày 29/7, tại một trường dạy nhảy thuộc thị trấn Southport, Vương quốc Anh, một kẻ cầm dao đã xông vào khuôn viên trường và tấn công nhiều người tại đây. Vụ việc đã khiến 3 trẻ em đã thiệt mạng và nhiều người bị thương.

bao-luc-anh.jpg

Vài giờ sau vụ tấn công xảy ra, một cái tên giả của một nghi phạm đã lan truyền trên mạng xã hội. Ngay sau đó, những người biểu tình bạo lực đã đụng độ với cảnh sát bên ngoài một nhà thờ Hồi giáo gần đó. Hàng chục cảnh sát đã bị thương khi đám đông người biểu tình quá khích ném gạch, đá... vào cảnh sát.

Theo Cơ quan y tế địa phương, đụng độ đã khiến 39 cảnh sát bị thương, trong đó 8 người bị gãy xương, rách da, nghi ngờ gãy mũi và chấn động não. Những người khác bị thương ở đầu, chấn thương nghiêm trọng ở mặt và một người bất tỉnh.

Cảnh sát cho biết cái tên đó cũng như tin đồn rằng nghi phạm 17 tuổi là người xin tị nạn mới đến Anh là giả. Cơ quan điều tra cho biết nghi phạm sinh tại Cardiff, xứ Wales, trong một gia đình từ Rwanda đến Anh vào năm 2002. Tuy nhiên, theo luật pháp Anh, nghi phạm không được nêu danh tính công khai cho đến khi bị buộc tội và do đang ở tuổi vị thành niên. Một số nhà hoạt động đã lợi dụng điều đó để ám chỉ cảnh sát đang che giấu thông tin về kẻ tấn công.

Nhà lập pháp địa phương Patrick Hurley cho biết đã có "hàng trăm người đổ về thị trấn, đổ về Southport từ các khu vực bên ngoài với mục đích gây rắc rối - hoặc vì họ tin vào những gì họ đọc, hoặc vì họ là những kẻ xấu đã tung ra thông tin ngay từ đầu, với hy vọng gây chia rẽ cộng đồng".

Một trong những kênh đầu tiên đưa tin về cái tên giả, Ali Al-Shakati, là Channel 3 Now, một tài khoản trên nền tảng truyền thông xã hội X tự nhận là kênh tin tức. Một trang Facebook cùng tên cho biết trang này do những người ở Pakistan và Mỹ quản lý.

“Một số đối tượng chỉ nhằm mục đích tạo ra lưu lượng truy cập, có thể là để kiếm tiền", ông Sunder Katwala, Giám đốc Tổ chức Tương lai Anh (một tổ chức tư vấn độc lập về các vấn đề đa dạng) cho biết. The đó, thông tin sai lệch đã được lan truyền xa hơn bởi những người cam kết với phe cực hữu trong nước Anh.

Các chính phủ trên khắp thế giới, bao gồm cả Anh, đang phải đối mặt với việc hạn chế các tài liệu độc hại trực tuyến. Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Nội vụ Anh Yvette Cooper cho biết thông tin sai lệch liên quan đến vụ việc đã được chia sẻ rộng rãi trong những giờ qua. Bà cảnh báo không nên lợi dụng vụ giết hại 3 bé gái để kích động chia rẽ và phát tán thông tin sai lệch trên các nền tảng xã hội.

Cũng theo Bộ trưởng Yvette Cooper, các công ty truyền thông xã hội "cần phải chịu một phần trách nhiệm" đối với nội dung trên các trang web của họ.

Theo ông Sunder Katwala, các nền tảng mạng xã hội như Facebook và X đã nỗ lực "giảm thiểu" thông tin sai lệch theo thời gian thực sau vụ xả súng hàng loạt tại hai nhà thờ Hồi giáo ở Christchurch, New Zealand, vào năm 2019.

Tuy nhiên, trong vụ việc lần này, tin đồn về vụ tấn công đã lan truyền. Cảnh sát Merseyside đã đưa ra một tuyên bố cho biết tên của nghi phạm trên các nền tảng truyền thông xã hội là không chính xác, nhưng chỉ cung cấp rất ít thông tin về anh ta ngoài tuổi và nơi sinh của anh ta là Cardiff, xứ Wales./.

Ngọc Diệp