Lối thoát nào cho khủng hoảng của viễn thông châu Âu?
Diễn đàn - Ngày đăng : 07:01, 14/08/2024
Lối thoát nào cho khủng hoảng của viễn thông châu Âu?
Lĩnh vực viễn thông châu Âu đang trải qua một giai đoạn khó khăn hơn bao giờ hết và việc cắt giảm chi phí vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Đầu năm nay, báo cáo "Tình hình truyền thông kỹ thuật số năm 2024" do Hiệp hội các nhà khai thác mạng viễn thông châu Âu (ETNO) công bố: Ngành viễn thông của châu Âu đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể về đổi mới, đầu tư và khả năng cạnh tranh. ETNO nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về chính sách viễn thông khi ngành này đang chờ đợi "Gói kết nối trên cơ sở hạ tầng kỹ thuật số" mới của Ủy ban châu Âu.
Báo cáo cho thấy sự thiếu tiến triển trong việc áp dụng các công nghệ tiên tiến như 5G độc lập (5G SA), Open RAN và đám mây biên. Châu Âu tụt hậu so với cả châu Á và Bắc Mỹ trong các lĩnh vực này.
Mặc dù 80% dân số châu Âu đã phủ sóng 5G vào năm 2023, nhưng vẫn tụt hậu so với các quốc gia như Hàn Quốc và Mỹ có phạm vi phủ sóng 98%. Về vùng phủ gigabit trong các mạng cố định, châu Âu đạt 79,5%, thấp hơn Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, châu Âu đã đạt được tiến bộ trong phạm vi phủ FTTH, với 63,4% dân số có quyền truy cập vào năm 2023, tăng từ 55,6%.
Sau khi ký hợp đồng với hầu hết người dùng về dịch vụ điện thoại di động và băng thông rộng, các nhà khai thác viễn thông dường như đã đi đến hồi kết của câu chuyện tăng trưởng mà chưa tìm thấy thấy cơ hội nào khác. Giá cả tiếp tục giảm ở các thị trường siêu cạnh tranh của khu vực và các cơ quan quản lý phần lớn đều phản đối việc hợp nhất. Luật pháp quốc gia buộc các tập đoàn viễn thông lớn như Vodafone phải duy trì các hệ thống dành riêng cho từng quốc gia trong khi một mạng lưới lõi cho toàn lục địa sẽ tiết kiệm hơn nhiều. Các tập đoàn viễn thông phàn nàn rằng điều đó ngăn cản họ đạt được quy mô như các công ty Trung Quốc hoặc Mỹ.
Việc vội vã áp dụng biểu giá cước "ăn thả ga" (all you can eat tarriffs) cũng có nghĩa là doanh thu không tăng theo mức sử dụng, ngay cả khi chi phí tăng. Đây là vấn đề vượt ra ngoài biên giới châu Âu. Jeremy Legg, Giám đốc công nghệ của nhà mạng AT&T tại Mỹ, cho biết tại một sự kiện gần đây: "Một điều tôi muốn nói là ngành viễn thông trước đây đã có những mô hình kinh doanh "ăn thả ga" này và tôi nghĩ thế giới đang chuyển dịch nhiều hơn sang các mô hình kinh doanh dựa trên mức tiêu thụ so với các mô hình kinh doanh "ăn thả ga" và vì vậy, chúng ta sẽ phải thích ứng".
Nhưng việc đó sẽ dẫn tới những khó khăn và rủi ro. Tốc độ tăng trưởng lưu lượng dữ liệu đã chậm lại và William Webb, một nhà phân tích độc lập, dự báo đường cong sẽ phẳng vào năm 2027. Ông cho rằng với những cải tiến trong công nghệ nén video, lưu lượng thậm chí có thể giảm trong tương lai. Các công ty viễn thông tính phí theo gigabyte sẽ gặp khó khăn.
Đừng gọi viễn thông là ngành dịch vụ công cộng (utility)
Sự thành công của Amazon, Google, Microsoft và những công ty tương tự đã khiến Internet trở nên phổ biến trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Các công ty viễn thông, với tư cách là cổng vào Internet, đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Cổng vào này đảm bảo cho các công ty viễn thông một nguồn doanh thu ổn định.
Tuy nhiên, việc so sánh với các ngành dịch vụ công cộng quan trọng tương tự như nhà cung cấp nước và năng lượng, lại mang đến những hàm ý tiêu cực cho các ông chủ công ty viễn thông cùng với các cổ đông và nhà cung cấp của họ. Không có tăng trưởng, nhiều ngành dịch vụ đang trong tình trạng tồi tệ và phải vật lộn để đầu tư cho những cải tiến. Ngược lại, các công ty viễn thông đã chi hàng tỷ USD cho cơ sở hạ tầng mạng tốc độ cao hơn và phổ tần để cung cấp dịch vụ.
Theo dữ liệu từ ETNO, vào năm 2022, lần đầu tiên sau nhiều năm lợi nhuận trên vốn sử dụng (ROCE) của các nhà khai thác châu Âu đã giảm xuống dưới chi phí vốn trung bình có trọng số. Bình luận về điều đó trong một báo cáo, năm ngoái Deloitte đã cảnh báo rằng "sự suy giảm dần dần trong lợi nhuận trên vốn đầu tư của ngành có thể sớm rơi tự do".
Tất cả dường như báo hiệu thảm họa cho các nhà cung cấp như Ericsson và Nokia. Mỗi năm, các nhà cung cấp thiết bị Bắc Âu “bơm” khoảng 9,5 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Phần lớn số tiền đó được dành cho công nghệ mạng, chủ yếu là di động. Các công ty viễn thông thường phải loại bỏ các công nghệ cũ và nâng cấp lên thế hệ mới nhất, một chu kỳ làm mới diễn ra khoảng một lần mỗi thập kỷ, mặc dù chỉ trong một vài thế hệ. Hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy chu kỳ nâng cấp này bị phá vỡ giữa chừng khi triển khai 5G.
Đầu tiên, ROCE, tình trạng dư thừa năng lực và diễn biến lưu lượng được Deloitte, Webb và các công ty khác nhận định trùng với việc cắt giảm chi tiêu vốn trên toàn ngành. Chi tiêu của "5 công ty lớn" của châu Âu (Deutsche Telekom, Orange, Telecom Italia, Telefónica và Vodafone) đã giảm từ hơn 49 tỷ USD vào năm 2022 xuống còn khoảng 43,1 tỷ USD vào năm ngoái, theo tỷ giá hối đoái hiện tại. Sự sụt giảm này và sự sụt giảm song song ở Bắc Mỹ, do tình trạng tích trữ viễn thông (Telco stockpiling) trước đó, đã làm giảm doanh thu của cả Ericsson và Nokia, hai công ty đã phản ứng bằng cách cắt giảm hàng nghìn việc làm. Nhiều đợt cắt giảm khác đang được lên kế hoạch.
Bên cạnh việc triển khai 5G đang tạm dừng, các công ty viễn thông lớn của châu Âu cũng tỏ ra không mấy hứng thú với 6G. Một bài báo từ liên minh Mạng di động thế hệ tiếp theo (NGMN) cho biết "6G không nhất thiết phải kích hoạt việc làm mới phần cứng của cơ sở hạ tầng RAN 5G", mà cần "nâng cấp tính năng dựa trên phần mềm của các thành phần mạng hiện có".
Không có sự nâng cấp theo chu kỳ
Börje Ekholm, CEO của Ericsson, cho biết tại hội nghị báo cáo tài chính quý 2 gần đây của công ty: "Nếu chúng ta không thể tạo ra doanh thu bổ sung từ các tính năng của mạng, thì rất khó để biện minh cho các khoản đầu tư trong tương lai vào các thế hệ sau".
Ericsson và các bên liên quan khác đang cố gắng để tìm kiếm nguồn thu từ 5G bằng cách tiếp cận các nhà phát triển phần mềm. Kế hoạch là sử dụng các giao diện lập trình ứng dụng (API) theo tiêu chuẩn công nghiệp để giới thiệu các tính năng 5G cho các nhà phát triển. Nếu mọi việc suôn sẻ, các ứng dụng mới sẽ không thể triển khai nếu không có 5G.
Doanh thu chắc chắn sẽ đến từ các nhà phát triển truy cập vào các API đó và thuê bao 5G trả tiền để nâng cao chất lượng dịch vụ.
Các nhà phân tích không bị thuyết phục bởi điều đó. Analysys Mason, một công ty tư vấn và phân tích, dường như nằm trong số những tổ chức hoài nghi. Vào cuối thập kỷ này, cường độ sử dụng vốn (chi tiêu theo tỷ lệ phần trăm doanh số) sẽ giảm xuống còn 12% - 14% đối với các nhà khai thác lớn nhất thế giới từ mức khoảng 20% hiện nay, công ty cho biết trong một bài báo gần đây. Công ty cũng dự báo rằng sẽ "không có sự gia tăng theo chu kỳ" với 6G.
Tiên lượng rất ảm đạm trừ khi ngành viễn thông tạo ra một số đột phá. Bên cạnh việc cắt giảm chi phí vốn, các nhà khai thác đang loại bỏ những bộ phận mà họ từng cho là quan trọng về mặt chiến lược, bao gồm các lưu trữ thiết bị mạng di động. Telecom Italia đã tiến xa đến mức thoái vốn toàn bộ mạng lưới cố định của mình, một động thái sẽ cắt giảm gần 20.000 nhân viên, xuống còn 27.067 người. Năm 2012, công ty có số lượng nhân viên gấp 3 lần.
Sự rút lui của Big Tech
Microsoft gần đây đã cắt giảm hoạt động kinh doanh Azure cho các nhà khai thác sau khi gặp khó khăn trong việc giành được các hợp đồng. Nhà sản xuất chip Intel, công ty có chip silicon đa năng cung cấp năng lượng cho hầu hết các máy chủ trung tâm dữ liệu, mới đây cho biết sẽ cắt giảm 15% việc làm - một con số tương đương với hơn 18.000 việc làm, dựa trên các báo cáo tháng 12 - sau một loạt kết quả thảm hại. Các đơn vị không phải là chủ chốt thường chịu ảnh hưởng trong quá trình cắt giảm như vậy. Trong trường hợp của Intel, điều đó có thể có nghĩa là đơn vị viễn thông nhỏ. Đây sẽ là một bước lùi đối với các công ty viễn thông coi điện toán đa năng và đám mây là giải pháp cho các vấn đề về chi phí.
Có một quan điểm lạc quan cho tất cả những điều này, mặc dù có thể không dành cho người lao động bình thường. Số lượng nhân viên đã giảm đáng kể tại các công ty viễn thông lớn nhất thế giới bên ngoài châu Á trong thập kỷ qua với việc thuê ngoài việc làm, bán tài sản, tập trung vào hiệu quả và quá trình tự động hóa chậm chạp. Tại Mỹ, nơi việc sa thải nhân viên dễ dàng hơn, AT&T đã kết thúc tháng 6 với 146.000 nhân viên, giảm so với khoảng 280.000 vào năm 2017. Số lượng nhân viên của Verizon đã giảm từ 155.400 xuống còn 103.900 trong cùng kỳ. Tại Anh, BT cho rằng họ có thể kết thúc thập kỷ với khoảng 75.000 - 90.000 nhân viên, so với 130.000 vào năm ngoái.
Những đợt cắt giảm mạnh như vậy, kết hợp với cường độ sử dụng vốn giảm mạnh, về mặt lý thuyết có thể thúc đẩy lợi nhuận lên cao hơn nhiều so với mức hiện nay. Nhưng nếu không có tăng trưởng doanh thu cũng như hợp nhất, thì sự cạnh tranh gay gắt vốn là đặc trưng của ngành công nghiệp châu Âu có thể nhanh chóng làm xói mòn những lợi nhuận đó. Và nếu chu kỳ nâng cấp mạng lưới kéo dài từ 10 năm lên 15 hoặc thậm chí 20 năm, như một số nhà phân tích đã phỏng đoán, các nhà cung cấp thiết bị của khu vực sẽ rơi vào tình trạng khó khăn. Đối với một số CEO, đây là một nguy cơ đáng sợ./.