Ứng dụng công nghệ để phát triển và giữ lửa nghề truyền thống ở Thái Bình
Truyền thông - Ngày đăng : 08:00, 12/08/2024
Ứng dụng công nghệ để phát triển và giữ lửa nghề truyền thống ở Thái Bình
Thái Bình triển khai nhiều cơ chế và chính sách hỗ trợ nông dân, hộ sản xuất, làng nghề, hợp tác xã, và doanh nghiệp nhằm ứng dụng khoa học công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thương hiệu, và xúc tiến thương mại.
Các làng nghề thủ công truyền thống, vốn là một phần quan trọng của văn hóa và kinh tế Việt Nam được đánh giá có nhiều cơ hội để phát triển thị trường. Đặc biệt, với tỉnh Thái Bình - một tỉnh thuần nông với 94% dân số sống ở nông thôn là nơi có số lượng làng nghề tập trung đông, nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng. Nếu biết chủ động đón nhận và ứng dụng công nghệ kỹ thuật kịp thời trong bối cảnh CMCN 4.0, các làng nghề sẽ không chỉ phát triển bền vững mà còn vươn lên tầm cao mới, góp phần nâng cao đời sống kinh tế và văn hóa địa phương.
Thái Bình luôn nỗ lực đẩy mạnh phát triển nghề thủ công truyền thống
Tỉnh Thái Bình có gần 200 làng nghề nằm ở khắp các xã, thị trấn. Mỗi làng nghề đều có những sản phẩm đặc sắc đẹp về mỹ thuật, tinh xảo về kỹ thuật và chất lượng cao. Trong lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, Thái Bình tự hào sở hữu nhiều sản phẩm đặc trưng và tiêu biểu, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ngoài ngành hàng dệt, sợi, may mặc đóng vai trò chủ lực, các sản phẩm thủ công như mây tre đan, thêu… cũng là thế mạnh nổi bật của tỉnh. Những sản phẩm này không chỉ có chất lượng mà còn có sức cạnh tranh tốt, thể hiện khả năng sáng tạo và tay nghề cao của người dân Thái Bình.
Thêm vào đó, các sản phẩm gốm sứ, gạch ốp lát, thủy tinh, pha lê, và sứ dân dụng được sản xuất trên địa bàn tỉnh có khả năng cung ứng cho cả thị trường trong nước cũng như xuất khẩu với sản lượng lớn. Các sản phẩm thủ công truyền thống này đều được sản xuất theo dây chuyền công nghệ tiên tiến, giúp tăng khả năng cạnh tranh và xuất khẩu sang các thị trường đòi hỏi khắt khe về chất lượng như Mỹ, EU, Nhật Bản, và Hàn Quốc.
Tiêu biểu là huyện Hưng Hà là điểm sáng về khôi phục và phát triển nghề, làng nghề. Huyện đã khôi phục và phát triển được 72 làng nghề và 49 nghề, trong đó 45 làng và 2 xã đã được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn làng nghề. Vùng dệt cổ truyền ở làng Mẹo (thôn Phương La, xã Thái Phương) đã lan tỏa ra 26 xã của huyện, với 4.675 máy dệt cải tiến, tạo việc làm cho 12.000 lao động và đạt giá trị sản xuất khoảng 573 tỷ đồng mỗi năm, chiếm 47% tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện.
Nghề mộc và nghề dệt chiếu ở Hưng Hà cũng nổi tiếng không kém. Mỗi năm, nghề dệt chiếu sản xuất khoảng 8 triệu đến 9 triệu chiếc chiếu các loại, đạt giá trị sản xuất 251 tỷ đồng, và hiện đang được cơ giới hóa với 100 hộ đầu tư mua máy dệt chiếu tự động. Chiếu Hưng Hà chiếm 75-80% thị phần khu vực đồng bằng sông Hồng.
Trong những năm qua, Thái Bình đã triển khai nhiều cơ chế và chính sách hỗ trợ nông dân, hộ sản xuất, làng nghề, hợp tác xã, và doanh nghiệp nhằm ứng dụng khoa học công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thương hiệu, và xúc tiến thương mại. Đặc biệt, tỉnh tập trung kết nối cung cầu cho ba trụ cột hàng hóa: sản phẩm chủ lực, sản phẩm truyền thống và các sản phẩm đặc trưng.
Các biện pháp này không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn giúp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Với sự phát triển mạnh mẽ và đa dạng của các làng nghề, Thái Bình không chỉ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống mà còn đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
“Giữ lửa” cho nghề truyền thống còn nhiều khó khăn nhưng có doanh nghiệp vẫn tìm được lối đi riêng
Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, các làng nghề tại Thái Bình hiện vẫn chủ yếu tập trung vào việc giải quyết công ăn việc làm trong thời gian nông nhàn; việc đào tạo nguồn lao động chưa được chú trọng đúng mức. Nhiều làng nghề đang đối mặt với tình trạng thiếu vốn, không thể xây dựng được thương hiệu uy tín và gặp khó khăn trong việc tiếp cận các thị trường lớn và mới. Công nghệ sản xuất vẫn mang tính thủ công, lạc hậu; mẫu mã và chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Hơn nữa, kết cấu hạ tầng ở các làng nghề còn yếu kém, gây cản trở cho việc thu hút đầu tư.
Từ xa xưa, xã Quang Lịch, huyện Kiến Xương đã nổi tiếng với thương hiệu chiếu cói Thanh Quang, nổi bật nhờ tay nghề khéo léo của người dân. Tuy nhiên, những năm gần đây, cùng với nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ khác, chiếu cói Thanh Quang dần mất thị trường xuất khẩu truyền thống và phải đối mặt với khó khăn trong thị trường nội địa. Thế nhưng, vẫn còn nhiều doanh nghiệp luôn cố gắng duy trì và phát triển nghề truyền thống, gìn giữ nét đẹp văn hoá của quê hương. Đặc biệt phải kể đến Doanh nghiệp tư nhân Quang Lịch do anh Nguyễn Tiến Duật làm chủ. Gắn bó với biết bao thăng trầm của nghề làm đệm ghế cói, anh vừa trực tiếp sản xuất, vừa liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nhiều người dân. Và, anh cũng là người tìm ra hướng đi xuất khẩu để nâng cao giá trị tinh hoa của nghề đệm cói.
Nghề làm chiếu cói phát triển ở địa phương từ trước những năm 1990 và sau du nhập phát triển dòng sản phẩm đệm ghế cói. Thời kỳ phát triển mạnh có đến hàng trăm hộ tham gia sản xuất, thu hút hơn 1.000 lao động tham gia.
Không đành lòng nhìn nghề dệt chiếu cói truyền thống mai một, anh Nguyễn Tiến Duật đã tiên phong mang lại sức sống mới cho nghề của cha ông. Anh quyết tâm không chỉ giữ gìn truyền thống mà còn tạo việc làm cho hàng nghìn người dân trong lúc nông nhàn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Anh Duật chia sẻ: “Trước đây, làng nghề đã từng thu hút nhiều khách nước ngoài, đặc biệt là từ châu Âu, đến thăm quan cơ sở sản xuất. Sau đó, họ đã đề xuất hợp tác sản xuất đan đệm ghế cói trực tiếp. Nhận thấy tiềm năng, tôi quyết định mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng trang web để giới thiệu thông tin doanh nghiệp, phát triển thương hiệu và quảng bá sản phẩm. Năm 2010, tôi chính thức thành lập Doanh nghiệp tư nhân Quang Lịch, nay đổi tên là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Quang Lịch”.
Cơ sở sản xuất chủ yếu tạo ra các sản phẩm thô, sau đó bán cho các công ty và doanh nghiệp để gia công và xuất khẩu ra nước ngoài, đặc biệt là các nước Tây Âu. Nhờ mẫu mã đa dạng và luôn được cải tiến, sản phẩm luôn có đầu ra ổn định. Bên cạnh cơ sở sản xuất chính tại gia đình, anh còn điều hành 10 cơ sở vệ tinh tại các xã, huyện. Công ty hiện đang tạo việc làm ổn định cho gần 40 lao động trực tiếp và hơn 1.000 lao động vệ tinh trong xã và các xã lân cận như Quang Bình, Thanh Tân, Đình Phùng của huyện Kiến Xương… Mỗi cơ sở vệ tinh này tạo việc làm cho 50-100 lao động với thu nhập từ 1,8 đến 2 triệu đồng/người/tháng.
Để đưa sản phẩm đệm ghế cói thủ công vươn ra thị trường quốc tế, anh Nguyễn Tiến Duật đã luôn đặt ra phương châm sản xuất và kinh doanh với hai tiêu chí hàng đầu: chất lượng sản phẩm và thời hạn giao hàng; từ đó nâng cao uy tín của sản phẩm và doanh nghiệp. Nhờ vậy, sản phẩm thủ công của anh đã có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường xuất khẩu.
Ngoài ra, anh cũng luôn tuân thủ việc sản xuất để đảm bảo vệ sinh môi trường; áp dụng các biện pháp như không sử dụng hóa chất độc hại và tránh nước thải. Trong quy trình sấy, thay vì đốt than, anh tận dụng củi gỗ và chỉ dùng hệ thống máy hút ẩm dạng điều hòa. Sắp tới, anh dự định chuyển toàn bộ quy trình sang sử dụng máy bảo ôn và lò sấy bằng nhiệt củi hoặc điều hoà, thay vì phương pháp sấy thủ công hiện tại. Những cải tiến này không chỉ giúp sản phẩm khô đều hơn mà còn nâng cao chất lượng và màu sắc của sản phẩm.
Anh Duật còn ứng dụng logistics để xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế; bao gồm sử dụng phần mềm quản lý kho hàng, tối ưu hóa lộ trình vận chuyển, và phối hợp với các đối tác logistics quốc tế để đảm bảo hàng hóa được giao đúng thời gian và địa điểm. Những nỗ lực này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả xuất khẩu mà còn nâng cao sự cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường toàn cầu. Hàng năm, doanh nghiệp xuất khẩu hơn 300.000 sản phẩm sang các thị trường quốc tế như Ý, Hà Lan, đạt doanh thu trên 6 tỷ đồng.
Giống với nhiều doanh nghiệp làm nghề thủ công truyền thống trên địa phương, doanh nghiệp tư nhân Quang Lịch cũng gặp nhiều khó khăn trong việc kinh doanh và sản xuất như: nguyên liệu đầu vào, nguồn lao động, mặt bằng sản xuất, chi phí vận chuyển…Hiện tại, một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là việc ổn định giá nguyên liệu đầu vào như cói và gỗ tạp làm khung. Theo anh Nguyễn Tiến Duật, mỗi năm doanh nghiệp tiêu thụ khoảng 450 tấn cói và gần 300m3 gỗ. Giá cói đã tăng từ 7.000 đồng/kg lên 10.000 đồng/kg, trong khi giá gỗ tạp cũng ngày càng đắt đỏ. Đồng thời, đường giao thông từ quốc lộ 39B vào xã Quang Lịch không đáp ứng được xe tải trọng lớn, khiến phí vận chuyển tăng cao. Trung bình mỗi tháng, Doanh nghiệp Quang Lịch vận chuyển 3 container hàng, nặng 45 tấn, ra cảng Hải Phòng.
Mặc dù giá nguyên liệu và vận chuyển tăng do cạnh tranh với nhiều doanh nghiệp khác, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Quang Lịch vẫn giữ nguyên giá xuất khẩu đệm ghế cói ở mức 1 USD/sản phẩm, không những chất lượng sản phẩm không thay đổi mà anh Duật còn áp dụng nhiều cải tiến mới để sản phẩm được tốt hơn. Hiện nay, việc xây dựng các tổ liên kết sản xuất của Doanh nghiệp tư nhân Quang Lịch chủ yếu mang tính tự phát, với hơn 10 tổ sản xuất thu hút trên 1.000 lao động vệ tinh tại các xã lân cận. Các tổ sản xuất này vẫn dựa trên yếu tố "con đẻ" của làng nghề, tức là khi có người trong làng nghề chuyển đến địa phương khác sinh sống, Doanh nghiệp dựa vào người đó để xây dựng và tổ chức nhóm sản xuất gia công. Điều này khiến việc thu hút thêm lao động vệ tinh còn hạn chế không chỉ đối với nghề thủ công đệm cói nói riêng, mà cũng là khó khăn chung của các nghề thủ công truyền thống khác.
Anh Nguyễn Tiến Duật cho rằng: Trong thời gian tới, để khắc phục khó khăn giúp phát triển các làng nghề, sản xuất bền vững, cần chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu ổn định và cũng cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền địa phương trong việc dạy nghề, phát triển hạ tầng giao thông. Anh cũng kỳ vọng sản phẩm đệm ghế cói Quang Lịch sẽ được công nhận là sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường không chỉ ở châu Âu mà tới nhiều quốc gia trên thế giới, từ đó tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Đây có lẽ không chỉ là tâm nguyện của riêng anh Nguyễn Tiến Duật, mà cũng là mong muốn chung của những người con làng nghề truyền thống hướng đến: gìn giữ và phát huy tinh hoa của nghề, giúp cho nghề của cha ông để lại thêm phần rạng rỡ; đồng thời tôn vinh sự khéo léo của các nghệ nhân./.