Luật Thủ đô (sửa đổi): Chìa khoá tháo gỡ nhiều vướng mắc để ngành nông nghiệp Hà Nội phát triển bền vững
Truyền thông - Ngày đăng : 15:30, 05/08/2024
Luật Thủ đô (sửa đổi): Chìa khoá tháo gỡ nhiều vướng mắc để ngành nông nghiệp Hà Nội phát triển bền vững
Theo nhiều chuyên gia, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã tạo ra hành lang pháp lý vững chắc để TP Hà Nội hiện thực hoá các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Tăng thẩm quyền cho Hà Nội để phát triển nông nghiệp
Sau hơn 10 năm Luật Thủ đô 2012 đi vào cuộc sống, Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực, tiêu biểu trong số đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, ngành nông nghiệp trở thành một trong những “trụ đỡ” quan trọng của ngành kinh tế Thủ đô.
Tuy vậy, nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sách, Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều quy định mới đang thực sự trở “chìa khoá vàng” thúc đẩy ngành nông nghiệp Hà Nội phát triển bền vững trong tương lai.
Cụ thể, Điều 32 Luật Thủ đô (sửa đổi) nêu rõ, phát triển nông nghiệp Thủ đô theo hướng nông nghiệp sinh thái, bền vững. Chú trọng đến sự tương tác giữa các yếu tố môi trường, kinh tế - xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử trong nông nghiệp, nông thôn. Phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm, hiệu quả kinh tế cao.
Phát triển bền vững các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Trong vùng sản xuất nông nghiệp tập trung được sử dụng đất kết hợp đa mục đích, được bố trí đất nông nghiệp sử dụng vào việc xây dựng công trình phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp, chế biến, bảo quản, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, giáo dục trải nghiệm, du lịch sinh thái.
Đặc biệt Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố quy định phạm vi, đối tượng, nội dung, mức hỗ trợ cao hơn mức quy định hoặc chưa được quy định trong văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên trong các lĩnh vực như: Giống, chuyển giao công nghệ trong sản xuất giống; Công nghệ bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp; Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm, nông nghiệp kết hợp với các hoạt động thương mại, dịch vụ; Hoạt động bảo vệ môi trường trong sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản; Phát triển các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, thị trường tiêu thụ sản phẩm; Phát triển kinh tế tập thể, làng nghề, làng có nghề; Đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Ngoài ra, HĐND Thành phố quy định hình thức sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê để sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm bảo đảm nguyên tắc việc xây dựng trên đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê phải phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều, quy hoạch xây dựng, quy hoạch khác có liên quan.
Điều kiện, trình tự, thủ tục cấp phép xây dựng, loại công trình và tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp được sử dụng để xây dựng công trình trên đất nông nghiệp phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp, chế biến, bảo quản, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, cảnh quan du lịch, giáo dục trải nghiệm tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.
Về phía UBNDThành phố quyết định cho phép sử dụng quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê, cấp phép xây dựng công trình tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo quy định.
Tạo bàn đạp để hướng tới những mục tiêu xa hơn
TS. Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá, Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, nhấn mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái của Thủ đô thực hiện theo mô hình nông nghiệp bền vững, chú trọng đến sự tương tác giữa các yếu tố môi trường, kinh tế và xã hội.
Đây là cách đặt vấn đề mới, thoát ra khỏi cách nhìn nhận nông nghiệp phiến diện dưới khía cạnh kinh tế và nông thôn bằng con mắt xã hội. Đồng thời, vượt qua những ràng buộc của định hướng lo tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn xưa nay của mọi địa phương, thay vào đó là chuyển hẳn sang phát triển bền vững các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung…
Trong khi đó, PGS.TS Chu Tiến Quang - nguyên Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng, không thể tiếp tục phương thức sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, phân tán hiện nay. Việc quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung phù hợp với điều kiện tự nhiên, sinh thái và gắn với nhu cầu thị trường là đòi hỏi cấp thiết đặt ra.
Quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn Hà Nội vừa truyền thống, vừa hiện đại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ giúp định hình nông nghiệp Thủ đô, mà còn tạo động lực thu hút các nguồn lực: Vốn đầu tư, công nghệ và nhân lực của các tổ chức, cá nhân tham gia vào phát triển lĩnh vực này trong những năm tới.
Trao đổi về vấn đề trên, GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam kiến nghị TP Hà Nội cần chú trọng đến yếu tố con người, có những giải pháp hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, TP Hà Nội cần đẩy mạnh triển khai các chương trình, đề án đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu từng đối tượng, hình thành và phát triển đội ngũ “công nhân nông nghiệp”, đồng thời hỗ trợ hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô.