Đà Nẵng đẩy mạnh khơi thông dữ liệu số phát triển kinh tế số

Kinh tế số - Ngày đăng : 07:21, 09/08/2024

Theo ước tính của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), kinh tế số Đà Nẵng năm 2023 chiếm tỷ trọng 20,69% GRDP thành phố, đạt chỉ tiêu đề ra năm 2025 là 20%.
Kinh tế số

Đà Nẵng đẩy mạnh khơi thông dữ liệu số phát triển kinh tế số

Trường Thanh {Ngày xuất bản}

Theo ước tính của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), kinh tế số Đà Nẵng năm 2023 chiếm tỷ trọng 20,69% GRDP thành phố, đạt chỉ tiêu đề ra năm 2025 là 20%.

Một số kết quả nổi bật

Ngày 15/4/2024, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch số 93/KH-UBND triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS) thành phố năm 2024 với chủ đề “Khơi thông dữ liệu số, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số và bảo đảm an sinh xã hội số”.

Theo Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 của UBND TP. Đà Nẵng, đến nay các mục tiêu, chỉ tiêu theo Kế hoạch số 93/KH-UBND đang triển khai đảm bảo tiến độ, một số chỉ tiêu đã hoàn thành sớm và mang lại hiệu quả nổi bật.

Theo đó, doanh thu hoạt động TT&TT 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 8.307 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023, đóng góp 0,74 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP toàn nền kinh tế Thành phố. Kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 81 triệu USD, tăng 11,0% so với cùng kỳ năm 2023.

Các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số của doanh nghiệp (DN) công nghệ thông tin (CNTT) thành phố liên tiếp được vinh danh tại các giải thưởng lớn như Giải thưởng Sao Khuê năm 2024 với sản phẩm Helax (ứng dụng di động chăm sóc sức khoẻ tinh thần tiên tiến cho sinh viên) và dịch vụ xuất khẩu dịch vụ CNTT (ITO) và phát triển phần mềm của Công ty Cổ phần tư vấn DataHouse Asia; Sản phẩm VeryPay - Nền tảng công nghệ thanh toán di động - Mobile Money Technology Solutions và dịch vụ xuất khẩu phần mềm của Công ty TNHH SmartDev. Ứng dụng Smartos của Công ty Smartos được vinh danh trong Top 10 Startup của Cuộc thi khởi nghiệp HK Tech 300 Đông Nam Á.

Theo ước tính của Bộ TT&TT Kinh tế số Đà Nẵng năm 2023 chiếm tỷ trọng 20,69% GRDP thành phố, vượt chỉ tiêu đề ra 2025 là 20%.

Thành phố tiếp tục triển khai nền tảng công dân số với khoảng 45% người dân trưởng thành có tài khoản công dân số; 88% người dân đã có tài khoản định danh điện tử. Tính đến nay, đã có 55.911 chữ ký số công cộng đang hoạt động trên địa bàn Đà Nẵng, trong đó 40.732 chứng thư số tổ chức DN và 15.179 chứng thư số cá nhân. Thành phố cũng đang triển khai nghiên cứu, xây dựng khung năng lực số cho công dân TP. Đà Nẵng.

Tại Hội nghị trực tuyến Thường trực Chính phủ về CĐS với các bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tháng 7/2024, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết: Năm 2024, Đà Nẵng ban hành kế hoạch CĐS, với chủ đề “khơi thông dữ liệu số, thúc đẩy phát triển kinh tế số và bảo đảm an sinh xã hội” với 48 chỉ tiêu.

2.jpg
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: danang.gov.vn

Theo Sở TT&TT Đà Nẵng, 5 nhiệm vụ chính phát triển dữ liệu số trong năm 2024 là: triển khai 100% cơ quan, địa phương ban hành danh mục và đặc tả cơ sở dữ liệu (CSDL) quản lý Nhà nước; triển khai mỗi cơ quan, địa phương cung cấp thêm mới ít nhất 2 danh mục dữ liệu mở và bảo đảm 100% cơ quan Nhà nước phát triển, cung cấp dữ liệu mở theo Danh mục dữ liệu mở thành phố; triển khai Kho dữ liệu số của người dân, tổ chức là một thành phần của hệ thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cấp thành phố để lưu trữ dữ liệu giải quyết TTHC; rà soát, cập nhật Danh mục dữ liệu mở thành phố năm 2024; triển khai dữ liệu mở để các doanh nghiệp (DN), trường học nghiên cứu, sử dụng, tạo ra sản phẩm mới.

Theo ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở TT&TT, Sở tăng cường phối hợp với các cơ quan Nhà nước thực hiện kết nối, tích hợp, thu nhận dữ liệu về Kho dữ liệu dùng chung; tổ chức quản lý, chuẩn hóa, lưu trữ dữ liệu; thiết lập các kho dữ liệu chuyên đề (datamart); triển khai kết nối, tích hợp Kho dữ liệu dùng chung thành phố với Trung tâm IOC để phục vụ giám sát, chỉ đạo, điều hành lãnh đạo thành phố và Cổng dữ liệu thành phố phục vụ cung cấp dữ liệu mở cho người dân, DN.

Nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế số

Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế số, thời gian qua, Đà Nẵng đã tiến hành nhiều hoạt động thiết thực trên khắp địa bàn Thành phố.

Đầu tháng 3/2024, tại Chợ Cồn, Sở Công Thương TP. Đà Nẵng đã tổ chức Lễ phát động Chợ livestream - bán hàng Đà Nẵng nhằm thông tin quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trung tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố thông qua hình thức bán hàng trực tuyến.

1.jpg
Tiểu thương các chợ ngày càng tiếp cận gần hơn với công nghệ, livestream trên nhiều nền tảng mạng xã hội. Ảnh: danang.gov.vn.

Lễ phát động được tổ chức nhằm thu hút khách hàng trong và ngoài nước tham quan, mua sắm qua hình thức livestream; đồng thời hỗ trợ tiểu thương tại các chợ truyền thống áp dụng các giải pháp thương mại điện tử (TMĐT) để bán hàng, tăng sức mua trong bối cảnh các kênh mua sắm online (sàn TMĐT, chợ điện tử…) và kênh mua sắm hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi…) ngày càng phát triển.

Cuối tháng 5/2024, phường Hải Châu 2 (quận Hải Châu) tổ chức “Ngày hội tháng 5 - Phiên chợ số 2024” với nhiều hoạt động thiết thực, giúp người dân xây dựng thói quen sử dụng thanh toán không tiền mặt và tiếp cận các ứng dụng về CĐS.

Đến với Ngày hội, người dân còn được trải nghiệm và tận hưởng các chính sách ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, các nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ. Từ đó, xây dựng thói quen sử dụng thanh toán không tiền mặt, hướng đến thanh toán số cho người dân trên địa bàn phường.

3.jpg
Các bạn trẻ tham gia Hội thi tìm hiểu các kiến thức về CĐS, Cải cách hành chính, Chỉ thị 34-CT/TU của Thành ủy Đà Nẵng. Ảnh: danang.gov.vn.

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác cải cách hành chính, CĐS trong gian đoạn hiện nay, đồng thời tiếp tục cụ thể hóa Đề án 06 Chính phủ, sáng 9/6, UBND xã Hoà Châu (huyện Hòa Vang) tổ chức Ngày hội “Tìm hiểu về CĐS và cải cách hành chính năm 2024” cho toàn thể cán bộ và nhân dân trên địa bàn 08 thôn.

Với chủ đề “Công dân số - Khơi nguồn dữ liệu số”, Ngày hội mang đến cho người dân nhiều thông tin thiết thực, bổ ích thông qua các hoạt động như: Tuyên truyền về Luật căn cước công dân năm 2024; hướng dẫn đăng ký tài khoản trên Cổng DVC quốc gia; cài đặt nâng cấp SIM chính chủ lên 4G; tư vấn mở tài khoản thanh toán và hướng dẫn người dân thanh toán không dùng tiền mặt; cài đặt phần mềm VSSID; Tổ chức Hội thi “Tìm hiểu kiến thức về CĐS và cải cách hành chính” bằng hình thức trưc tuyến…

Ngày hội đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động CĐS trên địa bàn xã nói riêng và toàn thành phố nói chung; đưa công nghệ số đến với từng cộng đồng thôn xóm, thúc đẩy mô hình DVCTT, hỗ trợ nâng cao năng lực tổ CĐS cộng đồng đến cấp xã, thôn; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030./.

Trường Thanh