Các cơ quan báo chí địa phương: Tạo thương hiệu để lôi cuốn công chúng

Truyền thông - Ngày đăng : 09:13, 02/08/2024

Các cơ quan báo chí địa phương đang đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Tuy nhiên không phải là không có lối ra.
Truyền thông

Các cơ quan báo chí địa phương: Tạo thương hiệu để lôi cuốn công chúng

Trường Mạnh {Ngày xuất bản}

Các cơ quan báo chí địa phương đang đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Tuy nhiên không phải là không có lối ra.

Đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị nguồn thu

Cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập được quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 qua thực tiễn triển khai đang cho thấy một số bất cập trong hoạt động của các cơ quan, ban ngành, trong đó có cơ quan báo chí, nhất là đối với các cơ quan báo chí địa phương hoạt động dựa trên kinh phí do Nhà nước cấp.

Bên cạnh đó là sự sụt giảm nguồn thu từ quảng cáo và sự cạnh tranh khốc liệt với nền tảng mạng hội (MXH) cũng khiến các báo, đài địa phương thêm phần khó khăn.

bao-chi-va-mang-xa-hoi.jpg
Ảnh minh hoạ

TS. Nguyễn Đình Hậu, Trung tâm nghiệp vụ Báo chí và Truyền thông, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học (ĐH) Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV), ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết các cơ quan báo chí tại Việt Nam đều được giao nhiệm vụ thực hiện nhiệm vụ chính trị và thông tin thiết yếu, vì vậy đều đang chịu áp lực rất lớn về tự chủ tài chính.

Các cơ quan báo chí tại Hà Nội phải chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn nhưng lại có nhiều cơ hội để gia tăng nguồn thu và tiềm lực tài chính. Trong khi đó, các cơ quan báo chí địa phương dù mức độ cạnh tranh có thể bớt khốc liệt hơn nhưng không phải không có sự cạnh tranh giữa các báo lớn và với các đài truyền hình thường trú trên địa bàn. Cùng với đó, là áp lực về thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương được giao cũng rất lớn.

Hiện nay, đang có chủ trương điều chỉnh việc phân bổ kinh phí theo hướng giao nhiệm vụ và đặt hàng cho các cơ quan báo chí để từ đó cơ quan báo chí chủ động định giá dựa trên chất lượng của sản phẩm báo chí. Tuy nhiên, văn bản hướng dẫn triển khai việc này đang được xây dựng nên cơ quan báo chí địa phương đang gặp những vướng mắc nhất định.

“Câu chuyện ở đây là khi các văn bản hướng dẫn về phân bổ kinh phí chưa có, trong khi các đài địa phương vẫn phải duy trì phát sóng định kỳ hằng ngày. Để sản xuất ra một chương trình truyền hình thì cần đội ngũ nhân lực đông, quy trình làm tác phẩm có yêu cầu cao, chưa kể còn phải sản xuất cả chương trình phát thanh”, TS. Nguyễn Đình Hậu chia sẻ.

Bên cạnh cách thức hoạt động theo truyền thống, nhiều cơ quan báo chí địa phương hiện nay đều tận dụng nền tảng mạng xã hội để tìm kiếm nguồn thu nhưng kể cả với những cơ quan báo chí lớn cũng không phải dễ dàng. Việc vừa phải bảo đảm nguồn thu hoạt động, vừa phải đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị tạo ra thách thức rất lớn cho các báo, đài địa phương.

TS. Nguyễn Đình Hậu nhấn mạnh, cần hài hòa giữa kinh tế báo chí với với việc đảm bảo nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao phó cho các cơ quan báo, đài là đảm bảo công tác tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội trước sự ảnh hưởng của Internet, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Thích ứng nhưng cũng không dễ bắt nhịp

Ông Hoàng Tuấn Dũng, Giám đốc, Tổng Biên tập Đài Phát thanh và Truyền hình (PTTH) Ninh Bình cho biết, báo chí hiện nay hoạt động rất khó khăn, không chỉ cạnh tranh giữa các cơ quan báo chí chính thống mà còn sự cạnh tranh với các nền tảng MXH.

Đôi khi, các thông tin trên nền tảng MXH còn nhanh hơn cả báo chí, vậy nên các cơ quan báo chí thêm phần khó khăn, đặc biệt là cơ quan báo, đài địa phương.

Không chỉ sự kiện ở địa phương, các cơ quan báo chí địa phương cũng phải đưa tin trong nước và quốc tế vậy nên việc đưa tin cũng phải nhanh chóng để thu hút công chúng.

trao-doi-cds-dai-th-ninh-binh-2.png
Giám đốc, Tổng Biên tập Đài PTTH Ninh Bình: Báo chí địa phương hoạt động khó khăn nhưng cũng không phải là không có cách để phát triển. Báo chí địa phương cần đổi mới, sáng tạo để lôi cuốn công chúng.

Tại các đài địa phương, nhiều chương trình sản xuất với chi phí thấp, chưa lôi cuốn người xem vậy nên công chúng có xu hướng tiếp cận các đài lớn, tên tuổi, có nhiều người yêu thích để theo dõi vì đa phần kênh địa phương chủ yếu được nhân dân tại địa phương theo dõi nhiều hơn.

“Một trong những đài địa phương có nguồn doanh thu cao là Đài Truyền hình Vĩnh Long với nhiều chương trình giải trí hấp dẫn. Cùng một chương trình khi phát sóng trực tiếp tại cả Đài PTTH Ninh Bình và Vĩnh Long thì công chúng vẫn xem chương trình trên Đài PTTH Vĩnh Long nhiều hơn, dù cho Đài PTTH Ninh Bình phát tín hiệu gốc. Điều đó cho thấy, các báo đài địa phương cần tạo nên thương hiệu cho mình để lôi cuốn nhiều công chúng theo dõi chương trình của mình hơn”, ông Hoàng Tuấn Dũng chia sẻ./.

Trường Mạnh