Đẩy mạnh phát triển du lịch biển, đảo Việt Nam một cách bền vững

Truyền thông - Ngày đăng : 10:27, 01/08/2024

Việt Nam là một quốc gia giàu tiềm năng để phát triển du lịch biển, đảo. Trong những năm qua, du lịch biển, đảo đã nhận được sự quan tâm đầu tư và trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Tuy nhiên, để khai thác tối đa thế mạnh này, vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức cần vượt qua.
Truyền thông

Đẩy mạnh phát triển du lịch biển, đảo Việt Nam một cách bền vững

Quỳnh Trang 01/08/2024 10:27

Việt Nam là một quốc gia giàu tiềm năng để phát triển du lịch biển, đảo. Trong những năm qua, du lịch biển, đảo đã nhận được sự quan tâm đầu tư và trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Tuy nhiên, để khai thác tối đa thế mạnh này, vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức cần vượt qua.

Tầm quan trọng của ngành du lịch biển, đảo đối với đời sống và kinh tế Việt Nam

Việt Nam tự hào với bờ biển dài hơn 3.260 km, sở hữu hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ và khoảng 125 bãi biển tuyệt đẹp. Những bãi cát trắng mịn và các vịnh biển hoang sơ trải dài từ Bắc vào Nam đã làm say lòng biết bao du khách trong và ngoài nước. Nhiều điểm đến biển đảo của Việt Nam đã được vinh danh trên các tạp chí và nền tảng du lịch hàng đầu thế giới, nổi bật là Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng), bãi biển An Bàng (Quảng Nam), biển Nha Trang (Khánh Hòa), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Đảo Phú Quốc (Kiên Giang), và Cát Bà, Vịnh Lan Hạ (Hải Phòng)…

Không chỉ dừng lại ở đó, lãnh thổ ven biển, vùng biển và hệ thống các đảo của Việt Nam còn là nơi diễn ra các hoạt động du lịch biển đảo phong phú và hấp dẫn. Đây cũng là nơi tập trung nhiều di sản văn hóa và thiên nhiên quý báu của quốc gia. Trong số 13 di sản thế giới được UNESCO công nhận tại Việt Nam, có đến 7 di sản nằm tại các vùng ven biển. Bên cạnh đó, 6/8 khu dự trữ sinh quyển và nhiều vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên cũng tọa lạc tại đây, tạo nên một hệ sinh thái đa dạng và phong phú, hấp dẫn du khách yêu thiên nhiên và thích khám phá. Sự phong phú về thiên nhiên và văn hóa cùng với sự phát triển của các dịch vụ du lịch chuyên nghiệp đã và đang biến Việt Nam thành một điểm đến biển đảo hấp dẫn bậc nhất khu vực.

Với tiềm năng và lợi thế như vậy, du lịch và dịch vụ biển đã được xác định là ngành kinh tế biển ưu tiên hàng đầu để phát triển mạnh mẽ và đột phá đến năm 2030. Điều này được nhấn mạnh trong Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 22/12/2018, đặt ra "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045". Đồng thời, du lịch biển, đảo đã được xác định là một trong bốn dòng sản phẩm chủ đạo và có lợi thế của du lịch Việt Nam. Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, khẳng định tầm quan trọng và vai trò của du lịch biển, đảo trong việc thúc đẩy kinh tế và phát triển bền vững đời sống nhân dân.

Phát triển du lịch biển, đảo Việt Nam sẽ giúp thúc đẩy kinh tế và đời sống sinh hoạt của bà con tại địa phương.

Các địa phương luôn sẵn sàng đón chào du khách vào mùa cao điểm du lịch

Để thúc đẩy du lịch biển, đảo phát triển trong mùa hè năm 2024, nhiều địa phương đã tiến hành tổ chức quảng bá du lịch, tăng khả năng liên kết, đa dạng sản phẩm du lịch thu hút khách trong và ngoài nước. Đón đầu “mùa vàng” du lịch biển, từ nhiều tháng nay, các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã gấp rút chuẩn bị cơ sở vật chất cùng các sản phẩm hấp dẫn, đa dạng để sẵn sàng đón khách trong mùa du lịch cao điểm sắp tới.

Theo Hội tàu du lịch Cát Bà, ngay từ đầu năm 2024, các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh hoạt động ngủ đêm, tham quan du lịch trên vịnh thuộc quần đảo Cát Bà đã gấp rút kiểm tra, nâng cấp cơ sở vật chất, đặc biệt là công tác bảo đảm an toàn cho các tàu du lịch. Do lượng khách mùa du lịch Thu - Đông ít, nhiều tàu phải tạm dừng hoạt động, vì vậy việc bảo dưỡng lại các tàu chuẩn bị cho mùa du lịch hè rất quan trọng.

Cùng với các doanh nghiệp, chính quyền các địa phương trên địa bàn thành phố Hải Phòng cũng đang chuẩn bị kỹ lưỡng các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch cũng như hoàn thiện cơ sở hạ tầng để đón mùa du lịch biển 2024. Tăng cường quản lý, xử lý nghiêm phương tiện xe ô tô, tàu chở khách du lịch vi phạm quy định pháp luật; tăng cường công tác quản lý đăng ký khách lưu trú tại các khách sạn, nhà nghỉ, tàu nghỉ đêm; bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng “cò mồi”, chèo kéo, đeo bám khách du lịch…

Tại Bình Định, Lễ hội Tinh hoa Đất biển Bình Định năm 2024 diễn ra vô cùng thành công từ ngày 11 đến 15/7/2024, với mục tiêu quảng bá tiềm năng và thế mạnh của địa phương, thu hút du khách đến với Quy Nhơn. Sự kiện này bao gồm nhiều chương trình và hoạt động hấp dẫn như lễ khai mạc “Lễ hội Tinh hoa Đất biển Bình Định năm 2024”; hội thảo phát triển khai thác, chế biến và xúc tiến thương mại cá ngừ đại dương, cùng với giới thiệu nghệ thuật ẩm thực cá ngừ đại dương kết hợp với Hội chợ ẩm thực “Món ngon từ biển” và sản phẩm OCOP.

Chương trình được tổ chức tại các địa điểm chính, bao gồm: Quảng trường Nguyễn Tất Thành (nơi diễn ra lễ khai mạc và lễ hội ánh sáng), Trung tâm hội nghị tỉnh (nơi tổ chức hội thảo), Công viên thiếu nhi bên cạnh Quảng trường Nguyễn Tất Thành (nơi tổ chức giới thiệu nghệ thuật ẩm thực cá ngừ đại dương và hội chợ ẩm thực), và các tuyến phố trung tâm (nơi tổ chức lễ hội đường phố). Bình Định, được mệnh danh là "thiên đường biển," nổi tiếng với các vũng vịnh và bãi tắm hoang sơ kéo dài hàng chục km như bãi biển Tam Quan, Tân Thanh, Vĩnh Hội, Trung Lương, Hải Giang…

Bên cạnh đó, địa phương còn sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Eo Gió, Kỳ Co, Hòn Khô, Cù Lao Xanh, Bán đảo Phương Mai, Ghềnh Ráng, tất cả đều là những điểm đến không thể bỏ qua khi du khách đến Quy Nhơn - Bình Định. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Lâm Hải Giang, cho biết chuỗi sự kiện này góp phần kích cầu du lịch, thu hút du khách trong nước và quốc tế, cũng như các nhà đầu tư đến với Bình Định, từ đó thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế địa phương.

Cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch biển, đảo hiệu quả hơn

Mặc dù có tiềm năng và lợi thế vượt trội, việc khai thác du lịch biển, đảo tại Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm lực vốn có. Các hoạt động du lịch biển, đảo hiện vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, như việc khai thác giá trị tài nguyên cho du lịch chủ yếu tập trung vào các khu vực ven bờ. Hoạt động du lịch bổ trợ cho nghỉ dưỡng, tham quan, tắm biển còn hạn chế, chưa thực sự phong phú. Các vấn đề về môi trường, quy hoạch cũng còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của du lịch biển, đảo.

Ngoài ra, năng lực cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới vẫn chưa được nâng cao một cách hiệu quả. Để cải thiện tình hình này, cần đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch mới, đa dạng và khác biệt, cũng như nâng cao hiệu quả của công tác xúc tiến và quảng bá du lịch.

Trong thời gian tới, du lịch biển, đảo Việt Nam cần tập trung vào việc phát triển các khu nghỉ dưỡng biển cao cấp, kết hợp bảo vệ môi trường, gìn giữ văn hóa truyền thống, phát triển cộng đồng và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Ngành du lịch phải mạnh dạn đề xuất các giải pháp để khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của du lịch biển, đảo, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch biển, đảo trở thành sản phẩm du lịch chủ đạo theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 và Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Để phát triển bền vững du lịch biển, đảo, các chuyên gia cho rằng các Bộ, ngành và địa phương cần nhanh chóng thể chế hóa các nhiệm vụ và giải pháp của các nghị quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư phát triển hạ tầng du lịch. Đồng thời, khuyến khích và hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia phát triển các loại hình du lịch sinh thái, thám hiểm khoa học, du lịch cộng đồng, và các khu nghỉ dưỡng biển chất lượng cao tại các vùng ven biển.

anh-1(1).jpg
Cần khai thác du lịch biển hiệu quả hơn

Việc xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, thương hiệu du lịch biển đẳng cấp quốc tế phải dựa trên việc bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa và lịch sử đặc sắc của từng vùng miền, kết nối với các tuyến du lịch quốc tế.

Để biến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trên toàn thế giới, ngành Du lịch cần hợp tác chặt chẽ với các địa phương để phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, kết hợp với các dịch vụ vui chơi giải trí, xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ khách quốc tế. Đồng thời, cần xác định cộng đồng và người dân địa phương là những chủ thể quan trọng trong phát triển du lịch, kết hợp phát triển du lịch biển với bảo tồn và tôn tạo văn hóa bản địa.

Đối với các địa phương, cần hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển du lịch biển, đảo và lập kế hoạch phát triển từng đảo phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển du lịch chung của địa phương và quốc gia, hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững./.

Quỳnh Trang