Tuyến bài trợ lý ảo AI: Bài 3 Giải mã trợ lý ảo ngành Toà án

Make in Vietnam - Ngày đăng : 06:00, 05/08/2024

Một trong những điểm sáng của tòa án điện tử là việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) với sự xuất hiện của trợ lý ảo hoạt động 24/7 để hỗ trợ các thẩm phán. Tính từ năm 2022 đến nay, trợ lý ảo đã hỗ trợ gần 5,8 triệu lượt hỏi đáp, trung bình từ 10.000 - 15.000 lượt/ngày; mã hoá gần 500 bản án mỗi ngày.
Make in Vietnam

Tuyến bài trợ lý ảo AI: Bài 3Giải mã trợ lý ảo ngành Toà án

Ngọc Diệp 05/08/2024 06:00

Một trong những điểm sáng của tòa án điện tử là việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) với sự xuất hiện của trợ lý ảo hoạt động 24/7 để hỗ trợ các thẩm phán. Tính từ năm 2022 đến nay, trợ lý ảo đã hỗ trợ gần 5,8 triệu lượt hỏi đáp, trung bình từ 10.000 - 15.000 lượt/ngày; mã hoá gần 500 bản án mỗi ngày.

img_3689.jpeg

Trợ lý ảo trợ giúp đắc lực cho ngành Tòa án

Trong những năm gần đây, việc ứng dụng AI đang trở thành một xu hướng không thể đảo ngược. Xu thế này diễn ra ở mọi ngành nghề, trong đó có cả ngành tòa án. Theo đó, ngành Tòa án bước đầu ứng dụng AI và xây dựng trợ lý ảo hỗ trợ thẩm phán, tích hợp trên 168.000 văn bản, trên 1,4 triệu bản án, trên 24.000 câu giải đáp tình hình pháp lý.

Trợ lý ảo ứng dụng AI hỗ trợ thẩm phán trong công tác chuyên môn là một trong các trụ cột về ứng dụng chuyển đổi số mà ngành tòa án thực hiện năm qua, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án. Phần mềm trợ lý ảo có nhiều tính năng thông minh hỗ trợ hoạt động của các thẩm phán như: hỏi đáp nội dung văn bản pháp luật, án lệ và công bố bản án, cung cấp các hướng dẫn, giải đáp pháp luật và các tình huống pháp lý cụ thể.

Hệ thống được phát triển bởi đội ngũ kỹ sư Việt, dựa trên dữ liệu từ ngành tòa án trong nhiều năm. Theo đó, trợ lý ảo đang đóng vai trò như một thư ký riêng, được lập trình am hiểu pháp luật và chuyên môn nghiệp vụ của Tòa án, làm việc 24/7 và luôn bên cạnh thẩm phán, giao tiếp với Thẩm phán bằng ngôn ngữ tự nhiên thông qua điện thoại di động, máy tính cá nhân. Trước đây, các thẩm phán phải mất nhiều thời gian để mã hóa các bản án thủ công. Nhưng giờ chỉ sau 1 cú kích chuột là đã có thể mã hóa một cách chính xác.

Theo Tòa án Nhân dân tối cao, việc ứng dụng AI trong hoạt động đã giúp ngành tòa án giải quyết một số vấn đề nội tại. Trước kia, mỗi thẩm phán cần đến 2 thư ký giúp việc, giờ đây mỗi thẩm phán đều có riêng 1 trợ lý ảo, nhưng chỉ 1 trợ lý đó lại có thể phục vụ cùng lúc cho hàng nghìn thẩm phán.

Trợ lý ảo đã chứng minh hiệu quả khi giúp giảm 30% lượng công việc so với thao tác truyền thống, tối ưu thời gian vận hành của toàn bộ hệ thống tòa án.

Khám phá những tính năng và hiệu quả của trợ lý ảo toà án

Viettel Solutions đã đồng hành cùng những chuyên gia hàng đầu về ứng dụng AI của Viettel AI để tư vấn và thử nghiệm giải pháp trợ lý ảo toà án nhân dân, hoạt động 24/7 nhằm hỗ trợ các thẩm phán và nhân viên tòa án. Dưới đây là các tính năng và hiệu quả của trợ lý ảo này:

Đầu tiên là tra cứu thông tin pháp luật. Trợ lý ảo có khả năng tra cứu nhanh chóng và chính xác các văn bản pháp luật, án lệ, và các quy định liên quan, từ đó giúp thẩm phán tiết kiệm thời gian tìm kiếm thông tin, tập trung vào công việc xét xử.

Hai là hỗ trợ soạn thảo văn bản. Trợ lý ảo hỗ trợ soạn thảo các văn bản pháp lý, đơn kiện, quyết định tòa án theo mẫu chuẩn. Đồng thời tự động kiểm tra và gợi ý chỉnh sửa lỗi chính tả, ngữ pháp, đảm bảo tính chính xác và chuyên nghiệp của văn bản, tự động mã hoá bản án.

Ba là quản lý lịch làm việc. Theo đó, trợ lý ảo tự động sắp xếp và nhắc nhở lịch làm việc, lịch xét xử của thẩm phán; đồng bộ hóa với các hệ thống quản lý nội bộ để đảm bảo thông tin lịch làm việc luôn được cập nhật.

Kết quả triển khai thực tế cho thấy, trợ lý ảo giúp tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu suất công việc, giải quyết vụ án nhanh chóng và hiệu quả hơn. Đồng thời hạn chế sai sót trong quá trình soạn thảo văn bản và ra quyết định nhờ vào khả năng kiểm tra và gợi ý của AI; đảm bảo các quyết định được đưa ra dựa trên dữ liệu và phân tích chính xác.

Mặt khác, trợ lý ảo còn giúp thẩm phán và nhân viên tòa án không bỏ lỡ các sự kiện quan trọng; tối ưu hóa quy trình làm việc, giảm bớt căng thẳng và áp lực công việc.

Ngoài ra, ứng dụng còn hỗ trợ thẩm phán tuân thủ đúng quy trình pháp lý, đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong xét xử; cung cấp thông tin chi tiết và minh bạch về các vụ án, giúp người dân dễ dàng theo dõi và tin tưởng vào hệ thống tư pháp.

Trợ lý ảo hoạt động liên tục, hỗ trợ mọi lúc mọi nơi nên đáp ứng kịp thời nhu cầu của thẩm phán và nhân viên tòa án.

Trong tương lai, đội ngũ tư vấn và phát triển sản phẩm vẫn sẽ tiếp tục cải thiện và nâng cấp trợ lý ảo Toà án Nhân dân tại các pha tiếp theo, gia tăng độ chính xác của mô hình ngôn ngữ lớn và cung cấp các trường hợp sử dụng (use case) chức năng mới đáp ứng được bài toán nghiệp vụ của Toà án.

Cụ thể như việc sử dụng AI để phân tích dữ liệu vụ án, từ đó dự đoán kết quả dựa trên các án lệ và dữ liệu tương tự; cung cấp thông tin hỗ trợ thẩm phán trong quá trình ra quyết định. Hay ứng dụng trợ lý ảo để tư vấn quy trình tố tụng, bao gồm hướng dẫn các bước quy trình tố tụng, từ nộp đơn kiện, thu thập chứng cứ, đến các bước xét xử và ra quyết định cho người dân và cán bộ Toà án.

Có thể nói, việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử là nhiệm vụ cấp thiết, trọng tâm về thực hiện cải cách tư pháp trong Tòa án, là cơ hội để hệ thống Tòa án nâng cao hiệu quả hoạt động, củng cố niềm tin của người dân vào công lý. Trên hành trình đó, Viettel đã và đang đồng hành, mang đến hệ thống sản phẩm, giải pháp công nghệ số hiệu quả, toàn diện do người Việt Nam xây dựng và làm chủ với tinh thần “Công nghệ từ trái tim”./.

Ngọc Diệp