Colombia: Điển hình về thanh toán số từ chính phủ đến người dân

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 13:26, 11/08/2024

Mô hình chính phủ điện tử của Colombia bao gồm 3 thành phần quan trọng: Xác thực số (authentication), thư mục công dân số (digital citizen folder) và khả năng tương tác (interoperability).
Chuyển đổi số

Colombia: Điển hình về thanh toán số từ chính phủ đến người dân

QA {Ngày xuất bản}

Mô hình chính phủ điện tử của Colombia bao gồm 3 thành phần quan trọng: Xác thực số (authentication), thư mục công dân số (digital citizen folder) và khả năng tương tác (interoperability).

Các hệ thống số - hay còn gọi là cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số (Digital Public Infrastructure - DPI) - cho phép các tổ chức cung cấp những dịch vụ công quan trọng cho công dân, từ việc giải ngân phúc lợi xã hội số đến việc lên lịch hẹn tại phòng khám gần nhất.

Trong Chỉ số chính phủ số OECD (OECD Digital Government Index) 2023, Colombia được xếp hạng cao ngang hàng với các quốc gia như Hàn Quốc, Đan Mạch, Vương quốc Anh và Na Uy. Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), nhiều cơ quan chính phủ của Colombia gần đây đã nỗ lực hợp tác để thúc đẩy sự phát triển của một hệ sinh thái số mạnh mẽ, giúp hợp lý hóa các hoạt động, tạo dựng niềm tin vào các thủ tục và dịch vụ của các tổ chức công và tư, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế số của đất nước.

colombia.png
Colombia đang thúc đẩy chiến lược bao trùm số của chính phủ nhằm mục đích thúc đẩy bao trùm tài chính trên toàn quốc. (Ảnh: REUTERS)

Một điển hình về xây dựng bao trùm số

Trung tâm Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số công cộng đã xác định ba thành phần chính của DPI cần thiết để xây dựng nền kinh tế số nhằm hỗ trợ 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên Hợp Quốc là: Thanh toán số có thể tương tác; Hệ thống nhận dạng số; Khả năng chia sẻ dữ liệu giữa các tổ chức.

Colombia được WEF đánh giá là một điển hình để các quốc gia khác trong khu vực và thậm chí ngoài khu vực học hỏi kinh nghiệm về xây dựng khả năng bao trùm số.

Thanh toán số có thể tương tác

Tiếp nối các thực tiễn tốt nhất của các hệ thống thanh toán tức thời thành công như Pix ở Brazil hoặc UPI (Giao diện thanh toán hợp nhất) ở Ấn Độ, Colombia đang phát triển một hệ thống thanh toán nhanh có thể tương tác (Fast payment system - FPS) giá trị thấp sẽ ra mắt vào tháng 5/2025.

Banco de la República, Ngân hàng trung ương Colombia, đang dẫn đầu nỗ lực này với sự hợp tác chặt chẽ với khu vực tư nhân, nhấn mạnh vào sự đồng sáng tạo, khả năng tương tác, hiệu quả, bao trùm và đổi mới để đạt được mốc cuối cùng.

FPS có cái tên ngắn gọn hơn là “Bre-B”, cho phép thanh toán số theo thời gian thực 24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần, cách mạng hóa các giao dịch tài chính và thúc đẩy bao trùm tài chính số trên toàn quốc. FPS mang lại lợi ích đáng kể cho phụ nữ và những cộng đồng xa xôi nhất, vì tài khoản ngân hàng di động giúp phụ nữ tích lũy tiền tiết kiệm và tăng khả năng ứng phó với những "cú sốc" bất ngờ.

Để đảm bảo một cách tiếp cận toàn diện, Banco de la República đã thành lập Diễn đàn Hệ thống thanh toán, mời nhiều bên liên quan, bao gồm các cơ quan quản lý tài chính, ngân hàng, công ty công nghệ tài chính và các đơn vị phát hành tiền điện tử. Họ đã cùng nhau xây dựng các quy tắc và mô hình hoạt động, thống nhất về các yêu cầu kỹ thuật và xây dựng sự đồng thuận về thanh toán bù trừ và quyết toán.

Ngoài ra, Better Than Cash Alliance đã hỗ trợ kỹ thuật và tạo điều kiện trao đổi kiến ​​thức với các cơ quan thanh toán tức thời ở các quốc gia khác để đảm bảo chiến lược DPI của Colombia mang lại hiệu quả nhất.

Sau khi hệ thống thanh toán có thể tương tác được triển khai đầy đủ, Colombia sẽ mở rộng các dịch vụ thanh toán xuyên biên giới, đưa Colombia tham gia sâu vào nền kinh tế số toàn cầu và tạo điều kiện cho các giao dịch quốc tế.

Nhận dạng số

Vào năm 2020, Colombia đã ra mắt hệ thống nhận dạng số (Digital ID). Người dân có thể nhận được ID số bằng cách tải xuống ứng dụng, quét mã QR và xác thực danh tính thông qua công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Đến ngày 31/7/2024, hơn 5 triệu ID số đã được xử lý, cho phép công dân sử dụng như một hộ chiếu số an toàn để đi lại trong khu vực Andean, xác định danh tính của mình trong môi trường vật lý và kỹ thuật số và thực hiện các giao dịch ảo.

Nhận dạng số đặt nền tảng cho quyền truy cập an toàn và hiệu quả vào các dịch vụ và giao dịch số khác nhau, hợp lý hóa các quy trình và cải thiện trải nghiệm chung của người dùng.

Trao đổi dữ liệu

Chiến lược Chính phủ số của Colombia đã giới thiệu sáng kiến ​​Dịch vụ công dân số (Digital Citizen Services), giúp đơn giản hóa quy trình nộp và truy cập các tài liệu quan trọng như giấy khai sinh và hồ sơ y tế. Sáng kiến ​​này tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi dữ liệu nhanh chóng, an toàn và thông suốt giữa các cơ quan nhà nước thông qua hệ thống xác thực điện tử và cơ chế trao đổi dữ liệu. Điều này cải thiện hiệu quả của các dịch vụ công và giảm đáng kể gánh nặng hành chính cho công dân, giúp họ tiết kiệm thời gian cũng như các nguồn lực quý báu.

Tăng cường bao trùm tài chính

Các thành phần DPI của Colombia, đặc biệt là ID số và hệ thống thanh toán nhanh, sẽ tăng cường sự bao trùm tài chính bằng cách cung cấp các dịch vụ tài chính số an toàn, hiệu quả và dễ tiếp cận cho những nhóm dân số chưa được phục vụ, cung cấp các công cụ số để cá nhân có thể tự trao quyền cho mình và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

tai-chinh-so-colombia.png
Theo Chỉ số bao trùm tài chính (IIF) của Grupo Credicorp, năm 2023, Colombia chứng kiến ​​mức tăng đáng kể 0,9% trong các chỉ số bao trùm tài chính. Sự gia tăng này phần lớn là do các công ty công nghệ tài chính, những công ty đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng các dịch vụ tài chính trực tuyến đến những nhóm dân số trước đây chưa thể tiếp cận. (Ảnh: contxto.com)

Trong đại dịch COVID-19, Colombia đã cho thấy tiềm năng của chiến lược DPI bằng cách đẩy nhanh hành trình thanh toán số từ chính phủ đến người dân thông qua chương trình "Ingreso Solidario" sáng tạo. Chương trình này thúc đẩy đổi mới thể chế để cho phép chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản ngân hàng và ví điện tử, tạo điều kiện mở tài khoản cho những người thụ hưởng chưa có tài khoản ngân hàng.

DPI đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tất cả các SDG có liên kết với nhau bằng cách sử dụng công nghệ số để giải quyết các thách thức toàn cầu ở quy mô lớn. Các nghiên cứu cho thấy các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thậm chí có thể tăng tốc độ tăng trưởng GDP của mình thêm 20 - 33% khi áp dụng cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số trong lĩnh vực tài chính.

Việc Colombia hướng tới xây dựng và triển khai các khối cơ bản của DPI thể hiện cam kết và vai trò lãnh đạo trong việc cải thiện các dịch vụ công cũng như hỗ trợ nền kinh tế số và các ưu tiên phát triển của đất nước trong những năm tới. Ngoài ra, DPI còn mang đến cơ hội quan trọng để thu hẹp khoảng cách số giữa nam và nữ, cho phép phụ nữ có sự linh hoạt hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ của chính phủ và đạt được bình đẳng tài chính.

Theo nghiên cứu của X-road về điển hình các dịch vụ số hướng tới công dân của Colombia, mô hình chính phủ điện tử của Colombia bao gồm 3 thành phần quan trọng: Xác thực số (authentication), thư mục công dân số (digital citizen folder) và khả năng tương tác (interoperability). Thư mục công dân số cho phép công dân lưu trữ và truy cập các tài liệu số - chẳng hạn như giấy khai sinh, hồ sơ kỷ luật hoặc bằng chứng cư trú - để tương tác với các tổ chức công. Độ tin cậy và bảo mật được đảm bảo bởi hệ thống xác thực điện tử và nền tảng trao đổi dữ liệu an toàn X-Road./.

QA